Muốn gần dân hơn thì các đại biểu của dân và những đày tớ của dân có lẽ nên thường xuyên đi xe buýt.
1. Vào mỗi sáng đi làm, ta thường thấy ở
trạm xe buýt là những gương mặt mệt mỏi tay ôm cặp, ôm túi, đầu đội mũ
hoặc không đội mũ, có hoặc không đeo khẩu trang, nhẫn nại chờ đợi chuyến
xe của mình. Đa phần họ là sinh viên và người lao động nghèo.
Rồi chiếc xe cũng tới, thường là đã chật
ních, ngả nghiêng xiêu vẹo như muốn lộn nhào trên đường sau mỗi pha đánh
võng. Không sao, họ đã quá quen với điều đó, cũng như quen với việc
phải nhanh chóng chen lấn để lên xe. Một cảnh tượng lộn xộn vì không một
ai muốn chờ chuyến sau. Ai dám chắc nó sẽ tới đúng như qui định và có
chắc là sẽ bớt đông hơn?
Giờ cao điểm. Đường đông đúc. Mới sáng
ngày ra đã tắc. Thật xui xẻo khi phải nhích từng mét cùng với một chiếc
xe buýt “say rượu” nhả khói mịt mù. Mình phải vê ga chật vật nhích từng
mét đường, còn những hành khách trên xe buýt thì…ngó xuống nhìn. Những
người ở dưới biết điều đó và không nhìn lên. Từ lâu, ra đường, người
Việt học cách tránh nhìn vào mắt nhau.
2. Đến cơ quan, mở Facebook ngỡ ngàng đọc
status của Nguyễn Ngọc Long – một nhà truyền thông xã hội trẻ, viết
rằng “Nhìn một chiếc xe buýt cũng có thể biến bạn trở thành một người vĩ
đại”. Dòng cảm nghĩ viết vội lúc Long ngồi sau lưng bác xe ôm, sau khi
bắt gặp ánh mắt của một bạn sinh viên bị ép vào cửa kính giữa tiết trời
lạnh giá, khắc khoải nhìn dòng đời qua lại, mặc những xô đẩy bức bối ở
xung quanh.
Bạn sinh viên ấy đang nghĩ gì? Mơ về một
chiếc xe máy trong tương lai hay đang lo lắng cho ba mẹ ở quê nghèo rét
mướt? Cũng có thể bạn ấy đang tự nhủ phải nỗ lực học tập để thoát khỏi
cảnh khốn khổ hiện tại.
Những ánh mắt khắc khoải như thế có thể
bắt gặp đầy rẫy trong cuộc đời này. Đó có thể là những người dân miền
Trung tái nghèo, bỗng dưng trắng tay vì thuỷ điện xả lũ “đúng qui
trình”, là những người nông dân “chưa mất đất” với điệp khúc “được mùa
mất giá”, là những gia đình bỗng chốc khiếm khuyết bởi có thành viên
sáng ra khỏi nhà, chiều không về nữa vì nhiều bất trắc trong đó có tai
nạn giao thông. Nhưng có mấy ai thực sự bận tâm về những chuyện đó vì họ
còn có nhiều nỗi lo cho bản thân.
Chỉ lo cho bản thân thì bạn có thể đạt
được “thành công” cho riêng bạn, nhưng để “thành nhân” thì phải biết
nhìn vào những đôi mắt ấy!
Liệu một ngày đẹp trời, có ai đó ngồi
ngắm những chuyến xe buýt theo cách của Nguyễn Ngọc Long rồi đặt ra cho
mình những kế hoạch “vác tù và hàng tổng” kiểu như: Làm giàu, kiếm thật
nhiều tiền rồi thành lập những tuyến xe buýt văn minh, phục vụ miễn phí
sinh viên và người nghèo; Lập kế hoạch vận động chính sách, hay xin tài
trợ từ các tổ chức Phi chính phủ để giáo dục văn hóa giao thông công
cộng; Kêu gọi các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội và lấy kinh
phí để thực hiện giảm tải cho các cung đường nóng…? Long quả quyết rằng,
ai đó nhìn những chiếc xe buýt, vạch ra và quyết tâm thực hiện được
những kế hoạch đó chắc chắn phải trở thành vĩ nhân.
3. Mở những tờ báo giấy ra và đọc lướt
các đầu tít, có thể cảm nhận thấy ta đang sống trong những ngày trọng
đại với những sự kiện trọng đại có tính bước ngoặt mà sau này sẽ còn
được nhắc đến. Nhưng không hiểu sao, trong đầu tôi cứ luẩn quẩn câu
chuyện của Long rằng “không quá khó để trở nên vĩ đại”, rằng ở một đất
nước mà nhìn đâu cũng thấy những bất cập như Việt Nam thì nhẽ ra phải có
nhiều người “thành nhân”.
Nhìn lại lịch sử đất nước, những bậc anh
hùng, người hiền tài của dân tộc thường xuất hiện khi cả nước, trên,
dưới đồng lòng chống giặc ngoại xâm. Đó là thời của “ra ngõ gặp anh
hùng”.
Còn thời nay, như một vị đại biểu quốc
hội nói rằng, dân bất an vì ra ngõ là gặp tội phạm và kẻ cướp. Sao lại
có sự ngược đời đến thế!
Chẳng cần phải nói về làm anh hùng hay
người hiền tài, mà chỉ đơn giản là làm người ngay thẳng và tử tế bây giờ
thật khó. Bạn có “trót” phát biểu thẳng thắn và đấu tranh vì lẽ phải
trong một cuộc họp thì lập tức sau đó, những người thân thiết của bạn sẽ
nói rằng bạn ngốc nghếch và ra sức can ngăn vì lo sợ những khó khăn mà
bạn sẽ phải đương đầu.
4. Nhân chuyện xe buýt lại nhớ đến câu
chuyện Bộ trưởng Giao thông Singapo Lui Tuck Yew vẫn ngày ngày đi làm
bằng xe buýt chứ không phải đi “trình diễn” một lần để báo chí rầm rộ
đưa tin. Ông đi một mình, giản dị như bao người dân khác. Những lúc xe
đông người, ông cũng đứng như bao hành khách, không chút trịnh thượng.
Cuối năm, nhiều bạn bè tung ảnh cưới lên
Facebook. Đó là những tấm hình hao hao giống nhau vì cùng là bộ đồng
phục cô dâu chú rể, cùng chụp ở những bối cảnh giống nhau, nào studio,
Nhà hát Lớn, trước cửa khách sạn 5 sao, nhìn xa hoa lắm cho dù sau đó họ
sẽ về ở chật vật trong căn hộ đi thuê vài ba chục mét vuông.
Có lẽ vì thế mà tấm ảnh cưới của một cậu
đồng nghiệp chụp ở một trạm xe buýt khiến tôi thấy thú vị vô cùng. Khiến
ta tưởng tượng về một cuộc gặp gỡ ở một trạm xe buýt, rằng họ đã từng
ngồi đó, gặp nhau ánh mắt, trao nhau niềm tin, rồi nên duyên.
Chẳng biết đã có ai đi đón dâu bằng xe
buýt không nhỉ. Nhưng tôi dám chắc chưa có quan chức nào ở Việt Nam chọn
xe buýt làm phương tiện đi lại thường xuyên. Gần đây mới thấy có kêu
gọi các quan chức đi máy bay bằng vé giá rẻ để vừa tiết kiệm ngân sách
lại vừa gần dân hơn. Muốn gần dân hơn thì các đại biểu của dân và những
đày tớ của dân có lẽ nên thường xuyên đi xe buýt.
Hãy gần dân hơn và học cách nhìn vào ánh mắt của họ./.
Mỹ Trà.
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar