onsdag 9. desember 2009

Ðêm Thánh Vô Cùng

Ðêm Thánh Vô Cùng,

Bảy giờ tối đêm 24 tháng 12 năm 1952, chúng tôi lại lên đường. Chúng tôi khởi hành từ thôn Thiết Ðính, xã Bồng Sơn (Bắc Bình Ðịnh) trực chỉ hướng tây nhắm tới. Ðối với chúng tôi những chuyến ra đi "khi trời vừa xẩm tối" như thế này đã quá quen thuộc gần cả năm trời rồi. Không ai trong chúng tôi, thắc mắc băn khoăn là đi đâu, đến đâu, với mục đích gì, lành hay dữ... Vì chúng tôi vốn đã quan niệm:

"Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Thử xem con tạo xoay vần đến đâu!"

Ðoàn chúng tôi gồm độ 10 anh em, có toán Công an Cộng sản 8 người đi kèm với súng ống, còng tay sẵn sàng. Từ ngày chúng tôi bị Việt Minh Cộng Sản bắt giam, ban đầu họ đặt tội danh cho chúng tôi là "Bọn địa chủ ngoan cố chống đối thi hành chính sách ruộng đất" nhưng sau họ đổi lại là "Bọn phản động âm mưu lật đổ chính quyền".

Sự thay đổi tội danh này hẳn cũng nằm trong âm mưu thâm độc của CS. Chính sách Ruộng đất mà chúng hằng khoe khoang là cách làm duy nhất và toàn thiện toàn mỹ để đem lại ruộng cày cho bần nông, nay nếu có kẻ chống đối hẳn sẽ gieo rắc sự nghi ngờ trong dân chúng về chính sách đó. Chi bằng cứ áp đặt cho chúng tôi một tội danh cố hữu mà chúng đã từng dùng là: "Âm mưu lật đổ chính quyền" một cách chung chung như vậy thì chắc ăn hơn.

Cộng sản thường đầu độc dân chúng là trong xã hội ta vẫn luôn có thành phần "ôm chân đế quốc" "liếm gót giày thực dân" để chống lại chúng; hòng che dấu cái mặt nạ độc chiếm nhãn hiệu "Ðánh Pháp giành Ðộc lập" của chúng. Cũng chính vì thế mà chúng đã gọi chúng tôi là "bọn phản động" chứ không dám kêu đích danh chúng tôi là: Thành phần Ðảng phái Quốc gia chống Cộng vì chúng sợ những trang sử chống Pháp đẫm máu của các đảng phái Quốc gia trước đây vài chục năm vẫn còn âm vang trong lòng dân chúng chăng ?.

Có điều khác thường là chuyến đi này chúng tôi không được mang theo hành trang. Hành trang chúng tôi vốn rất gọn nhẹ, có gì đâu ngoài vài bộ quần áo bỏ trong một túi vải mang vai và 5, 10 ký gạo đựng trong ruột tượng thắt ngang lưng. Do đó chúng tôi cũng đoán biết đây là một chuyến đi đặc biệt, chứ không phải di chuyển nơi giam cứu như thường lệ.

Ai đã từng bị CS bắt giam cũng đều thấm thía điều này. Giam là giam rục, không cần xét xử vội. Giam người, nhưng nhà nước chẳng tốn kém gì cả. Tiền gạo và thức ăn thì hằng tháng gia đình phải đem nộp tại Ty Công an. Giam mà chẳng phải nuôi ăn, cũng chẳng cần hỏi han, cung từ gì, chỉ bỏ lếch đó đến như vô tận trong khi gia đình không được thăm gặp. Công an thì nhởn nhơ, thanh thản, chỉ kẻ bị giam mất tự do, mới nhớ gia đình, lo nghĩ về ngày mai, với tương lai mờ mịt. Trái lại CS coi sự tự do của con người như cỏ rác vậy.

Chúng tôi cởi quần áo, lội sang sông. Nước sông mùa đông, lại vào giữa khuya nên lạnh buốt, trong anh em có người run lập cập. Lên bờ phía bên kia, mặc quần áo vào, bỗng nghe tiếng chuông ngân nga vọng lại. Anh em xì xầm bán tán: "Thôi, đúng rồi, chúng ta sẽ đến nhà thờ Mỹ Thành dự thánh lễ nửa đêm" và con sông này chính là sông Mỹ Thành.

Nhà thờ Mỹ Thành thuộc địa phận xã Ân Tín, huyện Hoài Ân. Chúng tôi nương theo bờ ruộng tiến về hướng nhà thờ trong đêm tối mịt. Không chăng đèn, không kết hoa, bóng nhà thờ với hình thánh giá cao vút là một khối đen lờ mờ ngự trị trên cánh đồng cũng đen mờ, tối mịt.

Chúng tôi được CA dẫn vào giữa đám đông, chỉ định một khu vực bảo chúng tôi đứng yên tại đó. Bất giác, chúng tôi nảy sinh những cảm giác lạ lùng: Vốn đã bị cô lập từ lâu dù chưa bị giam vào trại tù. Chúng tôi ở chung trong nhà với đồng bào, mỗi nhà một người, ăn ngủ với chủ nhà như người khách trọ. Chúng tôi không có quyền tiếp xúc chuyện trò với chủ nhà. Chúng tôi cũng không có ai bên cạnh để tâm sự, quanh mình chỉ có CA với súng và còng mà thôi.

Người dân còn sống trên dương thế mà chẳng khác gì những tội đồ dưới chín tầng địa ngục. Họ cũng bị kềm kẹp, tra khảo, phải nhịn ăn để đem hột gạo cuối cùng đóng thuế Nông nghiệp, phải đi dân công tiếp tế chiến trường, thân sống như thân chết, đói không có ăn, đau không thuốc uống, sống trong cái ảo tưởng: "Ðộc lập, Tự do, Hạnh phúc!" Duy trên bàn thờ Chúa - là nơi cao nhất - có lẽ đêm nay Chúa ở trên cao mới thấu hết mọi nỗi oan uổng tai ương của đám dân lành, của con chiên! Từ đó, tôi đem lòng thành kính thờ phượng, cầu xin nơi Chúa Cứu Thế: "Chúa đã giáng trần, Xin Chúa Ðem Lại Bằng An Cho Mọi Người Dưới Thế".

Ðến đây, nghi lễ chính thức được tiến hành, nhưng thấy đơn giản và rất gọn hơn lệ thường. Trong tiếng cầu kinh rì rào của giáo dân, chúng tôi cúi đầu thành tâm xin ơn Chúa đoái tưởng cứu vớt dân tộc VN sớm thoát cảnh binh lửa, thoát khỏi nanh vuốt của bọn CS vô thần cực kỳ giảo quyệt gian manh này.

Nguyên Lập.

Ingen kommentarer: