Những Câu Chuyện Khó Tin.
Chuyện Giáo Dục và Đào Tạo ở VN thực là huyền bí cũng như chuyện ngàn lẻ một đêm. Hội khuyến học liên kết với trường CSU (Columbia Southern University) bên Hoa Kỳ để đào tạo Thạc sĩ Quản Trị Kinh Doanh (MBA) online từ năm 2002 tới nay, mà Bộ Giáo Dục và Đào Tạo không hề hay biết. Khi nội vụ bị phanh phui, thì Bộ GD&ĐT tuyên bố sẽ cho kiểm tra và hứa sẽ xử lý nghiêm khắc nếu trung tâm làm sai quy định.
Cho tới nay, Hội Khuyến học đã hoàn tất khoảng 20 khóa huấn luyện ở cả 2 miền Bắc và Nam VN. Có khoảng 2000 học viên ghi tên theo học, và số cán bộ cơ quan nhà nước tham dự không phải là ít. Tổng số tiền học phí thu được cho tới nay là khoảng 18 triệu đô la.
Theo phát ngôn viên của Bộ GD &ĐT thì cách thức đào tạo qua hệ thống điện tử (on line) chưa được bộ Giáo Dục Đào Tạo phê chuẩn hoặc cấp giấy phép. Các trường Đại Học ngoại quốc muốn tham dự vào chương trình đào tạo ở VN phải đuợc kiểm định và đánh giá chất lượng theo quyết định số 2007, ngày 20/12/2007. CSU không có tên trong danh sách 121 trường Đại Học nước ngoài được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo ở VN. CSU chỉ là một trường Cao Đẳng Cộng Đồng do tư nhân thành lập vào năm 1993. Một trường nhỏ, không uy tín cũng như tên tuổi, và chỉ đào tạo online.
Theo công văn số 8621 ngày 27/9/2002, bộ GD&ĐT giao cho Hội Khuyến học VN: "Tư vấn, giới thiệu, và cung cấp các thông tin cho học viên VN về các khóa đào tạo từ xa, qua mạng internet của các cơ sở đào tạo có chất lượng, có uy tín trong nước và quốc tế".
Thế mà, Hội Khuyến Học VN lại liên kết với CSU tại Hoa Kỳ để tổ chức các khóa đào tạo qua mạng điện tử. Học phí của mỗi học viên là 8,230 đô la. Một nửa số tiền này sẽ đóng ngay khi nhập học. Phần còn lại sẽ đóng nốt 7 tháng sau. Trong quá trình học, nếu rớt môn nào, phải học lại môn đó, và đóng thêm học phí mỗi môn là 780 đô la. Tiền sách giáo khoa vào khoảng 600 đô la.
Bà Nguyễn Ngọc Nhã Trúc, đại diện cho Hội Khuyến Học VN còn cho biết: “Nếu học viên không đạt tiêu chuẩn về tiếng Anh khi vào, thì trường sẽ tổ chức ôn thi phần tiếng Anh trong 3 tuần với chi phí 1,5 triệu đồng là có thể vào học.”
Như vậy, chương trình đào tạo Thạc sĩ Kinh Doanh là…bất hợp pháp, do Hội Khuyến học của nhà nước tổ chức chui. Có lẽ nhờ được bao che và chia chác lợi nhuận, nên chương trình xuôi chèo mát mái trong 8 năm trời. Các học viên có trình độ Anh Văn…"ăn đong", nhưng có nhiều đô la bù lại, có thể lấy bằng Thạc Sĩ Kinh Doanh để ăn trên ngồi chốc thiên hạ. Tuy nhiên, điều thắc mắc là số tiền học phí 18 triệu đô la thì chạy vào đâu? Rồi mai kia, khi phanh phui ra các khóa học là bất hợp pháp, thì nhà nước sẽ xử trí ra sao với các ông Thạc sĩ giấy, hiện đang đè đầu cưỡi cổ thiên hạ?
Chuyện khó tin thứ nhì là chuyện Thủ Tướng Chính Phủ ra thông tư số 04/2010TT-TTCP ngày 26/8/2010 quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn phản ảnh, kiến nghị liên quan tới khiếu nại, tố cáo. Nội dung của thông tư là “các đơn khiếu nại tập thể sẽ không được cứu xét và sẽ được gửi trả lại để từng cá nhân viết riêng rẽ thì mới giải quyết”. Luật sư Cù Huy Hà Vũ đã gửi đơn phản đối tới văn phòng của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, và đồng thờì cũng công bố trên mạng điện tử.
Theo ông Cù Huy Hà Vũ thì thông tư này đã vi phạm điều 74 Hiến Pháp và điều 32 của Luật Khiếu nại. Ông đề nghị Nguyễn Tấn Dũng hủy bỏ quy định nói trên để tôn trọng hiến pháp và luật pháp quốc gia, đồng thời cũng góp phần trong cái gọi là ổn định xã hội.
Cái điểm tiếu lâm ở câu chuyện này là nhà nước XHCN Việt Cộng này luôn luôn đề cao tập thể: “nhà ở tập thể”, “sống tập thể”, “lấy ý kiến tập thể”, “phục vụ tập thể”, “lao động tập thể”, “ sở hữu tập thể”, mà bây giờ lại… muối mặt cấm “khiếu nại tập thể.” Chắc là bấy lâu nay, Thủ Tướng thấy các đơn khiếu nại chính phủ đều đầy đặc những chữ ký, kéo dài cả mấy trang giấy. Nhiều ông bình thường thì “miệng hùm gan sứa”. Nếu đứng một mình thì run như cầy sấy, nhưng khi nhìn vào danh sách thấy tên mấy ông Tướng hồi hưu ở hàng đầu thì quên mất câu “bút sa gà chết”. Thủ Tướng Chính phủ bèn áp dụng bài học “bó đũa” để đối phó với mấy ông này.
Ông Cù Huy Hà Vũ, trong quá khứ đã kiện Thủ Tướng Chính Phủ một lần rồi. Đơn của ông được lặng lẽ đi vào quên lãng, và TT Chính Phủ thì vẫn ung dung tự tại. Lần này, đơn kiện của ông chắc cùng chung số phận với “con kiến đi kiện củ khoai” mà thôi. Có điều mọi người thắc mắc là sao nhà nước không hề làm khó ông nhỉ?
Chuyện khó tin thứ ba là Nguyễn văn Chánh, Giám Đốc sở Giao Thông Vận Tải và Ban An Toàn Giao Thông tỉnh Kiên Giang đã mở chiến dịch tuyên truyền về tháng “Văn Hoá Giao Thông 2010” bằng một phương pháp táo bạo nẩy lửa.
Nguyễn văn Chánh đã dùng 181 triệu đồng tiền công quỹ in 122 ngàn truyền đơn để quảng bá an toàn giao thông trong tỉnh Kiên Giang. Đối tượng được tuyên truyền là giới trẻ, gồm, các thanh niên, học sinh. Sau khi 45000 tờ này được phát ra, thì toàn thể mọi người, từ ban giám hiệu nhà trường tới các phụ huynh học sinh đều tá hỏa tam tinh vì nội dung mang toàn những lời lẽ khiêu dâm và kích dục, diễn tả cảnh làm tình của một đôi nam nữ. Cứ dưới mỗi dấu hiệu giao thông là một câu chú thích…động trời như: “Đầu tiên cô ấy dạng một chân ra”, “sau đó là chân kia”, “cô ấy tán dương kích thước của tôi”, “chúng tôi thử các kiểu khác nhau”.
Nguyễn Văn Chánh thừa nhận đã phát hành các quảng cáo này và cho hay nội dung lấy từ một trang mạng internet. Chắc Nguyễn Văn Chánh nghĩ rằng đây là sáng kiến độc đáo để giúp đám trẻ dễ thuộc bài.
Chưa thấy nói thượng cấp của Nguyễn Văn Chánh xử trí ra sao đối với sáng kiến quái gở và bệnh hoạn này.
Quả thực, có nhiều chuyện quái gở, khó tin nhưng có thật ở Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Cộng.
Trương Vĩnh Khôi.
søndag 3. oktober 2010
Abonner på:
Legg inn kommentarer (Atom)
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar