onsdag 11. desember 2013

Thế Ðảng Nhìn Qua Những Ðám Tang

 
Có những nhân vật lịch sử gắn liền với một giai đoạn lịch sử. Họ hoặc là những người góp phần làm nên, hoặc là nạn nhân, hoặc nhiều khi là người chứng kiến giai đoạn lịch sử đó. Có những con người, vừa kết hợp cả ba vai trò nói trên.
Sẽ là oai hùng, vinh hoa cho những người làm nên và hưởng thành quả và cũng sẽ là đau đớn cho các nạn nhân của từng giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, giai đoạn lịch sử Việt Nam thời Cộng sản, lịch sử sẽ ghi lại nhiều câu chuyện hiếm có. Ở đó có nhiều nhân vật, nhiều con người đã từng là những trụ cột làm nên triều đại Cộng sản, rồi chính họ trở thành nạn nhân của chế độ đó cho đến khi lìa đời.
Thậm chí, thông thường, lẽ đời thì chết là hết, song với chế độ Cộng sản, chết chưa phải là kết thúc. Tôi đã được đọc, nghe nói nhiều về những nhân vật như vậy, song gặp gỡ chưa được bao nhiêu.
Thật may mắn cho thời đại ngày nay, khi internet đã lan tràn mọi ngõ ngách, xóm làng thì các thông tin dù bưng bít kỹ đến đâu cũng không thể tuyệt đối. Và do đó, tôi có dịp hiểu nhiều hơn về những số phận, những con người trong chế độ này. Có thể không phải khi họ đang sống, mà khi họ đã lìa đời.
Từ tiếng vỗ tay trong đám tang cụ Trần Độ.
Hơn 11 năm trước, khi Internet chưa phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam như hôm nay, tôi đọc được bài viết về một đám tang lạ, đám tang Trung Tướng Trần Độ vào ngày 14-8-2002.
Ở đám tang đó có nhiều điều lạ. Đó là đám tang không được có chữ “Vô cùng thương tiếc”, không có chữ “Trung Tướng” là quân hàm ông Trần Độ đã được phong tặng sau khi góp công sức, xương máu cho Đảng bao nhiêu năm, không được tự do đến viếng, chia buồn hay đưa tiễn. Ở đó, có bản cáo trạng đọc trong lễ truy điệu kể lể những “tội” của người đã chết… Hẳn nhiên, đám tang đó vẫn được tiến hành trong sự quan sát, kiềm tỏa của lực lượng an ninh, công an. Nhưng, chi tiết cả đám tang đông đúc đồng loạt vỗ tay, khi người nhà cụ Trần Độ đã khảng khái khước từ bản “điếu văn kể tội” trước vong linh người đã mất do Vũ Mão thực hiện đã có tiếng vang rất xa và tiếng vọng rất lớn.
Và cụ Trần Độ cũng đã về với đất mẹ 11 năm qua, thời gian càng qua đi, thì những nội dung câu chuyện trên càng được chứng minh là hiện thực. Cụ đã về với đất mẹ, nhưng dư âm đám tang của cụ thì còn mãi với dân tộc Việt Nam như một điển hình của một thời khắc lịch sử đau thương của đất nước: Thời đại Cộng sản.
Ở thời đại đó, người ta không chỉ đểu với nhau khi sống, ác độc với nhau khi là đồng chí, hãm hại nhau khi là anh em mà ngay cả khi đã biến thành ma, đã về với cát bụi. Quả là mẫu hình của sự thù hận của con người được phát huy triệt để.
Tất cả tội ác, sự đểu cáng, sự táng tận lương tâm đó được giải thích là do “lệnh trên”, kể cả gần đây, Vũ Mão đã có thư phân trần về bản điếu văn là do “lệnh trên” chứ ông ta không muốn thế, ông ta đã đề nghị thay đổi nhưng “lệnh trên” là để nguyên.
Lệnh trên là cái gì? Là những tội ác được ngang nhiên thực hiện, bất chấp các nguyên tắc pháp luật, lương tâm, đạo đức làm người… trong những thời điểm nhất định.
Trên là ai? Thì đã bao năm nay, kể từ những cuộc thanh trừng trắng trợn trong Cải Cách ruộng đất, rồi Nhân văn giai phẩm, Cải tạo tư sản, cải tạo tù binh Việt Nam Cộng hòa, các sai lầm nặng nề về kinh tế, ngoại giao và nội trị đầy những sai lầm, tội ác, tham nhũng, phá hoại… Nhưng chẳng ai dám chỉ mặt, vạch tên nó ra cho thiên hạ biết mặt mũi cái “Trên” nó là cái gì mà gớm ghiếc, bất nhân, bất nghĩa đến vậy.
Những chiếc camera và cảnh sát, an ninh ở đám tang cụ Hoàng Minh Chính.
Cụ Hoàng Minh Chính, một cựu quan chức công thần Cộng sản, đã từng là Chủ nhiệm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin, Tổng thư ký Đảng Dân Chủ Việt Nam. Chính cụ cũng là người tuyên bố phục hoạt Đảng Dân Chủ Việt Nam thế kỷ 21. Mùa rét mướt năm 2008 đã ra đi sau một thời gian dài chịu khá nhiều sự khủng bố trắng trợn và cay đắng.
Tối 15/2/2008, chúng tôi đến nhà lạnh của Bệnh viện Thanh Nhàn vì có một cụ già người thân chết và được đưa vào đó. Khi vào đó, tôi nhận ra bức di ảnh cụ Hoàng Minh Chính trên bàn thờ. Chúng tôi thắp cho cụ nén hương lên đó để tiễn biệt một con người đã nghe đến nhiều nhưng chưa lần nào gặp mặt thì cụ đã ra đi, khi gặp nhau lại là nơi lạnh lẽo này.
Bước ra khỏi nhà xác, dù trời đã khá khuya, chúng tôi vẫn rất ngạc nhiên mà một đội quân cứ lầm lũi bắc thang, rải dây và gắn các thiết bị lên nhà tang lễ Thanh Nhàn. Chúng tôi chú ý mới biết họ chuẩn bị cho đám tang ngày mai của ông Hoàng Minh Chính.
Ngày 16/2/2008, lễ tang cụ Hoàng Minh Chính được tổ chức tại nhà tang lễ bệnh viện Thanh Nhàn sau khi có những cuộc giằng co giữa gia đình và nhà nước. Nhưng gia đình đã quyết định giành chủ động việc tự tổ chức lễ tang. Khi chúng tôi đến, đông đúc lực lượng công an, an ninh với đủ loại sắc phục… đã tề tựu đông đủ và có phần hùng hậu, lạnh lùng. Ngoài hệ thống camera bí mật mà tôi đã thấy tối qua, các Cameraman hùng hậu cầm máy quay chĩa vào mặt nhiều người hăm dọa, hùng hổ. Một vài nhân vật từ xa xôi đến dự lễ tang bị đã bị một vài người gây sự tạo nên vài việc lộn xộn nho nhỏ. Nhưng, nói chung không đến mức căng thẳng và có sự can thiệp tàn bạo như đám tang cụ Trần Độ mà tôi đã được nghe.
Đám tang cụ Hoàng Minh Chính chỉ cách đám tang cụ Trần Độ hơn 5 năm, nhưng có nhiều khác biệt. Trong đám tang, tôi nhận ra nhiều người tranh đấu cho dân chủ, nhiều trí thức, nhân sĩ và nhiều người kính trọng cụ đến tiễn biệt người đã khuất. Tuy nhiên họ đến, họ tiễn biệt cụ và ra về âm thầm.
Đến đám tang ông Nguyễn Kiến Giang.
Ông Nguyễn Kiến Giang, tên thật là Nguyễn Thanh Huyên, ra đi khi 73 tuổi. Cuộc đời ông là cuộc đời sớm tham gia mặt trận Việt Minh và khi 14 tuổi đã là đảng viên Cộng sản. Là một người theo đảng từ tấm bé, lớn lên nhiệt thành, thông minh và năng lực tràn đầy, để rồi ông trở thành nạn nhân của Đảng chính vì sự thông minh, can đảm của mình. Cuộc đời ông cũng như bao nạn nhân khác trong nhà nước Cộng sản, ông được “tặng” 6 năm tù không án và một số năm quản chế sau đó.
Cuộc đời bị cầm tù, bị quản chế về thể xác, bị ngược đãi trả cho công lao của ông, nhưng ông đã chứng tỏ ý chí của mình và được nhiều người kính phục. Ngày 2/12/2013, ông từ biệt thế giới này. Chúng tôi đến đám tang của ông vào chiều ngày 4/12/2013 tại nhà tang lễ Phùng Hưng.
Khi chúng tôi đến, nhà tang lễ Phùng Hưng đang chật cứng người trong ngoài đến viếng ông. Không chỉ các cơ quan nhà nước, mà các bạn bè, nhân sĩ, trí thức đều đến viếng ông với lòng kính cẩn và ngưỡng mộ. Không chỉ những người đang phấn đấu cho nước nhà có nền dân chủ thật sự, mà ngay cả cơ quan công an, những người đã trực tiếp và gián tiếp tạo nên những đau đớn của cuộc đời ông, cũng đến viếng ông.
Chứng kiến cảnh từng đoàn người đông đúc vào viếng một người đã từng có thời là “tên phản động của đảng” chúng ta mới thấy thực sự tầm vóc của ông ra sao.
Nếu như, trước đó không lâu, cả đất nước đã lên đồng trong một đám tang một thần tượng được bắt nguồn và là sản phẩm của truyền thông Cộng sản. Đám người trong cơn lên đồng đó do sự kích động của tuyên truyền, của truyền thông một chiều, thì đoàn người ở đây đến viếng ông với những nhịp đập của chính trái tim mình và bằng lý trí cảm phục nhân cách một con người đã từng là nạn nhân nhưng anh dũng, kiên cường vượt lên mọi gian lao, trở ngại để giữ vững khí tiết của mình.
Vị thế của đảng.
Nếu như với cụ Trần Độ, thì ông Vũ Mão đương chức ở quốc hội làm Trưởng ban lễ tang, để rồi có bài “điếu văn kết án bất hủ”, thì ở đám tang cụ Hoàng Minh Chính, gia đình đã kiên quyết giành thế chủ động đế tổ chức. Và đến đám tang ông Nguyễn Kiến Giang, thì chuyện gia đình tổ chức lễ tang, truy điệu hẳn nhiên là vậy không cần bàn cãi mà đảng không thể thò bàn tay vào điều khiển theo ý của mình.
Nếu như ở đám tang cụ Trần Độ, lực lượng công an, an ninh ngang nhiên chặn, xét, cắt, xé băng rôn, ngay cả chữ “Vô cùng thương tiếc” có sẵn trong tường nhà tang lễ cũng bị gỡ đi, trên các băng tang bị cắt đi để thể hiện đến mức cao nhất sự hèn hạ, bủn xỉn đến độc ác của đảng đối với đồng đội và ân nhân mình, thì ở đám tang cụ Hoàng Minh Chính, điều đó chỉ là vài vụ lộn xộn nho nhỏ và nhanh chóng được giải tỏa. Và đến đám tang ông Nguyễn Kiến Giang, mọi sự diễn ra bình thường trong sự tiếc thương kính phục của bạn bè, anh em.
Nếu như ở đám tang cụ Trần Độ, những người đến viếng là những lão thành, những người từng có công với đảng, với chế độ nên có thể hiện diện mà khộng ngại va chạm, không sợ bị dòm ngó dọa dẫm… Thì ở đám tang cụ Hoàng Minh Chính, lực lượng anh em trẻ, những người đấu tranh cho nền dân chủ nước nhà đã có mặt, dù không rầm rộ. Rồi đến đám tang ông Nguyễn Kiến Giang, đầy đủ mọi thành phần đến tiên đưa ông mà không hề e ngại những cặp mắt, cái nhìn dòm ngó, không có những chiếc camera gí vào mặt người khác dọa dẫm hung hăng.
Thậm chí, đoàn đại diện của Cục An ninh chính trị nội bộ A83 – Bộ Công an cũng đến viếng ông Nguyễn Kiến Giang. Khi nhìn thấy đoàn người này vào viếng, một vài người tỏ ý ngạc nhiên: “Lẽ nào, bây giờ lại có chuyện con sói thương tiếc cụ thỏ?” Một người giải thích: “Theo các nhà khoa học, con cá sấu sau khi ăn xong con mồi vẫn có nhu cầu thải các chất muối trong cơ thể nó vừa hấp thụ qua hai lỗ trên hốc mắt và người ta cứ tưởng là nước mắt của cá sấu”.
Những thay đổi đó, chắc hẳn không phải vì “đảng ta” đã thay đổi thái độ đối với các “nguyên đồng chí” của mình. Với bản chất bạo lực đấu tranhh giai cấp, điều đó vẫn chỉ là câu chuyện huyễn hoặc.
Thực tế thì vẫn chưa có thay đổi kể cả trong nhận thức của “Trên”. Song điều kiện ngày nay, khi mọi thông tin đều gần như không thể giấu kín, mọi hành động bạo tàn, nhẫn tâm và bất chấp đạo đức, luật pháp càng không thể dễ dàng giấu kín. Do vậy, những bàn tay hành động cũng phải rón rén hơn.
Vào thời điểm đám tang cụ Trần Độ, nhiều người vẫn còn nghi ngờ rằng: Có lẽ nào một người có công lao to lớn như thế với đảng mà đảng để đàn em đối xử tệ bạc đến vậy? Chắc chỉ là bọn phản động thù địch bịa ra mà thôi. Còn nếu không do thù địch gây ra, thì hẳn nhiên là ông Trần Độ đã gây ra tội trạng nặng nề và xứng đáng bị như vậy, việc công an vây đám tang gây sự là hiển nhiên. Bởi lúc bấy giờ vị thế của đảng trong lòng dân còn chút gì đó là sự hăm dọa, hãi hùng, là bí hiểm bởi những thông tin thực chưa hề đến với dân chúng, dư âm món bánh vẽ còn đâu đó trong cuộc sống hàng ngày.
Thế rồi, qua đám tang cụ Hoàng Minh Chính đến đám tang ông Nguyễn Kiến Giang hôm nay, sự chủ động của gia đình, anh em bạn bè cũng như những người khát khao sự công chính, sự tiến bộ cho đất nước, cho dân tộc đã có thể bước đàng hoàng, vượt qua sự sợ hãi vô lý.
Cũng trong quá trình 11 năm giữa hai đám tang, “đảng ta” từ một tổ chức tự nhận là “đạo đức, văn minh, lương tâm thời đại” chuyển thành nơi chứa “một bầy sâu”.
Cho đến hôm nay, thì ngay cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải thừa nhận: “Tham nhũng đã thành đường dây có tổ chức”.
Như vậy, có thể nói, đã thành một quy luật: Khi đảng càng suy yếu, thế đảng càng xuống dốc, thì những hành động độc ác càng bị hạn chế và xã hội ngày càng dễ thở hơn.
Liên tiếp mấy hôm nay thông tin về việc các đảng viên công khai từ bỏ đảng Cộng sản đã làm nóng cộng đồng mạng xã hội.
Như vậy là vẫn có những con người dù đã là đảng viên, vẫn còn lòng tự trọng và sự tỉnh táo cần thiết.
Và, người ta có quyền mơ đến một ngày người dân giành lấy quyền làm người tối thiểu của mình đã bị cướp đoạt hơn nửa thế kỷ qua.
Blog J.B Nguyễn Hữu Vinh.

 
 
 
 
 

Ingen kommentarer: