onsdag 16. desember 2009

Phóng Sự: Lao Ðộng (Phần cuối)

Phóng Sự: Lao Ðộng (Phần 2)

Phóng Sự: Lao Ðộng (Phần 1)

Mùa Từ Thiện

Mùa Từ Thiện.

Luật lệ Việt Nam quy định một cách rõ ràng rằng vấn đề cứu trợ tại Việt Nam do Ban cứu trợ phụ trách. Ban này có đầy đủ các cơ quan: Hội Chữ thập đỏ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão... nhưng Mặt Trận Tố quốc làm trưởng ban.

Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 của Chính phủ và Thông tư số 72/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính: "Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương qui định tại khoản 1, điều ;

- (những cơ quan này, tác giả chú thích) được tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ các địa phương, các nạn nhân, gia đình của nạn nhân bị thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng;

- (nhưng những cơ quan này, tác giả chú thích) không tổ chức phân phối tiền, hàng cho các địa phương, cá nhân (trừ những khoản tiền hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo địa chỉ);

- (những cơ quan này, tác giả chú thích) thực hiện giao nộp các khoản đóng góp cho ban cứu trợ cùng cấp".

Đọc Thông Tư này chúng ta biết rõ Trịnh Hội gây quỹ về giao lại cho Mặt Trận để MT quyết định vấn đề phân phối. Điều đó có nghĩa là TH làm kinh tài cho Mặt Trận dưới chiêu bài từ thiện.
Từ thiện VN. Vấn đề phức tạp. Đồng ý máu chảy ruột mềm. Mọi người trong chúng ta ai cũng có thân nhân cần giúp đỡ. Gíúp đỡ gia đình, giúp đỡ từng cá nhân đơn chiếc trong tình nghĩa đồng bào, vấn đề đó không có gì sai trật. Tuy nhiên tổ chức rầm rộ, nghĩa là làm kinh tài, bởi vì không thể mang số tiền hàng chục ngàn Mỹ kim mà không khai báo và làm từ thiện chui được, thì hoàn toàn không nên.

Một vấn đề khác chúng ta nên nhớ. Cho dù Trịnh Hội hay Leyna Nguyễn, hay Nam Lộc, dù có đầu thai trăm kiếp nữa cũng không thể nào cứu giúp hết những người đau khổ tại Việt Nam. Tuy nhiên Trịnh Hội, Leyna Nguyễn, và Nam Lộc, với sự trợ giúp của người Việt hải ngoại, nhiều tay sẽ vỗ nên bộp, sẽ giúp VN giải quyết vấn đề tệ nạn một cách hiệu quả và triệt để, chúng ta cần giúp và hướng dẫn bà con trong nước nên biết cách gỏ cửa các cơ quan hữu trách trong nước, gỏ cửa các nhà tư bản đỏ trong nước, gỏ cửa các nhà từ thiện và triệu phú trong nước, đồng thời giúp VN cải tổ hệ thống cứu trợ, tăng cường việc sử dụng hiệu quả trên 20 tỷ viện trợ nhân đạo (8 tỷ của CĐNV hải ngoại, 10 tỷ do 500.000 người Việt du lịch về nước mỗi năm, và ít nhất 3 tỷ viện trợ quốc tế), khi ấy phúc lợi xã hội tăng lên, tệ nạn xã hội được loại trừ. Đó chính là việc làm tận gốc. Bằng khác đi, lạc quyên, Đại Nhạc Hội gây quỹ, bòn phước bằng con đường từ thiện rĩ tai, ... chỉ là giải quyết ngọn, không giải quyết gốc. Chỉ là làm phước để hối lộ một chỗ trên thiên đàng hay mua một sự nghiệp giàu sang cho kiếp sau. Chỉ là ghiền thấy mình trở thành Bồ tát cứu khổn phò nguy mà thực chất là thoả mãn một cảm giác khao khát đầy kịch tính khi kêu gào khóc lóc trên sân khấu để thụ hưởng giây phút ngây ngất giữa tiếng vỗ tay nứt rạp.

Hãy làm từ thiện một cách khôn ngoan. Đừng để Nghị quyết 36 và những con quỷ đỏ với túi tham không đáy nuốt trọn 20 tỷ viện trợ mỗi năm tuồn ra các ngân hàng ở nước ngoài để rồi 87 triệu dân cứ mãi sống kiếp nô lệ, học trò từ mẫu giáo đến đại học đều phải đóng học phí, vào bệnh viện từ xã ấp tới trung ương đều phải trả tiền ngay cả khi cấp cứu. Hãy nên so sánh đơn giản, trước 1975, chỉ cần 700 triệu viện trợ mỗi năm, cả Miền nam ngoài việc gồng gánh chiến tranh, mọi người đều được miễn học phí đến hết đại học và vào bệnh viên không phải trả một đồng xu. Ngày nay 20 tỷ đô la Mỹ chảy vào nước mỗi năm, hàng chục năm rồi, tại sao dân vẫn cứ nghèo? Làm sao chấm dứt tình trạng này?
Hãy làm từ thiện một cách khôn ngoan. Hãy chuyển hướng những công tác từ thiện của mình. Hải ngoại còn những món nợ, những trách nhiệm, những nghĩa vụ của hải ngoại mà suốt 35 năm qua chúng ta chưa hề quan tâm đúng mức. Chúng ta không thể đóng vai trò bò sữa cho VN hết thế kỷ này đến thế kỷ khác, không thể bòn rút của cải hải ngoại để vỗ béo 3 triệu đảng viên công an bộ đội để họ tiếp tục vai trò chủ nô đối với 84 triệu người còn lại. Còn tệ hơn nữa, họ đang bán tháo bán đổ tài nguyên và dâng hiến lãnh thổ cha ông gìn giữ bằng xương máu cả mấy ngàn năm cho tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh để đổi lấy địa vị lãnh đạo độc tôn. Không bao lâu nữa Tổ quốc sẽ lâm vào tình trạng 1.000 năm nô lệ giặc Tàu lần thứ hai!

Đó là những điều cần tâm niệm và làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Đừng bao giờ nói rằng đó là chính trị hóa một vấn đề hoàn toàn nhân đạo để chạy theo cảm giác cá nhân, để lãnh cảm và thờ ơ với nổi khổ đau ngàn năm của dân tộc đang cận kề trong gang tấc. Đừng bao giờ nói rằng đó là chính trị hóa một vấn đề hoàn toàn nhân đạo để chạy theo cảm giác cá nhân, để lãnh cảm và thờ ơ với Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông, Nam Quan, Bản Giốc, Tây Nguyên, ... đang từng mảng được dâng vào tay giặc dưới danh nghĩa 16 chữ vàng hữu nghị.

Trần Đông.

Đi Ðường Cỏ - Bỏ Mạng Ðường Xa !

Đi Ðường Cỏ - Bỏ Mạng Ðường Xa !

Về tình trạng thê thảm, đau thương và nguy hiểm đến tánh mạng, có thể bị giết, bị hảm hiếp, của những đồng bào Việt Nam nhập cảnh bất hợp pháp, bị bỏ rơi, đang sống chui trong rừng tại Pháp.

“…Đã là thành phần nhập cư bất hợp pháp, cho dù đi bằng đường Cỏ, đường Bãi hay đường hàng không, số phận của họ đều gian nan và gặp nhiều thách đố như nhau…”

Vào lúc 16 giờ 30 chiều, ngày 22-11-2009, chúng tôi có mặt tại một khu rừng thuộc thành phố Grande Synthe, tỉnh Nord, vùng Nord-Pas de Calais, cực bắc nước Pháp. Khi ấy bầu trời đã ngả qua màu xám. Đứng ngoài bìa rừng gió thổi lất phất, vạt bào khua động phành phạch, cái lạnh khác thường của gió vàng, nó lùa đến xé da tuy chưa đến đông nhưng trong rừng đã có khí hậu khó chịu. Chân cứ bước theo gió vào rừng sâu như một nhân ngãi lủi thủi chiều tà không thấy hoàng hôn. Đường mòn khúc khuỷu, lắm bùn lầy lội, chân trước bước bám vào sình non, chân sau bị kéo lại dìm xuống sình già.
Đã vào rừng giờ khắc này thì bất chấp hiểm nguy, cho dù có gặp mafia lao động bất hợp pháp người Việt, Afghanistan, Iraq hay Czech… chúng tôi cũng không nhũn bước. Khi quyết định chọn khu vực này để làm phóng sự, chúng tôi chấp nhận tất cả.

Người Việt Nam trong khu rừng:
Vừa vào tới cửa rừng Grande Synthe, một thoáng rợn người hiện ra như để hù doạ những kẻ non gan. Chúng tôi vội vã rẽ qua con đường mòn nằm bên cánh rừng phía trái, đi hơn ba trăm thước thì thấy hiện ra trước mắt những túp lều sơ sài bằng nhựa vải màu xanh dương, nơi cư trú của những người Việt nhập cư bất hợp pháp. Cảnh sống của họ thật là xơ xác, vào lán phải đi qua một bãi sình lầy lớn, không khác gì bãi sình của đàn trâu khớp sừng chọi nhau.

Cũng may, chúng tôi gặp lại một số người trước đây ở khu rừng Téteghem cách đây không xa. Tay bắt mặt mừng và cùng nhau giới thiệu, việc sơ giao không cản trở khách chủ. Nhưng người tổ trưởng là một gã hướng dẫn đường Cỏ (thường gọi là Công an) của tổ chức đưa người lao động bất hợp pháp, không hài lòng về sự hiện diện của chúng tôi. Lập tức chúng tôi tìm mọi cách để tiếp cận và cho họ biết "đêm nay chúng tôi ở lại cùng nhảy xe với anh chị em".

Họ cùng ngó nhau rồi nói: "Quí cô chú không nhảy xe trong đêm nay được đâu, ở đây không phải là rừng Téteghem. Chúng cháu không bảo vệ được chính mình, thậm chí còn phải khom lưng, nhắm mắt trước người Czech để qua bãi xe! Bây chừ có đến hai người lạ mặt xuất hiện ở đây vào giờ này (17giờ) quả là khó cho chúng cháu, đề nghị quí cô chú bỏ ý định nhảy xe tối nay, nếu quí cô chú quyết định nhảy xe thì người Czech sẽ đánh và phá lán của chúng cháu".

Một người cao niên trạc tuổi hơn ngũ tuần cho biết: "Đó là lời chân thành. Tôi nghĩ rằng quí vị quá mạo hiểm. Tôi đã lỡ lầm đến rừng này hơn hai mươi ngày rồi, chứng kiến cảnh đời phức tạp, không đơn giản như xã hội bình thường và đã chứng kiến tính man rợ của người Czech, nhất là khi đối xử với phụ nữ một cách tàn bạo. Mỗi đêm các cô đi qua bãi xe tải thì phải mất (màu hồng) như vậy không biết bao nhiêu lần như thế? Người phụ nữ ở đây lắm gian truân, họ hy vọng đến được Anh Quốc mới biết sống còn từ hơi thở và vinh nhục cuối cùng! Còn nam giới thì bị chúng tuột quần để kiếm tiền, thậm chí còn bị đánh đập nữa. Tuy thấy người Czech chỉ có năm người nhưng khi đụng chuyện thì không biết từ đâu kéo đến hơn năm mươi người, họ bao vây chúng tôi không khác nào chuẩn bị chiến tranh. À, tôi nghe người ta nói những năm sau 1975 hải tặc Thái Lan hiếp dâm, cướp của giết người vượt biển, nhưng mà có lẽ ở đây cũng không thua gì cảnh khủng khiếp của người vượt biển năm xưa!".

Một thanh niên để tóc dài chấm phủ tai cho biết: "Có nhiều chuyện tranh chấp cũng do người Việt mình tranh giành xe tải, rồi nhờ người Czech thanh toán giùm, đó là nguyên nhân có hai người ở đây mất tích. Hiện nay chúng em không thể ứng phó được với người Czech, vì sợ đối đầu với họ tức vô tình tạo cớ cho cảnh sát Pháp đến bắt, bởi mình là người di cư bất hợp pháp, sống tạm trong rừng, cho nên có tật giật mình là vậy đó".

Một thanh niên ở rừng Téteghem, nay đến rừng Grande Synthe để đổi hướng đi, cho biết: "Chúng em bị bọn đi đường Bãi ăn hiếp cho nên khổ sở với người Czech đó ạ!".

Chúng tôi nghe những anh chị em trong rừng nói tiếng lóng đường Cỏ và đường Bãi nhưng chưa hình dung được lý lẽ của hai danh từ tiếng lóng trên, liền hỏi:

- Vậy thì em cho biết đường Cỏ và đường Bãi khác nhau ở điểm nào ?

- Thưa chú, khác nhiều lắm ạ. Tổ chức đi đường Cỏ giá rẻ chỉ 1.500 euro, khởi hành từ Việt Nam đến Trung Quốc rồi vào biên giới nước Nga bằng xe ô-tô và xe lửa; từ biên giới Nga đến Moscow phải trả thêm 2.500 euro nữa; từ Moscow đến rừng này phải trả 2.000 euro. Lộ trình này người ta đưa đi bằng xe thùng gỗ ở ngoài có lớp carton. Em đi đến đâu thì bên nhà phải trả tiền vay của ngân hàng đến đó. Họ tổ chức như vậy là để chia ra nhiều kỳ thế chấp, như hôm nay cầm sổ đỏ, ngày mai bán ruộng vườn và ngày kia v.v. Em và tất cả anh chị ở đây không biết đường dây tổ chức của họ. Mỗi chặng đường họ thay đổi người đưa đón và xe thùng, nói chung mỗi chặng đường họ thay đổi người mới. Họ chở em đến đây cũng vào một buổi chiều thế này, rồi bảo: "Đi theo bìa rừng sẽ có đồng hương tiếp đón". Trong lòng em chơ vơ và hồi hộp lắm! Ở đây cũng có kẻ trong tổ chức, với nhiệm vụ phân phát mỗi người 2 euro một ngày và liên lạc với tổ chức đưa người. Nếu em muốn đến Anh Quốc bằng đường Bãi thì phải trả đến 3.000 euro, nhà em hết tiền cho nên phải tự mình nhảy xe vận tải để vào Anh Quốc, có nhiều người cũng đi đường Cỏ mà phải trả khoảng 13.000 euro. Đường Bãi phải trả từ 15.000 euro đến 20.000 euro, khởi hành bằng máy bay từ Việt Nam đến nước Nga, rồi từ nước Nga đến Anh Quốc bằng ô-tô. Nói chung đường Cỏ hay đường Bãi cũng là đi trồng Cỏ. Tổ chức đưa người lao động hứa khi vào được Anh Quốc thì có người đón trong ngày, đi trồng Cỏ công nghiệp hưởng lương 5.000 euro mỗi tháng, như vậy cháu chỉ làm hai tháng là có vốn lẫn lời. Không biết chú ở Pháp làm việc bao nhiêu mỗi tháng có lẽ lương cao hơn cháu nhiều lắm phải không ?

Rất nhiều người Việt Nam lao động bất hợp pháp đặt câu hỏi như thế với chúng tôi. Câu trả lời phải rất tế nhị vì nói đúng sự thật sẽ làm họ thất vọng. Bức xúc trước cảnh đời thê thảm này, chúng tôi chỉ biết thở dài và giải thích một khía cạnh nhỏ về lương bổng lao động tại Châu Âu. Sau cùng chúng tôi đành nói thực về lương bổng mà chúng tôi nhận lãnh để họ hiểu và có một khái niệm về lao động tại những địa chỉ mới.

Được họ tín nhiệm và thân thiện nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy có một cái gì không thật, như một mô đất đắp trong tim, bởi lời nói của họ có nhiều nghi vấn. Chẳng hạn như những chuyện kể về cảnh hiếp dâm trong rừng Téteghem mà không có chứng cứ. Càng khó tin hơn bởi họ sử dụng tên họ, tuổi tác và nơi sinh quán không đúng, chỉ trong đầu họ mới biết họ là ai, còn ông trời hay người nào khác không bao giờ biết được. Sự thật về đời của những người này từ đây về sau sẽ không ai biết, nếu có biết chăng thì phải về thế giới bên kia! Tuy vậy, khi nghe những người này nói về hoàn cảnh của họ, ai cũng động lòng nhưng rất khó biết lời nào là thực lời nào là giả. Những người di cư bất hợp pháp này đã trả cho những tổ chức mafia đưa người từ Việt Nam sang đây với giá trung bình từ 7.000 đến 20.000 euro, nhưng không bảo đảm sẽ được làm thủ tục nhập cảnh vào Anh Quốc. Chính vì thế, từ khi rời khỏi Việt Nam đến nay họ sống những những kẻ bên lề xã hội.

Ngoài ra còn có một số người đi du lịch trá hình, từ Việt Nam đến Pháp bằng đường hàng không chỉ mất từ 800 đến 1.100 euro, sau đó có người đưa đón họ đến cảng Calais, chờ cơ hội vào Anh Quốc. Số người này cũng không may mắn gì hơn. Họ được đưa vào tạm trú trong công viên Parc Saint Pierre, nằm giữa trung tâm thành phố Calais, miền Bắc nước Pháp. Đây là một khu vực đầy bất trắc vì là khu tạm cư của những di cư bất hợp pháp đến từ Iraq, Afghanistan, cộng hoà Czech. Đã có ba người Việt Nam mất tích vì tranh giành phần ăn của họ. Sinh hoạt của người nhập cư bất hợp pháp trong Parc Saint Pierre có giờ giấc nhất định. Mỗi ngày, người Việt nhập cư bất hợp pháp đến vào lúc 2 giờ trưa, chờ đến 6 giờ chiều để lấy đồ ăn do bếp lưu động từ thiện của tư nhân. Có người liều mạng đem chăn gối nằm cạnh phà biển hay lởn vởn quanh bến phà chờ cơ hội nhảy lên phà để qua Anh Quốc. Cặp mắt của họ như bị thôi miên về một phía, cứ nhìn đăm đăm qua xứ sương mù (Anh Quốc).

Đã là thành phần nhập cư bất hợp pháp, cho dù đi bằng đường Cỏ, đường Bãi hay đường hàng không, số phận của họ đều gian nan và gặp nhiều thách đố như nhau.

Hiện nay tại Grande Synthe, trong cánh rừng trái có mười bảy người Việt nhập cư bất hợp pháp, với thân thể khắc khoải, tinh thần sa sút và sự minh mẫn của trí tuệ bị hao mòn. Họ hoàn toàn thiếu thốn mọi đồ vật sinh hoạt hằng ngày, gia tài của họ chỉ duy nhất là bộ áo quần.

Đúng 17 giờ 40 phút chúng tôi di chuyển qua cánh rừng bên phải và hứa với những người tạm trú trong cánh rừng bên trái sẽ về đúng 20 giờ để cùng nhau sinh hoạt bên bếp lửa. Vì đây là giờ chuẩn bị dùng cơm, mọi người đều ăn thật no nê để lấy sức đi đường Cỏ. Trong đêm nay có mười hai người chia thành bốn tốp nhảy xe. Cũng nên biết, trong cánh rừng bên trái này có năm người Czech dựng lều cách lán Việt hơn 300 mét, họ chờ người Việt đi qua để bắt đóng mãi lộ.

Cánh rừng Grande Synthe bên phải ngập nước, bởi những đêm trước mưa tầm tã, càng vào sâu càng khó đi. Đường rừng chỉ một màu đen trước mặt, rừng không lớn thế mà xa vô tận. Chân đi gập ghềnh, rẽ qua nhiều đường mòn, lồng ngực hơi se lại, lúc này dù có hối hận cũng đã muộn màng. Trong đầu biết sợ bảo chân bước nhanh. Không bao lâu sau, chúng tôi thấy khói bếp lửa của lán thứ hai. Đến gần chào hỏi và được biết ở đây là đường Bãi. Cảnh lán trại hoang sơ chỉ còn hai người, một thanh niên độ tứ tuần người tỉnh Hà Giang và một ông già độ ngoài lục tuần người Nghệ An.

Không ngờ ngoài 60 vẫn còn tìm đường đổi mới cuộc đời:

Ông già lục tuần cho biết ông đã phải trả cho đầu nậu hết 20.000 euro để có mặt tại đây: "Tôi hy sinh tính mạng và gia tài để đổi lấy tương lai cho hai ái nữ tuổi mười bốn, mười lăm nhưng đời không được như ý, rồi ở trong rừng này hơn tháng mà còn bị bệnh nữa!". Rồi ông lại oà lên khóc.

Người trung niên gốc Hà Giang cho biết, cứ hai tháng một lần anh lên quận 16 Paris để chơi. Chúng tôi thừa hiểu người trung niên này là người phụ trách đường Bãi tại cánh rừng bên phải Grande Synthe. Anh ta nói thường về quận 16 Paris có nghĩa là về để nhận chỉ thị. Cũng nên biết quận 16 Paris là nơi toạ lạc của Toà đại sứ Việt Nam nằm trong quận 16 Paris (địa chỉ chính xác là số 62 rue Boileau, 75016 Paris). Sự tiết lộ này cho thấy có một đường dây đưa người từ quận 16 Paris về đây hay từ rừng Grande Synthe về lại quận 16 Paris (nếu đường dây bị bể). Người trung niên chủ lán đường Bãi không chút ái ngại cho chúng tôi biết: "Muốn đi suôn sẻ thì phải trả tiền cao, có người đưa kẻ đón bằng xe. Hôm nay chỉ còn lại một người vì bệnh cho nên chưa đi được".

Để chứng tỏ mình cũng biết đường dây đưa người này, chúng tôi cho người trung niên gốc Hà Giang biết lúc trước đường Bãi đưa người về Paris tạm trú trong những đường hầm xe điện ngầm tại Paris 13 (Metro Tolbiac) hiện nay ông bạn chuyển người từ rừng Grande Synthe đến thị trấn Lognes (một thị trấn phía đông, cách Paris 30 km) chứ không còn đến Paris 16 nữa, người thanh niên này chỉ nhìn chúng tôi không phản ứng.

Sau khi đã thu thập đầy đủ tin tức cần thiết, chúng tôi giã từ lán này để ra về. Không ngờ người trung niên Hà Giang này giới thiệu thêm một lán mới lập cách đây ba ngày, hiện có ba mươi người cả nam lẫn nữ.

Chúng tôi hăng hái chuyển mình đi nhanh, chỉ mười phút sau là thấy những túp lều vải nhựa xanh mới của lán thứ ba. Những người này vừa dùng cơm tối xong và chuẩn bị nhảy xe vào lúc 10 giờ đêm. Vừa đến nơi, chúng tôi liền tranh thủ thời gian để gợi chuyện nhảy xe và quan sát hình hài của họ. Trước nhất, những người này ở lứa tuổi từ ba mươi đến ngoài sáu mươi, họ mới đến cho nên còn năng động lắm. Khuôn mặt của mỗi người để lộ sư hăng hái. Vì chưa hề thất bại, họ ăn nói lớn tiếng trông rất hào khí. Phần đông những người ở lán này đi bằng đường Cỏ, khởi hành từ Việt Nam qua Trung Quốc, rồi đến nước Nga, trạm trung chuyển là Pháp Quốc, từ đây họ mới nhảy xe đi sang Anh Quốc.

Một người ngũ tuần gốc Hà Tĩnh thở dài cho biết: "Đường Cỏ tuy rẻ tiền nhưng nguy hiểm vô cùng, nhất là gặp thổ phỉ của Trung Quốc và Nga tại biên giới Yichun-Heihe. À, chặng đường từ Việt Nam đến Trung Quốc đi bằng tàu hoả và ô-tô. Lúc đầu có 20 người cùng đi, khi đến biên giới Nga, tôi không biết lý do nào mất tích 6 người, sau đó đến Moscow chỉ còn lại 4 người, cuối cùng chỉ một mình tôi đến đây. Một trong 3 người ở lại Nga cho tôi biết, tình cờ gặp người anh con Bác đi cùng chuyến, lúc đầu tưởng là đi lao động Âu Châu, nhưng không ngờ anh ấy đi bán nội tạng cho người Trung Quốc. Hỏi ra mới biết anh ấy đã lấy 30.000 USD và trao hết cho Bác trai để nuôi các anh em còn lại, không biết bây giờ anh ấy còn sống hay đã chết rồi! Như vậy có đến 10 người ở lại Trung Quốc".

Người thanh niên tỉnh Đắc Lắc ngồi trước bếp lửa nói: "Em hận chế độ cộng sản này lắm, ở không được phải liều lĩnh bỏ xứ ra đi. Em phải bán gia tài của mẹ cha, chỉ hy vọng có được cuộc sống bình an. Em đã nhảy xe mỗi đêm mà không được, cứ đến Calais là phải quay đầu về rừng!".

Đêm nay có một số người không đi nhảy xe, vì ba ngày trước sương gió đã thấm sâu vào thân xác nên sức khỏe rất bấp bênh. Họ tiếp chúng tôi bên bếp lửa và tâm sư về cuộc đời không định hướng tương lai.

Vì chúng tôi đã hẹn đúng 20 giờ sẽ trở lại lán cánh rừng bên trái, nên phải đành tạm biệt anh chị em bên lán thứ ba. Chúng tôi được biết còn một lán thứ tư nằm sâu trong rừng có 20 người Việt ở đó, chúng tôi rất tiếc đã không viếng thăm được họ được. Khi ra về, trời tối đen như mực bút pháp. Không biết đường đi chúng tôi phải nhờ một người trong lán đưa ra đường lớn trong rừng. Ra khỏi khu rừng bên phải, chúng tôi lần bước một lúc mới đến khu rừng bên trái. Về lại lán thứ nhất, xem đồng hồ chúng tôi chỉ trễ hẹn 10 phút.

Khát vọng sống, vượt tranh chấp:

Hiện nay trong rừng Grande Synthe có 4 sắc dân tạm trú, đó là Việt Nam, Afghanistan, Iraq và Czech, tổng cộng khoảng 85 người.

Những tổ chức đưa người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp lập ra bốn lán chứa người, một lán đường Bãi và ba lán đường Cỏ. Tổ chức đường Bãi qui mô như mafia quốc tế, trước đây họ có một trại tại Parc Saint Pierre gần bến tàu Calais. Tổ chức đường Bãi chuyên đưa người đi lao động bất hợp pháp, cướp sổ đỏ, cướp ruộng vườn dưới hình thức thế chấp tài sản qua ngân hàng của Việt Nam. Họ là bàn tay bạch tuộc, xoè ra khắp nơi tại Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Đức, Ba Lan, Pháp và Anh Quốc, nơi nào họ cũng có nhà chứa. Riêng ở Pháp nhà chứa của họ nằm trong thành phố Lognes, rừng Grande Synthe.

Ngoài ra còn có một lán đường Cỏ trong rừng Téteghem (cạnh thành phố Dunkerque, miền Bắc nước Pháp) và một lán đường Bãi trong rừng Angres thuộc thành phố Angres. Có bao nhiêu lán trại là có bấy nhiêu tổ chức đường dây đưa người lao động bất hợp pháp khác nhau. Tuy mỗi tổ chức có qui định riêng nhưng đều áp dụng luật giang hồ chung (cá lớn nuốt cá bé, cá nước nào sống nước đó).

Cùng là người nhập cư bất hợp pháp như nhau, nhưng người Afghanistan, Iraq và Czech tung hoành như chốn không người trong lán của người Việt Nam. Vào cuối năm 2008, đã xảy ra những vụ thanh toán nhau giữa người Czech, Iraq, Afghanistan và Việt Nam tại Parc Saint Pierre, thành phố Calais. Ba người Việt Nam đã mất tích (chết không tìm thấy xác) trong những cuộc xô xát này.

Hoạt động của nhóm đường Cỏ rất đa năng và vô nhân đạo, như buôn bán nội tạng và thai nhi cho người Trung Quốc. Hoạt động của nhóm đường Cỏ thì rất vô trách nhiệm, nhiều người đã chết trên các lộ trình nhập cư bất hợp pháp vào Anh Quốc, đó là trường hợp của Nguyễn Văn Mạc tử nạn trên xa lộ A 16, 2 thanh niên Việt mất tích trong rừng Grande Synthe và 6 thanh niên khác do nhóm đường Cỏ tổ chức bị mất tích tại vùng biên giới giữa Trung Quốc và Nga mà chúng tôi biết được.

Cũng nên biết, rừng Grande Synthe trong tỉnh Nord chia ra làm hai cánh, phải và trái, hay bắc và nam. Người Việt Nam có mặt trong rừng này trước người Czech, Afghanistan và Iraq. Biết người Việt mang theo nhiều tiền, các nhóm người Czech và người Afghanistan chia nhau trấn giữ hai cánh rừng, người Czech bao thầu cánh rừng Bắc, người Afghanistan và Iraq cánh rừng Nam. Hai góc rừng huyết mạch này là nơi ra vào của của bãi xe tải lớn nhất của thành phố Grande Synthe qua Anh Quốc. Cộng đồng người Czech, Afghanistan và Iraq trong khu rừng này là những nhóm nhập cư bất hợp vào vào đất Pháp từ lâu đời nhưng không thành công trên đường nhập cư vào Anh Quốc nên xoay qua tống tiền những người đồng cảnh ngộ để kiếm sống, nạn nhân những người Việt Nam khốn khổ, đã vơ vét hết tiền của gia đình để hy vọng vào được đất Anh hành nghề trồng cỏ với lương 5.000 euro mỗi tháng. Những đám thổ phỉ này gặp người Việt Nam như trúng số lớn, họ trấn lột người Việt bằng cách đếm đầu người rồi buộc nộp mãi lộ. Những phụ nữ Việt không may bị họ bắt giữ ban ngày khi băng qua rừng một mình phải chịu hình phạt giải quyết sinh lý. Ai chống lại họ sẽ bị đàn áp dã man. Những nhóm di dân bất hợp pháp này dám tấn công người Việt, vì biết rằng người Việt không dám chống cự, vì đổ bể cảnh sát Pháp sẽ can thiệp và trục xuất họ về nước. Có lẽ vì sống lâu dưới sự kềm kẹp, họ không mất đi quyết tâm chống lại bất công không và chỉ còn lại tâm lý cam chịu. Tình trạng của những nhóm người đi đường Cỏ và đường Bãi, nhất là phụ nữ, rất là thê thảm, vì họ có thể bị người Czech, Afghanistan và Iraquân trấn lột và cưỡng dâm bất cứ lúc nào.

Đêm kinh hoàng:
Trở về cánh rừng bên trái, lán vắng thưa, chỉ thấy ba người ngồi bên bếp lửa. Người trưởng lán đứng lên biến vào bóng tối, chỉ còn lại chúng tôi với một nam, một nữ, trạc tuổi ngoài 50. Không cần giới thiệu, chúng tôi biết hai người này mới đến lán. Đúng vậy, hai người này cho biết họ vừa đến 30 phút. Cùng thời điểm này, bên lán đường Bãi cũng có thêm một người mới gia nhập. Xem ra đường Cỏ đường Bãi, đêm nào cũng tiếp nhận “lính” mới.

Máy quay phim và máy ghi âm của chúng tôi không bỏ một cơ hội nào. Vừa ngồi xuống bếp lửa, chúng tôi để máy ngang tầm người để thu hình và ghi âm. Liền tức thì, người đàn ông đứng lên biến mất vào bóng tối, chỉ còn lại người phụ nữ. Chúng tôi liền tự giới thiệu và nói chuyện xã giao với người phụ nữ nói giọng Huế, hỏi ra mới biết cô này có gia đình ở gần quán cơm Âm Phủ.

Câu chuyện đường Cỏ từ xứ Huế đến rừng đang bắt đầu, bỗng có hai người y phục cảnh sát Pháp tiến vào lán. Đèn pin xỉa thẳng vào mặt chúng tôi, nói bằng tiếng Anh. Chỉ mới hai điểm căn bản này thôi, chúng tôi biết đây không phải cảnh sát Pháp, bởi đã cấm kỵ nhất của cảnh sát Pháp là không rọi đèn pin vào mặt người đối diện và khi hành sự trong khu vực có người ngoại quốc phải nói tiếng Pháp.

Không nói ra, chúng tôi cũng biết đây là hai người Czech giả dạng cảnh sát Pháp để vào làm tiền người Việt. Khi biết họ là ai, trong lòng chúng tôi bỗng lạnh vì những bất trắc có thể đến bất cứ lúc nào. Lúc này người phụ nữ xứ Huế biến mất tự bao giờ và cũng không ai để ý. Hai người Czech bảo chúng tôi đưa máy quay phim và máy ghi âm cho ho xem. Đương nhiên chúng tôi liền phản đối, nhưng trước đe doạ, cuối cùng chúng tôi chấp nhận xoá bỏ bộ nhớ trong máy ghi âm và trao phim cho họ. Hai người Czech cách li chúng tôi mỗi người một hướng để kiểm tra phim và băng ghi âm. Một người Czech yêu cầu tôi đi theo họ vào khu vực của họ. Vừa đi vừa sợ, nếu xảy ra điều gì không may cho tôi trong khu rừng sâu ai sẽ vào can thiệp! Nhưng tôi đã kềm được nỗi sợ, 10 ngày trước tôi đã có dự liệu nếu gặp phải người xấu trong rừng thì đành chịu.

Tôi đã nói với linh mục Đào và cảnh sát Pháp ở rừng Téteghem: "Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nguy, kể cả nếu có sẩy thân trong rừng Grande Synthe". Trong giờ phút căng thẳng này, tôi tự nhủ, nếu bỏ mạng ở đây thì cũng vui thôi! Nhưng lo nhất là đồng nghiệp của tôi đang bị bọn người Czech bao vây trong rừng cách khoảng 400 thước, không biết anh bạn đó sẽ đối phó thế nào để thoát thân ?

Trên đường đi, một hình ảnh đau thương dội vào cặp mắt của tôi. Cách đó 10 thước, tôi rùng mình nhận ra phần dưới của một thân thể lõa lồ trắng ngà của người phụ nữ xứ Huế mà khi nãy tôi đã gặp đang bị tên người Czech cưỡng dâm một cách hung bạo. Cảnh tượng thật bất ngờ và đau lòng, tôi bực mình trong bất lực. Nhưng uất nhất là thấy gã hướng dẫn (có lẽ là công an) của lán đường Cỏ cùng đứng với gã người Czech đang ép người đàn ông trung niên mới đến lán nộp mãi lộ. Chưa đầy một giờ, hai người “lính” mới này đã thấy quan tài và mắt đang đổ lệ, khu rừng tội lỗi Grande Synthe này mãi mãi là một nơi đáng nguyền rủa.

Không thể lầm lẫn, chính gã hướng dẫn đường Cỏ này đã báo với nhóm người Czech để dâng hai cống phẩm mới và sự hiện diện của chúng tôi trong rừng.

Sau khi kiểm tra cuộn phim của chúng tôi và không thấy có gì đặc biệt, gã người Czech hỏi: "Có phải ký giả không? Có phải cảnh sát không?". Chúng tôi chỉ trả lời: "Đi thăm viếng thân nhân, tiếp tế lương thực và ở lại đêm với thân nhân". Một người Czech khác đến gần, bảo tôi đưa tay lên cho họ khám xét. Khi đụng phải con dao găm của tôi vắt ngang lưng quần, gã này vội rút tay lại. Quả thực tên này nhát gan, mò thấy dao găm là sợ, hắn bảo người Czech đứng bên đưa tôi đi gấp. Chưa biết tình thế sẽ ra sao, tôi nghe con dao găm thầm cười: "Dao vàng bỏ đãy kim nhung, biết rằng quân tử có dùng ta đâu".

Về đến lán của người Việt, tôi vẫn còn thấy người Czech đang chất vấn đồng nghiệp của tôi. Chỉ nghe họ nói tiếng Czech, tôi không hiểu gì. Sau một hồi trao đổi lẫn nhau, hai người Czech liền bỏ đi. Lúc này đồng nghiệp của tôi lanh tay gọi điện thoại báo tin cho linh mục Đào hay biết sự tình. Hai người Czech khi nãy vào lại lán mời chúng tôi ngủ qua đêm trong rừng tại khu vực của họ. Chúng tôi cảm ơn và từ chối lời mời của những người Czech. Hơn 9 giờ đêm, linh mục Đào vào rừng chở chúng tôi về nhà.

Thời gian làm phóng sự trong rừng Grande Synthe tuy rất ngắn nhưng đã rất ngộp thở. Chúng tôi đã trải qua nhiều thử thách và chứng kiến bao cảnh đau thương. Vừa ra đến cửa rừng, chúng tôi mới biết mình vô sự và bình an thân thể. Tâm hồn chúng tôi như bay bổng trên không. Chính lúc này chúng tôi mới thấy mình đói, chúng tôi rủ nhau vào nhà hàng ăn bù và đúc kết chuyến đi. Phần phóng sự đã rất thành công vì tất cả tư liệu ghi âm và hình ảnh vẫn còn nguyên vẹn, tuy người Czech có tịch thu, nhưng đó chỉ là những tư liệu giả.

Sáng mai chúng tôi tiếp tục hành trình đến rừng Angres thuộc thành phố Angres, tỉnh Pas de Calis, phía bắc nước Pháp. Ở đó có 80 người Việt nhập cư bất hợp pháp đang chở cơ hội để vượt biên sang Anh.

Huỳnh Tâm.

onsdag 9. desember 2009

Nữ Tù Nhân Dưới Chế Ðộ CSVN

Nữ Tù Nhân Dưới Chế Ðộ CSVN.

Trên đời có những chuyện rất nhỏ, như ly nước chanh chẳng hạn, mà chúng ta nhớ suốt đời, vì đó là một niềm an ủi thân thương trong những ngày hoạn nạn...

Tôi ngồi dậy cùng với các chị, kể cho nhau nghe về trại cũ, trại mới. Bây giờ mới biết là mình đã được chuyển đến một trại giam có phiên hiệu Z30D cạnh ngọn núi Mây Tào thuộc địa phận Hàm Tân.

Trong nhà này chúng tôi còn ở chung với nhiều chị thuộc thành phần khác, những chị nữ dân biểu, công chức cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa, các chị vượt biên bị bắt, các chị mang tội phản động, có hành động chống đối, với tội danh âm mưu lật đổ “chính quyền”, và cả các nữ cán bộ, đảng viên cộng sản bị khép tội bội phản hoặc thâm lạm của công... Các chị em phản động là những phụ nữ từng làm những việc rất có lý tưởng, thường tiếp tế vào rừng cho anh em kháng chiến sau 1975, mở quán cà phê chiêu gọi thanh niên tham gia hoạt động trong các mật khu. Về các chị em cán bộ cộng sản thì thật là buồn cười. Họ đã từng là các mẹ, các chị của “cộng sản”, nuôi ăn, che dấu, làm giao liên, trà trộn trong dân, nằm vùng ở thôn quê, ở thành thị. Trước năm 1975 bị bên Việt Nam Cộng Hòa bắt, túng quá phải khai sự thật, chỉ điểm, làm cho các tên cộng sản bị lùng bắt. Nay “giải phóng” thành công, các con, các em biết được nên bắt các mẹ các chị vào tù lãnh án 10 năm, 15 năm.

Sau 1975, có chị được cộng sản chiếu cố, phân công, cho lên xe jeep Việt Nam Cộng Hòa để lại, oai phong lẫm liệt đến tiếp thu các quận, các tiểu khu, nào ngờ khi giở các hồ sơ còn lưu lại của chế độ cũ, thấy những tờ giấy cam kết do các chị ký tên, chứng tỏ các chị đã được chiêu hồi và hứa hẹn sẽ làm việc cho cả hai phía để cung cấp tin tức của cộng sản, thế là các chị lãnh án vào ở chung với chúng tôi. Bây giờ họ đã mở mắt ra để thấy rõ thế nào là cộng sản nên rất quý mến chúng tôi.

Số nữ tù nhân “chính trị” chúng tôi ở đây có 64 người chia làm hai đội để sinh hoạt và lao động. Mỗi sáng, đến giờ kẻng đánh, hai đội nữ sắp hàng hai ra bãi ngồi xổm xuống để đội trưởng điểm danh, báo cáo số hiện diện, số người bệnh, rồi nghe gọi tên đội để lần lượt nối đuôi nhau ra khỏi cổng trại, chia đi các phía rừng để lao động.

Bãi tập họp rộng bao la, anh em tù từ tứ phía đến hội tụ cả hàng ngàn người. Từ trên một chòi canh cao, một tên cán bộ đứng gọi loa tên từng đội. Gió lồng lộng thổi. Cảnh tượng thật bi hùng. Cả một lực lượng đáng kể tụ họp đây kia, trong chốn đọa đày lao khổ này! Nhìn các đội nam thất thểu đi ra cổng, từng hàng đôi rách rưới, áo quần vá chằng vá đụp, người đi những đôi dép mòn, kẻ chân không, đội nón rách bươm, hoặc nón vải bạc thếch, hoặc đầu trần, chúng tôi liên tưởng đến các “cái bang”!... Những con người đó trước đây đã từng là các cấp chỉ huy ưu tú, các chiến sĩ đã từng xông pha chiến trận thật anh dũng hào hùng... Họ đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho tổ quốc, cho quê hương, để đồng bào được sống yên lành trong tự do, no ấm...

Những công việc lao động cực nhọc đến đâu, chúng tôi cũng ráng chịu được, cũng không làm chúng tôi đau khổ, bị chà đạp phẩm giá.

Thời cuộc đã làm cho chúng tôi là những kẻ sa cơ, gánh chịu vô vàn khổ nhục, nhưng vẫn tin tưởng rằng mọi hoàn cảnh đều sẽ có một lối thoát, nếu ta giữ vững được lòng tin.

Ở mỗi trại tù, mỗi sự hành hạ khác nhau. Và còn biết bao nhiêu mẩu chuyện, giai thoại về những người “tù cải tạo”, như những chuyện “Nghìn lẻ một đêm”, kể sao cho hết được!

Nguyên Hạnh.

Anh Hùng Vô Danh

Anh Hùng Vô Danh.

Với đất nước, với những người đã chết, đã hy sinh. Ai còn nhớ chăng những chiến sĩ Nghĩa quân ở trong trại tù Tiên Lãnh, các anh vẫn anh dũng, đầy khí tiết trước quân thù. Như anh Phan Dế, Đồng Phước Hoàng, Phạm Mau, Vũ Thái Quỳnh, Phan Hữu Trai, đã hào hùng khí khái đối diện với kẻ thù. Với các anh, cái cùm không làm nản lòng kiên cường bất khuất. Anh dám hô to “Đả đảo cộng sản, quân khát máu, bọn vô thần.” Chúng nó dộng báng súng vào anh cho đến chết. Có anh chửi từ Kark Max, Lenin, tới Lê Duẫn... không chừa sót một ai..! Có anh chống đối không đi lao động, dù bị cùm. Có anh bị cùm, hai chân bị lở rồi lành lại trở thành người lùn, sau đó nó muốn giết anh, chúng nó lôi chân anh thẳng ra chặc đứt gân đến chết! Chúng nó tàn ác, vô nhân đạo không kể hết. Những tên quản giáo dốt đặt cán mai, nghĩa là mới biết đọc biết viết, làm gì mà giáo, với dục chứ !

Xin nghiêng mình kính cẩn chào vĩnh biệt các anh! Tôi quên tên anh, nhưng nhớ buổi trưa hôm đó, anh đã khí khái chỉ tay vào mặt tên gác cổng, la lớn, “Mày, tên cộng sản làm gì mà đứng đó, mày xuống mau không, tau cắt họng mày, quân bán nước, quân khát máu.” Bạn bè thương mến anh, ôm anh, đồng đội chạy theo anh thật đông, nên nó không bắn được anh. Anh đã hiên ngang can trường, không dễ có được với những người thiếu tư cách. Có người cho anh là thất phu, võ biền, nhưng anh là một anh hùng, không cần sống trong nô lệ, xiềng cùm. Các anh chống cộng không vì miếng đỉnh chung, lòng yêu nước các anh có thừa, lòng tự trọng các anh rất cao. Một chắp tay, một cái cúi đầu ngưỡng mộ và xin được chia xẻ phần hãnh diện với các anh. Những anh hùng vô danh cho tự do, dân chủ.

Còn nữa, cũng ở Tiên Lãnh, có anh thiếu úy trẻ tên Trần Quang Trân, đã bị tử hình vì anh tổ chức cướp tù, và tái chiếm Quảng Nam, khi Trung Quốc đánh ở miền bắc. Khổ thay câu chuyện lại bị lộ vì mấy tên chỉ điểm, anh bị bắt, nhưng dù bị tra tấn anh không khai ai cả. Mấy tháng bị giam cầm, anh yếu đi, nhưng khi ra trước tòa án, anh đã dõng dạc tuyên bố với anh chị em tù. Anh tiếc là chưa đem tài sức của anh để phục vụ cho đồng bào, tiêu diệt quân Cộng Sản vô thần khát máu. Anh đi trước, nhưng hy vọng thế hệ con cháu sẽ khẳng khái như anh để tiêu diệt quân Cộng nô.

Còn biết bao người thà chịu đói, chứ không bao giờ lay chuyển được lòng họ. Những câu chuyện tù, biết bao chuyện thương, đừng buồn mà chúng ta hãy lấy đó làm hãnh diện.

Người miền Nam thua trận không phải từ chiến trường, nhưng ở ngay trên nước Mỹ. Sau năm 75 mình còn gì, ruộng vườn trâu bò tài sản, ngay cả tính mạng cũng mất hết rồi. Sống sao giữ được chút khí tiết, liêm sỉ làm người, đừng chạy theo bọn đầu cơ chính trị, hay bọn hoạt đầu, mà hại dân hại nước.

Phạm Nguyên.

Kỷ Niệm Giáng Sinh

Kỷ Niệm Giáng Sinh.

Giáng sinh 75, nằm trên sàn đất chật chội và dơ dáy, thiếu thốn mọi tiện nghi tối thiểu, những người tù cảm thấy đau lòng thương thân phận ngục tù trong cảnh nước mất nhà tan. Riêng tôi được an ủi vì có em ruột tôi là Vũ Ðức Chỉnh ở cùng trại nhưng khác phòng . Em Chỉnh có mang theo được một Kinh Thánh Tân Cựu ước do thân phụ chúng tôi cho em trước khi mất nước 3 tuần lễ. Hai anh em thường gặp nhau trong giờ nghỉ, cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, nên rất được an ủi, vì biết chắc có Chúa ở cùng trong những ngày hoạn nạn

Ðêm Giáng sinh, từng tốp anh em rủ nhau đi dạo trên những lối đi hẹp trong trại, Việt Cộng cấm tù không được hội-họp đọc kinh hay hát nhạc Giáng sinh,nhưng các anh em tín hữu, Tin lành cũng như Công giáo, vẫn hát hoặc đọc kinh từng nhóm nhỏ với nhau một cách kín đáo. Cách xa trại chừng vài cây số, có ánh sáng đèn và tiếng ca nhạc Giáng sinh vang vọng lại từ các nhà thờ thuộc khu vực kế cận tỉnh Biên hòa. Người tù nghe tiếng ca hát vẳng xa, lòng bồi hồi nhớ lại những ngày Giáng sinh xa xưa mà vô vàn cảm xúc. Trong hoàn cảnh khó khăn, xa Hội- Thánh và gia đình, tôi đã được sự thúc giục để viết ca khúc"Lời nguyện cầu Ðêm Giáng Sinh"...để dâng lên Chúa lời cầu xin tha thiết:

" Nguyện cầu xin Chúa đến với chúng con đêm nay"
"Khi bóng tối ngập đày, hồn rên xiết đêm ngày..."
"Quỳ nơi chân Chúa Chí Thánh, Chúa ơi đêm nay"
"Trong kiếp sống đọa đày, hồn mong Chúa hao gầy"
"Nguyện cầu xin Chúa cho lòng càng yêu Chúa mãi,"
"Tháng năm không nhạt phai, nguyện Ngài sống trong con suốt đời"

Thời gian qua đi thật mau, nhưng mỗi lần mùa Giáng sinh về, tôi lại có những kỷ niệm khác nhau ở nhiều trại khác với những người bạn mới.

Tháng 10-1978 chúng tôi được chuyển trại về miền Trung, trại tù Nghệ Tĩnh 6 (NT6) Nơi đây, tôi có may mắn gặp nhiều anh em Tin Lành và thường họp nhau mỗi trưa Chúa Nhật để cầu nguyện, đọc Kinh Thánh và hát Thánh ca. Người lớn tuổi nhất trong số các anh em Tin lành là Nguyễn văn Sắc, con Cụ Mục sư Nguyễn văn Tửu, kế đó là Kiều công Lý, con Cụ Mục sư Kiều công Thảo, Nguyễn Lương Tâm, con Cụ Mục sư Nguyễn Lương Thiện, và các anh Mùi , anh Mới, anh Tế và một vài anh em khác nữa. Noel 1978, chúng tôi có tập hát một số bài hát Giáng sinh và có một buổi ăn thân mật. Anh em góp bột, đường đậu phụng, để làm chiếc bánh Giáng sinh, tôi cũng góp một con gà đóng hộp nấu một món ăn rất ngon. Buổi họp mặt Giáng sinh thật là vui vẻ và cảm động. Cám ơn Chúa là mọi sự diễn ra tốt đẹp. Cũng trong dịp này, Nguyễn lương Tâm viết bài thơ 8 chữ có nhiều câu rất xúc động:

"Mong kịp về cùng bầy chiên nhỏ bé"
"Lòng reo vui bên máng cỏ Ngài nằm"
"Nhưng trọn đời,niềm tin là thánh lễ"
"Dâng lên Ngài, hương tỏa ngát tháng năm"

Bài thơ này được phổ nhạc, gửi về Sàigòn và Mục sư Huỳnh Minh Ðức đã hát ở nhà thờ Khánh hội trong những ngày lễ Noel sau đó.

Năm 1981, tôi bị giam tại khám Chí hòa. Noel sắp đến trong sự cô đơn và lạnh lẽo vô cùng. Tôi nằm co quắp vì đói, lạnh, nhưng cũng hát cho Ðỗ Ðình Hoàng, người bạn cùng xà lim nghe những bài hát Noel mà tôi đã viết trong trí nhớ. Nửa đêm Giáng sinh, anh Hoàng Bá Tất ở xà lim bên cạnh quăng giây gửi sang cho chúng tôi hai chiếc bánh làm bằng cốm dẹp ngào đường trên rắc đậu phụng. Thật là miếng khi đói,gói khi no, chúng tôi nhận quà mà ứa nước mắt tạ ơn Chúa và cám ơn anh Tất...

Noel 2009 sắp đến. Ngồi viết lại mấy dòng này, tôi bồi hồi nhớ lại chặng đường gian khổ đã đi qua và những kỷ niệm Giáng sinh trong ngục tù Cộng sản. Tôi tạ ơn Chúa đã cho tôi một thời tự do, nhưng tôi cũng tạ ơn Chúa đã cho tôi những ngày tháng lao tù và những ngày Giáng Sinh trong ngục tù tôi sẽ chẳng bao giờ quên được. Tôi nhớ lại những đêm trong tù ở giữa vùng rừng núi Hoàng-Liên-Sơn âm u, cô đơn và đói khổ lạnh lùng, tôi đã ngước nhìn sao sáng trời cao để nhớ đêm xưa Chúa vào đời. Cảm xúc ấy triền miên và thôi thúc tôi viết ca khúc "Ngước Nhìn Sao Sáng Trời Cao"

"Nhìn sao đêm nhớ Chúa xưa xuống làm người"
"Khổ hình trên thánh giá chết vì tội tôi"
"Lòng thêm yêu Chúa tha thiết đêm ngày
"Nguyện cầu ăn năn,nước mắt dâng đày"
"Xin cảm ơn Cha vì lòng nhân ái"
"Ðã ban cho đời cứu ân nhiệm mầu"
"Thiên Chúa từ nhân cho con Trời giáng thế"
"Xin cứu vớt con trong đời khổ đau"...

Ðã bao mùa Giáng sinh qua đi, kể từ ngày tôi được trả tự do và sống ở miền đất tạm dung này. Mỗi khi nghe nhạc khúc Noel trổi dậy, lòng tôi bồi hồi thầm tạ ơn Chúa về chặng đường đã qua. Tôi có thể tha thứ, nhưng không làm sao quên được. Chúng ta vui hưởng một mùa Giáng Sinh no ấm và đoàn tụ. Chỉ xin ơn Chúa sớm giải thoát cho đồng bào chúng ta, hơn 85 triệu người đang sống trong hoàn cảnh khó khăn ở quê nhà sớm được hưởng những ngày tự do để đón mừng Chúa ra đời trong những mùa Noel sắp tới.

Vũ Ðức.

Cộng Sản Việt Nam Vô Nhân

Cộng Sản Việt Nam Vô Nhân.

Cách đây 34 năm về trước, ngày 30-4-1975, chúng ta những chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã phải buông súng một cách tức tưởi đầu hàng vô điều kiện do sự áp lực của đồng minh .. Dân tộc Việt Nam đã bị đẩy vào con đường nô lệ, bần cùng, lầm than, và cơ cực dưới ách thống trị của bọn Cộng Sản vô nhân, vô thần, vô liêm sĩ, khát máu, xảo trá và vô cùng hiểm độc.

Hàng triệu đồng bào Việt Nam, trong đó có chúng ta, bạn bè chúng ta, gia đình cha ông, anh em, con cháu đã vì thèm khát tự do chân chính đã phải bỏ nước ra đi bằng mọi giá bằng đường biển, bằng đường bộ.. để gặp bao cảnh tang thương chết chóc... Có những người đã phải bỏ mình trên biển Ðông, trong rừng rú, hoặc có những thiếu nữ trẻ em bị bọn hải tặc Thái Lan dữ như loài thú độc đã cưỡng hiếp, trước khi có thể tìm thấy ánh sáng tự do ... Tội lỗi đó do ai gây ra.. ? Ðó là tham vọng điên cuồng của lũ côn đồ khát máu CSBV, đã cường chiếm miền Nam, gây cảnh tương tàn máu lửa, nồi da xáo thịt...

Chỉ những người nào đã trải qua bao năm tháng tù đày trong các trại tù bạo tàn của bọn Cộng Sản khát máu thì mới thấu triệt được bản chất dã man, lừa lọc, xảo trá , mới hiểu được cái lý luận và thủ đoạn xảo quyệt của bọn Cộng Sản. Chúng đã cưỡng bức lao động nặng nề khổ sai như đào đất, đào kinh, phá rừng, đốn cây, làm đường, cày bừa thay trâu bò....phải chịu đựng một cuộc sống “địa ngục trên trần gian” như đói rét, bệnh tật, rách rưới, muỗi rệp, rắn vắt, hành hạ và tra tấn tinh thần lẫn thể xác..

Những trại tù Cộng Sản là những lò sát sinh vĩ đại, đồng bào và anh em chiến hữu chúng ta đà phải kéo dài kiếp trâu ngựa mòn mỏi trong các trại tù trá hình dưới những danh từ hoa mỹ như “trại cải tạo học tập”

Sau 3 năm đọa đầy trong trại tù Cộng Sản, bọn chúng thả tôi về địa phương... Ngày chúng tôi về bọn Công An địa phương đến tận nhà tôi kiểm tra giấy tờ phóng thích, hạch hỏi mọi điều, và áp giải tôi ra tận công an phường để làm bản tự kiểm, thật thà khai báo lý lịch và quá trình hoạt động .... Chúng nó luôn luôn đe dọa với những giáo điều, cứ cách đêm là bọn công an phường đến bắt buộc chúng tôi phải đi họp tổ dân phố, khối phố, rồi cứ thứ bẩy chủ nhật là họp phường, mỗi người phải tự phát biểu kiểm điểm sự sai lầm phải trái của mình hoặc của những người thân trong gia đình .. Sau một thời gian chúng đầy ải và cưỡng bách chúng tôi lên những vùng sỏi đá, rừng núi, giá lạnh căm căm, cây cối không thể mọc nỗi mà chúng đã mệnh danh là “Vùng Kinh Tế Mới”, phải chịu đựng những đau thương tủi nhục chồng chất, phải hứng chịu những nỗi bi ai và thống khổ để thỏa mãn cái cuồng vọng của lũ quỉ đỏ mặt người. Chúng đã để lộ nguyên hình bộ mặt giả nhân giả nghĩa, tiếp tục đưa đất nước vào nghèo khổ, nô lệ, nhục nhã rách nát. Bọn thống trị độc tài đã biến nước chúng ta thành một nước nghèo đói nhất thế giới.... Có những đồng bào bị dồn đi vùng kinh tế mới, ở đó thiếu cơm ăn áo mặc, mà trốn về quê cũ thì nhà cửa bị tịch thu, chỉ biết lê chân hành khất, kéo dài kiếp sống lang thang dọc đường xó chợ. Bọn công an mặc sức đàn áp bóc lột người dân. Làm trái ngược với ý chúng là bị kết tội phản động, phản quốc ...

Trước khi đầy ải chúng tôi lên vùng kinh tế mới khô cằn, bọn cộng sản bạo quyền muốn giết chúng tôi bằng những phương cách quỷ quyệt, bề ngoài chúng rêu rao là yêu nước, hòa hợp hòa giải dân tộc, là quên hận thù, là xóa bỏ tất cả dĩ vãng.. Nhưng thật ra chúng muốn giết dần giết mòn chúng tôi bằng mọi phương cách hành hạ và tra tấn tinh thần lẫn thể xác.... Một cách muốn giết người vô nhân đạo là chúng bắt chúng tôi phải đi gỡ mìn....

Những quả mìn nầy qua năm tháng thời gian, của mưa nắng phũ phàng, đã không giữ nguyên vị trí của nó nữa nghĩa là chỉa những cái chấu lên phía trên (nghĩa là khi có người dẫm lên nhưng cái chấu nầy thì mìn sẽ phát nổ ...). Chính vì mưa và có những chỗ đất mềm nên có những quả mìn không còn những vị trí nằm đứng nữa, mà đã lệch nghiêng nằm một bên, nghĩa là những cái chấu cũng lệch qua bên, và chính vì vậy mà có những anh em chúng tôi đã làm theo lời hướng dẫn ngu xuẩn của những tên cán ngố mà cái xẻng lúc cuốc ngang gặp những cái chấu nầy đã nổ tung chết người hoặc thương tích trầm trọng... Trong những kẻ không may nầy có 2 người bạn tôi bị thương tích trầm trọng, một người cụt 2 chân và một người mù mắt... Ðó là chưa kể những chiến hữu và những đồng bào vô tội khác mà tôi không quen biết đã bị chết một cách oan ức, tức tưởi hoặc trở thành phế nhân suốt đời lê thân ăn mày...

Viết đến đây tôi muốn thắp nén hương lòng để tưởng nhớ đến các chiến hữu của tôi đã bỏ mình hy sinh vì những hành động dã man vô nhân đạo của bọn bạo quyền Cộng Sản ...


Ðặng Văn.

Vinh Danh Một Cái Chết

Vinh Danh Một Cái Chết.

Người anh hùng trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng tỏ được cái khí vũ hiên ngang, bất khuất của mình, nó như một bản chất tự nhiên, tiềm tàng trong cơ thể. Anh Trần Quang Trân đã làm mọi người kính phục, kể cả bọn CS vô thần cũng rúng động trước thần thái uy nghiêm, xem thường cái chết của anh. Anh Trân đã bị chúng xử bắn đúng vào ngày Quân Lực 19-6 năm 1982 tại tổng trại Tiên Lãnh. Hơn 22 năm sau, chúng tôi xin ghi lại câu chuyện này để đề cao khí tiết anh hùng.

Trong ngục tù CS, chúng tôi thường dùng cái lý luận xấu nhất nầy để an tâm, để lạnh lùng phớt tỉnh mọi sự, củng cố niềm tin, theo đuổi lý tưởng để có thể tiếp tục chiến đấu bên cạnh những đồng đội mến thương.

Vào những ngày trong tháng Ba năm 75, miền Nam Việt Nam bị CS Bắc Việt xé bỏ hiệp ước ngưng bắn da beo, sắp đặt kế hoạch tổng tấn công, tung hỏa mù, dương đông kích tây, đánh chiếm Ban Mê Thuột. Tiếp theo là cuộc rút bỏ Cao nguyên, triệt thoái Quân Đoàn II ồ ạt vào ngày 14-3-75 qua quyết định Cam Ranh đơn phương của Nguyễn Văn Thiệu. Cuộc triệt thoái hay tháo chạy của cả một Quân đoàn đang án ngữ cái xương sống hay nói đúng hơn cái yết hầu sinh tử huyệt của cả miền Nam!!! Hậu quả dây chuyền; ngày 26-3-75 lệnh "rút bỏ Quân Đoàn I cũng do TT. Nguyễn Văn Thiệu cùng Trần Thiện Khiêm. Ngày 29-3-75 Đà Nẵng mất là hệ quả tất nhiên và với thế đánh rốc như chẻ tre của Bắc quân (trong khi quân miền Nam chưa kịp tái phối trí lực lượng. Hậu quả là toàn miền Nam mất vào tay CS vào ngày 30-4-75! Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian đó, có bao nhiêu vị tướng dũng mãnh, có biết bao nhiêu sĩ quan, binh sĩ, cảnh sát, nhân viên dân chính và dân thường ngã gục, vẫn có nhiều đơn vị đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Họ đã chu toàn trách nhiệm và nhất bảo toàn danh dự của quân nhân. Một vài vị tướng lãnh; một số đông sĩ quan đã tự sát, bất khuất trước quân thù, không chịu nổi nhục mất nước !

Sau một thời gian khoảng hai năm ở nhà kỷ luật bị đi cung liên miên với ty công an và nhân viên bộ nội vụ gởi về trại làm việc, chúng tôi 13 người với 78 người liên quan phải ra tòa do trại thiết lập tại hội trường tổng trại Tiên Lãnh do cái gọi là "Tòa án lưu động nhân dân tối cao Quảng Nam-Đà Nẳng" xét xử. Ở đây tôi chỉ đơn cử một vài nét chính nói lên cái phong thái bất khuất của anh Trần Quang Trân trước cái tòa án đó, đến cách đối đáp ứng xử trước tòa đã có lúc làm bọn con rối kia lúng túng ngượng ngập.

Cuối cùng, bọn tôi bị xử chung thẩm vào buổi sáng thứ ba ngày 4 tháng 5 năm 1982 tại hội trường Tổng Trại Tiên Lãnh (sau khi tòa sơ thẩm xử vào sáng ngày 5-11-1981 cũng tại hội trường nầy). Trại Tiên Lãnh là một trại tù ma thiêng nước độc, với lao động khổ sai, với đau đớn bệnh tật, đói và khát kinh niên; với tên cán bộ giáo dục mà thực chất là một tên vô giáo dục phụ trách luôn "khâu" thăm nuôi tên Hồng. Tên nầy là một tên đại ác ôn với đủ tài "ma nớp" tìm đủ mọi cách phạt tù lấy cớ không cho thăm nuôi để thân nhân phải đút lót, van xin, quà cáp! Một trại tù mà hằng năm luôn giựt được cờ luân lưu của bộ nội vụ, điều đó cũng nói lên được nỗi đau lao động khổ sai cật lực của tù nhân cũng như dưới sức ép của kỷ luật sắt thép của trại tù mà tù nhân phải gánh chịu để đạt được thành quả cho trại!

Hội trường hôm đó được trang hoàn cờ quạt đỏ ối như màu máu, bọn cảnh vệ trang bị vũ khí tận răng, giữ trật tự và sắp xếp chỗ ngồi cho những đội tù được tham dự phiên tòa. Chúng tôi, tất cả đều bị trói tay dẫn lên hội trường, tất cả đều trắng bạch, xanh xám như da những con thằn lằn bệnh hoạn, có anh đi không nổi, té tại trước tòa! Tòa không có luật sư biện hộ cho bị cáo.

Bọn tôi tất cả đều được hỏi qua, trong bản cáo trạng ghi nhiều tội danh, đọc qua là lạnh gáy, thấy nhấp nháng đâu đây bóng tử thần, đọc qua bản cáo trạng mới thấy tài "nâng quan điểm" và thổi phồng.

Cả bọn tôi nín thở, cả hội trường im lặng, cái im lặng của một khối thuốc nổ đang cháy ngầm, sự im lặng của tử thần lẩn quất đâu đây mà đại diện là bọn tòa án đang từng tên cau mặt lại, đôi mắt long lanh, hàm răng nghiến chặt. Chúng bị hẫng đi bởi lời nói nhẹ như lông hồng nhưng có tác dụng nặng như thái sơn! Mắt chúng long sòng sọc, bối rối nhìn nhau và động loạt đứng bật dậy vào nghị án.

Chúng tôi thấy bọn tòa không họp nghị án gì cả, chúng đi tiểu, tụm năm tụm ba hút thuốc lào, thuốc rê, cùng nhau uống nước cam qua bức màn quá mỏng ngăn cách hội trường. Không nghị án đã lập sẵn, chúng trở lại hội trường.

Tất cả đứng dậy, tòa tuyên án: Trần Quang Trân: tử hình !

Tôi lại nhìn vội anh Trân với cảm giác là lạ rờn rợn, khi nhìn một người bạn thân đang ở trạng thái sống và sắp chết. Tôi thấy anh vẫn bình thản, không một chút rung động thân mình, khóe môi khẽ nhích một nụ cười khinh bạc, đôi mắt vẫn hiền từ nhưng lóe tia sáng nghiêm nghị nhìn "lũ rối" đang cố gắng giết anh bằng giấy tờ, bằng tòa án của thời trung cổ không luật sư biện hộ và bằng những tràng vỗ tay tán thưởng dã man của chúng khi một con người bị tuyên án tử hình !

Trân bị y án tử hình là ngày 19-6-82, chưa có vụ tử hình nào bị xử nhanh như thế, chẳng qua đó là một vụ thủ tiêu càng nhanh càng tốt để bịt miệng một người đã gây quá nhiều bối rối cho tập đoàn CS mà thôi.

Đúng, anh Trân là người, anh Trân cũng phải chết, đúng với lý luận Tam Đoạn Luận, tuy nhiên anh Trân đã chọn một cái chết bất khuất ghi danh thanh sử, làm kẻ thù phải nể mặt. Anh đã đem sinh mạng mình phục vụ tổ quốc và trên hết anh đã bảo toàn được danh dự của một quân nhân !


Tôn Thất Sang.

Tết Ở Trại Cổng Trời

Tết Ở Trại Cổng Trời.

Ở Cổng Trời một năm chia làm hai mùa: Mùa nóng bắt đầu từ đầu tháng Năm; mùa rét từ đầu tháng Chín. Nóng ít hơn rét. Tuy là nóng nhưng đêm vẫn phải đắp chăn vì khí lạnh từ núi đá và tường đất tỏa ra.

Những tháng rét, chúng tôi ăn sắn độn cơm và ăn lá bắp cải già nấu muối. Nói là 12 kg sắn gạo, nhưng có lẽ chỉ còn độ 9, 10 kg thôi. Lĩnh gạo ở mậu dịch về làm gì có cân đủ, về để ở kho chuột bọ lại hao hụt đi, phát đến nhà bếp còn độ 10 kg, nhà bếp lại giữ lại cháy để nuôi lợn nữa.

Lá bắp cải già đen, nấu trong chảo, cho muối vào nước đen sì có vị nồng, người ngoài nhìn không dám ăn nhưng chúng tôi ăn ngon lắm. Giá nhà bếp họ cho đủ mặn thì tốt quá. Nhưng muối cũng bị hạn chế. Chúng tôi thường đổ nước vào canh để cho nó được nhiều hơn. Và húp hết canh rồi mới ăn đến cơm và những lúc đó tôi cứ nghĩ tại sao lẩn thẩn, tại sao ở ngoài đời lại phải ăn cơm với thức ăn nhỉ. Cơm không cũng đã ngon lắm rồi hà tất gì còn phải thức ăn nữa.

Cơm ăn rất ít khi còn nóng, vì từ nhà bếp lên đến buồng giam phải mất thời gian chừng hai tiếng đồng hồ. Này nhé: cơm ở chảo, xúc ra thùng. Ra thùng rồi, lại phải cân. Cân xong gánh để ở sân trại. Hôm nào mưa thì để ở hè. Trời rét cơm canh nguội rất nhanh. Quản Giáo trực mở cửa từng khu một cho ra lấy cơm. Khu C trước, rồi Khu B, rồi mới đến Khu A. Đến Khu A thì cơm đã nguội lắm rồi. Đem vào buồng lại phải dằm nát ra để chia cho đều, cho công bằng. Chia bằng cân tiểu ly tự tạo từng xuất một. Thế là nguội lạnh hết cả. Ăn cơm xong coi như không ăn. Vì ăn vào lại thấy rét thêm. Hình như cơ thể phải tỏa ra năng lượng để hâm nóng cơm canh cho bằng với nhiệt độ ở trong người.

Quàng chăn vào mà ăn, ăn xong vẫn thấy rét. Cái đói và cái rét đi song hành với nhau. Cơ hàn thiết thân mà. Và những lúc đói rét đó, chúng tôi mong Tết đến lắm. Dù thế nào đi nữa, Tết ở các trại dưới bao giờ cũng có bánh chưng. Còn được phát cả kẹo bánh nữa. Dù ít nhưng cũng gọi là có. Và vì vậy mà tôi mong Tết đến lắm. Tôi thèm một cái kẹo bột dỗ trẻ con quá đi mất thôi.

Chiều 30 Tết. Rét cắt ruột, cắt thịt, cắt da. Bầu trời xám xịt ảm đạm đầy mây. Trại tù im ắng quá. Tôi đứng ở cửa sổ, nhìn qua song cửa gỗ lim, thấy anh NguyỄ­n Hữu Đang đứng ở sân trại nói với Phó Giám thị trại có biệt danh là Quỷ Sứ người Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tôi lắng nghe lõm bõm: "Thưa ông, theo tục lệ cổ truyền của Việt Nam thì đến chiều 30 Tết, gia đình nào cũng làm mâm cơm cúng gia tiên và ở các trại dưới tù cũng đều được cải thiện ăn thêm... Mong rằng ông cũng cho anh em chúng tôi..."

Có tiếng quát cao giọng ngắt đứt lời của anh Nguyễ­n Hữu Đang. Tên Quỷ Sứ quát: "Không có gì cho các anh cả. Biết chưa. Cấm không được đòi hỏi, yêu sách lôi thôi gì... Cho thế nào ăn thế..."

Rồi tên Quỷ Sứ quay ngoắt người bước ra cổng trại và rồi chiều 30 Tết năm ấy vẫn lá bắp cải già nấu muối đen sì. Không có gì hơn.

Hai ngày Tết trôi qua. Đến sáng ngày mồng ba, Cố Hoàng làm một bài thơ vịnh cái Tết đó đọc cho tôi nghe. Thơ rằng:

Tết đến tù nhân khốn nạn thay
Chiều 30 Tết vẫn ăn chay
Bánh chưng mong đợi thời không có
Thịt lợn vừa tròn ba đốt tay
Buổi sáng mỗi người hai cái kẹo
Bữa trưa dăm miếng thịt trâu gầy
Tù nhân ngao ngán nhìn cơm sắn
Khốn nạn thân tôi đến thế này...

Có thể là vì bài thơ này, mà Cố Hoàng phải nằm lại chôn thân nơi đó, còn tôi may mắn trở về để viết lại câu chuyện này hôm nay chăng ?.

Kiều Duy Vĩnh.

NOEL: Lễ Cô Đơn

NOEL: Lễ Cô Đơn.

Long không ngờ có ngày gặp lại cha Thiện ở miền thượng du cực Bắc đèo heo hút gió nầỵ Nơi đây là chỗ giam giữ, đọa đày đám tù cải tạo gồm các thành phần dân sự và quân sự cao cấp của chế độ cũ, những quân nhân từ cấp bậc đại úy tới đại tá, những nhân viên dân chính từng là phó quận trưởng, phó tỉnh trưởng, giám đốc nha sở..., nghĩa là những người bị chế độ mới xếp vào loại nguy hiểm.
Cha Thiện bị xếp vào loại còn nguy hiểm hơn các thành phần trên một bực. Một tuần lễ trước ngày cha được chuyển đến trại, đám tù đã được nghe các quản giáo bàn luận rằng trong đợt tù sắp chuyển đến, có một tội nhân cực kỳ phản động, dám đề cao "Chúa ở trên bác Hồ" và hơn thế nữa dám "âm mưu chống phá cách mạng bằng vũ lực". Chiếc molotova bít bùng thả đoàn tù mới xuống sân trại. Long và những tù nhân cũ thấy người tù nguy hiểm nhất đi giữa đoàn, tay bị trói quặp ra sau, hai vệ binh kèm hai bên hông, áp tải thẳng vào văn phòng ban quản trại và sau đó bị đưa vào nơi biệt giam, khu vực đặc biệt dùng giam giữ tù nhân phạm kỷ luật trại như lén lút liên lạc với gia đình, thân nhân, với dân chúng trong vùng, phát biểu linh tinh, viết nhật ký, hồi ký.... Cha Thiện là tù mới đến, chưa phạm kỷ luật trại này. Biệt giam cha Thiện như là một đòn cân não, một cú đánh phủ đầu, dằn mặt.

Cha Thiện được giao nhiệm vụ gánh những thùng phân tươi từ dãy nhà cầu công cộng ra đám rẫy rau muống cải thiện dưới chân đồi, rồi trải phân ra trên từng luống rau. Màu phân tươi vàng hực, lỏng bỏng nước, thật nặng mùi cùng với đám ruồi xanh bay dấp dới, nhung nhúc những con dòi, những chú lãi đũa, lãi kim, ngọ nguậy không ngớt là hình ảnh khó quên đối với người tù đã một lần làm công việc không vệ sinh này. Long nhìn cha Thiện ướt át dưới mưa phùn, trong gió bấc lạnh lẽo mà lòng ái ngại.

Long thấy hoàn cảnh người nữ công nhân đổ thùng và cha Thiện giống nhau quá, giống từ cách ăn mặc, động tác tới công việc làm, có khác nhau là chỗ giữa hai thời điểm trong xã hội cộng sản Việt Nam, người bị ép buộc còn người thì vì miếng ăn, sự sống của gia đình mà phải làm cái công việc chẳng ai muốn làm cả. Long ước mình là thi sĩ, để có thể diễn đạt nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần của cha Thiện. Long muốn chia phần gánh vác sự nặng nhọc vì chàng không nghĩ rằng tấm thân gầy nhom của cha có thể cáng đáng nổi hai thùng phân lỏng với cái đòn gánh nặng hơn ba chục kí lô trên đoạn đường lầy lội. Nhưng thật lạ lùng, cha Thiện vẫn hoàn tất công việc, cha đi không nhanh nhưng tới đích, có khi trợt, ngã nhưng lại đứng dậy một cách bình thản, như thách đố với bọn quản giáo, vệ binh. May cho cha là tù không có nhiều phân để cha phải gánh mỗi ngày, bữa không có phân cha lãnh phần tưới nước, hái rau cho toàn trại.

Suy nhược vì thiếu dinh dưỡng trầm trọng, sốt rét rừng, kiết lỵ vì điều kiện vệ sinh tồi tệ, nhiều người tù vĩnh viễn ra đi trước khi mùa Xuân trở lại, nhiều người khác ngã bệnh. Cha Thiện có thêm công việc mới, kéo xe chở xác những tù nhân ra nghĩa địa, xa hơn đám rẫy rau muống, mãi tận bên kia ngọn đồi. Một trong những tù nhân lâm bệnh là Thiếu tá Mẫn, ông té xỉu ngoài rừng lúc đang đẵn tre nứa, được các bạn tù khiêng về trại và mê man trong mấy ngày liền sau đó. Cha Thiện ngoài giờ làm việc, luôn túc trực bên mình để săn sóc Mẫn, có hôm cha thức đến nửa đêm lúc mọi tù nhân khác đã ngủ yên để lấy sức lao động ngày hôm sau. Những khoảng vắng lặng ấy cha thường lâm râm cầu nguyện. Ngày thứ ba, lần đầu tiên Mẫn mở mắt từ khi bị hôn mê. Cha Thiện mừng quá nói thành tiếng, nói miên man, có thể cha quên hay không cần biết có người chung quanh: Con đã tỉnh lại rồi, Chúa đã cứu con, Chúa đã chấp thuận lời cầu xin của cha. Bọn cộng sản vô thần hành hạ, hủy diệt thân xác con, nhưng Chúa đã cứu con. Mà con ơi! Chúng hành hạ thân thể con, nhưng linh hồn con thì chúng không thể nào đụng đến, linh hồn con vẫn thuộc về Chúa, mãi mãi cận kề bên Chúa.....

Những tiếng la hét, đốc thúc tù làm việc của tụi vệ binh từ đàng xa không át nổi tiếng đọc kinh của cha Thiện được gió mang đi..... Giáo đường của cha Thiện giờ đây là cả đồi núi bao la, bàn thờ là mô đất, hang Bê-lem là hố sâu cạnh đám rẫy, lễ phục là bộ đồ tù tả tơi, rách nát che không kín thân ông. Ông dùng luồng gió bấc lạnh thấu xương thay ban hợp tấu và tự ông hát thánh ca:

Hát khen mừng Chúa giáng sinh ra đời

Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa

Trong hang Bê-lem ánh sáng tỏa lan tưng bừng

Nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng

Đàn hát (réo rắt tiếng hát) xướng ca (dư âm vang xa)

Đây Chúa Thiên Tòa giáng sinh vì ta....

Bài thánh ca hùng tráng quá, giọng cha Thiện nhiệt thành quá, tất cả làm nên một sức mạnh vô hình kỳ diệu, trong phút giây ngắn ngủi, lực vô hình ấy âm thầm đến với Long, làm Long quên hết sự lo sợ những tên vệ binh, quản giáo cùng những luật lệ, hình phạt của trại cải tạo. Lực vô hình ấy đưa chân Long đến gần miệng hố nơi cha Thiện đang hành lễ. Long thấy cha Thiện đang cúi rạp người trong tư thế cực kỳ cung kính và tưởng chừng có tiếng chuông đổ liên hồi đâu đây. Long lại thấy cả máng cỏ, hang Bê lem, có Chúa hài đồng và những Thiên Thần hiện xuống với ánh đèn lấp lánh hào quang. Suốt những năm cải tạo, mỗi mùa Giáng Sinh, Long chỉ biết chui vào mùng mà than thở một mình rằng: Giáng sinh Thiên chúa trên trời, mút mùa cải tạo biết đời nào ra.

Đây là mùa Giáng Sinh đầu tiên trong đời người tù, Long cảm thấy lạc quan, tin tưởng vào Thiên Chúa, tin tưởng vào tương laị Bất chợt Long nghĩ đến những mùa Giáng Sinh tự do trước khi miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm.

Những mùa giáng sinh kế tiếp nơi xứ người, hình ảnh cha Thiện vẫn không nhạt nhòa trong ký ức Long. Cha Thiện sừng sững hiện ra, một mình, dáng gầy còm, bất khuất, mái tóc bạc hoa râm. Khi cha Thiện trang trọng dâng lễ thánh trong cô đơn và cầu kinh giữa trời đông giá buốt. Long thì thầm với chính mình: "Cha Thiện đã không cô đơn và sẽ không bao giờ cô đơn. Chúa chứng minh cho lòng thành của cha, huynh đệ và các con chiên luôn luôn hiện diện bên cha, cùng cha cầu kinh và dâng thánh lễ". Long cho rằng không có một nơi nào trên thế giới nầy, ngay cả trong những giáo đường to lớn nhất, đông đảo tín đồ nhất, đã cử hành được một lễ mi sa có ý nghĩa như cha Thiện đã làm trong cái hố lộ thiên bên cạnh đám rẫy của trại tù.

Thanh Long.

Lễ Nửa Đêm

Lễ Nửa Đêm.

Tiếng hát Lời Xưa, ngày Giáng Thế,
Nguyện cầu tha thiết ý Be Lem.
Những người cầm súng đồn biên giới,
Dâng lửa thiêng, làm lễ Nửa Đêm.

Hai khoảng cách, tưởng chừng như mới đây, mà đã bốn chục năm qua. Phần lớn những chiến sĩ địa phương quân đồn trú tại khu vực Ba Biên Giới này, đến nay không còn nữa. Hoặc đã hy sinh trong những trận tấn công biển người của cộng quân, hoặc bị chúng bắn sẻ, giật mìn. Một vài cấp chỉ huy, sau tháng Tư Đen, "được tập trung cải tạo" và ngã xuống nơi rừng thiêng nước độc.

Ai cũng biết rằng các vị hạ sĩ quan QLVNCH chỉ phải trình diện học tập ngắn ngày, sau đó được về với gia đình. Nhưng hạ sĩ quan thuộc các ngành an ninh, tình báo, chiến tranh chính trị, cảnh sát đặc biệt... đều thuộc diện "cải tạo" lâu ngày, có vị còn ở tù lâu hơn một số tướng, tá: gần 13 năm !

Đêm Noel khiến tôi mang mang hình ảnh Hạnh, người vợ bất hạnh của tôi. Trong cái câu lạc bộ bỏ túi của đồn binh, chúng tôi từng tổ chức lễ kỷ niệm của các tôn giáo có tín đồ đang đồn trú tại đây.

Trở lại Lễ Noel năm đó, chúng tôi đã làm được một hang đá, đủ lệ bộ. Ngôi sao được cắt bằng giấy vàng, có mấy giải ánh sáng tỏa xuống Máng Cỏ. Hạnh không phải là con chiên, nhưng tôi để ý lúc ca bài "Đêm Đông" cũng như khi quỳ bên máng cỏ, nàng có khuôn mặt, nhất là cặp mắt thiết tha, như khẩn cầu một ơn phước nào đó thiệt... ngoan đạo.

Một anh "trùm" đọc Thánh Kinh, bài Phúc Âm theo Thánh Lu Ca...

"Lễ" tất, anh em mình đã ăn "rề vây dông" vui vẻ. May quá, đêm Noel đó, đồn không được... ăn pháo!

Trong "lễ", tôi đứng phía bên hông cửa, nhìn đăm đăm khuôn mặt Hạnh. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy vướng vào đôi mắt của nàng. Hình như nàng cũng nhìn tôi bằng cặp mắt tha thiết ấy. Chỉ có thế thôi, thật mơ hồ... Trong bữa ăn, tôi như kẻ mất hồn.

"Nàng" đã khiến kẻ si mê khờ dại, nhút nhát là tôi, trở nên... thông minh, bạo dạn, dám ngỏ lời... cầu hôn ít ngày sau đó. Sở dĩ tôi phải "tranh thủ thời gian", vì Hạnh chuẩn bị về lại Sài Gòn!

Thiệt là "Thánh nhân đãi kẻ khù khờ", hạnh phúc đến với tôi như một phép lạ từ trên trời rớt xuống. Có lẽ vì tôi sớm "được" nên cũng đã sớm mất Hạnh!...

Câu chuyện của Nhâm bị gián đoạn, vì "Giám Thị Trại" gọi chúng tôi xuống "hội trường" mừng lễ các "trại viên Công Giáo".

Ban giám thị trại giam, là một người Nghệ Tĩnh, tuyên bố rằng sở dĩ Trại phải "mời" các "trại viên" lên đây là để xem truyền hình, tránh khỏi các vi phạm "tiêu cực" như đã thường xảy ra trong những đêm lễ Noel !

À ra thế, chớ đâu có linh mục nào làm Lễ Nửa Đêm! Vì quý vị tuyên úy Công Giáo "tù", cũng được tập trung trên hội trường, tránh ... làm lễ "chui", vi phạm nội quy, có thể bị cùm một chân ít là 7 ngày, như một vị đã... lãnh.

Tuy chúng tôi không thiết gì coi TV, nhưng từ lúc đó, cho đến khi về buồng, chúng tôi cũng không thể tiếp tục câu chuyện, vì ăng ten rà soát từng dẫy ghế, coi có ai đọc kinh để còn "báo cáo".

Đó là lần chót tôi gặp lại Nhâm. Đầu năm 1985, tôi chuyển trại qua Z. 30D, cũng thuộc tỉnh Thuận Hải, còn được kêu bằng Trại Thủ Đức. Nhâm ở lại Z. 30 C.

Chúng đã nhốt tù nhân Công Giáo vào một nơi riêng biệt, không cho "cầu kinh" trong đêm Giáng Sinh, gọi là "dự lễ Noel"... trên màn ảnh nhỏ chỉ chiếu cảnh... đường phố và mặt tiền các nhà thờ ở Sài Gòn.

Hoàng Ngọc Liên.

Đêm Noel Trong Xà Lim

Đêm Noel Trong Xà Lim.

Ngày 29-4-1984, tôi được chuyển sang xà lim số 6 trại A-20 ở chung với Linh Mục Nguyễn Văn Vàng, linh hồn của một vụ nổi dậy do ngài và người em chủ trương năm 1976. Tôi hoàn toàn không hiểu lý do của việc chuyển xà lim cá nhân này. Ðây cũng là ngày mà tôi đánh dấu 3 năm bị cùm hai chân và có giai đoạn cả hai tay trong xà lim số 5. Phải nói là tôi bị gông thì đúng hơn. Nếu quý vị được nhìn thấy những tội phạm của thời phong kiến bị gông như thế nào thì chúng tôi bị gông như thế nấy. Chỉ có khác là nhà tù Cộng sản không gông cổ mà thôi.

Linh Mục Vàng, một nhà giảng đạo lỗi lạc của dòng Chúa Cứu Thế, sau khi bị lên án chung thân khổ sai sau vụ và em ruột ngài là Linh Mục Hiệu bị xử tử, đã bị đưa lưu đầy tại trại A-20 Xuân Phước. Khi tôi đã nằm cùm trong biệt giam trong phòng số 5 được 2 năm thì một hôm Linh Mục Nguyễn Văn Vàng lúc ấy từ trại lao động bị đưa vào xà lim số 6, bên cạnh xà lim tôi bị giam.

Khi còn ở ngoài trại lao động, Ngài là đối tượng theo dõi của đám an ninh trại giam, nhất cử nhất động đều không qua mắt được một giàn ăng ten dầy đặc vây quanh vị tu sĩ công giáo này. Bọn an ninh trại nói thẳng ra rằng nếu chúng bắt gặp bất cứ tù nhân nào liên hệ với Linh Mục Nguyễn Văn Vàng, sẽ cùm ngay.

Tôi là một Phật tử, nhưng mối liên hệ với Cha Vàng khá thân thiết và chúng tôi thường đàm đạo với nhau vào mỗi ngày sau giờ cơm chiều trước khi điểm số để vào buồng giam, không chấp lệnh của trại. Có lẽ đây là lý do bọn an ninh trại đưa tôi đi “nghỉ mát” trước và 2 năm sau họ đưa Cha Vàng và một vài anh em nữa vào những chiếc hộp nhỏ ở ngay say nhà bếp của trại A. Trại tập trung A-20 ở Xuân Phước thường được chúng tôi gọi là trại trừng giới (danh từ có từ thời Pháp thuộc để chỉ những trại có quy chế trừng trị tù nhân khắt khe). Cục Quản Lý Trại Giam của Cộng Sản thì gọi những loại trại này là Trại Kiên Giam. Tại sao chính quyền Cộng Sản gọi những trại được đánh mã số bằng chữ A và tiếp theo là một hàng con số? Thật ra thì rất ít người được biết lý do tại sao lại gọi A-20 là một trại kiên giam nếu không có dịp bị gọi đi thẩm cung nhiều lần trước khi được “gởi” vào những chiếc “hộp” ở Xuân Phước. Sau biến chuyển đánh dấu bằng việc Trung Quốc tấn công 6 tỉnh sát biên giới Việt Trung năm 1979, Cục Trại Giam được lệnh thực hiện một kế hoạch gọi là “Phương Án 4”, nghĩa là thực hiện một kế hoạch tuyển lựa tất cả những thành phần cứng đầu “không thể cải tạo được nữa” để đưa vào những trại A và trại Z.

Sau khi trở lại xà lim, tôi bắt đầu thực tập ngay. Tháo một quai dép lốp ra, tôi luồn thanh tre vào và dùng hai tay kéo cưa. Thấy nóng thật, tôi ra sức kéo mạnh. Cha Vàng vội can: “Kéo từ, thở ra hít vào đều, ít ra cũng một tiếng đồng hồ”. Tôi lại chọc cha Vàng: “Bố ơi, mình dang ở thời kỳ đồ đất mà kéo như thế này, chắc phải ăn 5 phần khoai mì may ra mới bù lại được. Ðồ đất dễ vỡ lắm!” Vị linh mục cười hiền lành: “Thôi dừng có nói nữa, anh nói nhiều xì hơi còn sức đâu mà kéo”.Trong khi tôi đánh vật với chiếc dép và thanh tre, thì Cha Vàng móc trong tay nải lấy hai miếng vải đã phơi khô ra và làm thành một con cúi. Ông chà một đầu con cúi xuống sàn rồi lấy móng tay út lúc đó đã dài như móng tay của mấy bà người Tàu bó chân, khẩy khẩy cả tiếng đồng hồ vào những thớ vải lúc đó đã hơi bung ra. Ðến khi thấy mệt, mồ hôi ra như tắm, tôi nói với Cha Vàng: “Con chịu thua rồi bố ơi, mệt quá”. Cha Vàng khuyến khích: “Ðừng ngừng, tiếp tục để bố thử coi”. Tôi tiếp tục kéo. Bột tre đã văng ra có thể nhìn thấy trên sàn. Khi Cha Vàng lựa thế đưa cúi vào thì tôi gia tăng tốc độ. Cha Vàng reo lên: “Hơi ngún rồi tại, chưa bén than vì anh kéo chưa đủ đô”. Quả thật tôi cũng thấy một chút khói bốc lên. Ngày hôm sau, chúng tôi lại thử, một cuộc chạy đua tiếp sức của hai người. Ðể con cúi vải xuống sàn, tôi và Cha Vàng thay phiên nhau kéo, từ 9 giờ sáng cho đến hơn 11 giờ thì “phép lạ” đã đến. Ðầu con cúi bắt đầu ngún và có khói, có nghĩa là bột tre nóng quá độ đã khiến cho lớp bông nhẹ trên con cúi bén lửa. Một lát sau khi thấy xuất hiện những đốm hồng, Cha Vàng thổi nhẹ nhẹ, vết lửa lan ra, trang sử của mấy ngàn năm trước được lật lại. Cha Vàng tiếp tục thổi nhẹ để nuôi dưỡng ngọn lửa. Và khi đã ngủi thấy mùi khét của vải, ngài thổi hơi mạnh. Ngọn than hồng lan rộng ra hơn và cuối cùng chỉ cần một hơi nhẹ, ngọn lửa bùng lên. Vị tu sĩ nhìn con cúi vải có than hồng giống như một điếu thuốc lá mới được đốt lên, rồi cười vang: “Mình thắng”. Ngài lục trong tay nải một miếng giấy châm vào cúi vải, ngọn lửa lan sang đóm giấy. Xong, cha nắm chặt tay tôi giơ lên cao như một võ sĩ được trọng tài nắm tay giơ cao sau khi đấm địch thủ do ván.

Chúng tôi ngồi nghỉ một lát, sau đó Cha Vàng nói: “Chúng ta đã học xong bài học lúc bố đã ngoài 50, còn con đã 33 tuổi. Nhưng tự bố, bố thấy chúng ta xứng đáng với bài học ấy. Ðó là kiên trì đạt mục tiêu trong hoàn cảnh khó khăn nhất”. Ðúng vào tối 24-12-1984, trước khi Cha Vàng cử hành thánh lễ nửa đêm trong xà lim số 6, chúng tôi đã hút mỗi người một điếu thuốc lào. Hút bằng một miếng giấy cuộn tròn như loa kèn và ngậm nước. Hút như thế, miệng mình chính là cái điếu, và cũng có tiếng kêu, cũng chếnh choáng say như khi hút bằng điếu cày. Chỉ có điều khác với hút thuốc lào bằng điếu cày: Sau khi hút phải nhổ nước đi. Trong hoàn cảnh tôi và Cha Vàng lúc đó thì hơi tiếc vì chúng tôi thiếu nước uống kinh niên.

Kể từ ngày sống cùng một xà lim với Cha Nguyễn Văn Vàng, tôi học được nhiều điều. Trong suốt thời gian này, ngài giảng cho tôi bộ Tân Ước. Dù tôi là một Phật tử, nhưng nghe một nhà truyền đạo Công giáo chuyên môn giảng kinh, nên bộ Tân Ước đã củng cố những lập luận sau này của tôi rất nhiều. Quan trọng hơn hết, đó chính là kỷ niệm với một tu sĩ mà tôi kính trọng.

Tháng 4-1985, Cha Vàng lâm bệnh vào lúc sức khỏe của ngài đã quá yếu. Có lẽ ngài đã kiệt sức, sốt cao rồi đi vào hôn mê. Tôi đập cửa kêu cấp cứu suốt ngày, nhưng lúc tên trực trại chịu mở cửa để cho một y sĩ vào khám bệnh, thì mọi việc có vẻ quá muộn. Hai viên trụ sinh không đủ khả năng làm Cha Vàng tỉnh lại. Vào đúng lúc cả hai chúng tôi đều cảm nhận được mùa Giáng Sinh đã trở lại thung lũng Xuân Phước qua tiếng chuông của một nhà thờ dường như ở cách chúng tôi xa lắm vọng về trong đêm lạnh giá và u tịch. Linh Mục Nguyễn Văn Vàng qua đời ngay trong xà lim số 6. Trước đó, dù yếu và bệnh, ngài đã bàn với tôi là làm sao có được bánh thánh lúc ngài làm lễ nửa đêm trong Noel 1985 mà con chiên duy nhất trước ngài lúc đó lại là một Phật tử như tôi. Nhưng mơ ước của Ngài không thành, kể cả việc lớn trước đó là lập lực lượng võ trang để mong lật ngược lại tình thế của một đất nước vừa chìm đắm trong luồng sóng đỏ. Nhưng dù ngài đã mất đi, trong suy nghĩ của tôi cho đến bây giờ, Linh Mục Nguyễn Văn Vàng vẫn là một ngọn lửa, âm thầm cháy như con cúi vải ngày nào bỗng bùng lên soi sáng cái không gian tăm tối của tất cả những xà lim đang hiện diện trên đất nước Việt Nam.

Vũ Ánh.

Ðêm Thánh Vô Cùng

Ðêm Thánh Vô Cùng,

Bảy giờ tối đêm 24 tháng 12 năm 1952, chúng tôi lại lên đường. Chúng tôi khởi hành từ thôn Thiết Ðính, xã Bồng Sơn (Bắc Bình Ðịnh) trực chỉ hướng tây nhắm tới. Ðối với chúng tôi những chuyến ra đi "khi trời vừa xẩm tối" như thế này đã quá quen thuộc gần cả năm trời rồi. Không ai trong chúng tôi, thắc mắc băn khoăn là đi đâu, đến đâu, với mục đích gì, lành hay dữ... Vì chúng tôi vốn đã quan niệm:

"Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Thử xem con tạo xoay vần đến đâu!"

Ðoàn chúng tôi gồm độ 10 anh em, có toán Công an Cộng sản 8 người đi kèm với súng ống, còng tay sẵn sàng. Từ ngày chúng tôi bị Việt Minh Cộng Sản bắt giam, ban đầu họ đặt tội danh cho chúng tôi là "Bọn địa chủ ngoan cố chống đối thi hành chính sách ruộng đất" nhưng sau họ đổi lại là "Bọn phản động âm mưu lật đổ chính quyền".

Sự thay đổi tội danh này hẳn cũng nằm trong âm mưu thâm độc của CS. Chính sách Ruộng đất mà chúng hằng khoe khoang là cách làm duy nhất và toàn thiện toàn mỹ để đem lại ruộng cày cho bần nông, nay nếu có kẻ chống đối hẳn sẽ gieo rắc sự nghi ngờ trong dân chúng về chính sách đó. Chi bằng cứ áp đặt cho chúng tôi một tội danh cố hữu mà chúng đã từng dùng là: "Âm mưu lật đổ chính quyền" một cách chung chung như vậy thì chắc ăn hơn.

Cộng sản thường đầu độc dân chúng là trong xã hội ta vẫn luôn có thành phần "ôm chân đế quốc" "liếm gót giày thực dân" để chống lại chúng; hòng che dấu cái mặt nạ độc chiếm nhãn hiệu "Ðánh Pháp giành Ðộc lập" của chúng. Cũng chính vì thế mà chúng đã gọi chúng tôi là "bọn phản động" chứ không dám kêu đích danh chúng tôi là: Thành phần Ðảng phái Quốc gia chống Cộng vì chúng sợ những trang sử chống Pháp đẫm máu của các đảng phái Quốc gia trước đây vài chục năm vẫn còn âm vang trong lòng dân chúng chăng ?.

Có điều khác thường là chuyến đi này chúng tôi không được mang theo hành trang. Hành trang chúng tôi vốn rất gọn nhẹ, có gì đâu ngoài vài bộ quần áo bỏ trong một túi vải mang vai và 5, 10 ký gạo đựng trong ruột tượng thắt ngang lưng. Do đó chúng tôi cũng đoán biết đây là một chuyến đi đặc biệt, chứ không phải di chuyển nơi giam cứu như thường lệ.

Ai đã từng bị CS bắt giam cũng đều thấm thía điều này. Giam là giam rục, không cần xét xử vội. Giam người, nhưng nhà nước chẳng tốn kém gì cả. Tiền gạo và thức ăn thì hằng tháng gia đình phải đem nộp tại Ty Công an. Giam mà chẳng phải nuôi ăn, cũng chẳng cần hỏi han, cung từ gì, chỉ bỏ lếch đó đến như vô tận trong khi gia đình không được thăm gặp. Công an thì nhởn nhơ, thanh thản, chỉ kẻ bị giam mất tự do, mới nhớ gia đình, lo nghĩ về ngày mai, với tương lai mờ mịt. Trái lại CS coi sự tự do của con người như cỏ rác vậy.

Chúng tôi cởi quần áo, lội sang sông. Nước sông mùa đông, lại vào giữa khuya nên lạnh buốt, trong anh em có người run lập cập. Lên bờ phía bên kia, mặc quần áo vào, bỗng nghe tiếng chuông ngân nga vọng lại. Anh em xì xầm bán tán: "Thôi, đúng rồi, chúng ta sẽ đến nhà thờ Mỹ Thành dự thánh lễ nửa đêm" và con sông này chính là sông Mỹ Thành.

Nhà thờ Mỹ Thành thuộc địa phận xã Ân Tín, huyện Hoài Ân. Chúng tôi nương theo bờ ruộng tiến về hướng nhà thờ trong đêm tối mịt. Không chăng đèn, không kết hoa, bóng nhà thờ với hình thánh giá cao vút là một khối đen lờ mờ ngự trị trên cánh đồng cũng đen mờ, tối mịt.

Chúng tôi được CA dẫn vào giữa đám đông, chỉ định một khu vực bảo chúng tôi đứng yên tại đó. Bất giác, chúng tôi nảy sinh những cảm giác lạ lùng: Vốn đã bị cô lập từ lâu dù chưa bị giam vào trại tù. Chúng tôi ở chung trong nhà với đồng bào, mỗi nhà một người, ăn ngủ với chủ nhà như người khách trọ. Chúng tôi không có quyền tiếp xúc chuyện trò với chủ nhà. Chúng tôi cũng không có ai bên cạnh để tâm sự, quanh mình chỉ có CA với súng và còng mà thôi.

Người dân còn sống trên dương thế mà chẳng khác gì những tội đồ dưới chín tầng địa ngục. Họ cũng bị kềm kẹp, tra khảo, phải nhịn ăn để đem hột gạo cuối cùng đóng thuế Nông nghiệp, phải đi dân công tiếp tế chiến trường, thân sống như thân chết, đói không có ăn, đau không thuốc uống, sống trong cái ảo tưởng: "Ðộc lập, Tự do, Hạnh phúc!" Duy trên bàn thờ Chúa - là nơi cao nhất - có lẽ đêm nay Chúa ở trên cao mới thấu hết mọi nỗi oan uổng tai ương của đám dân lành, của con chiên! Từ đó, tôi đem lòng thành kính thờ phượng, cầu xin nơi Chúa Cứu Thế: "Chúa đã giáng trần, Xin Chúa Ðem Lại Bằng An Cho Mọi Người Dưới Thế".

Ðến đây, nghi lễ chính thức được tiến hành, nhưng thấy đơn giản và rất gọn hơn lệ thường. Trong tiếng cầu kinh rì rào của giáo dân, chúng tôi cúi đầu thành tâm xin ơn Chúa đoái tưởng cứu vớt dân tộc VN sớm thoát cảnh binh lửa, thoát khỏi nanh vuốt của bọn CS vô thần cực kỳ giảo quyệt gian manh này.

Nguyên Lập.

Nước Gạo Lức, Thần Dược !!!

Nước Gạo Lức, Thần Dược !!!

Cách nấu: Một muỗng canh gạo lức rang cho một lít nước.

Mua gạo lức hột tròn hay dài (brown rice) tại các siêu thị, hay trong những chợ health food. Không nên rửa gạo trước khi rang, vì làm như vậy có thể làm cho người bị nóng hơn bình thường. Dùng chảo rang gạo trên lò, độ nóng medium low. Khi rang nhớ dùng đũa khuấy đều, vì nếu để yên một chỗ khá lâu hạt gạo sẽ bị cháy, hoặc nở bung ra. Rang cho đến khi có mùi thơm và gạo có mầu nâu đậm hay nhạt tùy ý thích. Nên rang mỗi lần vài pounds rồi để vào trong một cái keo dùng dần.

Nấu theo tỷ lệ một muỗng canh với một lít nước trong nồi Slow Cooker, độ nóng low, từ 8 đến 10 tiếng. Có thể nấu vào buổi tối trước khi đi ngủ, như vậy đến sáng trước khi đi làm có thể cho vào bình thủy mang theo, hoặc nấu buổi sáng và đến chiều tối thì xong.

Nên uống nước gạo lức rang với độ nóng thích hợp cho mình từ 2 đến 3 lít mỗi ngày. Nước gạo lức rang không nên để lâu trong nồi quá một ngày, vì sẽ làm nước bị đục và có thể bị thiu. Nếu dùng không hết, nên sớt ra, để nguội cho vào tủ lạnh. Trước khi uống chỉ việc hâm nóng là được.

Xác gạo lức khi nấu xong không nên bỏ, vì có thể ăn như cháo và làm nhẹ bụng. Người mới bệnh dậy, hoặc đầy bụng, hoặc chán không biết ăn gì (vì quá thừa thãi), cứ ăn vài ngày để giúp bao tử làm việc nhẹ nhàng, sẽ thấy thèm và thích ăn.

Tốt nhất là nấu bằng Slow cooker, đừng nấu trên bếp lò vì nước gạo sẽ không được trong.

Được biết, trong gạo lức có nhiều chất fiber có thể làm giảm lượng đường và cholesterol trong máu, đồng thời cũng có thêm những chất mineral như magnesium, manganese, zinc. Uống nước gạo lức phối hợp với thể dục và dưỡng sinh, điều hòa hơi thở bồi dưỡng thể chất cũng như tâm linh sẽ đem lại một đời sống khỏe mạnh, an vui cho chúng ta.

Tuy nhiên, nên nhớ rằng gạo lức chỉ giúp chúng ta điều chỉnh những chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe con người, chứ không phải là "thuốc tiên" có thể đi ngược lại vòng xoay của tạo hóa mà "cải tử hoàn sinh" hay "cải lão hoàn đồng" được. Con người sanh ra trong sự biến dịch của vũ trụ, trong quy luật tuần hoàn sanh lão bệnh tử của kiếp nhân sinh. Điều quan trọng là sống trong trí tuệ hiểu biết, sẵn sàng chấp nhận những gì đến và đi và buông bỏ không luyến tiếc những gì không thể giữ được nữa, kể cả xác thân vật chất này, như vậy ta sẽ có sự bình an dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Ngọc Bảo

Lợi Ích Của Ði Bộ

Lợi Ích Của Ði Bộ.

Đi bộ mỗi ngày 30 phút sẽ đem lại cho bạn những tác dụng không ngờ đối với sức khoẻ thể chất và tinh thần.

1.Tốt cho tim:
Một nghiên cứu gần đây đưa ra kết luận, nếu đi bộ nhanh 30 phút mỗi ngày sẽ làm giảm nguy cơ phát triển hội chứng chuyển hoá (metabolic syndrome)- một nhóm các triệu chứng ban đầu dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, và đột qụy. Theo thống kê tại Mỹ, có khoảng 24 triệu phụ nữ nước này mắc hội chứng chuyển hoá. Không có thời gian để đi bộ nửa giờ mỗi ngày ư? Một nghiên cứu ở Anh cho thấy rằng, hoạt động thường xuyên (Kết hợp đi bộ và đi xe đạp) đồng nghĩa với việc giảm 11% nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, đặc biệt là đối với phụ nữ.
2.Loại bỏ nguy cơ mắc ung thư vú:
Đi bộ chỉ cần vài giờ mỗi tuần có ý nghĩa đặc biệt trong việc giảm nguy cơ mắc ung thư vú, (theo công bố trên tờ tạp chí của hội y học Mỹ). Đồng thời đi bộ làm giảm béo, tăng khả năng sản sinhestrogen. Kết quả của nghiên cứu trên 74.000 phụ nữ ở tuổi mãn kinh (50-79 tuổi) với những người có thể trạng bình thường, nguy cơ mắc ung thư vú giảm đi 30%, còn những người thừa cân thì chỉ giảm từ 10-20%. Nghiên cứu trên phụ nữ trẻ hơn cũng đưa đến kết quả tương tự.
3..Giúp ngủ ngon hơn:
Đi bộ nhanh vào buổi chiều giúp bạn có được một giấc ngủ ngon hơn (Theo lời khuyên của tổ chức Giấc ngủ Quốc tế). Hơn nữa, nhiều ý kiến còn cho rằng, đi bộ làm tăng lượng hormone serotonin giúp cho bạn được thư giãn… Tuy nhiên bạn đừng nên đi bộ 2 giờ trước khi ngủ vì nó quá muộn để cơ thể nghỉ ngơi trở lại.
4.Làm giảm sự đau nhức cơ thể:
Hãy đi bộ và bạn sẽ giảm sự đau nhức cơ thể (Đó là lời khuyên của các nhà khoa học, Đặc biệt là môn đi bộ nhanh (Chiwalking- một ý tưởng kết hợp Thái cực quyền, Yoga và Pilates- một môn thể dục mềm dẻo). Nó giống như việc đi bộ thường xuyên nhưng bởi vì bạn thư giãn có ý thức, nó làm cơ thể bạn trở nên cân bằng bao gồm việc vận động cánh tay, làm cho chân không bị stress như khi đi bộ. Kết quả làm giảm đi sự đau nhức. Môn Chiwalking hiện ngày một phổ biến ở Mỹ.
5.Nó làm cho bạn hạnh phúc:
Đi bộ có thể làm cho bạn giảm bớt sự buồn chán, lo âu và stress, đó là một hiệu quả mà ít ai ngờ tới. Chỉ cần 30 phút đi bộ sẽ khiến cho tâm trạng của bạn trở nên khá hơn. theo nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Texas - Mỹ). Bỏ ra 90 phút đi bộ 5 lần mỗi tuần là bạn sẽ có được tâm trạng tốt nhất (nghiên cứu của đại học Temple). Một giải thích được đưa ra: Đi bộ giúp cơ thể sản sinh ra endorphin, một hoá chất làm cải thiện tâm trạng tạo cho bạn cảm giác lạc quan, yêu đời hơn.
6. Giữ cho bạn vóc dáng mảnh mai:
Đi bộ 30 phút mỗi ngày có thể tránh sự tăng cân ở hầu hết những người ít hoạt động tự nhiên. Mặt khác, nếu phụ nữ đi bộ một giờ mỗi ngày và năm lần trong một tuần sẽ tiêu hao 1.500 calo mỗi ngày và giảm khoảng 11 kg cân nặng bị thừa mỗi năm. Việc đi bộ có thể kiểm soát trọng lượng cơ thể của bạn..
7.Duy trì trí nhớ cho người cao tuổi:
Một vài nghiên cứu trên nhóm người cao tuổi chỉ ra rằng đi bộ thậm chí chỉ cần 45 phút mỗi tuần sẽ giúp tránh được bệnh Alzheimer. Đi dạo hoặc tản bộ thông thường cũng đồng nghĩa với việc trí não được luyện tập và trở nên minh mẫn hơn ở tầng lớp người cao tuổi.
8.Bảo vệ xương của bạn:
Chỉ cần 30 phút đi bộ 3 lần mỗi tuần là cách tuyệt vời để bảo vệ và rèn luyện cho xương của bạn.. Giống như một bài tập, khi đi bộ sẽ đòi hỏi người phải sử dụng 95% hệ cơ, thực tế quá trình này giúp thúc đẩy và khiến cho xương của bạn trở nên khoẻ mạnh và rắn chắc hơn.

Phạm chuyển

Mùa Giáng Sinh Buồn (Thơ)

Mùa Giáng Sinh Buồn (Thơ)

Cô đơn đi giữa trời Đông lạnh
Tuyết phủ bao quanh chạnh nỗi lòng
Nhớ nước tình quê buồn dịệu vợi
Xa nhà vui hưởng Giáng Sinh buồn .

Đứng trước Giáo Đường tôi khấn nguyện
Độc tài chấm dứt cõi trời Đông
Chúa ban hạnh phúc cho nhân loại
Cha Lý thoát vòng cảnh xích gông !


Đêm Nguyện Cầu

Lạy Chúa xót thương dân đọa đày
Đông về cầu xin Chúa Ngôi Hai
Thương dân gian Giáng Sinh trên máng cỏ
Cứu tín đồ trên Thánh Giá xót thương thay !

Lạy Chúa cứu dân khỏi tù đày
Năm năm tháng tháng với ngô khoai
Vững tin con nguyện ơn Thiên Chúa
Ban phép lành cảm hóa bọn man khai . . .

Trần Bửu Hạnh

Lịch Sử Có Những Biến Cố

Lịch Sử Có Những Biến Cố.

Cuộc biểu tình của một số sinh viên, thanh niên Việt Nam trước tòa đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội và tòa tổng lãnh sự ở Sài Gòn trước đây 2 năm cũng thay đổi người Việt Nam một cách sâu xa và rộng rãi, đánh thức giới trí thức và thanh niên ở trong nước cũng như ở bên ngoài. Nhiều người bắt đầu lên tiếng về vận mệnh quốc gia, chủ quyền dân tộc, và đánh thức những người khác. Thái độ của người dân đối với đảng Cộng Sản cầm quyền đã thay đổi, trước đây người ta đã hết sợ, nay người ta càng coi khinh. Và người dân đã bạo dạn hơn, không còn e dè khi muốn phát biểu ý kiến, khiến cho chế độ độc tài phải ra tay đàn áp mạnh hơn. Có thể nói những trí thức và sinh viên Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc trong vụ thành lập huyện Tam Sa đã thắp lên một ngọn lửa có ảnh hưởng đang lan ra mỗi ngày một rộng hơn và mạnh mẽ hơn.

Các bạn sinh viên đại học ở Sài Gòn và Hà Nội đi biểu tình hô các khẩu hiệu khẳng định “Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của nước Việt Nam” với tất cả tấm lòng yêu nước. Người Việt ở khắp thế giới cũng rạo rực trong lòng khi nghe họ cất tiếng. Ðồng bào ta đều nghĩ tới các chiến sĩ QL VNCH anh hùng đã xả thân bảo vệ Hoàng Sa, trong trận hải chiến sau cùng giữa người Việt và người Trung Quốc, năm 1974.

Trong không khí đó, những nhà tranh đấu cho tự do dân chủ càng thêm vững niềm tin. Những Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Xuân Nghĩa, vân vân, có thể tự hào đóng vai xung phong trên mặt trận dân chủ. Họ đã trông thấy nền tảng của chế độ độc tài đảng trị CSVN đang rạn nứt. Ðây chính là lúc giới trí thức, thanh niên cùng toàn thể đồng bào đứng lên đòi những quyền tự do căn bản của con người.

Sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản ở các nước Ðông Âu không phải chỉ do sự thất bại của hệ thống kinh tế Xô Viết, mà đã được khơi nguồn từ nhiều năm trước. Nhiều phong trào thay đổi tâm lý xã hội dân chúng các nước này đã bắt đầu từ giới trí thức, trong các đại học, các linh mục trong giáo hội Công Giáo, truyền tới giai cấp công nhân. Khi lòng dân muốn thay đổi đã chín mùi, ngay cả các cán bộ trung kiên của đảng Cộng Sản cũng phải ngả theo. Ðộng cơ cuộc cách mạng ở Ðông Âu là tự do, công bằng xã hội, và lòng yêu nước. Mảnh đất Việt Nam chúng ta hiện nay cũng đang sẵn sàng được gieo rắc những hạt giống tương lai đó. Xã hội đầy bất công. Người dân bị cướp đất, trí thức bị đàn áp. Và chủ quyền đất nước, lòng tự hào dân tộc đang bị xúc phạm.

Chúng ta sẽ tiếp tục giữ gìn ngọn lửa do các sinh viên, trí thức Việt Nam đã thắp lên từ hai năm trước. Lịch sử sẽ ghi nhận như một biến cố quan trọng vào bậc nhất, đánh dấu sự biến chuyển tâm lý trong xã hội Việt Nam, báo trước ngày chế độ Cộng Sản cáo chung.

Chính Nghĩa.

Mùa Xuân Tưởng Nhớ

“Hãy ngủ ngoan đừng kinh hoàng nghe con dù đêm nay thật nhiều súng nổ hãy ngủ yên đừng đợi chờ nghe em dù đêm nay anh đi ra trận dù đêm nay anh đi không về.”

Ðời lính đã kéo chúng ta trên tất cả những con đường ngắn dài của tuổi thơ đã trở thành những nẻo đường trong trí nhớ nên chỉ còn biết vui với rừng sâu mưa núi qua cuộc những lúc dừng chân bên quốc lộ đêm nhớ ngày mong:
“Rượu pha xá xị đầy nón sắt,
dăm thằng chuyền nhau uống vòng vòng.
Ðuổi bắt nhau như ngày với tháng,
như khoanh tròn tựa một số không.”

Lính là thế đó, buồn nhiều vui ít, với một chút nhun nhén tình cờ bắt gặp, trên các nẻo đường hành quân vô định, qua dăm ba ngày Tết dưỡng quân hay canh giặc chốn tiền đồn, lẻ loi ngoài quan tái. Ai đã từng là lính, mới cảm thông cho lính, sống thật cô đơn lếch thếch và chết cũng rất hiu hắt ngậm ngùi. Thời gian và không gian đời lính cũng chẳng qua chỉ là một cái mốc vô tình để biết ta hiện hữu. Nhưng thôi tiếc làm gì ai biểu ta sinh ra làm trai hùng đất Việt? Nên phải chấp nhận kiếp lính “ôm yên gối trống đã chồn, nằm vùng cát trắng ngủ cồn rêu xanh” để rồi thui thủi “đêm từng đêm ngó mông lung, vỗ bờ kiếm thép hát rừng mà nghe”.

Với lính thì Tết nào cũng Tết tha hương, Xuân nào cũng Xuân lữ thứ. Ðêm mờ tịch giữa tối ba mươi, cái khoảnh khắc năm cũ sắp tàn, khi mà mọi nhà chặt then kín cửa, để sửa soạn đón giao thừa, trong niềm hạnh phúc của gia đình, thì lính cũng đón chào năm mới trong chiếc hầm trốn đạn hay mái chòi canh giặc đen tối lạnh lùng. Từ đâu bổng kéo tới, vây kín cái không gian nhỏ hẹp. Là một người lính trẻ, viết thư gởi về cho người yêu trong một phiên gác đêm:
“Súng kê giấc ngủ mơ hồ,
đêm nghe tiếng nhảy ngựa thồ đổi phiên.
Xin cho em ý ngoan hiền,
biển sương rơi đọng trên miền dung thân.
Anh nhìn anh những phân vân,
đời trai giờ chỉ có ngần ấy sao?”

Xuân đến sớm nhưng sao buốt lạnh quá chừng, khiến cho ta thêm buồn trong bóng tối một tết tha hương. Dường như có ai đang hát ru Những Tình Khúc Chiến Trường giúp ta nhắp một chút men nồng để thấy lại ngày xưa, để ta dìu ta trở về trong kỷ niệm buồn vui của đời lính với những Tết không bao giờ quên được dù nay bạn bè người còn kẻ mất, trong đó có rất nhiều anh em đã gục chết ngay giữa tuổi thanh xuân mộng thắm tràn đầy.

Chiến tranh tàn nhẫn, oan nghiệt khiến suốt đời lính không quên được hình ảnh chết chóc của những người dân lành vô tội, giữa nhang đèn bánh mứt... chờ đón xuân về. Cố nhân xa rồi nên đâu còn ai thương nhớ ai, khiến cho người lính trận thêm cô đơn lạc lõng, khi nhớ lại những ngày ra đi: “Mai ta trở về với núi cao có mây xanh ngắt,lá reo sầu đêm chờ đạn nổ, ta còn lúc nào để nhớ thu mai ta trở về cùng khói núi tình mình còn chăng sợi khói bay nhớ thu ta đứng trên triền dốc mà lối đi về mây xám bay, một đời thân lính còn mơ ước gì chuyện tương lai tuổi trẻ cháy dần trong khói súng.”

Thật là cảm động biết bao về tấm lòng của người lính, xin chân thành dâng lên một nén hương lòng: Những người lính oai hùng của VNCH một thời lửa đạn, người có tên, người còn mồ hay người đã lưu vong.

Bóng Chiều Xưa.

mandag 7. desember 2009

Chuyện Tiếu Lâm Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Chuyện Tiếu Lâm Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Chuyện tiếu lâm Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nói riêng và khối cộng sản nói chung, thời lên voi nhuộm đỏ nửa địa cầu, cũng như thời xuống chó chỉ còn có 4 ngoe Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba, Việt Nam đang ngáp ngáp chờ chết, nhiều muôn trùng, bằng con số bậc cấp của con đường vô tận đi lên thiên đường cộng sản.
Nhân đây cũng xin lướt qua một chút chuyện tiếu lâm “Con đường lên thiên đàng cộng sản” trước khi vào “dòng chính” của các lãnh đạo ta.

Năm 1968, Tết Mậu Thân, sau khi cáo Hồ thất bại trong tham vọng đánh chiếm miền Nam, uất ức quá nên không chịu sống nữa bèn “chuyển sang từ trần”. Hồn vừa lìa khỏi xác, cáo Hồ hối hả chạy đi kiếm các tên đồ tể: Lê, Các, Xít, Mao để bái kiến tương ngộ. Trước đó, cáo Hồ nghe nói bọn họ đã tìm ra “thiên đàng cộng sản” và đang hưởng phước ở trển.
Hơn bốn mươi năm sau, thời điểm 2009, cáo Hồ đang thở phì phò, hì hà hì hục bò lên các bậc cấp dẫn lên thiên đàng, đầu óc còn đang hoang mang và thắc mắc không hiểu ai đã dùng phấn vạch lên các bậc cấp, mỗi bậc một vạch để làm chi thì thấy tên Mao hấp tấp đi xuống.
Cáo Hồ mừng quá, vội đứng thẳng người lên, tay trái xuội xuống đùi, tay phải nắm lại, giơ cao ngang trán chào kính và hỏi:
- Chào đồng chí Mao Xếnh ! Đồng chí đã lên tới thiên đàng cộng sản chưa ??
Mao nhăn nhó nói:
- Chưa! Đường còn xa lắm! Ngộ đang dùng phấn đánh dấu bậc cấp để đếm xem phải đi bao nhiêu bậc mới tới thiên đàng.
Cáo Hồ thấy lạ hỏi tiếp:
- Thế đồng chí đi ngược xuống làm chi ?
Mao ra vẽ đàn anh giải thích:
- Ngộ vừa đi vừa đánh dấu đã hơn 60 năm rồi, đã dùng hết mấy ngàn thùng phấn mà vẫn chưa thấy cổng thiên đàng, lại hết phấn. Ngộ phải xuống để lấy thêm phấn đây !
Cáo Hồ nghe xong, quá thất vọng, thở hắc ra cái phì, té phịch xuống đất, chết thẳng cẳng thêm lần nữa.

Quê Hương.

Cáo Hồ Với Nghị Quyết 36

Cáo Hồ Với Nghị Quyết 36.

Hồ cáo vốn dĩ là loài chỉ biết đi ăn trộm, ăn cướp để sống, hoặc chỉ chuyên ăn bám, hút máu kẻ khác để tồn tại chớ không biết tự mình kiếm ăn. Chỉ mươi năm sau, tài nguyên, của cải trong nước đã bị cạn kiệt, mọi người đều lâm cảnh nghèo xơ xác, đời sống cơ cực lầm than khốn khổ, không còn gì béo bở nữa để chúng xà xẻo, kiếm chác liếm láp nên cả bọn bị đói giơ xương, nhe răng, vêu mõm.

Chúng liền nhón chân, nghễnh cổ nhìn ra hải ngoại, xa nửa vòng trái đất, một nơi có nhiều bò sữa và gà tồ rất thơ ngây, ngờ nghệch, dễ tin đang sống sung túc, phây phả. Đám bò sữa, gà tồ này chính là nạn nhân khi trước đã bị chúng rượt cắn chí chết. Từ hai bàn tay trắng với cái quần xà lỏn lúc bỏ chạy, giờ đây nhà lầu, xe hơi trông béo ngậy, béo phây phây rất bắt mắt. Trông mà thèm nhỏ rãi.

Ngược dòng thời gian, mươi năm trở lại đây nếu không nhờ sữa và đô gửi về tiếp máu thì dòng họ Hồ cáo nhà ta đã ra ma nằm ngoài hoang dã rồi. Đang lúc thập tử nhất sinh chờ “chuyển sang từ trần”, bỗng được sâm nhung, loại đô tươi màu xanh, của hải ngoại luôn dễ mũi lòng từ bi, bác ái, đổ về ồ ạt để cứu sống cái thây ma sắp đi chuyến tàu suốt. Từ một, hai tỉ đô ban đầu dần dà đến nay lên tới con số 8 tỉ đô mỗi năm. Đảng Hồ cáo nhờ đó sống lại. Mà còn sống khoẻ, sống dã man hơn nữa. Hồ ly già, chồn trẻ, cáo tơ… con nào, con nấy giờ đây đều béo tốt phương phi, mặt đỏ tía, bóng nhẫy, bụng phệ ra như bụng ông địa múa lân, trở thành bọn tư bản đỏ.

Ăn no, giàu có, hưởng thụ phè phỡn xong, Hồ cáo bỗng giật mình, sờ sau gáy, nghiệm ra rằng cái đám gà tồ, bò sữa này sở dĩ chúng nó sớt máu ra nuôi ta mập thây, mập mặt cũng chỉ là sự bất đắc dĩ vì thân nhân ruột thịt chúng còn kẹt lại chốn hang hùm, ổ cáo đành phải bấm bụng tiếp tế về cứu nguy người nhà chứ chúng có thương xót gì mình. Rồi đây có ngày sẽ “phăng teo” đám Cáo Hồ lúc nào không hay khi chúng có đủ sức mạnh. Thực lực của chúng hiện nay như “lưỡi gươm treo trên đầu”. Nỗi lo gan ruột như bệnh nan y đáng sợ. Phải nghĩ cách “quản lý” chúng lại thật chặt mới được. Vừa kiểm soát chúng, vừa bóp cổ, móc hầu bao chúng mới là kế vẹn toàn.
Thế là bọn Hồ cáo khẩn cấp họp nhau lại tính kế, giở bổn cũ ngón nghề gião quyệt ra soạn lại, bày ra một cú lừa khác, một kịch bản tinh vi hơn, thâm độc hơn để “ngoạm cổ” những con gà ngờ nghệch ở hải ngoại.

Đó là trò lừa gạt mới có tên là Nghị quyết 36. Trò lừa này được che dấu dưới lớp sơn xanh xanh, đỏ đỏ trông rất loè loẹt bằng những từ ngữ đầy nhân ái, đậm đà bản sắc dân tộc như: “Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách rộng mở và biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho đồng bào về thăm đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học – công nghệ, hoạt động văn hóa – nghệ thuật” để dụ khị mấy con gà tồ to xác nhưng rất ngu ngơ và nhẹ dạ. Chúng đeo mặt nạ che mặt, giở giọng lưỡi ngon ngọt gọi đám gà tha phương cầu thực xứ người là “khúc ruột ngàn dặm” là “máu thịt của Việt Nam” là “bộ phận không thể tách rời”, là đủ thứ ngọt mật thay cho lời sĩ nhục năm xưa là “đồ đĩ điếm, phản quốc, bám chân đế quốc liếm bơ thừa sữa cặn” để ca bài ca con cá nó sống vì nước, rù quến đám gà thơ ngây có trí nhớ rất ngắn, đem tiền của, tài sản dành dụm bấy lâu về làm “Doanh nhân kiều bào” góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước, nhưng thực chất là để nuôi béo chúng.

Đổi lại, cáo hứa sẽ dọn đại yến “chùm khế ngọt” với “thịt tươi sống chân dài” để chiêu đãi và sẵn sàng hết lời xun xoe, bợ đỡ, ca tụng, tung hê đám gà tồ u tối là “Dziệt kiều yêu nước”.

Cái đau rát mặt, tháu cáy nhất của đảng Hồ ly là đã bắt tay bang giao với Mỹ, Úc, Pháp, Canada… cả mười năm rồi mà vẫn không thể nào treo được lá cờ máu lên bất kỳ nơi đâu. Chỉ thấy cờ vàng ngạo nghễ tung bay khắp nơi trên thế giới, bất cứ nơi nào có người Việt tị nạn Cộng sản, dù ngày nay lá cờ vàng không còn đất Mẹ để ôm ấp trong vòng tay nữa.

Dù chúng có nhe nanh, múa vuốt hung hăng con bọ xít đối với dân lành trong nước đến đâu đi nữa nhưng khi bè lũ kéo nhau ra hải ngoại để bị gậy kiếm ăn, tức khắc bị cộng đồng người Việt tỵ nạn sẵn sàng chờ đón, bẻ không còn cái răng để húp cháo.
Và dĩ nhiên cái màn chui cửa hậu để trốn của đám lãnh đạo CSVN cứ tái diễn dài dài.
Chó cậy gần nhà, chồn cáo cũng chỉ giỏi cậy gần hang ổ để gieo tai, tác ác với kẻ hiền.

Nguyễn Thanh Ty.

Trẻ Em Chết Hàng Loạt

Trẻ Em Chết Hàng Loạt.

Hôm nay chúng ta đang sống trong thời đại mà trái đất bỗng nhỏ như lòng bàn tay và chỉ ngồi tại một chỗ trong văn phòng, trước một màn hình vi tính đã nối mạng Internet thì bất kỳ một quan chức tỉnh nào cũng có thể tra cứu và xem xét ngay được từng nóc nhà của công dân trong vùng đất mà họ quản lý qua WikiMapia, hệ thống bản đồ mở cho toàn thế giới và chưa kể những phương tiện thông tin liên lạc nhanh chóng và tiện lợi khác.

Theo báo Thanh Niên đưa tin, thì tại xã Trà Linh-huyện Quảng Nam, nơi mà giao thông dù có khó khăn nhưng chưa đến nỗi quá cách trở, một căn bệnh lạ đang hoành hành và không được ai quan tâm cứu chữa, hoàn toàn không có tới một viên thuốc nào cho các em và các em đã bị chết trong nghèo đói. Chỉ một thôn nhỏ thôi mà đã có tới mười ba trẻ em bị đột tử và có ngày một thôn chết tới ba cháu. Căn bệnh bột phát với những triệu chứng nguy hiểm và rất thương tâm như thổ huyết, tiêu chảy và sốt kéo dài rồi chết trong vòng năm đến mười ngày.

Trẻ em nơi đây đã chết hàng loạt, cảnh tang tóc và tiếng kêu khóc đau đớn của người thân các em nhỏ không ngớt vang lên trong một thời gian dài nhưng họ không hề được cấp một viên thuốc, không hề được một cán bộ y tế xã hoặc huyện đến xem xét và đề ra các biện pháp để phòng tránh và cứu người. Trong khi đó, cán bộ y tế CSVN tại thôn bản nói rằng anh ta đã xuống kiểm tra và báo lại cho trạm xá xã biết, nhưng không có thuốc để phát cho dân.

Vậy mà gần hai tháng sau, vẫn chưa thấy phản xạ gì của những người có trách nhiệm trong ngành y tế, đoàn thể xã và huyện?!

Đau lòng thay, về một sự vô cảm trong ngành y tế CSVN. Thì hôm nay, lại chồng chất thêm một sự kiện đau lòng mà không thể không nói tới một sự việc nữa nói về sự vô cảm của những người có trách nhiệm đã lên đến cao độ khiến người có lương tâm không thể không phẫn nộ. Sự vô cảm trước nỗi đau và vận mệnh của người khác, lại thêm một lần nữa, cần phải gọi đích danh, đó là sự độc ác !

Một điều chắc chắn là những người có trách nhiệm còn có thể vô cảm mãi, và sự vô cảm này sẽ đẻ ra những vô cảm khác lớn hơn, nếu như người vô trách nhiệm, độc ác trước số phận của kẻ khác không bị hề hấn gì, vẫn ung dung tồn tại an hưởng thái bình trên vị trí và tiếp tục hưởng lộc dân! Một điều nữa cũng cần làm rõ là ngay trong thời kỳ chiến tranh, đói khổ khó khăn vô vàn, mà chúng ta đã không để cho đồng bào miền núi đói thuốc và đói muối. Thế mà sao bây giờ, khi cuộc sống đã khá hơn rất nhiều, phương tiện giao thông liên lạc tốt hơn rất nhiều, thì dân lại bị trong tình trạng người chết hàng loạt mà cả mấy tháng trời không hề có một viên thuốc cấp phát cứu trợ cho dân?!

Vậy tiền ngân sách dành cho y tế và tiền xoá đói giảm nghèo dành cho vùng này đã được sử dụng ra sao ? Ai là người phải chịu trách nhiệm về việc để cho hàng loạt trẻ em chết mà không được cứu chữa?/.

Câu chuyện đói thuốc, đói ăn ở vùng cao tưởng đã rơi vào dĩ vãng từ mấy chục năm trước. Cảnh người chết hàng loạt mà không hiểu do căn bệnh gì, không ai đến cứu chữa tưởng như không thể tồn tại ở thời thông tin liên lạc phổ cập này, thời mà mạng lưới y tế thôn bản dày đặc với nguồn ngân sách chi như hiện nay cùng với chính sách xoá đói giảm nghèo. Cái ngân sách mà CSVN hô hào đã đầu tư một số vốn khổng lồ để xây dựng “điện đường trường trạm” trong nhiều năm qua !

Lê Thị Hảo.

Thử Thách & Triển Vọng

Thử Thách & Triển Vọng.

Đối với phần lớn nhân loại ngày nay, dân chủ không còn là một khát vọng và một nỗ lực để đạt đến nhưng đã là một thực tế. Thế kỷ hai mươi là thế kỷ của nhiều biến cố với hơn một nửa nhân loại chìm đắm trong máu xương thảm họa độc tài, từ Thực Dân đến Quốc Xã, Phát Xít rồi Cộng Sản, nhưng đồng thời cũng là thế kỷ đánh dấu khả năng của con người có thể vượt qua thảm họa bằng con đường dân chủ. Bài hùng ca dân chủ đã được hát lên từ thảo nguyên Mông Cổ và vang vọng đến tận các hầm sâu của các thợ mỏ châu Phi.

Năm 1989, sự tan rã của khối Liên Xô đã tạo ra một không gian chính trị hoàn toàn mới tại châu Âu và đã ảnh hưởng trực tiếp đối với trên 400 triệu dân thuộc 27 quốc gia thuộc vùng này, trong đó có 15 nước vốn thuộc khối Liên Xô. Sau một giai đoạn chuyển tiếp khó khăn vì nạn thất nghiệp, suy thoái kinh tế, tình trạng xã hội mới còn nhiều bất an, các quốc gia Đông Âu đã phát triển vượt xa thời kỳ Cộng Sản qua các chính sách tư hữu hóa nền kinh tế và thực hiện hàng loạt các tiến bộ xã hội. Nhiều trong số họ như Ba Lan, Cộng Hòa Tiệp, Romania, Bulgaria v.v.. đã trở các hội viên quan trọng của Liên Hiệp Châu Âu. Ngày 1 tháng Chín vừa qua, thế giới đánh dấu 70 năm Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ nhưng cũng là ngày khẳng định khả năng của con người có thể vượt qua được những mất mát, chịu đựng hy sinh vô bờ bến để vươn lên trong hòa bình, dân chủ và tiến bộ. Tương tự, tháng Mười Một năm nay, nhân dân Đức cũng lần nữa khẳng định lòng yêu nước, yêu dân chủ tự do đã cao hơn và rắn chắc hơn cả Bức Tường Bá Linh khi họ tổ chức mừng 20 năm bức tường ô nhục này sụp đổ.

Năm 2009, phần lớn trong 192 quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc, tuy mức độ phát triển khác nhau và đang đi trên những chặng đường dân chủ hóa đất nước khác nhau, các quyền căn bản như quyền tự do ngôn luận, đi lại, các quyền chính trị như bầu cử, ứng cử, lập hội của người dân đã được tôn trọng. Tiếng nói của người dân thấp cổ bé miệng không còn bị giam hãm trong bốn bức tường của nhà tù tăm tối hay chìm vào quên lãng mà đã được lắng nghe.

Lẽ ra hôm nay, Việt Nam, một quốc gia bán đảo giàu có tài nguyên thiên nhiên và một khối dân 86 triệu trong đó 71% dân số dưới 40 tuổi và 60% dưới 30 tuổi, Việt Nam có tất cả các yếu tố cần thiết để phát triển thành một quốc gia thịnh vượng kinh tế, tiến bộ xã hội, nếu không hơn thì cũng bằng các nước khác trong khu vực. Nhưng không, Việt Nam sau 34 năm, trong mọi lãnh vực của đời sống con người vẫn còn thua kém rất xa các nước láng giềng.

Tại sao? Lý do đơn giản chỉ vì Việt Nam chưa có dân chủ, chiếc chìa khóa mở ra một xã hội Việt Nam thăng tiến. Ngày nay, Việt Nam vẫn còn là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới, đang bị cai trị bởi một thiểu số độc tài, cực đoan, ngoan cố nắm tất cả mọi quyền lực trong tay.

Sau ngày Cộng Sản chiếm trọn miền Nam, 30 tháng Tư 1975, lực lượng người Việt yêu chuộng tự do tại miền Nam tuy đã bị tước đoạt vũ khí nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu. Mặt trận mới không diễn ra bằng súng đạn nhưng bằng sự chịu đựng, bằng khí tiết. Mặt trận mới không diễn ra ở Dakto, Bình Long, Quảng Trị nhưng ở Hoàng Liên Sơn, Thanh Phong, Thanh Hóa, Hàm Tân, Tiên Lãnh, Suối Máu, An Điềm… và hàng trăm nhà tù dã man khác đã được chế độ dựng lên khắp nơi trên đất nước. Ngoại trừ một số rất nhỏ bị khuất phục, đại đa số, dù bị đày ải, vẫn giữ được nhân cách, khí tiết và niềm tin vào chân lý tự do dân chủ của dân tộc Việt Nam. Họ bước ra khỏi cổng trại tù không phải như những người sống sót mà là những người chiến thắng.

Căn nhà dân chủ mong manh trên mảnh đất miền Nam đã bị làn sóng đỏ xô ngã nhưng những nền móng được dựng xây dựng bằng bao xương máu của hàng triệu người Việt vẫn còn đó, niềm tin dân tộc vẫn còn sống trong ý thức mỗi người dân và vươn lên trong nước cũng như hải ngoại qua nhiều hình thức khác nhau. Nhìn từ góc độ tích cực của cuộc vận động dân chủ lịch sử, cho dù là ngày đau thương, tang chế, cũng đã hàm chứa nhiều ý nghĩa khác. Trong con đường hầm đen tối của lịch sử dân tộc những ngọn đèn hy vọng đã sáng lên.

Một vận hội mới đang mở ra, và chúng ta, dù ở đâu trên trái đất nầy cũng đều có thể đóng góp, có thể làm được hết phần mình mà không phải chen lấn nhau hay dẫm lên bước chân người khác. Con tàu phục hưng dân tộc Việt Nam còn rất rộng và đủ chỗ cho mọi người có tâm huyết.

TTD