torsdag 3. desember 2009

Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương

Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương.

Tôi rời Việt Nam năm 23 tuổi, lứa tuổi có thể nói là khá đủ trưởng thành để mang theo mình đầy ắp những kỷ niệm của quê hương.
Ngày tôi vừa tròn 9 tuổi thì biến cố năm 1975 xảy đến cho miền Nam thân yêu. Lúc đó tôi còn nhỏ lắm, nhưng cũng đã đủ trí nhớ để ghi khắc rất rõ tất cả những diễn biến thay đổi trong cuộc sống của mình. Tôi còn nhớ vào lúc đó, ở VN bất cứ nơi đâu, vào lớp học, đọc báo, nghe radio, mọi nơi tôi đều được dạy rằng "Đế quốc Mỹ" vô cùng độc ác, tàn nhẫn, lính Mỹ hiếp dâm gái Việt nam, cho nên chúng ta không nên xài đồ dùng, hàng hóa Mỹ, vân vân và vân vân…” Tóm lại, cái gì có dính đến "Mỹ" là xấu, là không tốt…
Thế nhưng có một lần tôi được một người bà con cho một gói kẹo chocolate "m&m", tôi còn nhớ, tôi ăn sao mà thấy ngon ghê gớm, không dám ăn nhanh sợ mau hết, sẽ không còn nữa để mà ăn. Cái cảm giác lúc đó sao mà tôi nhớ mãi, một cô bé chỉ hơn mười tuổi, vừa ngậm một viên kẹo chocolate nho nhỏ trong miệng, vừa tự hỏi rằng tại sao kẹo Mỹ lại ngon đến thế, mà từ trước đến giờ ai ai cũng dạy mình rằng hàng ngoại là xấu, là dở, là độc hại, là không nên xài…
Và rồi 14 năm trôi qua, tôi lớn dần trong chế độ Cộng sản, trong đầu lúc nào cũng bị nhồi nhét đầy ắp những hình ảnh hào hùng của dân tộc, và lòng tự hào…được là một người Việt Nam.
Tôi theo gia đình rời Việt Nam năm tôi 23 tuổi, để đi định cư tại Cali, miền Nam nước Mỹ. Tôi còn nhớ ngày gia đình tôi đi phỏng vấn, ba tôi không biết một chữ tiếng Anh, nên khi bà nhân viên lãnh sự Mỹ hỏi rằng "Một khi sang Mỹ, ông định sẽ làm gì để sống?". Ba tôi trả lời bằng tiếng Việt "Tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì để có việc làm mà sống nuôi con".
Khi nghe người thông dịch viên thông dịch lại, bà ta tỏ vẻ không hài lòng, bảo rằng "Ở Mỹ chứ không phải như ở Việt Nam, cả nghề cắt cỏ, hốt rác cũng phải có licence mới được làm…"
Còn Ba tôi thấy bà ta giận dữ thì càng cuống lên và cứ lắp bắp lập đi lập lại mãi cái điệp khúc "tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì để có tiền …", ý ba tôi muốn nói rằng "có tiền để nuôi gia đình, chứ sẽ không xin xã hội…".Thế là bà ta lại nổi giận lên, bảo "Vậy đi ăn cướp, giết người ông cũng sẽ làm để có tiền hay sao?"
Cuộc phỏng vấn của gia đình tôi kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, chỉ xoay quanh mỗi một câu hỏi đó giữa Bà nhân viên lãnh sự Mỹ và ba tôi mà thôi. Tôi ngồi đó mà buồn bã và tắt mất mọi hy vọng. Vậy là hết, còn mong gì được đi xuất cảnh nữa.
Mãi gần 12 giờ trưa, Bà Mỹ phỏng vấn nhìn đồng hồ, xong bà mở hồ sơ nhà tôi ra, và hỏi "Con ông ai là Dược sĩ đâu?", tôi rụt rè giơ tay. Bà ta liền nói với Ba Mẹ tôi rằng "Nếu chấm điểm thì gia đình ông bà không đủ điểm để được chấp nhận đi Mỹ, nhưng vì tương lai của các con ông, tụi nó còn nhỏ và còn cả một tương lai trước mặt, hơn nữa con Ông Bà có một người là dược sĩ, tôi mong rằng một khi được qua Mỹ, cô con gái này của ông sẽ cố gắng học và thi lại để hành nghề Dược sĩ mà giúp đời giúp người. Vì lý do này, tôi chấm "vớt" cho gia đình Ông Bà vậy, Ông Bà ra ngoài để lấy hẹn đi khám sức khỏe…"
Má tôi gần như bật khóc, ba tôi thì mắt đỏ và nhòe đi, còn tôi và các em thì gần như nhảy tưng lên vì mừng rỡ, không còn tin vào tai mình nữa. Và đó là lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu ra rằng, người ngoại quốc cũng có trái tim và lòng nhân ái, chứ không phải ai ai cũng là "đê quốc", là "độc ác" như từ bao lâu nay đầu óc tôi vẫn được "nhồi nhét" ở trường lớp Việt Nam.
Rồi năm tháng trôi qua, đã gần 10 năm sống ở Mỹ, tôi đã quen dần với nhịp sống ở xứ sở này. Và tôi cũng hiểu ra rằng dân tộc nào cũng vậy, có người tốt, người xấu. Cũng chính lòng nhân ái của người bản xứ đã làm cho cuộc sống tất bật ở nơi đây có thêm nhiều ý nghĩa. Ba mẹ tôi khi qua Mỹ thì đã già, chỉ đi làm ở hãng báo được vài tháng thì mất việc, vậy mà vài năm sau cũng vẫn được chính phủ cấp cho tiền già vì lý do nhân đạo.
Cả một thời trai trẻ ba mẹ tôi chưa hề đi làm ở Mỹ, chưa hề đóng một đồng xu thuế nào cho chính phủ, vậy mà lúc già vẫn được hưởng tiền trợ cấp, thì thử hỏi còn ai nhân đạo hơn nữa không? Ở xứ sở này, hai chữ "nhân đạo" thường ít khi được chính phủ nhắc nhở, nhưng lại được ban phát cho người dân nhiều hơn mình mong đợi.
Bây giờ cứ mỗi tháng mẹ tôi được lãnh khoảng hơn $1,000, lại còn được cấp nhà để ở, và được chính phủ chu cấp mọi dịch vụ y tế, sức khỏe, nhất nhất đều miễn phí. Tôi ngậm ngùi nghĩ mà thương cho các bà mẹ còn ở Việt Nam, một khi già rồi, nếu con cái không lo thì làm sao họ có thể sống qua ngày? Mà con cái có muốn lo cho cha mẹ đi nữa, thì làm sao lo cho đủ khi ngay chính bản thân họ, cũng chỉ được một đồng lương chết đói mỗi tháng? Và người già ở Việt Nam, lỡ bệnh một cái thì tiền đâu mà thang thuốc? Hay chỉ còn nằm chờ chết mà thôi.
Nhớ buổi phỏng vấn năm xưa, tôi thầm cám ơn bà nhân viên tòa lãnh sự Mỹ ngày nào, đã vì lòng nhân đạo cho gia đình tôi được định cư, để chúng tôi có được ngày hôm nay. Luôn nhớ lời bà dặn dò, chị em chúng tôi đã cố gắng học hành và hiện nay tôi đang hành nghề dược sĩ.
Chiều qua lái xe về, tiếng nhạc từ dĩa CD phát ra văng vẳng bài hát mà tôi hằng yêu thích: "Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một Mẹ thôi, quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người…"
Phải, tôi đã từng luôn tự hào và hãnh diện rằng mình là người Việt Nam, dù rằng quê hương Việt Nam của tôi vẫn còn nghèo khổ lắm. Trong tim tôi, vẫn luôn chỉ có một quê hương Việt Nam, cũng như tôi chỉ có một người mẹ mà tôi hằng yêu kính nhất. Thế nhưng, vẫn xin cho tôi được nhận nơi này, Mỹ quốc, làm quê hương thứ hai, như một người mẹ nuôi đã giúp tôi trưởng thành và nên người, bời vì nếu không có bà mẹ nuôi này, thì có lẽ tôi vẫn chưa bao giờ thật sự hiểu hết được trọn vẹn ý nghĩa của hai chữ "tự do"
Mẹ Mỹ quốc ơi, cho con xin được nhận nơi này làm quê hương.

Hoàng Thanh.

Ingen kommentarer: