1000 Năm Thăng Long.
Là người Việt xa xứ lâu năm, nghe đến những chữ : “Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long” lòng đã thấy rưng rưng, đã thấy kéo theo nó bao nhiêu tình quê hương, tình đất nước, tình dân tộc rồi. Làm sao không xúc động khi mỗi ngày nhận được ở trên cái khung hình trước mặt mình bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu chữ, nghĩa, nhắc nhở về nguồn gốc của cha ông mình. Những hình ảnh nhắc nhở lại “Hà Nội ngày xưa” từ thời Pháp thuộc được chuyển cho nhau xem, lại càng làm cho ngày 1000 năm thêm ý nghĩa. Người ở xa hy vọng, chắc trong dịp đại lễ này người dân nghèo ở vùng xa, vùng sâu, tha hồ được hưởng những ân huệ của giới lãnh đạo ban phát xuống như câu “ơn vua lộc nước” ngày xưa mỗi lần có dịp vui mừng quốc thái dân an.
Chương trình to tát, khua chiêng, đánh trống rung cả tâm can những người Việt xa xứ và lôi kéo sự hấp dẫn du khách ngoại quốc. Những tưởng sẽ thấy linh hồn những trang sử về một thành phố cổ được mở ra cho con dân cả nước chiêm ngắm, noi theo và hãnh diện. Nhưng thật đáng buồn, sự xúc động đó mỗi ngày một bị cuốn băng đi như tuyết lở, đất chuồi.
Chưa bao giờ lịch sử được làm lại lạ lùng như bây giờ. Thoạt tiên, hai bà Trưng được mang sang Tầu làm giỗ Tô Định, rồi đến cuộn phim về vua Lý Công Uẩn không dám mang ra trình chiếu trong dịp đại lễ vì ai đó đã biến ngài ăn mặc, nói cười thuộc dòng dõi Trung Hoa, và vương quốc của ngài cũng ở đó luôn. Tổ tiên còn là người Hoa thì làm sao không sanh ra con cháu Hoa tộc.
1000 năm đại lễ với những xa xỉ vượt bậc, chi phí lên tới gần 100 ngàn tỷ. Trước tiên, đồng hồ điện tử cũng được gắn lên để “count down” ngày đại lễ cho theo kịp văn minh Mỹ, giống như ở New York, họ đếm ngược giờ để đón giao thừa. Pháo bông nở tung trên trời ở ba chục địa điểm trong thành phố, có nghĩa là tiền bạc mang ra mồi lửa, rắc xuống không gian; hát ca nghe nói đến mười vạn người, tiền may khăn, áo, lập dựng sân khấu, bao nhiêu là đúng nhỉ? Các nhà thiết kế thi nhau lập kỷ lục “Nhất Thế Giới” kéo cái đuôi áo dài của phụ nữ Việt Nam ra đến cả mười thước, hai chục thước, thêu vào đó cả ngàn con rồng chi chít. Có một chiếc áo dài, tổng cộng số vải dùng may vạt áo là 1000 mét, cho thích hợp với chủ đề đại lễ. Thật ra cái đuôi áo của phụ nữ Việt Nam đã được kéo sang Đại Hàn, sang Singapore, sang Đài Loan cả hơn mười năm nay rồi, chỉ có điều khác là, khi sang đến đó áo của các phụ nữ Việt này không còn vạt nào nữa, thân trước, thân sau cùng rách bươm theo phận người.
Vào ngày đại lễ thì một vở tuồng do nghệ sĩ hát chèo đóng vai vua Lý Công Uẩn đi thuyền rồng trên sông Hồng từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội.) Trên thuyền có đầy đủ Hoàng Hậu, cung tần, mỹ nữ và lính tráng, cờ xí rầm rộ tháp tùng.
Nhà nước còn nghĩ ra những điều phô trương rất lạ: cả ngàn con rồng gắn mắt bằng đá quý mua tận Phi Châu, đem tặng cho người ngoại quốc đến dự, số rồng tặng lên đến một ngàn con, nghe đâu người được tặng cậy mắt rồng ra làm nhẫn. Chưa có nước nào trên thế giới sang bằng nước Việt Nam. Các gian hàng trưng bán hình ông Hồ, bên cạnh hình Marx, Lenin cùng với những lá cờ nhuộm đỏ cả thành phố, làm người ta liên tưởng đến hàng mã bán trong ngày cúng tế, hóa vàng. Nhà, nhà, cắm cờ, có người mang cờ đến tận trước cửa cắm và chủ nhà bắt buộc phải mua, phải trả tiền dù muốn hay không.
Những người trí thức, những người có tấm lòng yêu nước thương dân chỉ biết ngửa mặt kêu trời. Những người “năm cũ” ở tuổi ngoài tám mươi, nay được hỏi đến cảm tưởng 1000 năm, thì họ chỉ muốn nói đến một Hà Nội thanh lịch từ tiếng nói đến cách đứng, cách ngồi, một Hà Nội với “phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu.” Đối với họ, 1000 con rồng thêu trên vạt áo không nói lên được điều gì cả. Con rồng vốn là một con vật không có thật, một con vật vua Trung Hoa thêu lên áo để hù họa thứ dân, vì cho nó từ trời giáng xuống, người Việt chỉ biết rập khuôn làm theo.
Có bao nhiêu điều đáng làm cho kỷ niệm 1000 năm này đúng ý nghĩa của nó sao không có đến một người trong giới lãnh đạo nhìn ra thì quả thật đáng buồn.
Sao trong dịp kỷ niệm 1000 năm này, thay vì phô trương sự hào nhoáng vô nghĩa, không dùng những món tiền đó để tu bổ cho các bệnh viện, xây các ngôi trường làng, các trạm y tế ở vùng quê nghèo đói, đào giếng, đặt ống nước cho những nơi thiếu nước sạch; cụ thể hơn nữa lập những trung tâm huấn nghệ cho các thiếu nữ, ít học, có một cái nghề lương thiện giữ được phẩm giá con người, cho những thanh niên không phải bán thân lao động nước ngoài, sống vô gia cư, chết vô địa táng.
Còn bao nhiêu dự án được nêu trong danh sách kỷ niệm 1000 năm Thăng Long không biết đến bao giờ được hoàn thành. Cứ đập ra, làm phần khởi đầu, rồi dừng lại. Đến bao giờ mới tiếp tục, không biết? Hồ Xuân Hương ở Đà Lạt cũng nằm trong dự án 1000 năm Thăng Long là một điển hình. Hồ Xuân Hương ở giữa thành phố, là linh hồn của Đà Lạt, một cái hồ trong veo như giọt lệ, nhỏ bé nhưng thơ mộng, là nơi hấp dẫn du khách và nơi hò hẹn của bao nhiêu cặp tình nhân từ đời nọ đến đời kia. Bỗng nhiên hô hào làm rộng, làm sâu thêm.Vét cho cạn kiệt, cá không còn chỗ nương thân chết dần từng chiếc vẩy chết đi, lau sậy khóc thương bờ xơ, bãi xác. Bây giờ chiếc hồ trông như một vết sẹo khô, nhăn nhúm trên gò má thành phố.
Việt Kiều sau ba mươi lăm năm, học được bao nhiêu bài học lừa dối đau lòng, cũng đã biết khuyên nhủ nhau không làm thiện nguyện nữa, nhưng cuối cùng cái tâm vẫn thắng cái trí; vẫn bằng cách này, hay cách khác không làm trực tiếp được với chính quyền địa phương thì họ làm riêng tư, đơn lẻ, hay từng nhóm nhỏ một, chuyển tiền về đóng góp giúp đỡ người dân yếu thế, nghèo hèn. Có từng nhóm Việt Kiều ở Pháp, ở Mỹ rủ nhau chung tiền gửi về để làm vốn cho chị em ở quê nhà đi buôn gánh, bán bưng, để giúp họ không phải buôn bằng cái vốn thân xác mình. Việt Kiều nuôi sinh viên Y-Khoa để các em đủ ăn, đủ sách, cho đến ngày ra trường. Hy vọng cấy vào tâm hồn các em chữ “Lương y như từ mẫu” qua sự giúp đỡ của Việt Kiều, để mai này các em biết giúp đỡ đồng bào mình, đừng hành xử như những y sĩ hiện nay, chờ tiền cho vào túi mới cầm dao đến người đang nằm trên bàn mổ.
Việc xây trường học, nguyên nữ tài tử Kiều Chinh trong vòng 17 năm đã cùng hội “The Vietnam Children’s Fund” (*) xây được hơn 46 trường học, trong suốt chiều dọc Bắc Trung Nam.
Việc xây bệnh xá, đào giếng, đặt máy lọc nước, xây chùa, giáo đường, đem kể ra thì vô cùng. Hầu như Việt Kiều nào cũng quan tâm đến mái chùa, nhà thờ, ngôi trường, giếng nước cho làng mình. Họ coi đó gần như một bổn phận thiêng liêng của người xa xứ.
Phải chăng, nhà nước lợi dụng tấm lòng nhân ái của những khúc ruột ngàn dặm này, đã hầu như bao khoán cho Việt Kiều những công việc kể trên. Có người ở hải ngoại đã phải thốt lên: Cộng Sản trong nước đặt ba Bộ ở hải ngoại, đó là: Bộ Giáo Dục, Bộ Y Tế và Bộ Xã Hội và họ không cần tốn một đồng nào cho những nhân viên cần cù, lương thiện này.
Con số 1000 năm thủa xa xưa mỗi lần nói đến dính dáng đến niềm uất hận “Một ngàn năm đô hộ giặc Tầu” . Bây giờ Tầu là anh, Việt là em. Anh Tầu xuống biển cắm cờ sao không rủ em Việt cùng xuống chia nhau.
Chao ôi, ước gì trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long này, những nhà lãnh đạo trong nước biết nhìn ra cái thiếu thốn, nghèo kém của người dân mà bù đắp cho họ, và những người có chức quyền đã từng lên tiếng kêu gọi Việt Kiều về nước đóng góp cho sự phát triển hưng vong của đất nước, thì cũng nên đủ cái trí sáng suốt, cái tâm nhân hậu, hành xử một cách “mã thượng” (chữ Hán-Việt đó) kêu gọi Việt Kiều về nước, cho trùng tu lại Nghĩa Trang Quân Đội VNCH thì cái hành vi đó đẹp đẽ và xứng đáng biết bao!
Trần Mộng Tú.
Viết cho 1000 năm Thăng Long.
torsdag 28. oktober 2010
Abonner på:
Legg inn kommentarer (Atom)
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar