lørdag 6. oktober 2012

Cái Gọi Là Ðiều 88 Bộ Luật Hình Sự - CSVN



Ngày 24/9/12 các nhà tranh đấu dân chủ Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải), Tạ Phong Tần và AnhBaSaigòn (Phan Thanh Hải) bị CSVN truy tố ra toà chiếu theo điều 88 bộ luật hình sự Việt Nam. Từ lâu nay, điều 88 BLHS được CSVN sử dụng như căn bản pháp lý để tiêu diệt mọi tiếng nói đối lập và bảo vệ chế độ.

Điều 88 về Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định:
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam , thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
A) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
B) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;
C) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam .

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
Dĩ nhiên các bị cáo sẽ dựa vào các nhân quyền được khắc ghi trong hiến pháp 1992, cùng những công ước quốc tế liên hệ, để biện minh cho sự vô tội của mình.
Điều 69 hiến pháp 1992 minh thị quy định:
" Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình, theo quy định của pháp luật."
Điều 74 hiến pháp cũng quy định:
"Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào.
Trên nguyên tắc Điếu Cày, Tạ Phong Tần, AnhBaSaigòn có thể lập luận vững chắc rằng: điều 88 BLHS rõ ràng vi phạm các điều 69 và 74 hiến pháp, và vì xung đột với các nhân quyền căn bản do hiến pháp quy định, nên điều 88 BLHS là vi hiến và vô hiệu lực.

Trong một chế độ dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính, kết luận đương nhiên là toà án phải tuyên bố các bị cáo vô tội và ra lệnh cho công an phóng thích tại chỗ. Toà án cũng sẽ ra lệnh cho Viện Kiểm Sát Nhân Dân trả mọi chi phí luật sư cho các bị cáo.

Sau đó các bị cáo sẽ xúc tiến những thủ tục về hộ (dân sự) truy tố Công An, cũng như Viện Kiểm Sát Nhân Dân để đòi bồi thường thiệt hại vì đã truy tố cẩu thả, vô căn cứ gây nhiều thiệt hại và tổn thất vật chất lẫn tinh thần. Xác xuất các cơ quan chức năng bị toà án ra lệnh bồi thường rất cao vì luật pháp không những muốn bảo vệ các nhân quyền quan trọng được khắc ghi trong hiến pháp, mà vì nghành tư pháp còn có tránh nhiệm giám sát sự thi hành công vụ nghiêm minh, trong tinh thần cần mẫn liêm chính của các cơ quan công quyền nữa.
Dĩ nhiên người CSVN cũng có lập luận phản bát của họ. Lập luận chính của họ là: không có một quyền tự do nào vô giới hạn cả, ngay trong hiến pháp của các nước dân chủ đa nguyên hiện giờ. Thành ngữ "theo quy định của pháp luật" nằm ở cuối điều 69 hiến pháp là một thành ngữ thường được sử dụng trong hiến pháp của mọi quốc gia. Điều 88 BLHS có mục tiêu tạo nên khung sườn cho quyền tự do ngôn luận khắc ghi trong điều 69 hiến pháp. Hiến pháp đã cho phép quốc hội làm ra luật để quy định cụ thể và chi tiết hoá các quyền tự do theo điều 69 và 74. Như thế điều 88 BLHS không xung đột với hiến pháp. Tạ Phong Tần, Điếu Cày cũng như AnhBa Sàigòn đã vi phạm "theo quy định của luật pháp" và phải chịu sự chế tài của luật pháp.
Lập luận trên của người CSVN, mới nhìn qua, không phải hoàn toàn là phiếm luận. Thêm vào đó, họ còn có thể lập luận rằng, tuy hệ thống chính trị của họ không phải đa nguyên nhưng rõ ràng là có các yếu tố dân chủ vì có bầu cử, có hiến pháp trong đó mọi quyền tự do căn bản được khắc ghi, và tam quyền cũng được phân lập.
Tuy nhiên khi phân tách kỹ, hiến pháp CSVN có các khuyết điểm trầm trọng sau đây:
1. Sự vắng bóng của khái niệm vi hiến và hợp hiến trên phương diện định chế.
2. Sự vắng bóng của khái niệm vi hiến và hợp hiến trên phương diện nội dung.
3. Điều 4 hiến pháp cho phép đảng CSVN đứng bên trên và ngoài luật pháp, xem lấn vô pháp vô thiên vào các quyết định của hành pháp, tư pháp lẫn lập pháp, từ đó hủy diệt nội dung tam quyền phân lập.

Trước hết, trong các quốc gia dân chủ thực sự, luôn luôn có một định chế tư pháp hoàn toàn độc lập, không lệ thuộc vào bất cứ một chính đảng, cá nhân, tập thể hoặc cơ cấu chính quyền nào. Thông thường định chế tư pháp này là một tối cao pháp viện được trao trách nhiệm phán xét về tính hợp hiến hay vi hiến của một sắc luật như BLHS. Tại Việt Nam không hề có một cơ cấu tương tự.

Tiếp theo đó, thành ngữ "theo quy định của pháp luật" không có nghĩa là pháp luật muốn quy định thế nào cũng được, như người CSVN suy diễn. Sự suy diễn sai lầm này phát xuất từ 2 lý do. Thứ nhất là vô tình: vì phần lớn những cán bộ CSVN trình độ hiểu biết về luật rất thấp. Thứ nhì là cố ý: vì người CSVN đã quen tập tục độc quyền vô pháp vô thiên, cứ làm càng bậy, miễn là bảo vệ độc quyền đảng trị. Tuy luật pháp có thể quy định những chi tiết cụ thể của một quyền tự do được một điều khoản hiến pháp khắc ghi, nhưng luật pháp không được quyền vi phạm tinh thần của điều khoản đó, vô hiệu hoá hiến pháp và ngang nhiên cướp đi một nhân quyền được hiến pháp, vốn là văn kiện tối cao, quy định.

Cuối cùng, mục tiêu của mọi hiến pháp là tạo lên một khung sườn cho một trật tự xã hội thượng tôn luật pháp, trong đó không một cá nhân hay tập thể nào có thể thao túng quyền lợi và quyền lực quốc gia. Mục tiêu này hoàn toàn bị tiêu diệt vì điều 4 hiến pháp quy định quyền cai trị độc tôn và vĩnh viễn của đảng CSVN. Qua điều 4, đảng khống chế không những hành pháp, lập pháp và hệ thống toà án, mà còn khống chế mọi khía cạnh của xã hội dân sự.

Các nhà tranh đấu cho dân chủ như Điếu Cày, Tạ Phong Tần và AnhBaSaigòn cũng như hằng trăm người Việt yêu nước khác, không những đang tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận, mà thực sự đang tranh đấu để đạp đổ một trật tự xã hội thối nát, một bản hiến pháp độc đảng độc tài và một bộ luật hình sự chà đạp nhân quyền trắng trợn.

Họ đang đi những bước tiên phong cho tiến trình xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên cho đất nước.

Hải Nguyên.

Ingen kommentarer: