tirsdag 3. desember 2013

Dân Và Đảng Ở Việt Nam Sợ Lẫn Nhau

 
Bình về quan hệ giữa dân và chính quyền, kiến trúc sư chính của Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ Thomas Jefferson viết: 
 
"Khi dân sợ nhà nước ắt sinh bạo chúa, khi nhà nước sợ dân tất có tự do."

Nhìn vào xã hội Việt Nam ngày nay, vế đầu của câu nói này có vẻ đúng hơn so với vế sau.
Nhưng cũng đã có những dấu hiệu cho thấy sự bất tuân của người dân đã ngày càng tăng về cả số lượng và cường độ trong khi nhà cầm quyền thể hiện sự sợ hãi, và ở góc độ nào đó sự phục thiện.
 
Động thái gần đây nhất về sự lùi bước của nhà cầm quyền trước phản ứng của người dân là việc Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng tạm rút lại một thông tư về phạt xe không chính chủ.
 
Quyết định của Bộ Giao thông đưa việc phạt xe không chính chủ vào quy định xử phạt hành chính trong giao thông đã gây ra làn sóng phản đối với cả một video tự chế trên YouTube kèm theo lời lẽ đả phá ông Thăng mà nay đã được gần nửa triệu người xem.
Quyết định có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều lần, người đứng đầu ngành lập pháp Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố kéo dài thời hạn đóng góp ý kiến cho sửa đổi Hiến Pháp tới hết tháng Chín thay vì khóa sổ vào 31/3.

Trong đợt góp ý kiến sửa đổi Hiến Pháp lần này, hàng ngàn công dân đã đi theo khẩu hiệu "điều duy nhất cần sợ chính là nỗi sợ" và kêu gọi bỏ Điều 4 nói về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Họ nói rằng Việt Nam đã có hàng ngàn năm lịch sử và sự tồn tại nhất thời của một chính đảng, cũng như các triều đại phong kiến trước đây, không phải là điều bất biến để có thể đưa vào Hiến Pháp.

Ngoài sự phản đối của người dân, Nguyễn Sinh Hùng cũng lên tiếng trong vai trò người đứng đầu cơ quan đại diện lớn nhất của người dân:
"Cớ gì tôi đi nước ngoài mà ông ở nhà xóa tên tôi, đến quốc tịch mà tôi còn được giữ nữa là?"
"Tự do gì mà tôi vừa ra khỏi nhà đi nước ngoài một cái thì ông bảo ông xóa tên tôi trong sổ? Cái sổ của ông rất to, ông chỉ cần chú thích trong đó là tôi đi vắng, chứ làm gì phải xóa?”

Đây có thể xem là một dạng phân biệt đối xử dựa trên nơi cư trú và quyền "tự do cư trú" được quy định trong Hiến Pháp đã không đồng nghĩa với việc được đối xử bình đẳng tại mọi nơi cư trú.

Nhưng sau khi xuống nước về hộ khẩu, phiền toái vốn có thể được giải quyết bằng tục lót tay, Bộ Công an lại đưa ra đề nghị gây tranh cãi hơn.
Đó là quyền được nổ súng vào dân trong một số trường hợp mà các luật sư đã ngay lập tức coi là trái Pháp lệnh và cả Hiến Pháp.

Đòi hỏi được quyền bắn vào người điều khiển phương tiện giao thông nếu cảnh sát nghĩ rằng họ có thể "gây hậu quả nghiêm trọng" đang hứng chịu cơn thịnh nộ của nhiều người dân.

Đề nghị của Bộ Công an cho thấy cách nhìn của họ về sự cần thiết phải xử lý những người mà họ nghĩ rằng sẽ phạm tội thay vì những tội phạm.

Cách nghĩ này ở những nước cộng sản đã khiến người ta nghĩ ra những chuyện tiếu lâm như chuyện một cô gái bị ông trưởng thôn bắt vì có dụng cụ nấu rượu lậu liền hô to "hiếp dâm".
Bị trưởng thôn phản đối, cô gái nói nếu cô bị quy vào tội nấu rượu chỉ vì có dụng cụ nấu rượu thì trưởng thôn đã sẵn có "dụng cụ hiếp dâm".

Những người cầm quyền ở Việt Nam không nói ra nhưng họ muốn các công dân hiện đại phục tùng họ như những thần dân của những thế kỷ trước.
Nhiều người trong giới lãnh đạo không thể chấp nhận quan điểm mà một nhà bất đồng chính kiến của Việt Nam dẫn rằng nhà cầm quyền "như tã lót" và cần phải thay thường xuyên để đảm bảo sự sạch sẽ.

Đa số các đối tác chiến lược của Việt Nam trong đó có Anh Quốc đã coi việc "chống" nhà nước là quyền của người dân và thậm chí trang bị cho họ vũ khí để làm như vậy qua việc cho phép tự do lập đảng, tự do biểu tình và tự do xuất bản.
Trong thời hiện đại ở Việt Nam, câu nói của Thomas Jefferson có thể được bổ sung bằng:
"Khi dân sợ Đảng, ắt sinh bạo chúa, khi Đảng sợ dân, tất có tự do."


Nguyễn Hùng.

 

Ingen kommentarer: