søndag 8. desember 2013

Niềm Tin Ðủ Tồn Tại


Trong thực trạng xã hội có nhiều bất công, bất cập và tình trạng tham nhũng, lộng quyền, pháp luật bị chà đạp dẫn  đến nhiều phản kháng trong xã hội từ mọi giai tầng. Nóng bỏng nhất là những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của những tình trạng đó , ví dụ chính sách đất đai và những người nông dân về đền bù, giải tỏa đất. Ngoài đất đai vấn đề tôn giáo, tự do ngôn luận cũng là trọng điểm của những bức xúc trong nhân dân. Hầu hết tất cả những người dân đều có chung bức xúc  tình trạng lạm phát, thất nghiệp, tham nhũng, hối lộ.
Phải nói dù chính quyền tuyên truyền thế nào thì sự bức xúc vẫn âm ỉ và sẵn sàng bùng nổ khắp mọi nơi từ miền núi, nông thôn đến thành thị. Những đám đông vì quá thiếu tin tưởng vào những kẻ hành pháp đã tự bảo vệ tài sản của mình một cách tiêu cực như những vụ cả làng đánh chết kẻ trộm, cả làng đứng ra nhân tội, số người làm đơn tự thú nhận tội đánh chết người lên đến ngót cả ngàn người. Không chỉ kẻ trộm chịu sự cuồng nộ của nhân dân, thậm chí là cả phương tiện giao thông của cảnh sát và chính bản thân cảnh sát cũng chịu sự phẫn nộ tập thể này.

Những hành động cuả đám đông nhân dân mà báo chí chính quyền nói rằng vô pháp luật đấy nói lên điều gì.? Đó là vô pháp luật bởi người dân tin rằng pháp luật, chính sách không minh bạch, không để họ đắt được niềm tin vào.  Hành động vô pháp luật ấy của người dân xuất phát từ niềm tin của họ rằng họ không trông chờ được gì vào pháp luật bởi những người hành pháp, cầm quyền cũng xử sự vô pháp luật.
Bởi thế trước khi trách người dân vô pháp luật, những người phát ngôn điều ấy có bao giờ tự nhìn mình xem họ hành động lúc nào cũng minh bạch và theo pháp luật hay không đã,có ăn hối lộ, có chạy chức quyền, bè phái để leo lên đến cái vị trí phát ngôn đó hay không đối với quan chức. Có nhận tiền bồi dưỡng, có nhận hối lộ để bẻ cong ngòi bút hay không đối với những phóng viên, nhà văn viết bài.?
Ở đâu đó niềm tin vẫn còn sót lại – quân đội và quốc hội.

Trong một bối cảnh xã hội đầy những điều như thế, niềm tin của nhân dân đã sa sút thảm hại, dân không tin chính quyền, dân không tin dân, người tiêu dùng không tin vào doanh nghiệp…cuộc sống ngột ngạt. Con người mở mắt là lo đối phó với đủ thứ cạm bẫy rình rập để moi túi tiền của họ, đồng nghiệp giành vị trí của họ. … thế nhưng đâu đó niềm tin vẫn còn le lói sống, như niềm hy vọng trông chờ lực lượng xã hội nào đó sẽ làm thay đổi tất cả. Lập lại niềm tin của nhân dân với chính quyền, làm cơ sở nền tảng để tạo niềm tin với pháp luật và những niềm tin dân sự khác  với nhau. Tóm lại khi dân tinh chính quyền, tin pháp luật sẽ là cơ sở để các niềm tin khác trong xã hội hồi sinh trở lại, đất nước sẽ thôi không còn cảnh nghi ngờ ngột ngạt đang ngự trị triền miên.

Giữa lúc suy thoái niềm tin như thế, không hiếm lần, thậm chí là nhiều lần người dân hỉ hả rỉ tai nhau rằng – quân đội sẽ đứng về nhân dân..quốc hội sẽ đứng về nhân dân….người ta hy vọng như thế đó. Bởi đó là những lực lượng mà từ sâu trong tâm khảm, tiềm thức người dân có tình cảm sẵn. Mỗi lần họp quốc hội, vừa có tin thông báo quốc hội bác bỏ điều này, điều kia của chính phủ đưa ra…người dân lại ồ lên hỉ hả, quốc hội sáng suốt, quốc hội biết thương dân…báo chí đua nhau ca ngợi khiến người dân cảm tưởng chín trường đang sôi động. Có nhiều nhiều ông nghị, bà nghị đang đứng về phía quyền lợi nhân dân.
Nhưng rồi sao? Giá cả vẫn tăng, tham nhũng không hề giảm, bất công vẫn lan tràn. Và quyền quyết định lãnh đạo đất nước vẫn thuộc về một tổ chức mà đến hơn 90% ông nghị và nghị nằm trong cái tổ chức đó. Chính cái tổ chức đẻ ra chính quyền và chính quyền ấy đẻ ra hàng vô số nghị định, luật, chính sách khiến đất nước mất niềm tin như ngày nay.

Nhiều cuộc khiếu kiện đông người diễn ra, người dân ngây thơ tin rằng quân đội sẽ không đàn áp họ, quân đội đứng về phía họ. Quân đội không thích gì công an, quân đội là để bảo vệ nhân dân, chỉ có công an mới là lực lượng chính đối chọi với nhân dân trong những cuộc khiếu kiện đông người, tụ tập đông người phản đối chính sách nào đó của nhà cầm quyền.

Không phải chỉ người trong nước, mà ngay cả người Viêt ở nước ngoài cũng nghĩ vậy. Hôm qua ngồi dự một cuộc gặp mặt những người phóng viên từ Siry, xem họ trình chiếu một đoạn clip người dân Siry biểu tình bị quân đội tấn công. Người bạn Việt Kiều quay sang nói tôi rằng- Ở Việt Nam đỡ hơn nhỉ, quân đội không làm thế với nhân dân. Tôi cười và trả lời – Bạn có thấy người dân ở Việt Nam biểu tình thái độ như người dân ở Siry hay không.? Chừng nào bạn thấy người dân Việt Nam biểu tình thái độ như thế mà không thấy quân đội Việt Nam làm như quân dội Siry, lúc ấy bạn hãy nhận xét. Bạn nên nhớ quân đội VN và quân đội Liên Xô, Trung Quốc là cùng một hệ thống chính trị giống nhau. Và chắc bạn biết sự kiện Thiên An Môn, sự kiện tháng 10 ở Hung Ga Ry, ở Tiệp Khắc.

Người bạn Việt Kiều không nói gì, bạn xa quê hương hàng chục năm rồi. Bạn không hiểu mỗi cuộc biểu tình đông người ở Viêt Nam ngày nay ngoài cái bạn nhìn thấy còn cái gì nữa, may lắm bạn thấy hình ảnh công an có sắc phục bên cạnh cuộc biểu tình. Bạn không thấy hàng trăm công an khác mặc thương phục trà trộn trong đám biểu tình, bạn cũng không thể thấy những trung đội cảnh sát cơ động vũ khí hiện đại đang âm thầm trú trong những trường học, trụ sở, địa điểm nào đó quanh khu vực biểu tình.
Nếu như bạn biết chút nào đó qua hình ảnh, tin tức trên mang, bạn sẽ trách công an ác, công an thẳng tay với người biểu tình, với người dân oan.

Nhưng bạn không bao giờ biết rằng các đơn vị bộ đội khổng lồ với xe tăng, xe bọc thép, trực thăng ở khu vực đó cũng đang trong tình trạng chiến đấu, bạn khó mà nghe được những lời tuyên truyền sắt máu về thế lực thù địch trong quân đội, để biết quân đội thương mến nhấn dân thế nào !!!. Chính những lực lượng hùng hậu ẩn mình này là hậu thuẫn để lực lượng công an thấy yên tâm trấn áp người dân, người biểu tình. Người dân cứ thử biểu tình thái độ như Siry khiến công an không ngăn chặn được đi, lúc đó sẽ biết quân đội nhân dân Việt Nam sẽ đối xử với nhân Việt Nam có bằng quân đội Siry hay không.?

Nếu theo dõi về sự tuyên truyền cho rằng những người biểu tình, khiếu kiện là thù địch thì những tờ báo của công an còn thua xa những tờ báo quân đội về độ thâm độc. Báo công an chỉ nói về hành vi gây rối, hay những động cơ lặt vặt. Nhưng báo quân đội thì mở hẳn một mục mang tính lý luận chính quy để rèn giũa tư tưởng cho quân đội rằng đằng sau biểu tình là bọn thế lực thù địch, là bọn âm mưu xấu để phá hoại đất nước….thậm chí một thiếu tướng quân đội còn tiếc nuối sự kiện Đông Âu CNXH bị sụp đổ vì trong lúc người dân Đông Âu  biểu tình người chỉ huy quân đội đã không biết chỉ đạo quân đội mình bắn. Cứ đọc hai tờ báo công an , quân đội bạn sẽ thấy tờ báo nào sắt máu và sặc thù hận hơn tờ nào.
Quân đội kinh doanh xăng dầu, viễn thông, ngân hàng, xây  dựng,  những miếng bánh rất lớn mà chỉ có thể chế này mới đem lại được cho họ.

Niềm với quân đội của người dân cũng loanh quanh như niềm tin của họ với quốc hội. Ông TBT NPT e ngại rằng đảng của ông mất niềm tin trong nhân dân sẽ dẫn đến nguy hại về tồn vong của đảng .
Thưa ông TBT , đừng lo hão. Có thế người dân không tin vào đảng ông, như họ vẫn tin vào những đứa con đẻ trung thành của đảng ông như quốc hội, quân đội thì ông chưa cần phải lo. Chưa kể niềm tin nhân dân còn bị chi phối vào những người cộng sản được suy tôn là thánh thần nữa…chỉ cần những niềm tin ấy, đảng của ông cũng dư sức thọ thêm ít là 50 năm nữa.
Ông lo gì mà lo sớm quá vậy thưa ông.?

Người Buôn Gió.

Ingen kommentarer: