fredag 20. desember 2013

Từ Nam Phi Nghĩ Ðến Việt Nam


Họ không có tư cách để vinh danh nhân vật lịch sử Nelson Mandela.

Trong mấy ngày vừa qua, từ La Havane đến Caracas, từ Hà Nội đến Bắc Kinh và tại một số lớn thủ đô châu Phi, lắm kẻ cầm quyền và cơ sở truyền thông họ sở hữu hoặc kiểm soát, tranh nhau tuyên xưng mình là bạn, là người đồng hành, đồng chí hướng với cố Tổng thống Nelson Mandela. 

Trên thực tế, có đúng như vậy không? Ông Nelson Mandela là một ngọn hải đăng không bao giờ tắt trong những đêm đen mùa biển động của nhân loại. Ông vốn là một luật sư Nhân Quyền và là một nhà tranh đấu chống chế độ kỳ thị chủng tộc Apartheid ở Nam Phi (1948-1991). Ông đã dấn thân, bất chấp tù đày, hy sinh cho lý tưởng tự do, dân chủ, bình đẳng và hiếu hòa, tương thân tương ái, một xã hội Nam Phi không còn thù hận, bạo hành và áp bức. 

Trái ngược với Nelson Mandela, những lãnh tụ độc tài chuyên chế thường mượn chiêu bài giải phóng dân tộc để cướp lấy quyền lực quốc gia, thủ lợi bất chính cho cá nhân và phe đảng. Họ lại là những con người dường như vô cảm, được nuôi dưỡng bằng chủ nghĩa thù hận đời đời kiếp kiếp. Họ không hề biết thế nào là lòng nhân ái, sự bao dung, nếp sống hòa hợp, thuận thảo và nhiễu điều phủ lấy giá gương. Việt Nam thân yêu của chúng ta chẳng may là một thí dụ tiêu biểu nổi bật nhứt. Hãy nhìn xem cách đảng cộng sản Việt Nam đối xử tàn ác, bất nhân với đồng bào miền Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tồi tệ, kinh khiếp hơn cả thời phong kiến thực dân. Rồi mấy thập niên tiếp theo, đối với những người yêu nước thương dân, bất đồng chính kiến, những người chỉ sử dụng ngòi bút và tiếng nói chống lại sự bất công xã hội, sự áp bức bốc lột của một đảng cộng sản độc quyền tham nhũng, và sự đồng lõa nín câm của kẻ cầm quyền trước đại họa mất nước.
           
Hòa bình chân chính vẫn chưa đến sau cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài hai mươi năm từ khi quê hương bị chia cắt, lấy sông Bến Hải làm giới tuyến. Một cuộc chiến vô cùng dã man và bất công đã ám sát chế độ tự do dân chủ và nhân bản ở Miền Nam, dù còn non trẻ nhưng đầy hứa hẹn tương lai. Chạy trốn cộng sản và đi tìm tự do cùng tình người, hàng triệu đồng bào tị nạn bằng thuyền nhỏ đã bị thảm sát hay mất tích trên biển Đông, trong vịnh Thái Lan, ngoài khơi Mã Lai Á và các biển vùng Á Châu Thái Bình Dương. Thủ phạm đầu tiên của tấn đại thảm kịch đầy máu và nước mắt đó phải kể là những lãnh tụ cộng sản, từ Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẫn đến nhóm hậu sinh, với một khuynh hướng mới ló dạng ‘’cha truyền con nối’’ kiểu Kim Nhựt Thành, Cộng sản Bắc Hàn. Họ không phải là đoàn Vệ Quốc Quân hay anh em sinh viên, văn nghệ sĩ, trí thức bỏ Hà Nội đi vào chiến khu Việt Bắc chỉ vì lòng yêu nước. 

Họ bây giờ là nhóm cầm đầu  đạo quân bản xứ đi tiên phong trong cuộc đại viễn chinh để bành trướng lãnh thổ của đế quốc cộng sản. Cho nên dân tộc còn phải gánh đại khổ nạn cộng sản đang hóa thân thành ra tư bản đỏ. Kể sao cho hết những người dân Việt Nam bị chế độ buộc tội là thù nghịch, phản động, thuộc đủ mọi giới tính, tuổi tác và giai từng xã hội. Chân mang xích xiềng, bị tra tấn, biệt giam, bỏ đói và đau ốm nặng không thuốc men, không được gia đình chăm sóc, nhiều nạn nhân vô tội đã chết cô đơn trong địa ngục cộng sản. Ai còn chút lương tri có thể nào quên được tình cảnh đồng bào cả nước bị chà đạp nhân phẩm, lao công thay vì hàng hóa xuất khẩu, trẻ con và phụ nữ bị rao bán và lưu đày làm thân nô lệ, dân oan và thanh niên nam nữ, sinh viên bênh vực Nhân Quyền bị hành hung, đánh đập tàn nhẫn giữa ban ngày tại Hà Nội và Sài Gòn bị tạm chiếm.
          
Rồi nạn ngoại xâm dưới mọi hình thức, từ đe dọa, áp lực, trải biển người và hàng lậu bao vây, lũng đoạn kinh tế, thu tóm tài nguyên, đầu độc văn hóa (sắp được tăng cường với Học viện Khổng Tử tại đại học Hà Nội). Từ lâu, là hung thần đối với ngư dân Việt Nam, giặc xuất quân từ một ‘’nước lạ’’ mà mọi người dân Việt Nam đều biết là Trung Cộng, chiếm dần lãnh thổ, lãnh hải bao gồm trước nhứt các quần đảo Hoàng Sa Trường Sa và vùng trời quê hương chúng ta. Không, nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội không có một chút tư cách nào để vinh danh nhân vật lịch sử Nelson Mandela. Dễ hiểu bởi vì họ không phải là bạn, là người đồng hành, đồng chí hướng của ông. Đừng nói xa gần đến việc họ muốn được mời ngồi bên cạnh một vị khôi nguyên Nobel Hòa Bình rất xứng đáng. Chỉ có Nelson Mandela mới thật sự là lãnh tụ đức hạnh, liêm sĩ, biết dung thứ và khiêm nhường. 

Một chiến sĩ Dân Quyền và Nhân Quyền xuất sắc mà nhân dân Nam Phi và nhiều nước trên thế giới yêu mến, quý trọng và ngưỡng mộ. Đến bao giờ thì những kẻ đang nắm giữ quyền thế bất chính, bất nhân và bất nghĩa ở Việt Nam chịu tự vấn lương tâm, bắt đầu biết hổ thẹn, thật sự ăn năn, hối cãi, và dám cúi đầu nhìn nhận tội lỗi trước đồng bào của họ. Chừng nào mà họ vẫn cố tình áp đặt lên nhân dân cái gọi là nhà nước ‘’Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’’ với một đảng cộng sản vong thân, độc chiếm quyền lực và sở hữu tài nguyên của đất nước thì chế độ của họ chỉ sống sót qua ngày bằng dối trá, ngu dân và bạo lực. Không, ngụy quyền cộng sản Hà Nội không phải là một chính quyền của Dân, bởi Dân và vì Dân. 

Bài thơ Nam Phi của một nhà thơ ở Miền Nam Việt Nam Tự Do đã được viết hồi năm 1959. Tính ra là ba năm trước khi ông Nelson Mandela bị bắt (năm 1962) rồi bị kết án tù chung thân khổ sai (năm 1964). Sau khi ông Nelson Mandela qua đời và được toàn cầu vinh danh, các văn thi hữu Văn Bút Nam Phi* đã đọc lại bài thơ Nam Phi vào dịp cử hành Ngày Quốc Tế Nhân Quyền. 

Các văn thi hữu Nam Phi đã cảm ơn tác giả bài thơ Việt Nam tị nạn cộng sản. Nhà thơ vô danh đó, 54 năm trước, dù chưa hề đặt chân đến quê hương của Nelson Mandela, ở cách xa gần 10 ngàn cây số đường chim bay, cũng đã dùng ngòi bút viết ra và nói lên nỗi bất bình và bày tỏ niềm hy vọng của một dân tộc bất hạnh đang tranh đấu đòi lại Tự Do, Nhân Phẩm, Dân Quyền và Nhân Quyền. Bài thơ Nam Phi chỉ có thể được ra đời và phổ biến không qua một sự kiểm duyệt nào tại Việt Nam Cộng Hòa, trên nửa phần đất nước chưa bị cộng sản quốc tế chiếm đóng, từ bờ phía nam cầu Hiền Lương đến mũi Cà Mau. 

Sau khi được in trong tập thơ Hy Vọng năm 1961, bài thơ Nam Phi, dù chưa được dịch ra ngoại ngữ, cũng đã được bạn hữu ngoại quốc của tác giả tiếp đón tại Nhựt, Thái Lan, Đại Hàn, Tích Lan, Phi Luật Tân, Ấn Độ, Hồi Quốc, Nam Dương, Hương Cảng, Tân Gia Ba, Cao Miên, Do Thái, Liban, Hy Lạp, Úc, Ai Cập, Tunisie, Maroc, Algérie, Rhodésie, Côte d’Ivoire, Kenya, Tanganyika, Ý, Tây Ban Nha, Áo, Thụy Sĩ, Anh, Hòa Lan, Ái Nhĩ Lan, Pháp, Bỉ, Tây Bá Linh, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Tây Đức, Hoa Kỳ, Jamaïque và Argentine. 

Bộ ngực chứa sương mù
Miền Nam Phi bao la
Trời là biển mây tang
Chim bay vào ngõ tối.

Chó sói và con người
Không còn hiềm khích nhau
Lúa mì nuôi bò cái
Bò cái nuôi hổ đói.

Sữa vắt ra màu đỏ
Sữa nhểu giọt mồ hôi
Sữa hòa dòng nước mắt
Sữa pha chất bùn lầy.

Tiếng hát buồn thế kỷ
Thoát ra khỏi nhà giam
Vượt lên nóc giáo đường
Bão rớt đầy mặt đất.

Người đàn ông gào thét
Người đàn bà vỗ về
Bàn tay đen chảy máu
Trẻ con đua nhau la.

Trăng sao nhìn mắc cỡ
Mặt trời khóc hổ ngươi
Xin cho một đóm lửa
Soi sáng đời tối tăm.

Dù da tôi màu vàng
Dù da anh màu trắng
Dù da chị màu đen
Người nào không trái tim ?
(Sài Gòn 1959)

Nguyên Hoàng Bảo Việt.

**********************************
Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thuỵ Sĩ
Ligue Vietnamienne des Droits de l’Homme en Suisse
Vietnamese League for Human Rights in Switzerland


Ingen kommentarer: