mandag 7. desember 2009

Thử Thách & Triển Vọng

Thử Thách & Triển Vọng.

Đối với phần lớn nhân loại ngày nay, dân chủ không còn là một khát vọng và một nỗ lực để đạt đến nhưng đã là một thực tế. Thế kỷ hai mươi là thế kỷ của nhiều biến cố với hơn một nửa nhân loại chìm đắm trong máu xương thảm họa độc tài, từ Thực Dân đến Quốc Xã, Phát Xít rồi Cộng Sản, nhưng đồng thời cũng là thế kỷ đánh dấu khả năng của con người có thể vượt qua thảm họa bằng con đường dân chủ. Bài hùng ca dân chủ đã được hát lên từ thảo nguyên Mông Cổ và vang vọng đến tận các hầm sâu của các thợ mỏ châu Phi.

Năm 1989, sự tan rã của khối Liên Xô đã tạo ra một không gian chính trị hoàn toàn mới tại châu Âu và đã ảnh hưởng trực tiếp đối với trên 400 triệu dân thuộc 27 quốc gia thuộc vùng này, trong đó có 15 nước vốn thuộc khối Liên Xô. Sau một giai đoạn chuyển tiếp khó khăn vì nạn thất nghiệp, suy thoái kinh tế, tình trạng xã hội mới còn nhiều bất an, các quốc gia Đông Âu đã phát triển vượt xa thời kỳ Cộng Sản qua các chính sách tư hữu hóa nền kinh tế và thực hiện hàng loạt các tiến bộ xã hội. Nhiều trong số họ như Ba Lan, Cộng Hòa Tiệp, Romania, Bulgaria v.v.. đã trở các hội viên quan trọng của Liên Hiệp Châu Âu. Ngày 1 tháng Chín vừa qua, thế giới đánh dấu 70 năm Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ nhưng cũng là ngày khẳng định khả năng của con người có thể vượt qua được những mất mát, chịu đựng hy sinh vô bờ bến để vươn lên trong hòa bình, dân chủ và tiến bộ. Tương tự, tháng Mười Một năm nay, nhân dân Đức cũng lần nữa khẳng định lòng yêu nước, yêu dân chủ tự do đã cao hơn và rắn chắc hơn cả Bức Tường Bá Linh khi họ tổ chức mừng 20 năm bức tường ô nhục này sụp đổ.

Năm 2009, phần lớn trong 192 quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc, tuy mức độ phát triển khác nhau và đang đi trên những chặng đường dân chủ hóa đất nước khác nhau, các quyền căn bản như quyền tự do ngôn luận, đi lại, các quyền chính trị như bầu cử, ứng cử, lập hội của người dân đã được tôn trọng. Tiếng nói của người dân thấp cổ bé miệng không còn bị giam hãm trong bốn bức tường của nhà tù tăm tối hay chìm vào quên lãng mà đã được lắng nghe.

Lẽ ra hôm nay, Việt Nam, một quốc gia bán đảo giàu có tài nguyên thiên nhiên và một khối dân 86 triệu trong đó 71% dân số dưới 40 tuổi và 60% dưới 30 tuổi, Việt Nam có tất cả các yếu tố cần thiết để phát triển thành một quốc gia thịnh vượng kinh tế, tiến bộ xã hội, nếu không hơn thì cũng bằng các nước khác trong khu vực. Nhưng không, Việt Nam sau 34 năm, trong mọi lãnh vực của đời sống con người vẫn còn thua kém rất xa các nước láng giềng.

Tại sao? Lý do đơn giản chỉ vì Việt Nam chưa có dân chủ, chiếc chìa khóa mở ra một xã hội Việt Nam thăng tiến. Ngày nay, Việt Nam vẫn còn là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới, đang bị cai trị bởi một thiểu số độc tài, cực đoan, ngoan cố nắm tất cả mọi quyền lực trong tay.

Sau ngày Cộng Sản chiếm trọn miền Nam, 30 tháng Tư 1975, lực lượng người Việt yêu chuộng tự do tại miền Nam tuy đã bị tước đoạt vũ khí nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu. Mặt trận mới không diễn ra bằng súng đạn nhưng bằng sự chịu đựng, bằng khí tiết. Mặt trận mới không diễn ra ở Dakto, Bình Long, Quảng Trị nhưng ở Hoàng Liên Sơn, Thanh Phong, Thanh Hóa, Hàm Tân, Tiên Lãnh, Suối Máu, An Điềm… và hàng trăm nhà tù dã man khác đã được chế độ dựng lên khắp nơi trên đất nước. Ngoại trừ một số rất nhỏ bị khuất phục, đại đa số, dù bị đày ải, vẫn giữ được nhân cách, khí tiết và niềm tin vào chân lý tự do dân chủ của dân tộc Việt Nam. Họ bước ra khỏi cổng trại tù không phải như những người sống sót mà là những người chiến thắng.

Căn nhà dân chủ mong manh trên mảnh đất miền Nam đã bị làn sóng đỏ xô ngã nhưng những nền móng được dựng xây dựng bằng bao xương máu của hàng triệu người Việt vẫn còn đó, niềm tin dân tộc vẫn còn sống trong ý thức mỗi người dân và vươn lên trong nước cũng như hải ngoại qua nhiều hình thức khác nhau. Nhìn từ góc độ tích cực của cuộc vận động dân chủ lịch sử, cho dù là ngày đau thương, tang chế, cũng đã hàm chứa nhiều ý nghĩa khác. Trong con đường hầm đen tối của lịch sử dân tộc những ngọn đèn hy vọng đã sáng lên.

Một vận hội mới đang mở ra, và chúng ta, dù ở đâu trên trái đất nầy cũng đều có thể đóng góp, có thể làm được hết phần mình mà không phải chen lấn nhau hay dẫm lên bước chân người khác. Con tàu phục hưng dân tộc Việt Nam còn rất rộng và đủ chỗ cho mọi người có tâm huyết.

TTD

Ingen kommentarer: