mandag 24. januar 2011

Thực Chất Về Chiếc Máy Bay Tàng Hình Trung Quốc

Thực Chất Về Chiếc Máy Bay Tàng Hình Trung Quốc.

Chiếc máy bay tàng hình Chengdu J-20 là một trong những đề mục đang được dư luận quốc tế chú ý trong khuôn khổ những quan tâm về khả năng quân sự của Trung Quốc.

Tuy nhiên nếu quả thật Trung Quốc rõ ràng đã có nhiều tiến bộ về mặt kỹ thuật nhanh hơn người ta dự đoán, thì sự kiện này đối với các giới chuyên gia về quốc phòng cũng chưa phải là điều đáng để phải lo ngại ít ra là trong một tương lai gần.

Hôm 11 tháng 1 Trung Quốc loan báo và công bố những hình ảnh chuyến bay thử nghiệm lần đầu tiên của chiếc J-20 trong 15 phút từ một phi trường ở tỉnh Tứ Xuyên. Trước đó mấy ngày, Trung Quốc đã để cho truyền thông loan tin về chiếc máy bay được tuyệt đối giữ bí mật từ lâu. Thời điểm này trùng hợp với chuyến thăm viếng của Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates ở Bắc Kinh và đã có nhận xét cho rằng đây là một hành động “dằn mặt” Hoa Kỳ. Diễn giải ấy có lẽ không chính xác bởi vì Tây phương đã biết khả năng của Trung Quốc cũng như hiểu rằng từ nguyên mẫu đến sản xuất còn là một thời gian không ngắn, hơn nữa giá trị và hiệu quả của bất kỳ một loại vũ khí nào còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác.

Máy bay quen gọi là tàng hình, nói một cách đơn giản sử dụng hai phương cách: Thụ động và chủ động. Tàng hình thụ động nhờ những đặc điểm về cấu tạo để tránh sự phát hiện của đối phương bằng tia hồng ngoại, âm thanh, radar và sóng điện từ. Ðiều này thực hiện được bằng cách dùng những hợp chất có khả năng hấp thụ hay ít phản xạ sóng điện từ, đồng thời với hình dạng máy bay làm sao cho có trắc diện nhỏ. Thật ra thì không có một máy bay nào có thể hoàn toàn tàng hình mà chỉ là làm khó và giảm bớt sự ghi nhận của các loại radar càng nhiều càng tốt.

Tàng hình chủ động bằng những phương tiện điện tử trên máy bay, có thể với sự hỗ trợ của những máy bay khác làm nhiễu loạn việc phát hiện cũng như sự điều khiển vũ khí tấn công của địch. Trong chiến tranh hiện đại và tương lai, hoạt động phối hợp của nhiều vũ khí và các loại vũ khí là yếu tố then chốt, có nghĩa là không một đơn vị vũ khí nào, chẳng hạn như một máy bay, có thể tạo nên hiệu quả quyết định.

Hoa Kỳ là nước đầu tiên cho đến nay có và đang sử dụng máy bay tàng hình. Chiếc máy bay đầu tiên, F-117 “Nighthawk”, và sau đó là oanh tạc cơ B-2, có hình dạng và đường nét khác hẳn các máy bay thông thường. Những hợp chất để chế tạo phần vỏ của những máy bay này vẫn được giữ bí mật và trong nhiều năm khi được triển lãm ở các kỳ đại hội hàng không, máy bay luôn luôn được quây bởi một hàng rào không cho mọi người đến gần sờ mó!

Máy bay chiến đấu F-117 bay chuyến thử nghiệm đầu tiên năm 1981, tới 1983 được quyết định đưa vào sử dụng và đến 1988 thế giới mới biết rõ. Phi vụ chiến đấu đầu tiên của F-117 là ở chiến dịch Panama năm 1989. Tháng 3 năm 1999, một chiếc F-117 trong phi vụ oanh tạc ban đêm bị hỏa tiễn bắn hạ trên không phận Kosovo. Tổn thất này chứng tỏ F-117 không hoàn toàn tàng hình được. Tất cả có 64 máy bay F-117 đã được sản xuất với giá trung bình $43 triệu mỗi chiếc và tới năm 2008 tất cả được cho ngưng hoạt động, một phần vì chi phí tốn kém và phần khác bị coi như đã lỗi thời.

Máy bay oanh tạc B-2 bay thử lần đầu tiên năm 1989 và tới 1997 mới đưa vào sử dụng. B-2 có những khả năng tàng hình cao hơn F-117 nhưng việc chế tạo và bảo trì quá tốn kém, trị giá mỗi chiếc $737 triệu - tính theo thời giá hiện nay là $1 tỷ. Kế hoạch ban đầu của Bộ Quốc Phòng là đặt mua của công ty Northrop Grumman 132 chiếc B-2 nhưng Quốc Hội cắt giảm ngân sách và cuối cùng chỉ có 21 chiếc được sản xuất, hiện nay 20 chiếc còn đang sử dụng.

Kế hoạch chế tạo máy bay tàng hình của Trung Quốc được bảo mật tuyệt đối qua nhiều năm và những máy bay dự phóng này mang nhiều danh số khác nhau như J-14, J-XX, J-20. Cuối cùng thì chiếc đầu tiên ra đời và được công bố là J-20 do xí nghiệp kỹ nghệ hàng không ở Thành Ðô (Chengdu) chế tạo. Tướng Hà Vi Vinh, tư lệnh phó Không quân Trung Quốc, từ năm 2009 đã tuyên bố không quân Trung Quốc sẽ có máy bay tàng hình trong khoảng 2017-2019.

J-20 được coi thuộc loại chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 nghĩa là chiến đấu cơ hiện đại nhất tính đến năm 2011, bao gồm nhiều tính chất từ tàng hình, sức mạnh đến khả năng hoạt động, phi cụ, vũ trang, như loại F-22 và F-35 của Không quân Hoa Kỳ. Các máy bay F-117 và B-2 không được coi là thuộc thế hệ 5, vì thiếu trang bị hệ thống radar tự vệ (AESA) và khi tấn công máy bay địch hay mục tiêu dưới đất thì bị lộ nguyên hình.

Tuy nhiên người ta chưa được biết nhiều về những chi tiết kỹ thuật của J-20 như thế nào. Bề ngoài J-20 có phần đầu mũi rất giống như F-22 và F-35 Hoa Kỳ cũng như Sukhoi T-50 của Nga và được coi như là sự sao chép hay mô phỏng những kiểu máy bay tàng hình ấy. Theo tin của tổ chức GlobalSecurity, Trung Quốc đã chế tạo được hai chiếc J-2 và một chiếc bay thử hôm 11 tháng 1.

Tờ The Guardian ở Anh Quốc khi loan báo tin này nói rằng các chuyên viên hàng không đã ngạc nhiên về tiến bộ kỹ thuật nhanh chóng của Trung Quốc, tuy nhiên cũng như hầu hết nhân định khác, đã cho là ít nhất tới năm 2018 máy bay này mới có thể được sản xuất và đưa vào sử dụng. Thông tấn xã RIA Nivosti khi loan tin máy bay tàng hình Sukhoi T-50 của Nga bay chuyến thứ nhất đầu năm ngoái, dẫn lời Thủ Tướng Vladimir Putin nói rằng máy bay này sẽ được thử nghiệm ít nhất là 2,000 chuyến bay khác nữa. Ðiều ấy chứng tỏ rằng những kiểu máy bay mới đều phải qua một thời gian rất dài mới có thể sản xuất và sử dụng.

J-20 có hai động cơ phản lực và là loại máy bay chiến đấu lớn, dài hơn F-22 hay T-50, như vậy khả năng tàng hình chắc chắn bị giảm. Người ta mới chỉ nhìn thấy J-20 qua hình ảnh hay băng video nên theo ước lượng của một chuyên gia thuộc tổ chức Jane's thì máy bay có chiều dài 23 mét, sải cánh 14 mét, trọng lượng khi cất cánh khoảng 80,000 pounds không mang bình nhiên liệu phụ hay vũ khí treo bên ngoài. Với cánh dạng tam giác, J-20 có những cánh phụ phía trước (thuật ngữ hàng không gọi là canard hay con vịt, tiếng Pháp, vì khi bay trông giống như con vịt trời) theo kiểu nhiều máy bay Nga.

Phần tàng hình chủ động của máy bay cũng như hệ thống phi cụ chưa có thông tin gì để biết. Máy bay được điều khiển bởi một phi công, trong tương lai nếu được sử dụng vào mục tiêu chiến đấu trên không (tiêm kích) hay oanh tạc đường dài (cường kích), những kiểu J-20 sau này có thể có hai phi công.

Phát ngôn viên Ngũ Giác Ðài, Ðại Tá David Lapan nói rằng Trung Quốc vẫn còn cần phải mua động cơ phản lực từ Nga. Ðộng cơ WS-15 do Trung Quốc sản xuất có thể được gắn cho J-20 nhưng có lẽ chỉ là tạm thời. Trung Quốc chưa chế tạo được động cơ turbofan kiểu AL-31F có hiệu năng cao của Nga và đã được gắn cho máy bay chiến đấu J-10, một sản phẩm mà Trung Quốc đang thương lượng xuất cảng sang một số quốc gia trong đó có Pakistan.

Ilya Kramnik, bình luận viên quân sự của thông tấn xã Nga RIA Novosti nói rằng từ thập kỷ 1970, Trung Quốc vẫn thua kém các cường quốc hàng đầu thế giới về kỹ thuật hàng không khoảng từ 15 đến 20 năm. Ðiều ấy thể hiện qua các chiến đấu cơ thế hệ 3 và 4, bây giờ đến thế hệ 5, tình trạng vẫn là như vậy.

Theo bình luận viên này nếu nguyên mẫu J-20 cuối cùng được chấp nhận thì trong vòng 10năm Trung Quốc có chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, nhưng nếu J-20 có những khiếm khuyết qua các thử nghiệm sau này và phải đổi, thì một kiểu khác sẽ chỉ có thể có từ 15 đến 20 năm nữa.

Trung bình, máy bay Trung Quốc sản xuất rẻ hơn Hoa Kỳ và Nga tới 50% hay hơn nữa, nhưng để có một phi đội hiệu quả cho Không quân Trung Quốc, tốn kém không phải là nhỏ. Còn về mặt xuất cảng, nhận định của Krammik là “Dù trong vòng 20 năm vừa qua, Trung Quốc đã tiến bộ rất nhanh về kỹ thuật hàng không và khoảng 20 đến 30 năm nữa có thể cạnh tranh với Anh, Pháp hay Hoa Kỳ, Nga về xuất cảng máy bay, nhưng lúc nào Trung Quốc cũng chỉ có thể thu ngắn chút ít cách biệt với những cường quốc về kỹ thuật vũ khí”.

Hà Tường Cát.

Ingen kommentarer: