søndag 21. oktober 2012

Cuộc Chiến Việt Nam



Cuộc chiến Việt Nam đã xem như chấm dứt được ba mươi bảy năm nhưng vẫn còn để lại những “Hội Chứng Việt Nam” trong lòng tất cả con dân nước Việt.

Cho đến ngày nay, kể cả những người từng tham dự cuộc chiến, cầm súng chiến đấu vẫn không nhận chân được vấn đề là bản chất của cuộc chiến Việt Nam?  Chiến tranh Việt Nam có phải là cuộc chiến để giành độc lập dân tộc như Cộng Sản Việt Nam vẫn rêu rao tuyên truyền?  Thật vậy, đồng bào miền Bắc nhất là các đảng viên đoàn viên bị nhồi nhét tuyên truyền “Bác Hồ” là người yêu nước và đảng Cộng sản Việt Nam có công giành lại độc lập từ tay thực dân Pháp.

Trong khi đó, Đồng bào trong Nam thì chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tranh ý thức hệ để ngăn chặn làn sóng đỏ, bảo vệ miền Nam tự do. Đối với đa số quần chúng nhân dân thì hiểu đơn giản là cuộc nội chiến Nam Bắc tương tàn. Thật vậy, đối với quần chúng và nhất là giới nghệ sĩ thì đó là một cuộc nội chiến tương tàn “Ba mươi năm nội chiến từng ngày …” nồi da xáo thịt “Người chết hai lần … thịt da nát tan …!” khiến 4 triệu đồng bào Việt Nam ở miền Bắc đã hi sinh cho một cuộc chiến vô nghĩa. Sở dĩ CSVN còn tồn tại tới giờ này vì đa số đảng viên CS tuy thất vọng về tập đoàn lãnh đạo Việt gian CS nhưng vẫn còn biện minh, bám víu vào luận điểm cho rằng HCM và đảng CSVN có công giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Một khi biết rõ sự thật lịch sử thì họ sẽ cùng với toàn dân đứng lên chuyển đổi lịch sử trong nay mai.


Chính vì vậy, chúng ta phải tìm hiểu bản chất của cuộc chiến hay nói cách khác, hiểu rõ ý đồ của các thế lực quốc tế toan tính những gì trên xương máu mồ hôi và nước mắt của toàn dân Việt Nam, từ đó chúng ta mới thấy rõ toàn bộ vấn đề.

Để hiểu rỏ bản chất cuộc chiến Việt Nam, với tư cách một người nghiên cứu lịch sử trên quan điểm dân tộc, chúng tôi chỉ đưa ra những nhận định trung thực không nhằm mục đích tuyên truyền cho một chế độ nào, một đảng phái chính trị nào. Chúng ta cùng lược duyệt các sự kiện lịch sử trọng yếu, các hiệp ước quốc tế liên quan đến Việt Nam đối chiếu với thực tế chính trị sau đây:
- Hiệp Ước Patenôtre 1884 ký kết ngày 6-6-1884 giữa triều đình nhà Nguyễn và thực dân Pháp qui định Nam Kỳ Tự trị và Pháp chính thức áp đặt chế độ bảo hộ Bắc và Trung Việt Nam.
- Ngày 9-3-1945, Quân Phiệt Nhật lật đổ Thực dân Pháp. Ngày 11-3-1945, Cơ Mật Viện triều Nguyễn họp khẩn cấp và ra tuyên bố “Huỷ bỏ Hiệp ước 1884 và Khôi phục chủ quyền cuả Việt Nam”. Ngày 12-3-1945, Cao Miên tuyên bố độc lập và ngày 15-4-1945, Lào tuyên bố độc lập. Ngày 8-5-1945, Chính phủ Trần Trọng Kim tuyên bố chương trình Hưng Quốc, lá cờ “Quẻ Ly” được chọn làm quốc kỳ và bài “Đăng Đàn” của triều đình nhà Nguyễn được chọn làm quốc ca.
- Ngày 17-8-1945, Tổng hội giáo giới tổ chức cho công chức Hà Nội biểu tình để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Cuộc biểu tình diễn hành qua các đường phố thì cán bộ CS trương cờ đỏ sao vàng biến cuộc biểu tình của công chức thành biểu tình ủng hộ mặt trận Việt Minh. Ngày 19-8-1945, biểu tình lớn tại nhà hát lớn Hà Nội, mặt trận Việt Minh xuất hiện cùng với cờ đỏ sao vàng xuất hiện nhiều nơi. Việt Minh “Cướp Chính quyền”, chiếm các công sở trong thành phố. Ngày 22-8-1945, Mặt Trận Việt Minh chính thức xuất hiện tại Hà Nội và Sài Gòn. Vua Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị.
- Ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh độc “Tuyên ngôn Độc lập” và trình diện chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hà Nội. Ngày 11-11-1945, Đảng CS Đông Dương tuyên bố tự giải tán để trở thành “Nhóm Nghiên cứu Mác Xít”.
- Ngày 6-3-1946, Hồ Chí Minh ký kết hiệp ước sơ bộ với Pháp cho phép quân Pháp đổ bộ vào Bắc bộ thay thế quân đội Trung Hoa hậu thuẫn cho Việt Nam Quốc Dân Đảng để rảnh tay tiêu diệt đối thủ là VNQD. Ngày 19-12-1946, Chiến tranh Việt Pháp bùng nổ bắt đầu từ Hà Nội.
- Ngày 5-6-1948 công bố bản Tuyên ngôn Vìệt Pháp trên chiến hạm Duguay-Trouin tại vịnh Hạ Long giữa Cao Ủy Pháp Émile Bollaert và Thủ tướng Lâm thời Nguyễn văn Xuân. Tuyên ngôn vịnh Hạ Long minh định Pháp quốc thừa nhận Việt Nam là một quốc gia Độc lập và thống nhất trong Liên Hiệp Pháp với tư cách một quốc gia liên kết.
- Ngày 14-1-1950, nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc chính thức thừa nhận nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Ngày 31-1-1950, Liên bang Sô Viết thừa nhận Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã chính thức đứng vào hàng ngũ các nước cộng sản nên Trung Quốc bắt đầu công khai viện trợ vũ khí tối tân cho VNDCCH.
- Ngày 7-2-1950, Hoa Kỳ, Anh quốc thừa nhận quốc gia Việt Nam do Quốc Trưởng Bảo Đại lãnh đạo để ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa CS xuống Đông Nam Á. Kể từ thời điểm này, cuộc chiến Việt Nam không còn là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà đã trở thành cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa 2 hệ thống tư tưởng: Chủ nghĩa CS và chủ nghĩa Tư Bản của thế giới tự do.
- Ngày 20-7-1954, Ký kết thỏa ước ngưng bắn giữa Giữa Pháp và Việt Minh. Tuyên bố chung kết Hội nghị Genève qui định các điều khoản chính trị về việc tạm thời chia đôi đất nước và tổ chức Tổng tuyển cử được Anh, Pháp, Ai Lao, Trung Quốc, Liên Sô, Cambodia và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thỏa thuận. Tuyên bố Chung kết không được thi hành vì Hoa Kỳ không thỏa thuận và không hỗ trợ Tuyên bố Chung này. Ngay khi các bên vừa đặt bút ký kết hiệp định, Ngoại trưởng Trần văn Đỗ khóc và tuyên bố “Chính phủ Quốc Gia Việt Nam phản đối việc ký kết hiệp định đình chiến trái với nguyện vọng độc lập và thống nhất của dân tộc Việt Nam cũng như sự lạm quyền của Tổng tư lệnh Pháp tự ý ấn định ngày tổng tuyển cử… Tuy nhiên, Việt Nam cũng cố gắng hoan nghênh mọi nỗ lực để tái lập hòa bình và không dùng võ lực để cản trở việc thi hành hiệp định”.
- Ngày 4 tháng 9 năm 1958, Trung Cộng tuyên bố quyền làm chủ biển Đông. Ngày 14-9-1958, Thủ tướng VNDCCH gửi thư cho Thủ tướng quốc vụ viện Chu Ân Lai “Ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của chính phủ nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.
- Mao Trạch Đông tuyên bố trắng trợn ý đồ xâm chiếm Miền Nam Việt Nam như sau: “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á, bao gồm cả Miên, Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore. Việt Nam là bàn đạp tiến xuống phía Nam, chúng ta phải chiếm cho bằng được …”. CSVN nhận chỉ thị phát động cuộc chiến tranh “Giải phóng” miền Nam VN. Tháng 4 năm 1959, Ủy ban Trung ương đảng họp lần thứ 15 quyết định dùng vũ lực xâm chiếm miền Nam Ngày 20-12-1960: Hà Nội công bố Mặt Trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam do LS Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch.
- Ngày 27-1-1973 Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam đã ký HIỆP ĐỊNH CHẤM DỨT CHIẾN TRANH VÀ TÁI LẬP HÒA BÌNH TẠI VIỆT NAM Hiệp Định Hòa Bình Paris nhằm “kết thúc chiến tranh và tái lập hòa bình tại Việt Nam”. Vào lúc ký hiệp định, VNCH kiểm soát 75% lãnh thổ và 85% dân số.

Điều 15 qui định “Việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên căn bản thương nghị và thỏa thuận giữa Miền Nam và Miền Bắc, không bên nào cưỡng ép bên nào, không bên nào thôn tính bên nào, thời gian thống nhất sẽ do Miền Nam và Miền Bắc Việt Nam đồng thỏa thuận”.

Phạm  Trần Anh.

Ingen kommentarer: