søndag 31. oktober 2010

Những Cái Đầu Bùn Đỏ



Những Cái Đầu Bùn Đỏ.

Cái bất hạnh của người kia, có khi là cái may mắn của người này. Trường hợp này có thể thấy nổi bật trong mấy ngày qua: thảm họa bung vỡ dòng sông bùn đỏ tại Hungary đã gây kinh hoàng không chỉ cho người dân Hungary, người dân vùng Đông Âu bên dòng sông Danube, mà cả ngay tại Việt Nam, nơi cũng có dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Những gì mà giới trí thức thuyết phục, lý luận, phản biện từ cả năm qua không hề làm nổi thành các bản tin lớn trên các báo nhà nước. Thậm chí, những lý luận ban đầu của giới trí thức Bauxite Việt Nam khi kêu gọi nhà cầm quyền CSVN hủy bỏ các dự án này còn tập trung vào vấn đề an ninh phòng hộ, vào âm mưu Trung Quốc có thể thiết lập các Phố Tàu Tây Nguyên và lập làng mạc để nằm phục lâu dài. Nhưng ngay khi quả bom nguyên tử bùn đỏ bộc phát tại Hungary, lập tức các báo lớn trong nước đều nêu lên vấn đề bùn đỏ Tây Nguyên.

Và những gì mà các vị trí thức Bauxite VN không thuyết phục nổi, thì tai họa vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary đã nói giùm thật vang dội. Từ đó, chỉ cần nghe chữ “cơ nguy hồ bùn đỏ” là đủ cho người đọc kinh hoàng rồi, là đủ để các cán bộ Hà Nội lên tiếng rồi. Lý luận giới trí thức phản biện cũng không nhắc gì về các làng Trung Quốc nữa, cũng không nhắc về cơ nguy đàn anh TQ mai phục quân đội để đánh xuyên tâm từ Tây Nguyên nữa.

Bởi vì, vỡ hồ bùn đỏ, nhuộm đục ngầu mấy dòng sông từ Hungary là đủ để biết sợ quả bom nguyên tử bùn đỏ có gài đồng hồ nổ chậm ở Tây Nguyên rồi. Bởi vậy, cái xui của người hóa ra lại là cái hên của mình.

Và một bản văn có nhan đề là “Kiến nghị về dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, với tấm gương về thảm họa vỡ hồ bùn đỏ ở nhà máy Ajka Timfoldgyar, Hungary” do nhóm Bauxite VN đăng chỉ trong vài ngày đã thu hút được khoảng 670 chữ ký, và thấy rõ số lượng người ký tên sẽ còn nhiều thêm.

Bản văn trích như sau:

Ngày 05-10-2010 đã xảy ra sự cố vỡ hồ bùn đỏ chứa phế thải từ việc sản xuất alumina cho luyện nhôm của Nhà máy Ajka Timfoldgyar tại vùng Ajka, cách thủ đô Budapest 160 km về phía Tây Nam. Khoảng 1,1 triệu m3 nước thải bùn đỏ từ hồ bị vỡ này đổ xuống các vùng thấp chung quanh rộng gần 40 km2 và một số con sông, trong đó có sông Danube. Trong vùng xảy ra tai nạn có thị trấn Kolontar hoàn toàn bị ngập trong màu đỏ chết người. Tai nạn này cuốn trôi khoảng 270 căn nhà, phá hủy nhiều cầu đường, làm bị thương (dưới dạng bị bỏng hóa chất) 150 người do các hóa chất độc hại có chất ăn mòn cao trong bùn gây ra, 7 người chết và làm hư hại nhiều xe cộ, tài sản khác. Số người thương vong còn có thể tăng lên do tác động của bùn đỏ chứa hóa chất tiếp tục ngấm vào cơ thể những người đã tiếp xúc với chất thải này khi hồ vỡ.

Chính phủ Hungary coi đây là thảm họa hóa chất thảm khốc nhất trong lịch sử quốc gia này. Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhận định thảm họa này có nhiều khả năng do lỗi của con người gây ra, vì xảy ra trong lúc tình hình thời tiết hoàn toàn bình thường, không có mưa và chưa đến mùa tuyết rơi; trước khi xảy ra tai nạn hai tuần, một phái đoàn thanh tra chính phủ đã có chuyến đi kiểm tra hồ và không thấy có dấu hiệu gì khác thường; trong khi đó nhà máy vẫn thường xuyên nhắc lại cam kết với nhà nước hồ bùn đỏ này không nguy hiểm… Thủ tướng Viktor Orban đánh giá thảm họa này lớn gấp nhiều lần so thảm họa tương tự đã xảy ra ở vùng Baia Mare tại Romania năm 2000. Trước tình hình như vậy Thủ tướng Viktor Orban đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vùng nơi xảy ra thảm họa. Bùn đỏ đang chảy vào sông Danube và sông Raab.

Theo nhận định của người phát ngôn thuộc Cơ quan Quản lý thảm họa của Hungary, ông Tibor Dobson, thảm họa này sẽ có thể ảnh hưởng đến 6 nước hạ lưu là Croatia, Serbia, Bulgaria, Moldova, Ukraina và Romania, và có nguy cơ trở thành thảm họa sinh thái châu Âu. Tại một số nơi nhiều thủy sản cây cối, hoa màu và gia súc đã chết. Nhìn chung chưa đánh giá được toàn diện thiệt hại. Quốc vụ khanh Illes nói các đội cứu hộ của Hungary đang làm việc một cách tuyệt vọng, phải mất ít nhất một năm và hàng chục triệu đô la mới xử lý được; Hungary kêu gọi sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu.

Thảm họa vỡ hồ bùn đỏ Ajka ở Hungary là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với vấn đề hồ bùn đỏ chứa chất thải trong sản xuất alumina ở Tây Nguyên.” (hết trích)

Do tình hình như thế, những người soạn thảo Kiến Nghị đã yêu cầu nhà cần quyền CSVN hãy:

(1) Quyết định cho ngừng ngay việc xây dựng Nhà máy Tân Rai ở Lâm Đồng để nghiên cứu tiếp cách xử lý;

(2) Tạm hủy dự án đang đàm phán tiếp với đối tác nước ngoài về Nhà máy Nhân Cơ ở Đắc Nông;

(3) Tạm thời đình chỉ việc triển khai toàn bộ tổng dự án hiện thời về việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên để tổ chức nghiên cứu lại một cách nghiêm túc và khoa học.”(hết trích)

Trong khi trước giờ, những thanh biện về dự án bauxite Tây Nguyên đều chủ yếu đăng trên các web lề trái, thì bây giờ được các báo nhà nước đưa lên qua những cuộc phỏng vấn những chuyên gia có tiếng nói trong ngành liên hệ.

Trên tờ Tuổi Trẻ, số ngày Thứ Hai 11/10/2010, một chuyên gia nói rằng ảnh hưởng bùn đỏ Tây Nguyên sẽ ảnh hưởng hàng chục triệu người nếu có “sự cố” xảy ra.

Báo Tuổi Trẻ phỏng vấn “PGS.TS Nguyễn Đình Hòe - trưởng ban phản biện xã hội, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN” và được GS Hòe trả lời:

Rõ ràng đó là một lời cảnh báo cho VN khi chúng ta đang tiến hành khai thác bôxit ở Tây nguyên. Hungary là một nước có cả lịch sử hàng trăm năm khai thác bôxit và Công ty Sản xuất và kinh doanh bôxit - nhôm Hungary là công ty rất lớn, có kinh nghiệm hơn chúng ta nhiều. Sự cố của họ nói với chúng ta rằng tuyệt đối không thể chủ quan với bùn đỏ.

Doanh nghiệp khai thác khẳng định bùn đỏ sẽ được chôn rất cẩn thận. Nhưng điều đó không có nghĩa là 20-30 năm sau nó vẫn được làm cẩn thận và an toàn tuyệt đối. Cần lưu ý độ pH trong bùn đỏ khoảng 13, nghĩa là gấp khoảng 1 triệu lần độ pH an toàn. Nếu sự cố xảy ra ở Tây nguyên, bùn đỏ trôi xuống sông Đồng Nai thì tính mạng, sức khỏe hàng chục triệu người bị đe dọa.”(hết trích)

Như thế, lời cảnh giác này rất minh bạch, và không cần quanh co gì nữa: rằng hồ bùn đỏ sẽ là quả bom nổ chậm, nguy cơ tiềm ẩn nhiều thập niên, và nếu sơ suất thì hàng chục triệu người thê thảm.

Trong bài có nhan đề “Từ tai hoạ bùn đỏ ở Hungary, nghĩ tới bôxít Tây Nguyên” của tác giả TS. Nguyễn Quang A đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị hôm Thứ Sáu 8/10/2010 đã ghi nhận:

“Ngày 4.10.2010, đập hồ chứa bùn đỏ tại mỏ khai thác và chế biến bôxít ở Ajka, Hungary đã bị vỡ. Gần 1 triệu m3 bùn đỏ đã tràn xuống phủ một diện tích 40km2 và làm tan hoang nhiều khu dân cư.

Có nơi lũ bùn đỏ với độ dày tới 2m đã nhấn chìm mọi thứ. Báo chí Hungary cho biết, đến ngày 7.10, đã có bốn người chết, 123 người bị thương và còn năm người được coi là mất tích. Ba tỉnh của Hungary đã bị đặt trong tình trạng báo động môi trường, ba con sông bị đe doạ, bùn đỏ đã lan xuống sông Rába và đe doạ sông Duna. Đây là thảm hoạ môi trường lớn nhất ở Hungary.

Nhà máy bôxít Ajka thuộc công ty cổ phần Nhôm Hungary (MAL). Báo chí Hungary cũng đưa tin cựu Thủ tướng Gyurcsány Ferenc có lợi ích trong MAL trước khi lên làm thủ tướng và công ty này ngày nay vẫn do các bạn đầu tư của ông vận hành.

MAL đã rất tự hào về tính an toàn của hệ thống chứa bùn đỏ của mình. Họ nói “các hồ chứa bùn đỏ được cách ly, được xây dựng rất hiện đại với hệ thống giám sát tiên tiến đảm bảo chắc chắn việc chứa bùn đỏ”. MAL cũng rất lưu ý đến việc “hoàn thổ”, khôi phục lại mặt bằng liên tục bằng san lấp và trồng cây tạo ra thảm thực vật phong phú. Nhưng khi xảy ra tai hoạ, họ nói đấy là tai hoạ thiên nhiên và từ chối trách nhiệm. Họ còn nói, mới gần hai tuần trước cơ quan Thuỷ lợi đã kiểm tra đập và không thấy có vấn đề gì. Khi tai hoạ xảy ra họ nói bùn đỏ không độc hại, trong khi nhiều người bị bỏng đến 70% do bị ngập trong bùn đỏ có tính kiềm nặng!

Lập luận của MAL nghe rất quen với người Việt Nam. Trong các tranh luận về khai thác bôxít ở Tây Nguyên, tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng đưa ra các lời hứa tương tự về hệ thống chứa bùn đỏ của mình sẽ và đang được xây dựng. Thực ra, ở đâu cũng vậy, những người vận hành hồ chứa bùn (bùn đỏ của nhà máy bôxít hay bùn đen của các mỏ than hay các loại mỏ khác, thậm chí cả với các hồ nước sạch cho thuỷ điện) luôn tìm cách thoái thác trách nhiệm khi có sự cố xảy ra.

Đã có rất nhiều ý kiến về các dự án khai thác bôxít ở Tây Nguyên. Người ta cũng nói đến sự chắc chắn, vững chãi của các hồ chứa bùn đỏ. Từ trên nóc nhà của Đông Dương nếu có sự cố vỡ đập như ở Hungary, thì tai hoạ sẽ rất thảm khốc.

Vấn đề chuyên chở không những là vấn đề khó khăn về kinh tế mà cũng hàm chứa những rủi ro môi trường khó lường. TKV lập dự án nhưng bỏ chuyện làm đường chuyên chở ra ngoài (và yêu cầu Nhà nước phát triển đường sắt cho TKV), tính kiểu ấy là ăn bớt chi phí đầu tư để cho dự án có vẻ khả thi hơn về kinh tế. Nếu tính hết (kể cả đầu tư cho chuyên chở) và nhất là phải có chi phí thoả đáng cho khắc phục môi trường (trong hoạt động bình thường của các nhà máy cũng như trong trường hợp có tai hoạ) thì dự án khai thác bôxít không khả thi về mặt kinh tế. Tác hại về môi trường khó có thể lường.”(hết trích)

Lời Tiến Sĩ Nguyễn Quang A rằng nếu có sự cố thì tai họa sẽ thảm khốc, rằng TKV đang ăn bớt chi phí đầu tư rằng tác haị về môi trường khó lường.

Bây giờ, chỉ còn thắc mắc duy nhất rằng, có phải chính phủ VN đã cấm ký tên nhiều người trong đơn khiếu kiện, trong các kiến nghị hay không? Nếu đúng như thế, bản Kiến Nghị của hàng trăm người quan tâm này sẽ bị quăng bỏ?

Và nếu đúng là chính phủ Hà Nội không muốn xét tới lời nói phảỉ của người trí thức, dù bất kỳ cớ nào, thì tự thân chính phủ này đã trở nên những quả bom bùn đỏ tiềm ẩn: di hại sẽ không chỉ là hủy diệt vài dòng sông, hay nhuộm đỏ vài chục kilômét vuông đất, hay làm thiệt hại kinh tế vài chục triệu dân, hay làm hại sức khỏe cả triệu người... mà sẽ trở thành những cái đầu bùn đỏ để có thể dâng hiến VN cho đàn anh Trung Quốc.

Bởi vì, nào ai biết được những cái đầu bùn đỏ rồi sẽ suy nghĩ những gì.

TRẦN KHẢI

Ingen kommentarer: