Lý Công Uẩn Hay Lý Triển Chiêu ?!?
Phim “Tàu làm” Lý Công Uẩn gây “phản cảm” ở trong nước:
Lý Công Uẩn "mất tích" trong "đường tới thành Thăng Long"
"Lý Công Uẩn: đường tới thành Thăng Long" cho giới nghiên cứu, văn nghệ sĩ, kinh doanh... một bài học lớn về nghệ thuật thứ 7, để hiểu rằng, tinh thần tự trọng, tự tôn, tự ái của một dân tộc chẳng phải là điều dễ động chạm.
Bộ phim "Lý... Triển Chiêu"?
Sau khi xem những trailer bộ phim "Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long", tôi rất ngạc nhiên không hiểu tại sao người ta lại có thể để công làm một bộ phim như thế này. Cho người Việt xem? Và để người Việt hiểu như vậy về Lý Công Uẩn và một thời lịch sử? Chỉ có thể lừa những người Việt "mù" văn hóa. Còn để chiếu ở Trung Quốc và ở các nơi khác trên thế giới? Thì đừng (và không nên) chiếu ở Việt Nam với sự cho phép (có nghĩa là tán đồng) của cơ quan chức năng.
Đành rằng, người ta có thể viết lại những câu chuyện lịch sử với nhãn quan của người nghệ sĩ nhưng nếu có một nhãn quan tốt, một phông văn hóa dày dặn và nhất là một tấm lòng với dân tộc thì dù có viết lại một câu chuyện lịch sử cũng không thể làm biến dạng các nhân vật, không gian của câu chuyện, nhất là lại viết bằng ngôn ngữ điện ảnh.
Cái trăm nghe không bằng một thấy trên màn ảnh đã khiến cho nhân vật Lý Công Uẩn và câu chuyện của ông thành một nhân vật xa lạ, với một không gian xa lạ cùng tư duy và trí tưởng tượng của người Việt.
Nội dung phim khắc họa giai đoạn từ thời tiền Lê đến khi Lý Công Uẩn lên ngôi, quyết định dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, sau đổi tên là Thăng Long, đặt nền móng vững chắc cho thời kỳ ổn định và phát triển dài lâu của đất nước. Tôi không bình luận về kịch bản, về tư tưởng thời Lý xuyên suốt bộ phim, về thông điệp của triều Lý để lại trong lịch sử Việt Nam, chỉ xin bình luận đôi điều về những hình ảnh đã xem được từ những đoạn trailer giới thiệu phim đó.
Có người đã đùa rằng đấy là phim "Lý Triển Chiêu". Cay đắng hơn có người nói đấy là phim về một ông vua nào đó của Trung Quốc và câu chuyện diễn ra tại Trung Quốc nhưng có sử dụng một số chi tiết tư liệu trong bộ sử Việt Nam.
Kịch bản của bộ phim được Kha Chương Hòa, một nhà viết kịch bản phim lịch sử cổ trang Trung Quốc có tên tuổi, biên tập và hoàn chỉnh.
Những ai đã đọc cuốn "Vạn Xuân" viết về Nguyễn Trãi của Elvin Feray, nữ tác giả người Pháp, sẽ thấy tác giả cẩn thận với chuyện lịch sử, với nhân vật lịch sử ở mức nào. Cuốn sách đã chiếm được cảm tình của người đọc Việt, dĩ nhiên cả người đọc tiếng Pháp. Và mặc dù tài năng, tình cảm sâu sắc của bà với nước Việt đến mức ấy, vậy mà một đôi chỗ người đọc vẫn thấy đó là cách nghĩ và cách biểu đạt của người nước ngoài. (Nếu các nhà biên kịch chuyển thể thành câu chuyện điện ảnh thì đạo diễn và diễn viên phải thận trọng với các chi tiết ngoại lai đó).
Được biết, để viết cuốn sách đó Elvin Feray phải nghiên cứu nhiều năm lịch sử Việt Nam và sang Việt Nam để sống nhiều năm nữa trong không gian văn hóa Việt, để cảm nhận thế nào là tinh thần Việt. Còn Kha Chương Hòa, ông có nghiên cứu lịch sử Việt Nam? Hay ông chỉ "chuốt lại", "thêm bớt" những kịch bản đã có trước của Trung Quốc và của Việt Nam mà người ta đưa cho ông? Nếu có thì ông đã góp ý với đạo diễn như thế nào?
Tinh thần tự trọng, tự tôn, tự ái của một dân tộc:
Tôi nghĩ, có thể thuê quay phim hay làm hậu kỳ ở nước ngoài vì đấy là lĩnh vực thuần kỹ thuật, còn thuê đạo diễn thì quả là điều... khó hiểu. Bởi vì, đạo diễn (phim, kịch) phải là người am hiểu nhất toàn bộ câu chuyện, đồng thời là người tạo ra linh hồn cho tác phẩm (phim, kịch). Tôi không nghĩ ông Cận Đức Mậu có thể đảm nhận việc đó, mặc dù có thể ông rất nổi tiếng trong điện ảnh Trung Quốc, và cũng đã từng sang tìm hiểu không gian văn hóa Việt Nam ít ngày.
Nếu có, ông đã không đưa những hình ảnh vô cùng xa lạ với trí tưởng tượng của người Việt vào phim. Như trailer phim đã công bố, và như những ý kiến của những người có mặt tại đoàn làm phim đã nói.
Còn đạo diễn Tạ Huy Cường là người VN, mới đạo diễn một số phim ngắn thể loại game show Chắp cánh thương hiệu thì mới "lần đầu tiên làm phim cổ trang lớn" và lại không biết tiếng Hoa, chỉ có thể: "nói chuyện với ê kíp của Trung Quốc bằng hình thể" thì làm sao đảm nhận được vai trò tạo dựng hay trợ lý đạo diễn chính để có thể tạo ra một hiệu quả đáng kể được.
Ngoài ra còn rất nhiều chi tiết khác, như diễn viên (chưa đủ tài sắm các vai quan trọng), diễn viên quần chúng thì của Trung Quốc, phục trang từ vua, quan đến dân thường thì: Mặc dù có bản thiết kế của TS Đoàn Thị Tình nhưng người may lại là người Trung Quốc nên họ may theo ý họ, vì may theo ý ta thì diễn viên không diễn được v.v.. làm cho phim không chỉ là "lai Tàu" mà gần như "hoàn toàn là Tàu". Đó là lý do mà khán giả - người Việt không chấp nhận được.
Và cuối cùng là không gian, cảnh quan, kiến trúc, những thứ đập ngay vào mắt người xe, gây nên là ấn tượng thị giác mạnh mẽ. Phim được quay ở Hoàng Điếm. Ta cũng biết, không ít các phim không phải của Trung Quốc đã được quay ở phim trường này, song mục đích làm phim, ý nghĩa phim của người ta có thể không giống mình, không phải như dân mình mong đợi.
Dù là hư cấu, giả thiết, mô phỏng thì cũng phải có những yếu tố căn cứ kèm theo. Kiến trúc cung điện, đình chùa ở VN xưa nay chưa hề có loại 3 tầng mái với những đầu đao bộ mái thẳng băng như kiến trúc đã quay trong phim. Người Việt thường đã quen với hình ảnh kiến trúc thời Lý như: Văn Miếu, Chùa Một Cột (Hà Nội), Chùa Cổ Pháp (Bắc Ninh).
Sao không mô phỏng, giả thiết các bộ mái cung điện, đền, chùa miền Bắc VN có Kinh đô Hoa Lư và Thăng Long xưa với các đầu đao bộ mái cong cong như hiện thấy ngày nay, hoặc chí ít thì tham khảo các kiến trúc cung điện Huế cho phù hợp với trí tưởng tượng và tấm lòng hoài cổ của người Việt?
Có người nói, đây là phim do tư nhân đầu tư, cần có cái nhìn thiện cảm với tấm lòng cống hiến cho xã hội. Tôi nghĩ, nếu thực ai đó bỏ tiền đầu tư làm một bộ phim cho dân cho nước không tính toán thiệt hơn thì chúng ta nên có cách ghi công nào đó, cho dù bộ phim sẽ không chiếu nữa, mà tất nhiên là không nên chiếu làm gì.
Bởi "Lý Triển Chiêu" huyền thoại còn đang trên màn ảnh nhỏ với những câu chuyện chống gian tham của Bao Công huyền thoại đã nhiều đến mức nhàm chán rồi. Cũng không thể sửa sang lại rồi cho lưu hành. Nói như thế, giống như dân gian vẫn nói là chẳng hiểu gì về điện.
Một an ủi lớn, đó là bài học kinh nghiệm. "Lý Công Uẩn đường tới thành Thăng Long" cho giới nghiên cứu, văn nghệ sĩ, kể cả kinh doanh... một bài học lớn về nghệ thuật thứ 7, để hiểu rằng, tinh thần tự trọng, tự tôn, tự ái của một dân tộc chẳng phải là điều dễ động chạm.
Theo Tuần Việt Nam
søndag 3. oktober 2010
Abonner på:
Legg inn kommentarer (Atom)
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar