søndag 3. oktober 2010

TÔN VINH HAY BÔI BÁC LỊCH SỬ ?

TÔN VINH HAY BÔI BÁC LỊCH SỬ ?.

Sau nhiều năm sửa soạn làm kế hoạch, và chỉnh trang thành phố, ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long của Hà nội đã gần kề, và được nói là một ngày đại hội lớn nhất từ trước tới nay. Nhà nước đã không quản ngại tốn công, tốn của, để phô trương cho thế giới thấy sự phồn thịnh của VN. Tổn phí cho chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long vào khoảng 4,5 tỷ đô la.

Theo tin báo chí trong nước, lễ hội bắt đầu từ ngày 1/10 và kéo dài suốt 10 ngày. Hàng trăm trống đồng được khởi công đúc từ cả năm nay, sẽ được đặt quanh Hồ Hoàn Kiếm để cùng trỗi lên một lượt khai mạc, nhiều chương trình nghệ thuật sẽ được trình diễn hàng ngày tại nhiều địa điểm khác nhau. Báo Lao Động loan tin: 10.000 người của Hội Nghệ sĩ múa và Sở Văn Hoá, Thông Tin, Du Lịch Hà Nội sẽ cùng nhau nhảy múa tại các nơi công cộng. Về âm nhạc sẽ có các màn “hòa tấu trống hội”, “nhạc nước” theo nghi thức Cung Đình, “nhạc đăng đàn”, nhạc múa “lục cúng hoa đăng”, nhạc “Bát Man tấn cống”. Một bức tranh tường dài tới gần 4 Km đặt tên là “Con Đường Gốm Sứ” đã được khởi công từ 2008, tới nay mới hoàn thành. Gạch xây vỉa hè ở xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, mặc dầu nhìn còn bắt mắt vẫn được bóc lên để thay thế bằng đá xanh, chở từ Thanh Hóa ra, mà nhiều chỗ bị long lở sau vài cơn mưa. 4 cổng chào được xây dựng ở 4 cửa ngõ vào Thủ Đô Hà Nội với chi phí dự tính khoảng 50 tỷ đồng, nhưng đã ngưng lại sau khi khởi công vì bị phản đối, mặc cho đất ruộng của nông dân tràn lan những cát và bê tông.

Kế hoạch chỉnh trang thành phố được thực hiện không riêng ở Hà Nội và Sài Gòn, mà còn tại những trung tâm du lịch quốc gia như Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu mục đích là để tạo khen ngợi nơi du khách quốc tế. Ở Đà lạt có 2 dự án: vét lòng Hồ Xuân Hương sâu thêm 3 mét, xây đá cừ để tăng vẻ thẩm mỹ của hồ. Nới rộng Cầu ông Đạo để xe ra vào Chợ Đà Lạt dễ dàng hơn. Tuy nhiên, dự án làm chưa xong thì hết tiền. Hiện nay, dưới lòng Hồ Xuân Hương, cỏ dại moc dầy đặc. Cầu Ông Đạo xây dựng nửa chừng, xe qua lại khó khăn hơn xưa.

Một nước nghèo, phải ngửa tay nhận tiền viện trợ để xây cầu, làm đường, chỉnh trang bệnh viện, nợ chiếm nửa tổng số lợi tức quốc gia, mà chi phí 4,5 tỷ đô la cho những chương trình phù hoa, vô bổ là một điều tối ư vô lý! Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cần nói lên được cái “tinh thần”, cái “hào khí” của triều đại nhà Lý trong việc an dân, giữ nước và dựng nước. Những phù phiếm, xa hoa là phản lại “tinh thần Thăng Long”! Các vua nhà Lý thời xưa sống giản dị, sùng đạo Phật, lấy đức trị dân. Gặp khi mất mùa thì xoá thuế, giảm tô, phát chẩn cho người nghèo. Thời đại nhà Lý là một thời toàn thịnh ở nước ta. Sử sách chép rằng: người dân ban đêm ngủ không cần đóng cửa, ban ngày của rơi ngoài đường không ai nhặt. Triều nhà Lý cũng nổi bật vì các chiến công hiển hách, mở mang bờ cõi: Phá Tống, bình Chiêm. Lý Thường Kiệt đại phá 100,000 quân Tống trên sông Như Nguyệt, giữ gìn độc lập cho nước nhà.

Những chi phí tốn kém kinh khủng với kết quả tồi tệ chỉ phản ảnh bản chất tham nhũng bất trị của chế độ. Chọn ngày quốc khánh mồng 1 tháng 10 của Cộng hoà nhân dân Trung quốc làm ngày khai mạc thay vì lấy ngày 10 tháng 8 là ngày vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long không khác gì chuyện Hố chí Minh lấy ngày 19 tháng 5 làm ngày sinh nhật của mình để dụ dân treo đèn kết hoa chào đón tướng Tây đem quân ra Bắc theo hiệp ước Hồ ký với Pháp Nhưng các đệ tử “con người mới xã hội chủ nghĩa” mà Hồ đào tạo đã vượt hơn sư phụ một bực trong nghệ thuật liếm gót giầy ngoại nhân.

Bức tượng vua Lý Thái Tổ đặt tại vườn hoa Chí Linh trang phục mũ mãng long bào y hệt như vua Tần Thủy Hoàng trong phim Tầu. Bởi vây, dân chúng có thơ:

Vua Lý Thái Tổ Việt Nam
Cân đai, mũ mãng y trang vua Tàu.

Bộ phim truyền hình 19 tập: «Lý Công Uẩn, đường đến thành Thăng Long» tốn 100 tỷ đồng, dự tính cho ra mắt trong ngày lễ khai mạc, thì sau khi duyệt qua bộ phim, mọi người đều lắc đầu ngao ngán: «Đây là Lý Công Uẩn TQ chứ không phải VN». Bởi vì bộ phim đã được giao cho các chuyên viên Tầu thực hiện: Biên kịch gia Kha Chung Hòa nhuận sắc kịch bản, Cân đức Mậu và Triệu Lôi đạo diễn, quay tại phim trường Hoành Điềm bên Tầu. Chuyên viên hoá trang, diễn viên đóng thế và diễn viên quần chúng đều là Tầu. Ngay cả 700 bộ trang phục cổ truyền cũng do thợ Tầu may. GS Nguyễn Đăng Hưng sau khi xem phim đã phát biểu: «Mới xem qua thôi mà tôi đã thấy hãi, nếu không nói là kinh hoàng. Từ trang phục cho đến cảnh quan, từ áo mão cho đến búi tóc, hình ảnh toát ra cho ta thấy: Đây là một phim TQ.»

Một cách bình thường thì ai cũng nghĩ rằng chỉ còn một biện pháp là vất phim vào sọt rác, vì sửa hay đóng lại đều tốn kém mà cũng không có thời gian. Nhưng biết đâu với đầu óc “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” của các lãnh đạo, thì phim sẽ chẳng đổi tên, sơ sài thay nội dung để trở thành một bô phim truyện dã sử tưởng tượng một tướng Tầu tiến vào Thăng Long, phổ biến cho các thành phần nhân dân và cán bộ đảng thấm nhuần tinh thần xã hội chủ nghĩa đại đồng, hai nước “núi liền núi sông liền sông” thưởng thức những cảnh hoành tráng của phim trường Trung quốc vĩ đại?

Vừa kiếm được tiền, mà vừa thực hiện tinh thần 16 chữ, bốn tốt mà đảng và nhà nước Trung Quốc đã ban cho!

Giao Tiên.

Ingen kommentarer: