mandag 22. oktober 2012

Cai Trị Bằng Bạo Lực



Lịch sử nhân loại cho thấy, chỉ có dân chủ chân chính mới đem lại nền trị an bền vững cho các thể chế chính trị, nhất là khi quốc gia rộng lớn. Một chế độ CS cai trị bằng bạo lực hàm chứa nhiều nguy cơ sụp đổ. Bề ngoài hung hăng của đế quốc Đại Hán có thể là biểu hiện của ngày tàn của chế độ này.


Những biến cố liên tiếp được thời sự thường xuyên loan tải khiến người ta nghĩ đến một sự xoay chuyển trong lập trường của lãnh đạo Trung Quốc. Thay vì tinh thần "quật khởi hòa bình" Bắc Kinh tiến hành quật khởi hung hãn.

Nhưng dường như biểu hiện hung hăng ấy lại có nguyên nhân sâu xa là sự bất ổn ở bên trong.
Trước hết, lãnh đạo của quốc gia đông dân và rộng lớn này không hề có toàn quyền quyết định về mọi chuyện mà họ gọi là "thiên hạ" - dưới vòm trời.

Họ bị câu thúc bởi địa dư hình thể vô cùng bất lợi của một quốc gia chỉ có một phần ba lãnh thổ là khu vực duyên hải, nơi sống được nhờ có đất canh tác và sông ngòi cho chuyển vận. Ðó là đất "Trung Nguyên".
Phần còn lại là đất đai hoang vu khô cằn ở bên trong, vây quanh bởi sa mạc và núi rừng hiểm trở. Nhưng miền Tây ở bên trong và ba hướng bao vây từ Tây Nam lên Ðông Bắc cũng là nơi xuất phát nhiều biến động trong lịch sử.

Các tỉnh miền Ðông thì lao ra làm ăn với thế giới bên ngoài và nói đến kinh tế thị trường hay lợi nhuận tư bản chẳng khác gì cộng đồng Hoa kiều tại Ðông Nam Á và thực tế thì khắng khít hợp tác với doanh nghiệp ngoại quốc. Các tỉnh bị khóa trong đất liền thì uất ức vì lợi tức trung bình chỉ bằng một phần ba khu vực duyên hải, trong khi vẫn phải nuôi sống gần 500 triệu dân có rất ít cơ hội thăng tiến. Còn khu vực biên trấn vây quanh thì vẫn có mấy trăm triệu nghèo đói trên một lãnh thổ rộng hơn phân nửa lãnh thổ toàn quốc, mà phải gánh thêm trách nhiệm ổn định sắc tộc và bảo vệ an ninh lãnh thổ.

Chế độ chính trị tập quyền và không chấp nhận một hình thái dân chủ liên bang không thể giải quyết nổi các bài toán kinh tế xuất phát từ địa dư hình thể. Và đang gây ra bài toán an ninh xã hội.

Người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo ở Tân Cương đã có phản ứng. Họ đấu tranh cho quyền tự trị, thậm chí quyền độc lập của nước "Ðông Thổ" đã bị Mao Trạch Ðông thủ tiêu khi chiếm đóng Tân Cương. Người Tây Tạng trong lãnh thổ bị thôn tính và bị gọi là Khu Tự Trị Tây Tạng đã được đẩy qua các tỉnh lân cận như Tứ Xuyên, Cam Túc, Thanh Hải và tôn giáo cùng văn hóa bị lặng lẽ tiêu diệt. Họ phản ứng và từ tháng 4 năm ngoái đến nay đã có 53 vụ tự thiêu để phản đối. Ðáng chú ý là phong trào tự thiêu lại xuất phát từ bên ngoài lãnh thổ Tây Tạng, trong các khu tạm cư đã trở thành vĩnh viễn ở các tỉnh lân cận.

Và phong trào phản đối này cũng hòa nhập vào làn sóng bất mãn của người Hán.
Trung Quốc có quân đội hùng hậu và đông đảo nhất địa cầu, nhưng ưu tiên của lực lượng quân sự đó là yểm trợ lực lượng an ninh nội địa. Cảnh sát võ trang dưới đủ hình thức khác nhau mới là sức mạnh bảo vệ chế độ. Khi có biến động, hệ thống an ninh đó mới chỉ đạo quân đội. Ngân sách và cấp số nhân lực cho nhu cầu an ninh nội địa còn lớn hơn ngân sách quốc phòng.

Trong hệ thống lãnh đạo chính trị của Bộ Chính Trị,  và thâu tóm vào Thường Vụ Bộ Chính Trị,  cơ chế bảo vệ lý luận và tư tưởng trong đảng có vị trí cao nhất, còn quan trọng hơn Ban Tổ Chức Trung Ương. Kế tiếp là cơ chế thi hành kỷ luật đảng rồi đến các bộ phận phụ trách về an ninh.

Ưu tiên chiến lược và sinh tử cho lãnh đạo Trung Quốc ngày nay là an ninh của chế độ, chứ không hẳn là chủ quyền quốc gia trên lãnh hải hay các quần đảo gần xa.

Ngay trong các đề mục có tranh chấp với xứ khác, khi Bắc Kinh nói đến "quyền lợi cốt lõi" thì quyền lợi có vẫn hàm ý an ninh. Tân Cương hay Tây Tạng là những quyền lợi cốt lõi đích thực vì nếu không kiểm soát được các khu vực này thì Trung Quốc bị nội loạn như đã từng bị trong lịch sử.

Khi Cộng Hòa Mông Cổ ở Ngoại Mông đã giành lại quyền độc lập từ Liên Bang Xô Viết từ hai chục năm trước và năm năm qua còn xây dựng nền dân chủ chưa từng thấy trong lịch sử, đời sống có thay đổi của dân Mông Cổ ở miền Bắc đã khiến người Mông Cổ trong khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc phải so sánh và suy nghĩ.

Ý thức của họ là một vấn đề mới. Về văn hóa và lịch sử thì họ là dân Mông Cổ, cũng tôn sùng Thành Cát Tư Hãn như Mao Trạch Ðông và lãnh đạo đời nay tại Bắc Kinh. Nhưng về chính trị thì họ chỉ là công dân hạng ba của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Họ sẽ không chấp nhận điều ấy!

Sau ba mươi năm cải cách của Ðặng Tiểu Bình, Trung Quốc đang có nguy cơ nội loạn. Lý do động loạn là những nhược điểm trong tổ chức kinh tế và chính trị khiến lãnh đạo xứ này không thể vượt nổi bài toán truyền thống về địa dư hình thể.

Nỗi lo sợ đó nằm trong xương tủy của chế độ vì đảng không thể thỏa mãn nổi nhu cầu quốc kế dân sinh của 800 triệu người thất thế sau khi đã tạo ra phép lạ kinh tế cho 500 triệu người có giao tiếp với kinh tế thị trường và thế giới bên ngoài. Nếu thiếu áo cơm thì tự ái dân tộc có thể là liều thuốc an thần, một loại nha phiến để ru ngủ.

Ðã vậy, trong các cuộc vận động chính trị nội bộ để đưa lớp người mới lên lãnh đạo sau Ðại hội 18, ngần ấy phe phái đều muốn lấy lòng các tướng lãnh và ve vãn xu hướng cực đoan về đối ngoại qua lập luận ái quốc.
Nhu cầu khích động tự ái dân tộc, khơi dậy chủ nghĩa ái quốc và tinh thần bài ngoại là giải pháp đã từng được Từ Hy Thái Hậu áp dụng, trước khi nhà Mãn Thanh sụp đổ đúng 10 năm sau.

Hùng Tâm.

Ingen kommentarer: