Ai Cũng Có Một Thời Tuổi Trẻ.
Những trận bão đổ vào miền Trung Việt Nam khiến khắp nơi lại kêu gọi nhau cứu giúp các đồng bào lâm nạn. Chúng tôi lại nhớ trận bão lụt năm Thìn, 1964. Tháng Mười năm đó, báo chí loan tin bão lụt làm hàng chục ngàn đồng bào mất nhà cửa, không đủ thức ăn; nhiều thanh niên, sinh viên đã tự động họp lại bàn chuyện “cứu lụt.” Họ thuộc nhiều đoàn thể, như nam và nữ Hướng Ðạo, thanh niên, sinh viên Phật tử, thanh niên, sinh viên Công Giáo, thanh niên thiện chí, các hội sinh viên ở Văn Khoa, Khoa học, trường Kỹ Thuật Phú Thọ, học sinh Cao Thắng, vân vân. Nhưng khi họp nhau thành lập một tổ chức tạm thời lo việc cứu trợ họ không cần xin phép đoàn thể của họ. Họ cũng không cần phải xin phép chính quyền, lúc đó cụ Phan Khắc Sửu là quốc trưởng. Phong trào “cứu lụt” này chỉ kéo dài trong mấy tháng rồi giải tán, nhưng đã gửi được nhiều đoàn sinh viên, học sinh ra miền Trung đem theo quần áo, chăn mền, thực phẩm và tiền quyên góp được ở Sài Gòn và các thành phố lớn đến tận tay các nạn nhân.
“Ai cũng có một thời trai trẻ,” đó là một câu thơ của một bạn trẻ viết vào thời 1960, 70. Thế hệ lớn lên trong thời đó rất dễ nẩy sinh lòng nhiệt thành muốn phục vụ xã hội chung quanh. Phải nói năm 1964 mở đầu một phong trào thanh niên ở miền Nam Việt Nam, nhờ chính quyền mới cho người dân được tự do hơn. Trong mấy năm sau đó xã hội công dân ở miền Nam phát triển mạnh vì chính quyền tin tưởng vào đám thanh niên có thiện chí. Bao nhiêu đoàn thể trẻ ra đời, một phần phát xuất từ các tôn giáo nhưng đa số là những nhóm người tự nguyện tự động họp nhau. Cứ 10 người, 20 người trẻ họp lại là có thể thành lập một tổ chức, xin Bộ Thanh Niên công nhận và được Bộ Nội Vụ cho phép. Từ đó họ phát triển thành những đoàn thể hàng trăm, hàng ngàn người, từ các thành phố lớn lan ra các tỉnh, quận. Tất cả đều nêu cao lý tưởng phục vụ xã hội, giúp đỡ đồng bào. Chính phủ miền Nam có lúc cũng tổ chức những đoàn thể thanh niên để chi phối hoặc hướng dẫn nhưng không thành công như các tổ chức tự do và tự nguyện của tư nhân. Sau năm 1971 thì phong trào này bớt mạnh vì áp lực của chiến tranh khiến các sinh viên, học sinh phải lo học nhiều hơn, nhiều người phải gia nhập quân đội, và nhiều thanh niên khác được lôi cuốn vào những phong trào chính trị hơn là xã hội.
Khi nói đến xây dựng chế độ dân chủ tự do người ta thường nghĩ đến việc thiết lập một bản hiến pháp mới, xây dựng các định chế, lập ra một chính quyền mới, vân vân. Nhưng một chế độ dân chủ có bền vững hay không là do xã hội công dân có đủ mạnh hay không. Khi các công dân một nước, trong từng khu phố, từng làng xóm biết tự động, tự nguyện họp nhau cùng thảo luận và tìm cách giải quyết các nhu cầu chung, không cần đợi chính quyền kêu gọi hoặc ra lệnh, khi đó họ đang sống tự do dân chủ và xây dựng dân chủ. Thói quen đó được huấn tập lâu ngày cho thêm bền chặt, thì nền dân chủ sẽ bền vững. Ngày xưa cụ Phan Châu Trinh khuyên dân ta phải bồi bổ dân trí, phải nâng cao dân khí. Phương pháp bồi bổ và nâng cao không gì bằng phát triển xã hội công dân (civil society). Trong nước hiện giờ hay dịch là “xã hội dân sự,” một từ ngữ không diễn tả đầy đủ ý nghĩa của vai trò các công dân tự do, tự nguyện, độc lập. Trong đảng Cộng Sản Việt Nam cũng đang bàn đến nhu cầu phát triển xã hội dân sự. Nhưng một “xã hội dân sự” do bạo quyền tổ chức theo nhu cầu của họ, mà không do các công dân tự nguyện đứng ra làm lấy, thì không phải là “xã hội công dân.”
Ngay bây giờ ở trong nước ta có hàng triệu thanh niên, sinh viên, và học sinh đang muốn sống cuộc đời có lý tưởng, có ý nghĩa. Dù không được phép chính thức, các đoàn thể như Hướng Ðạo, Gia Ðình Phật Tử, các đoàn thể thanh niên Công Giáo đã hoạt động trở lại. Họ cũng nuôi dưỡng lý tưởng phục vụ. Trong mấy năm vừa qua khi các thiền sinh ở Tu Viện Bát Nhã mở những khóa tu tập cuối tuần, những ngày quán niệm, có hàng ngàn thanh niên, sinh viên, học sinh từ các thành phố đã kéo về tham dự. Tới đó, họ biết thế nào là sống an lạc, hạnh phúc, và họ muốn chọn một đời sống có ý nghĩa.
Chỉ có một điều kiện hiện nay còn thiếu là giới trẻ ở Việt Nam không được hưởng không khí tự do của thời 1964 như chúng tôi đã trải qua. Mà vì thế, xã hội công dân cũng không được phát triển tự do nữa. Nhưng chúng ta biết thanh niên Việt Nam không muốn sống cuộc đời vô vị. Họ đều không muốn bê tha trà đình tửu điếm, không muốn sa vào cái bẫy ma túy, nếu có cơ hội nuôi dưỡng lý tưởng vị tha. Ai cũng có một thời tuổi trẻ, và không ai muốn bỏ phí. Nhìn họ không sợ hãi, không chán nản, chúng ta có thể tin vào chí khí cao thượng, khát khao sống lý tưởng của tuổi trẻ Việt Nam. Họ là một biểu tượng cho niềm tự hào và niềm hy vọng cho dân tộc.
Cho nên bây giờ khi chúng ta đòi cho người Việt Nam được sống tự do, trước hết phải đòi cho các thanh niên, sinh viên, học sinh được tự do sống có lý tưởng, được tự do phục vụ đồng bào. Tuổi trẻ Việt Nam là một kho tàng chưa được dùng để phục vụ đất nước. Chỉ cần được tự do tập họp và tự do phục vụ, họ cũng sẽ trở thành những viên đá xây dựng xã hội công dân làm nền tảng cho chế độ tự do dân chủ trong tương lai. Nếu không, một thế hệ thanh niên nữa sẽ bị phí phạm.
Nguồn Việt.
mandag 7. desember 2009
Abonner på:
Legg inn kommentarer (Atom)
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar