onsdag 17. oktober 2012

Giải Nobel Hoà Bình



Trao giải Nobel Hoà Bình cho những nhà tranh đấu dân chủ Việt Nam là một phương pháp thức thời và hữu hiệu để đạt mục tiêu này.

Âu Châu như một tập thể nhiều cường quốc cựu thực dân đã tạo ra nhiều bất công khi xâm chiếm các nước nhược tiểu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên tham vọng thực dân của họ không nguy hại nhiều bằng chủ nghĩa cộng sản duy vật biện chứng mà Âu Châu đã sản sinh, vứt vào sọt rác, nhưng lại trao truyền "đồ phế thải nguy hiểm này" cho dân tộc Việt Nam. Âu Châu có trách nhiệm tinh thần là giúp dân tộc Việt tẩy trừ vi trùng ý thức hệ CS ra khỏi đất nước.

Ngày 12/10/12 vừa qua, Ủy Ban Nobel Norway loan báo trao giải Nobel Hoà Bình năm nay cho Liên Hiệp Âu Châu.
Lập tức có nhiều cá nhân và tập thể lên tiếng chỉ trích quyết định này của Ủy Ban là thiếu suy nghĩ, nông cạn, vô ích hoặc cơ hội chủ nghĩa. Nhiều người còn ví giải này cũng "vô duyên" không kém giải Nobel Hoà Bình khi trao cho Tổng Thống Hoa Kỳ Barak Obama năm 2009.

Trong khi đó, CSVN, vừa kết án nặng nề các nhà tranh đấu cho dân chủ như Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Nữ Sĩ Tạ Phong Tần và nhà báo Anh Ba Sai Gòn Phan Thanh Hải, chỉ vì họ tranh đấu bằng phương pháp hoà bình và bất bạo động cho nhân quyền và một nền dân chủ chân chính tại Việt Nam.
Không phải chỉ 3 nhà tranh đấu nêu trên mà hằng trăm nhân sĩ Việt Nam khác đang tranh đấu trong tinh thần bất bạo động để mang lại nhân quyền, dân chủ, sự hoà bình và ổn định lâu dài cho vùng Đông Á nói chung và cho Việt Nam nói riêng. Xin nhắc lại trước đây cộng Ðồng NVTNCS cũng đã từng đề cử HT. Thích Quảng Ðộ và Lm. Nguyễn Văn Lý làm ứng viên của giải Nobel Hoà Bình.

Khi duyệt xét lịch sử thế giới cận kim, chúng ta có thể nhân xét không sai lầm rằng, Âu Châu như một tập thể, còn nợ Việt Nam, một hay nhiều giải Nobel Hoà bình, vì những bất công hoặc sai lầm trong quá khứ, họ đã di hại cho dân tộc ta.

Trước hết, cùng với cuộc cách mạng kỹ nghệ phát xuất từ Liverpool Anh Quốc vào thế kỷ 16, kỹ nghệ chiến tranh bành trướng khắp Âu Châu, biến các quốc gia này thành những đế quốc đầy tham vọng, cử quân thuộc địa hoá toàn thế giới. Bước đường chinh phục thuộc địa của các cường quốc Âu Châu càng được củng cố bỡi những sáng chế kỹ thuật về thuốc nổ Dynamite dưới sự chỉ đạo của Alfred Nobel (1833-1896).
Vì hối hận trước những tàn phá do thuốc nổ Dynamite tạo ra, Ông để lại di chúc lập giải Nobel. Chính vì thế, tuy Nobel có nhiều giải, nhưng giải Nobel Hoà Bình tượng trưng chính xác nhất nguyện vọng bù đắp những lỗi lầm của nhà sáng chế này.

Năm 1884, tức vào cuối thế kỷ 19, vua quan nhà Nguyễn, trước họng súng mang thuốc nổ của Alfred Nobel, đã khuất phục và chấp nhận sự bảo hộ của thực dân Pháp. Thời điểm này khởi đầu một giai đoạn đen tối cho toàn dân Việt. Trên nguyên tắc, món nợ của Thực Dân Pháp, như một quốc gia Âu Châu, và của Alfred Nobel, đối với dân tộc Việt, bắt đầu từ đó.

Tuy nhiên, món nợ lớn nhất Âu Châu phải trả cho dân tộc Việt thực sự không phải là món nợ súng đạn, chất nổ Dynamite, hoặc chủ nghĩa thực dân, mà chính là món nợ tư tưởng chính trị. Lý do là vì kỹ thuật súng đạn và chất nổ có thể học hỏi. Thực dân chiếm đất và chủ quyền cũng bị đào thải vì trào lưu tiến hoá của nhân loại. Nhiều quốc gia cựu thuộc địa không những đã dành lại chủ quyền mà còn học hỏi và vượt tiến các cựu chủ nhân ông thực dân thủa xưa.


Thật vậy, Âu Châu đã khai sinh ra tư tưởng dân chủ hiện đại. Tuy nhiên Âu Châu cũng là nơi sản sinh ra hai quái thai tư tưởng. Một là Duy Ý Biện Chứng của Hegel, từ đó phát sinh ra quái thai "duy ý chí" chủ nghĩa Quốc Xã tại Đức dưới thời Hitler, và chủ nghĩa Phát Xít tại Ý dưới thời Mussolini. "Biện chứng duy ý chí" vì vậy là ý thức hệ gián tiếp góp phần vào thế chiến thứ nhì, gây tang tóc và thiệt hại cho toàn thế giới, kể cả Việt Nam.
Tuy nhiên quá
i thai thứ nhất vẫn chưa nguy hiểm bằng quái thai thứ nhì là ý thức hệ Mác Xít. Thật vậy, Karl Marx đã đánh cắp biện chứng pháp của Hegel, dùng "vật chất" như yếu tố thay thế cho "ý chí", và gọi nó bằng một tên mới là "Duy Vật Biện Chứng". Chính vì thế, nhiều triết gia gọi Duy Vật Biện Chứng là "Duy Ý Biện Chứng của Gegel chổng đầu". Duy vật biện chứng và bản tuyên ngôn cộng sản của Marx ra đời tại Âu Châu, nhưng không có đất dung thân. Tại Tây Âu thì bị tư tưởng dân chủ đánh bại, và tại Đức thì bị tư tưởng quốc xã của nhà độc tài Hitler tiêu diệt.

Duy vật biện chứng, như một thứ sản phẩm tinh thần phế thải, lại đâm chồi nẩy lộc tại Nga Sô, cũng như nhiều quốc gia kém phát triển khác, trong đó có Việt Nam. Duy vật biện chứng đã trở thành mối hoạ trong tâm phế của các dân tộc bất hạnh này.

Có thể nói rằng, tư tưởng Mác Xít phát xuất từ nơi sinh trưởng của Karl Marx là Đức, kiện toàn tại thư viện của Bảo Tàng Viện Luân Đôn cổ kính, bị chính nơi sinh trưởng của mình đào thải, nhưng gây nhiều thảm hoạ cho các quốc gia nhược tiểu khác.

Trong các quốc gia này thì Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều oan ức nhất.
Trước hết, áp dụng quan điểm đấu tranh giai cấp đẫm máu theo duy vật biện chứng tại Việt Nam là một sai lầm và bất công lớn lao. Quan điểm về giai cấp của Marx là quan điểm căn cứ trên thực tại giai cấp tại Âu Châu, trong giai đoạn cách mạng kỹ nghệ. Thực trạng Âu Châu trong giai đoạn lịch sử đó, không liên hệ gì đến Việt Nam, là một xã hội nông nghiệp căn cứ trên trật tự xã hội Tam Giáo cả. Thực trạng tại Âu Châu lúc đó có một giai cấp quý tộc cha truyền con nối, một giáo hội liên kết với vương quyền, một giai cấp công nhân vô sản bị bóc lột tận xương tủy, và một giai cấp tư bản vị kỷ. Sự vận hành xuyên giai cấp rất mong manh, hầu như không hiện hữu.

Trong khi đó, xã hội truyền thống Việt Nam tuy căn cứ trên các giai cấp Sĩ Nông Công Thương, nhưng sự vận hành xuyên giai cấp xảy ra thường xuyên. Các giai cấp vô sản và tư bản theo ý nghĩa của Marx hầu như chưa hiện hữu vì chưa bước vào giai đoạn kỹ nghệ hoá.

Bất công lớn thứ nhì là đảng CSVN, như tất cả các đảng CS khác dưới ảnh hưởng của Lenin, đã nhanh chóng trở thành những định chế quyền lực toàn trị lớn lao, độc chiếm môi trưòng chính trị, cấm đoán mọi cạnh tranh và sáng tạo, duy trì vĩnh viễn tình trạng chậm tiến tại Việt nam.

Chính vì thế, khi xuất cảng ý thức hệ Mác Xít sang Việt Nam, Âu Châu đã làm Việt Nam mất đi cơ hội, sau giai đoạn thực dân, phát triển nhanh chóng để bắt kịp các nước tiền tiến, như các quốc gia không cộng sản đã làm được. Chẳng hạn: Nam Hàn, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông, và Mã Lai.

Giai Nobel Hoà Bình là một động cơ thúc đẩy ý thức của nhân loại, và người dân sở tại, về thực trạng dân chủ và nhân quyền trong một quốc gia, hầu tăng tốc cho tiến trình dân chủ hoá. Trao giải này cho Nelson Mandela đã đem lại dân chủ thực sự cho xứ Nam Phi. Trao giải này cho Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gia tăng sức sống cho phong trào tự trị Tây Tạng. Trao giải này cho Tiến Sĩ Lưu Hiểu Ba sẽ gặt hái kết quả cho tiến trình dân chủ hoá Trung Hoa. Trao giải này cho bà Aung San Suu Kyi đang tạo những chuyển động tích cực trên chính trường Miến Điện.

Chắc chắn rằng trao giai này cho một hay nhiều chiến sĩ dân chủ Việt Nam sẽ tạo ra những chuyển động tương tự trên chính trường Việt Nam.

Dĩ nhiên giải Nobel Hoà Bình cho Việt Nam cũng sẽ trả một phần nào món nợ mà Âu Châu còn chưa trả đối với dân tộc Việt: Một dân tộc vô tội, đang rên xiết dưới gông cùm CS, một chủ nghĩa phi nhân, phát xuất từ Âu Châu.

Hải Nguyên.
 

Ingen kommentarer: