søndag 1. desember 2013

Việt Nam Chưa Có “Văn Hóa Từ Chức”


Tai nạn giao thông xảy ra hằng ngày trên đất nước này, có nhiều vụ số người chết và bị thương nhiều hơn ở cầu Ghềnh. Nhưng vụ xe lửa lùa ôtô ở cầu Ghềnh nghiêm trọng bởi tính vấn đề của nó, đó là vấn đề tầm nhìn và trách nhiệm của ngành giao thông vận tải.

Những chiếc cầu kiểu đường sắt cùng lưu thông với các phương tiện đường bộ do Pháp xây dựng cách đây trên 100 năm. Vào thời điểm đó, phương tiện lưu thông trên cầu là các loại xe cơ giới thô sơ, rất ít ôtô, lượng phương tiện tham gia giao thông rất thấp, tính an toàn vẫn được đảm bảo. Nhưng những chiếc cầu loại này đã quá lạc hậu không phải hôm nay, mà từ mấy chục năm qua. Dân số bùng nổ, phương tiện giao thông bùng nổ. Ùn tắc giao thông trên một đoạn đường hoặc cây cầu bình thường chỉ mất thời gian, người dân cực khổ, nhưng ùn tắc giao thông trên cầu có đường xe lửa là giết người hàng loạt.

Không chỉ vô tâm nhìn dân chúng đánh cược với mạng sống của mình mỗi khi đi qua các chiếc cầu loại này, ngành đường sắt còn sử dụng hệ thống đèn tín hiệu cổ lỗ nhất thế giới. Trong thời đại công nghệ thông tin, sự ù lỳ đó không phải đáng trách, mà là đáng lên án. Trong vụ tai nạn cầu Ghềnh, hệ thống đèn tín hiệu lạc hậu là một phần nguyên nhân xảy ra thảm họa.

Các vị lãnh đạo ngành giao thông lo các việc vĩ đại như xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam với số tiền khổng lồ, mà quên rằng dân chúng đang sống chung với những hiểm nguy khi đi qua những chiếc cầu xe lửa đi chung với các phương tiện giao thông khác và hơn 6.000 điểm giao cắt đường bộ và đường sắt khác. Trước khi làm những việc to tát đó, dân chúng xin các vị hãy làm những việc sát sườn với đời sống của dân nhất, đó là tổ chức giao thông hợp lý, xây dựng thêm cầu vượt ở các giao cắt nguy hiểm, xây cầu đường bộ song hành tách các phương tiện giao thông khác ra khỏi cầu đường sắt.

Vụ tai nạn giao thông tại cầu Ghềnh là điển hình về sự thiếu tầm nhìn và hạn chế năng lực của ngành giao thông vận tải, nhưng không thấy bất cứ một vị lãnh đạo nào của ngành này đứng ra xin lỗi nhân dân, chịu trách nhiệm về những cái chết của người dân vô tội. Mới đây nhất, tháng 12.2010 tại Scotland, ông Bộ trưởng Giao thông Vận tải nước này từ chức vì đã không giải quyết tốt thiên tai bão tuyết, để hàng trăm ôtô bị kẹt. Ở nước mình, mấy chục người dân bị xe lửa lùa chết và bị thương nhưng không ai từ chức.
Để cho những chiếc cầu lạc hậu tồn tại dẫn đến thảm họa mà chiếc ghế quan chức không mảy may suy suyển thì nước còn nghèo, dân còn khổ.

Lê Thanh Phong.

Ingen kommentarer: