mandag 24. januar 2011

Tại Sao Hồ Cẩm Ðào Chịu Nhún ?

Tại Sao Hồ Cẩm Ðào Chịu Nhún ?

Ðây là một bài học cho những người cầm quyền ở Việt Nam: Ðối với giới lãnh đạo Trung Quốc, cách đối xử cứng rắn có hiệu quả hơn là mềm mỏng. Chuyến đi của ông Hồ Cẩm Ðào sang Washington kết thúc, ông Hồ chịu thua trên hai mặt trận.

Về chính trị, ông Hồ thú nhận với những lời lẽ nhún nhường, rằng Trung Quốc còn phải cố gắng thêm về nhân quyền.

Về mặt kinh tế, ông Barack Obama đem lại cho các công ty Mỹ những hợp đồng thương mại trị giá 45 tỷ đô la, sẽ tạo ra thêm 235,000 công việc. Trong khi đó chính phủ Mỹ không đưa ra một nhượng bộ nào cả. Có thể nói, trận đá bóng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc suốt năm 2010 đã đưa tới kết quả Mỹ 2, Trung Quốc 0.

Trong lúc ông tổng thống Mỹ mang bộ mặt cứng rắn, các đại biểu Quốc Hội vẫn công khai đòi Trung Quốc phải tăng hối suất đồng nhân dân tệ, phải trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba, phải tôn trọng tác quyền của các hãng General Motors, Boeing, Microsoft hay các nhà sản xuất phim bên Mỹ, cả một bảng liệt kê những đòi hỏi từ trước tới nay, không thay đổi. Ông Hồ phải gặp riêng các lãnh tụ hai đảng ở Quốc Hội Mỹ, cho thấy ông không muốn bị chất vấn trước đám đông. Nhưng sự kiện này cho thấy ông phải công nhận tại nước Mỹ ông tổng thống không có toàn quyền như vị chủ tịch nước Trung Hoa. Nhất là khi Hạ Viện Mỹ do một đảng đối lập với Tòa Bạch Ốc chiếm đa số. Quốc gia nào thương thuyết với Mỹ cũng phải biết như vậy. Vì thế, ông Hồ Cẩm Ðào đã phải chịu nhún mặc dù trong suốt năm ngoái đã bị Mỹ tấn công trên nhiều mặt.

Từ đầu năm 2010, chính phủ Mỹ đã bắt đầu tấn công, trên cả hai mặt ngoại giao và kinh tế. Trên các diễn đàn quốc tế, ngay tại Singapore và Hà Nội, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao tuyên bố ủng hộ lập trường các nước Ðông Nam Á trong các vấn đề tranh chấp ở biển Ðông. Bắc Kinh phản đối ầm lên nhưng vẫn phải nhún. Họ chịu tiếp ông Robert Gates mặc dù trước đó năm ngoái đã cấm cửa ông vì Mỹ bán vũ khí cho Ðài Loan. Khi Bắc Hàn gây hấn với Nam Hàn, Mỹ đã đá trái banh cho Trung Quốc phải lo giải quyết với Kim Chính Nhật, trong khi vẫn củng cố quan hệ quân sự với Nam Hàn. Bà Hillary Clinton đã tuyên bố thẳng những bất đồng ý kiến với Bắc Kinh, về nhân quyền, về đồng nhân dân tệ giá quá thấp, về cán cân thương mại thiếu cân bằng, vân vân, ngay trước khi ông Hồ tới Mỹ. Ít có một chính phủ nào chuẩn bị tiếp một quốc khách với thái độ cứng rắn như vậy. Ngay trong các cuộc gặp gỡ ở Tòa Bạch Ốc, ông Obama phản đối việc bỏ tù ông Lưu Hiểu Ba, người mà bộ máy tuyên truyền của Cộng Sản Trung Hoa bôi xấu thậm tệ sau khi ông được giải Nobel Hòa Bình. Ông Obama đã lấy ngay khẩu hiệu “Xã hội hài hòa” của ông Hồ Cẩm Ðào để dậy dỗ rằng “Lịch sử cho thấy các xã hội sống hài hòa hơn, các quốc gia thành công hơn, thế giới công bằng hơn khi các quyền lợi và bổn phận của tất cả mọi quốc gia và mọi con người được tôn trọng.” Một ông tổng thống trẻ, của một quốc gia trẻ mới hơn 200 tuổi, đã “lên lớp” vị chủ tịch một nước với hơn một tỷ dân và 5,000 năm văn hiến; đó là một hành động thách đố rõ ràng.

Trên mặt kinh tế, Bộ Tài Chánh Mỹ và các đại biểu Quốc Hội cùng lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh phải nâng giá đồng tiền của họ và chịu để cho các công ty của họ nhập cảng từ Mỹ nhiều hơn. Ngay trong lúc tiếp ông Hồ Cẩm Ðào, ông Obama cũng than phiền chính phủ Bắc Kinh đã đem tiền mua 200 tỷ đô la ra để cố ý giữ giá đồng tiền của họ thấp mãi. Chính phủ Mỹ có một thứ vũ khí để đe dọa Bắc Kinh trong vấn đề này là dùng báo cáo của Bộ Ngoại Giao cho Quốc Hội, phê bình Bắc Kinh đã dìm giá đồng tiền của họ một cách không ngay thẳng. Khi nhận được báo cáo đó, Quốc Hội Mỹ có thể làm luật đặt ra những hàng rào ngăn chặn bớt hàng nhập cảng từ Trung Quốc.

Cuộc tấn công của các ông Barack Obama, Robert Gates và bà Hillary Clinton trong một năm qua đã có kết quả. Ông Hồ Cẩm Ðào xuống nước. Ông chính thức thú nhận trong cuộc họp báo chung rằng “Trung Quốc còn phải hành động nhiều hơn trên vấn đề nhân quyền!” Hai chữ “nhân quyền” xưa nay vẫn là những chữ cấm kỵ trong ngôn ngữ ngoại giao của Bắc Kinh. Mỗi khi có ai đặt vấn đề nhân quyền là họ giẫy nẩy lên, lập tức lớn tiếng phản đối, sẽ tố cáo người ta đang can thiệp vào chuyện nội bộ giữa chính phủ và người dân trong nước họ. Nhưng lần này, chính ông Hồ Cẩm Ðào chịu thú nhận trong nước Trung Hoa có vấn đề đó và chính phủ của ông còn thiếu sót chưa làm đủ. Và nói điều đó trước công chúng, sau khi bị nhà báo đặt câu hỏi lần thứ hai, và phải nhận lỗi đã không trả lời trước vì không được thông dịch!

Tại sao ông Hồ Cẩm Ðào chịu nhún nhường như vậy? Vì những người lãnh đạo ở Trung Nam Hải biết rằng nếu việc bang giao giữa hai nước căng thẳng thì Trung Quốc sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn so với Mỹ. Từ 30 năm nay, từ khi ông Ðặng Tiểu Bình đi thăm nước Mỹ lần đầu, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh vẫn đặt câu hỏi: Giữa Mỹ và Trung Quốc ai cần ai hơn? Thời 1979 khi ông Jimmy Carter tiếp ông Ðặng Tiểu Bình, họ cho là Trung Quốc cần Mỹ hơn, cán cân chênh lệch 70-30 nghiêng về phía Mỹ. Trong những năm 2007 đến 2009, khi nước Mỹ rơi vào hai cuộc khủng hoảng tài chánh và kinh tế, Bắc Kinh cho là đã lập được thế cân bằng, 50-50, hai bền đều cần đến nhau. Nhưng thái độ nhún nhường của ông Hồ Cẩm Ðào trong chuyến đi này cho thấy họ có thể thấy họ cần Mỹ hơn là Mỹ cần họ, mặc dù bên nào cũng có lợi nếu hai nước giao hảo. Không những chịu nhượng bộ công khai về vấn đề nhân quyền, ông Hồ Cẩm Ðào còn nói rằng Trung Quốc và Mỹ phải cộng tác với nhau trong các vấn đề ở vòng đai Thái Bình Dương. Trong đó, chắc chắn có vùng các quần đảo ở Ðông Nam Á! Trước đây 6 tháng, Bắc Kinh còn nạt nộ rằng Mỹ là kẻ đứng ngoài, không được phép chen chân vào “việc nội bộ” giữa Trung Quốc và các quốc gia trong vùng này!

Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh biết rõ thực lực của họ. Khi ông Gorbachev chịu nhượng bộ Mỹ trong những năm 1988, 89, chính ông ta biết rõ thực lực của Liên Bang Xô Viết hơn tất cả các cơ quan tình báo Tây phương. Nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đang được “tiêm thuốc bổ” để tiếp tục lớn lên với những món tiền ngân hàng của nhà nước đưa cho các xí nghiệp vay mà không cần sinh lời. Tình trạng đó không thể kéo dài mãi được. Tình trạng chênh lệch giàu nghèo giữa thành phố và nông thôn cũng không thể kéo dài mãi. Nạn lạm phát đang đe dọa là hậu quả của chính sách bơm tiền vào kinh tế mà không gia tăng hiệu năng sản xuất; lạm phát sẽ còn lên cao nữa, giống như tình trạng ở Việt Nam hiện nay. Nền kinh tế tăng trưởng một cách giả tạo theo lối kinh tế chỉ huy có thể sẽ vỡ ra nếu lạm phát tiếp tục lên mà việc xuất cảng bị đình trệ. Trung Quốc còn may mắn và giỏi hơn Cộng Sản Việt Nam vì cán cân thương mại của họ vẫn thặng dư, nhưng điều đó tùy thuộc vào việc xuất cảng sang Mỹ và các nước Tây phương khác. Âu Châu đang lo suy thoái chưa có đường gỡ ra; chỉ còn khối người tiêu thụ ở Mỹ có thể tiếp tục mua hàng. Chính phủ Trung Quốc biết phải bảo vệ thị trường ngon lành này. Không phải chỉ có nền kinh tế Trung Quốc cần việc giao thương ổn định, mà chính vận mạng của chế độ cũng tùy thuộc vào đó. Người dân sẽ không thể chịu đựng sống dưới một chế độ độc tài mãi khi lạm phát làm cho đồng lương họ lãnh về mất giá trị.

Hơn nữa, giới lãnh đạo ở Trung Nam Hải cũng biết sức tăng trưởng của nền kinh tế sẽ “đụng trần” khi việc bơm tiền vào như chích thuốc bổ dần dần mất hiệu lực. Kinh tế nước Trung Hoa phải thay đổi cơ cấu nhiều hơn. Ðồng thời, phải cho người dân được tự do lên tiếng và tham dự vào công việc quốc gia nhiều hơn, để những nỗi bất mãn có con đường bộc lộ và chuyển hóa, thay vì chờ ngày bùng nổ. Vì vậy, gần đây ông Ôn Gia Bảo đã loan báo trước công chúng rằng kinh tế nước ông không thể tiến bộ nếu không cải tổ chính trị. Khi ông Hồ Cẩm Ðào nói ông còn phải nỗ lực thêm về vấn đề nhân quyền, đó là một sự thật, đó là nhu cầu của hơn một tỷ người Trung Hoa. Liệu giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể thực hiện được điều đó không, hay là họ sẽ bị giới bảo thủ trong đảng ngăn cản? Chúng ta phải chờ tương lai mới biết.

Nhưng quả thật ông Hồ Cẩm Ðào đã chịu nhún. Cho nên đây cũng là một bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Trên mặt ngoại giao, bài học đó là: Ðối với chính quyền Trung Quốc, mềm mỏng sẽ bị họ khinh thường; cứng rắn có hiệu quả tốt. Khi ông Obama mới gặp đã nói thẳng với ông Hồ Cẩm Ðào về việc giam giữ Lưu Hiểu Ba, đồng thời lại than phiền về cán cân thương mại chênh lệch; điều đó cũng chẳng khác gì một người lãnh đạo chính quyền ở Hà Nội tố cáo thẳng thừng việc các ngư dân Việt Nam bị bắt cóc và cướp bóc, đồng thời than phiền rằng hàng hóa Trung Quốc đang tràn ngập giết chết các xí nghiệp Việt Nam.

Chỉ có điều là ông Obama dám nói. Còn giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam thì không. Barack Obama dám nói vì địa vị tổng thống của ông tùy thuộc lá phiếu của dân Mỹ chứ không lệ thuộc vào sự ủng hộ của chính quyền Bắc Kinh. Những người cầm đầu chính quyền Cộng Sản Việt Nam có dám suy nghĩ như vậy hay không?

Barack Obama dám nói, vì ông có thể dùng mối đe dọa của Quốc Hội, một định chế có thế lực ngang hàng với ông. Việc quốc gia không phải là độc quyền của một chính phủ hay một đảng. Quốc Hội Mỹ có quyền cắt ngân sách khiến chính phủ không thể thi hành các chính sách của mình. Ông tổng thống phải lắng nghe ý kiến của dân, và các đại biểu Quốc Hội cũng vậy. Khi tới Mỹ, ông Hồ Cẩm Ðào phải gặp cả ông tổng thống lẫn các người lãnh đạo Quốc Hội. Không những thế, ông còn gặp riêng các nhà kinh doanh, những người điều khiển các xí nghiệp, ít nhất hai lần chính thức. Tại sao ông chịu nhún nhường như vậy? Vì thể chế chính trị ở Mỹ. Chính các ông tổng thống Mỹ đã vận dụng sức mạnh của thể chế đó mỗi khi phải thương thuyết với các nước khác. Họ sẽ nói: Tôi có thể nhượng bộ, nhưng Quốc Hội họ sẽ không chịu! Báo chí họ sẽ phê phán, giới kinh doanh không theo! Nhượng bộ nào làm nước Mỹ bị thiệt thì dân sẽ biết hết, tôi sẽ thất cử!

Kỹ thuật thương thuyết này, những người cầm đầu chính quyền ở Việt Nam không thể nào sử dụng được. Vì ai cũng biết họ nắm toàn quyền. Quốc Hội chỉ biết gật đầu. Báo chí chỉ chờ nghe lệnh nhà nước. Dân không được phát biểu, cũng không được tự do bầu, chọn người cai trị.

Chỉ khi nào nước Việt Nam được tự do dân chủ thì các chính quyền Việt Nam mới có thế mạnh để thương thuyết ngoại giao với bất cứ quốc gia nào, trong đó có Trung Quốc. Nghĩ đến tương lai đất nước thì chúng ta phải đòi dân chủ hóa. Khi đó, người Việt Nam mới đủ sức mạnh đương đầu với Trung Quốc. Như Tiến Sĩ Ðinh Hoàng Thắng ở trong nước đã nêu ra nhận xét của Tướng Lưu Á Châu (Liu Yazhou), chính ủy Ðại Học Quốc Phòng Trung Quốc: “Vị tướng hai sao này chứng minh rằng nguyên nhân sụp đổ của đảng Cộng Sản Xô Viết chính là hệ thống chính trị, chứ không là kinh tế, hay quân sự. Tương phản với Liên Xô, bí quyết thành công của Hoa Kỳ nằm ngay trong chế độ pháp trị bền vững và hệ thống chính trị đằng sau chế độ pháp trị này, chứ không nằm trong sức mạnh tại trung tâm tài chính phố Wall, hay công nghệ cao ở thung lũng Silicon.” Người Việt Nam phải lắng nghe kinh nghiệm này.

Ngô Nhân Dụng.

Ingen kommentarer: