Văn Hóa Phi Vật Chất.
Ngày 27/8, đài BBC đã cho phổ biến bài “Tiếng Hà Nội” của đại tá Phạm Đình Trọng, một nhà báo quân đội có trên 40 năm tuổi Đảng. Ông được mọi người biết đến, vì vài năm trước đây đã làm đơn xin ra khỏi đảng.
Ông Phạm Đình Trọng viết bài “Tiếng Hà Nội” nhân ngày kỷ niệm “1000 năm Thăng Long” Ông than phiền rằng : “sống ở Hà Nội hôm nay, phải nghe quá nhiều tiếng nói thô lỗ, tục tĩu, và ngọng nghịu”. Ông giải thích rằng : “ngôn ngữ hình thành không phải chỉ ở cơ cấu vật chất của cuống họng, không phải chỉ ở cơ chế vận động của cái lưỡi, của răng, môi. Ngôn ngữ còn do nền tảng văn hóa. Do con người văn hóa, do cấp độ lịch lãm, tinh tế của tâm hồn, do truyền thống thanh lịch của vùng đất tạo thành. Người kinh kỳ vốn thanh lịch từ lời ăn, tiếng nói, đến cung cách quan hệ, giao tiếp. Kinh kỳ là nơi hội tụ tinh hoa cả nước, nơi những hiền tài, những nguyên khí quốc gia”.
Ông Phạm đình Trọng là người trong nước đầu tiên lên tiếng về hiện trạng này, và ông chỉ than phiền về “nói ngọng”, tức là cách phát âm lẫn lộn giữa 2 chữ “N” và “L”. Ở hải ngoại, những ý kiến về “người Hà Nội hôm nay”, đã có ngay từ khi nhà nước mở cửa cho những người “Hà Nội năm xưa” về thăm lại quê nhà. Những người “Hà Nội năm xưa” thất vọng, không phải chỉ riêng về cách phát âm ngọng, lẫn lộn giữa 2 chữ “N” và “L”, vì kiểu nói ngọng này chỉ cho thấy người phát ngôn thuộc thành phần ít học, không biết chữ để mà phân biệt đúng sai mà sửa, trong chế độ gọi là ưu việt Việt nam dân chủ cộng hoà mà “bác và đảng” đã xây dựng nên suốt mấy chục năm. Điều chói tai hơn là những tiếng chửi thề “vô tư” mở đầu mỗi câu nói, các lời văng tục giữa chốn đông người, hay những tiếng lóng phát âm một cách “thoải mái” từ cửa miệng các cô, cậu sinh viên giường cột của nước nhà.
Những loại ngôn từ này, có lẽ đã được quen miệng và quen tai từ năm này qua năm khác, thế hệ nọ qua thế hệ kia, nên người Hà Nội ngày nay chẳng còn thấy khó chịu nữa. Tuy nhiên, đối với các người Hà Nội của ngày xưa, những người trở về để mong tìm lại chút hương vị của Hà Thành thanh lịch năm cũ, thì quả là “chói tai và nhức óc”.
Không phải chỉ có ngôn từ của người Hà Nội ngày nay mới đáng than phiền, mà tác phong của họ còn tệ hại hơn nữa. Ngày xưa, các bà, các cô buôn bán ở các cửa hàng sao mà mềm mỏng khôn khéo như thế ! Lời ăn tiếng nói lễ phép ngọt ngào. Có phật lòng, chẳng như ý, thì vẫn tươi cười, nhẹ nhàng thối thác. Ngày nay các bà các cô bán hàng thực là dữ dằn, khiếp đảm quá. Cứ không đúng ý là to miệng quang quác chửi mắng khách hàng, giống như là đàn áp tinh thần để ép buộc khách phải mua. Có bà còn nhẩy cẩng lên, vỗ đôm đóp vào cơ thể, bắt khách hàng phải ăn thứ này thứ kia…của bà.
Không phải chỉ có giới buôn bán mới tệ hại như vậy. Theo báo ”laodong.com” ngày 11/10 thì các nữ sinh Trung Học 15, 16 tuổi đã biết hẹn nhau lên cao ốc phố Bà Triệu để thanh toán lẫn nhau. Bài báo có kèm theo một video clip ghi cảnh 2 nữ sinh mặc đồng phục đánh một nữ sinh khác những đòn chí mạng như túm tóc, đấm đạp vào mặt, ngực, bụng, những cú nện bằng chân, lên gối vào đầu mặt, kéo lê trên xà nhà, và những lời xỉ vả tục tĩu. Cuối cùng là cảnh lột áo, bắt qùy xuống xin lỗi trước một đám đông người đứng xem nhưng không ai can gián. Bài báo còn nhấn mạnh: “đây không phải là lần đầu các nữ sinh đánh nhau giữa chốn đông người, rồi kết luận: dường như có một bộ phận thế hệ trẻ đang ngày càng mai một dần về đạo đức, cũng như đang tiếp thu quá nhiều ảnh hưởng của phim ảnh bạo lực”.
Ông Phạm Đình Trọng kết luận rằng: “chỉ quan tâm xây dựng văn hóa vật chất, mà không chăm lo bồi đắp giá trị văn hóa phi vật chất, là chúng ta đang xây dựng những lâu đài trên cát, không có nền móng”.
Tuy nhiên xây dựng văn hóa phi vật chất bằng cách nào đây ? Con người Hà Nội hôm nay chính là sản phẩm của XHCN. Những con người thanh lịch của Hà Nội mà ông Phạm Đình Trọng nói tới, đã bỏ Hà Nội mà đi gần hết, kể từ khi cách mạng CS bước vào Hà Thành. Phần còn lại, sống sót sau các đợt đấu tranh giai cấp thì bị đẩy về những vùng xa xôi hay là tự thay đổi để không bị coi là tư sản chướng mắt chướng tai giai cấp quyền lực công nông chiếm lĩnh Hà Nội.
Và lẽ dĩ nhiên là:
Trứng rồng, lại nở ra rồng
Liu riu lại nở ra dòng liu riu.
VN, trong thời kỳ toàn trị được mô tả một cách quả quyết là “mọi sự có đảng và nhà nước lo”, rồi được khoả lấp từ thời Nguyễn Văn Linh bằng hai chữ “bao cấp”, cơm phải ăn độn, áo chỉ được may theo chế độ, 5, 7 gia đình chen chúc trong căn nhà hẹp. Người ta sẵn sàng chửi lộn, đánh nhau, dứt tình, bỏ nghĩa chỉ vỉ hơn kém một lạng thịt, vài củ khoai, mấy cân gạo. Bản năng sinh tồn làm con người trở nên hung dữ để bảo vệ cái cuộc sống dễ mất bất cứ lúc nào của mình.
Tình trạng này bắt đầu với Hồ chí Minh sống bấp bênh trong rùng núi Việt Bắc khi được Trung Cộng viện trợ thì đã ôm chặt lấy cái nguồn sống to lớn này bằng cách hy sinh những người dân tư sản đã nuôi dưỡng Hồ và đồng đảng. Vì thế mở đầu là bà Nguyễn thị Năm và nhiều người ân nhân khác của Hồ bị đem ra tố khổ để tỏ dạ trung thành với con đường vô sản đấu tranh giai cấp Mao thực hiện ở Tầu. Tiếp theo là cải cách ruộng đất, đẩy con vào đấu tố cha, trò tố thầy.
Điển hình là vụ đấu tố ông Nguyễn Văn Độ, bí thư huyện uỷ Ô Cầu Giấy, đã có công nuôi dưỡng CS trong thời kỳ bí mật. Người đứng lên để đấu tố ông chính là con gái ông. Đây là câu cuối cùng ông nói với con gái : “thưa bà, bà còn quên một điều chưa nói là tôi đã hiếp mẹ bà để...lỡ đẻ ra bà”. Vụ tố khổ kéo dài từ 5 giờ sáng tới 13 giờ chiều và chấm dứt bằng bản án tử hình. Tất cả được tóm tắt bởi tên phù thủy ngôn ngữ Tố Hữu trong mấy câu thơ đầy bạo lực như sau:
Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao Chủ Tịch, thờ Sít ta Lin bất diệt.
Đã biết cái cơ chế tạo ra “tiếng Hà Nội” thì việc cải cách văn hóa phi vật chất ở Hà Nội không phải là dễ. Muốn cải cách, cần phải “đào tận gốc, tróc tận rễ” cái căn nguyên đã tạo ra nó.
Cải cách văn hóa phi vật chất không phải chỉ nói bằng miệng !
Hoàng Thế Hiển.
torsdag 28. oktober 2010
Abonner på:
Legg inn kommentarer (Atom)
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar