onsdag 17. oktober 2012

Lãnh Ðạo CSVN Củng Cố Quyền Lực



Hội Nghị Trung Ương 6 của Đảng CSVN đột ngột khai diễn sớm hơn dự định đến 10 ngày. Sự kiện này đã tạo ra nhiều dư luận đồn đóan về kết quả của Hội Nghị. Nào là sẽ có những thay đổi lớn, chẳng hạn thay đổi Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng sau đúng nửa tháng hội họp, kết quả Hội Nghị Trung Ương 6 cho thấy, nó chẳng khác gì các kỳ hội nghị trước đây của Đảng, cũng chỉ là đẻ ra những nghị quyết mà ngôn từ thì sặc mùi giáo điều, đao to búa lớn, nhưng nội dung thì rỗng tuếch. Vậy thì thực chất của Hội Nghị Trung Ương 6 này là gì? 

Đảng CSVN triệu tập Hội Nghị Trung Ương 6 sớm hơn 10 ngày đã tạo ra nhiều dư luận. Dư luận được đồn đóan nhiều nhất cho rằng đây là Hội Nghị để phe cánh Tổng Bí Thư liên kết với Chủ tịch Nước hạ bệ Thủ tướng. Dư luận này phổ quát nhờ thời gian qua một số trang blogs đã tung nhiều tin tức và dữ kiện cho thấy đang có sự tranh giành quyền lực và ảnh hưởng giữa các quan chức cầm đầu Đảng.

Các tin tức và sự kiện này hiển nhiên đã phản ảnh một phần sự thật. Và có lẽ cũng chẳng ai ngạc nhiên khi biết chính những quan chức khá cao cấp trong Đảng đã tiết lộ các thông tin này! Như bất cứ một bộ máy cầm quyền nào, guồng máy cai trị do đảng CSVN dựng nên tại VN hiện nay cũng luôn luôn có sự tranh chấp quyền hành trong nội bộ. Đối với cấu trúc xã hội VN, quyền hành đi đôi với quyền lợi, bổng lộc. Vì vậy, tranh chấp dẫn đến sự đấu đá, lọai trừ nhau không phải là hiện tượng khác thường. Kết bè, kéo cánh để củng cố vị trí, quyền lợi và bổng lộc là chuyện đương nhiên. Và trong một xã hội không thượng tôn luật pháp như VN hiện nay, tệ nạn này phải ở mức độ cao nhất.

Thế nhưng cũng chính vì tất cả các phe phái đều xuất phát từ Đảng, cho nên khả năng thỏa hiệp vì quyền lợi tối thượng của Đảng lại rất cao. Nói cách khác, khi đụng đến quyền lợi sinh tử của Đảng, các phe phái chống đối nhau có thể hòa hõan, giàn xếp một giải pháp thỏa hiệp để tất cả đều cộng sinh vì lợi ích của Đảng. Tất cả đều biết rằng, khi Đảng "đổ" thì họ không thể nào tồn tại! Vì vậy, hơn lúc nào hết, quyền lợi tối thượng của Đảng hiện nay là bám giữ, là "trụ" được vào vị trí lãnh đạo độc tôn. Bất cứ một sự thay đổi, đụng chạm nào gây tổn hại đến ngôi vị này của Đảng đều phải tránh. Phải tránh bằng sự thỏa hiệp, bằng tương nhượng giữa các phe phái.

Và đó chính là nội dung chủ yếu của Hội Nghị Trung Ương 6. Đây là dịp để các phe phái đấu đá nhau, cùng ngồi lại thảo luận để thấy đâu là nguy cơ của Đảng, và từ đó tìm biện pháp để củng cố Đảng. Hiển nhiên biện pháp đó không phải là thay thế hay lọai trừ phe Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Phe cánh này quá lớn để có thể đốn ngã mà không gây hệ lụy "bứt giây động rừng". Cho nên dù dư luận quần chúng có tiêu cực đến đâu đối với Nguyễn tấn Dũng, dù thành tích cai trị của Nguyễn tấn Dũng trong thời gian gần 6 năm qua tồi tệ ra sao, thì Đảng CSVN cũng không lọai bỏ được phe cánh này.

Nhưng ngay dù Nguyễn Tấn Dũng có bị truất quyền Thủ tướng thì liệu rằng tình trạng VN có khá hơn không? Liệu nền kinh tế sẽ khả quan hơn và nạn tham nhũng có bị đẩy lùi? Và nhân sinh và nhân quyền của nhân dân Việt Nam sẽ được đề cao, tôn trọng hơn? Câu trả lời khẳng quyết là KHÔNG!
Lý do là vì vấn nạn của Việt nam ngày nay không phải phát sinh do nhân sự mà là do cơ chế. Dù Nguyền Phú Trọng, hay Trương tấn Sang, hay bất cứ một đảng viên CS nào khác thay thế Nguyễn tấn Dũng thì kết quả về mặt kinh tế, về mặt xã hội, và về mặt nhân quyền, cũng sẽ giống hệt như kết qủa sau 6 năm làm Thủ Tướng của Nguyễn tấn Dũng.

Thật vậy, nguyên do các thảm trạng tại Việt nam chính là vì đảng CSVN đã nắm vai trò chủ nhân ông đất nước một cách tuyêt đối và vĩnh viễn. Tập đòan này đứng trên và đứng ngòai luật pháp, tự tung tự tác, không chịu sự kiểm sóat và chế tài của một cơ cấu nào! Trong bối cảnh đó, các xí nghiệp quốc doanh được duy trì bằng bất cứ giá nào vì đó là nơi để các đảng viên và bà con, vây cánh bòn rút của công. Và trong môi trường đó, tham nhũng không những không bị nghiêm trị, mà còn được khuyến khích như là cách thức để củng cố sự liên hệ phe phái, tặng thưởng bổng lộc cho đàn em. Và trong điều kiện đó, nhân quyền bị chà đạp, dân chủ bị bóp chết vì đã đối đầu, đụng chạm đến ngôi vị thống trị độc tôn của Đảng. Cho nên, dù đảng viên nào làm nắm giữ guồng máy cai trị thì kết quả đối với đất nước cũng sẽ như nhau.

Đơn giản là vì quyền lợi của Đảng hòan tòan đối nghịch với quyền lợi của dân tộc và đất nước! Để thực sự cải thiện được tình trạng kinh tế, tức phải dẹp bỏ tất cả các xí nghịệp quốc doanh, phải minh bạch và tạo sự khả tín trong lãnh vực tài chính, ngân hàng. Để tận diệt nạn tham nhũng, phải có cơ quan chế tài hòan tòan không lệ thuộc vào cơ chế cầm quyền. Và để cải thiện dân chủ, nhân quyền, thành phần lãnh đạo đất nước phải do dân chúng bầu lên một cách tự do. Và để có những những điều trên, việc đầu tiên là phải hủy bỏ điều 4 Hiến Pháp, điều khỏang đã hiến định hóa ngôi vị độc tôn lãnh đạo của Đảng!

Thế nhưng, như Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước nhiệm kỳ trước đã tuyên bố, bỏ điều 4 tức là Đảng CSVN đã "tự sát".

Nếu đảng CSVN không "tự sát" thì nhân dân VN không còn con đường nào khác hơn là phải "hạ sát" đảng này. Chỉ lúc đó thì đất nước chúng ta mới thực sự khá được!./.

Hải Nguyên.

Ingen kommentarer: