onsdag 19. januar 2011

Cuộc Cách Mạng Hoa Lài Tunisie

Cuộc Cách Mạng Hoa Lài Tunisie.

Khắp nơi, hàng trăm ngàn người, đủ các giai từng xã hội, phần đông trẻ tuổi, đã liên tục xuống đường phản kháng và lên án guồng máy thống trị bằng công an mật vụ Zine El Abidine Ben Ali. Một chế độ bất công, tham nhũng, khinh miệt, bốc lột và đàn áp dân từ 23 năm qua (thời gian ngắn hơn chế độ độc tài cộng sản Việt Nam nhiều). Người dân tay không, ngực trần, chẳng còn biết sợ nữa hoặc chẳng còn có thể nín câm được nữa trước bạo lực phi nhân phi nghĩa. Giống như dân tộc Ba Lan dưới chế độ Cộng sản Ba Lan 30 năm trước đã từng cất cao tiếng nói bất khuất:

Đi với chúng ta còn có ức triệu vì sao
Những ngọn nến tuy mong manh sẽ cháy sáng rất lâu
Những ánh mắt đang tìm gặp nhau để nối tiếp
Giặc có thể tra tấn lưu đày thủ tiêu bắn giết
Đêm vẫn là đêm thù nghịch dối trá bất công
Nhưng tâm hồn dân tộc Ba Lan đã được nhân lên
Với kích thước vũ trụ không gian hùng vĩ
Gom lá chết đau thương đốt ngọn đuốc soi đường
Sau mỗi lần vấp ngã bằng hữu dìu nhau đứng dậy
Đêm đông nào ngăn được cành khô nẫy lộc đâm chồi
Xuân Nhân loại mỉm cười, gót sen thanh thoát.
Cho chúng tôi được góp vào bản hợp ca Hành khúc
Thêm một tiếng Hy Vọng nữa, Polska ơi! bất khuất!
Hát với Solidarność, chúng tôi không hát một mình
Đêm dã man này sẽ lùi bước trước bình minh (NHBV).

Trên toàn lãnh thổ Tunisie có ít nhứt hơn 60 người dân biểu tình đã bị bắn chết, hàng trăm người bị bắt, tra tấn, biệt giam, gồm có nhiều nhà văn, nhà báo, luật sư, theo tin tổng hợp của Văn Bút Quốc Tế, Phóng Viên Không Biên Giới, Ân Xá Quốc Tế và Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền. Trong ngày 13 tháng giêng 2011, linh cảm chế độ công an và mật vụ trị của mình sắp bị làn sóng cách mạng tự phát của nhân dân cuốn trôi ra biển Địa Trung Hải, nhà độc tài Zine El Abidine Ben Ali đã đích thân thông báo một vài sự nhượng bộ quan trọng như sẽ không ra tái ứng cử năm 2014, bãi bỏ kiểm duyệt truyền thông báo chí và Internet (kiểu đang được áp đặt nghiệt ngã tại Việt Nam), v.v. Qua ngày thứ sáu 14 tháng giêng, Zine El Abidine Ben Ali còn tuyên bố giải tán chánh phủ và sẽ tổ chức bầu cử quốc hội trong vòng 6 tháng. Nhưng sự nhân nhượng đến quá muộn sau 23 năm ngự trị bằng bạo lực và dối trá, chuyên chính nhũng lạm với những bàn tay sắt đẩm máu. Nhân dân không còn chút tin tưởng hoặc tin cậy gì nữa nơi Zine El Abidine Ben Ali. Cho nên các cuộc biểu tình đòi nhà độc tài phải từ chức và trả lại dân quyền chọn lựa một chính thể dân chủ đích thực biết tôn trọng các quyền Tự do căn bản, phục hồi Nhân phẩm và xây dựng công bằng xã hội. Tin giờ chót, chiều hôm nay, kẻ đứng đầu băng đảng mafia tàn bạo và tham ô ở Tunisie từ 23 năm qua đã cùng vợ con bỏ trốn ra khỏi nước bằng máy bay, hiện chưa ai biết ở đâu. Sở dĩ chế độ độc tài Tunis còn đứng vững cho đến biến cố lịch sử hôm nay chính vì có sự đồng lõa, dung túng để hưởng lợi của một số nước khác, nhứt là Pháp.

Nhân dịp này, chúng tôi muốn được nhận xét rằng băng đảng mafia tàn bạo và tham ô ở Tunisie và đảng Cộng sản độc tài nhũng lạm ở Việt Nam rất gần nhau. Chỉ một thí dụ thôi : Trong số 178 nước được Phóng Viên Không Biên Giới xếp hạng năm 2010 trên phương diện tôn trọng quyền tự do ngôn luận và báo chí, Tunisie mang con số 164 còn Việt Cộng con số 165. Kế đó là Cuba 166, Guinée équatoriale 167, Lào Cộng 168, Rwanda 169, Yémen 170, Trung Cộng 171, Soudan 172, Syrie 173, Miến Điện 174, Ba Tư 175, Turkmédistan 176, Bắc Hàn 177 và Erythrée 178.

Zine El Abidine Ben Ali và Nông Đức Mạnh cũng đứng gần nhau trong danh sách những kẻ thù của quyền tự do ngôn luận và báo chí, kể cả quyền tiếp cận và sử dụng Internet, theo Phóng Viên Không Biên Giới.

Cũng trong ý hướng đó, chúng tôi muốn gởi lại quý bạn đọc Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam có tựa đề ‘’Những Bẫy sập trong Guồng máy Độc tài Thống trị của hai chế độ Hà Nội và Tunis từ nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đến nhà báo Taoufik Ben Brik’’ phổ biến ngày 12 tháng 12 năm 2009. Như là một thí dụ nữa về sự gần gũi, giống nhau giữa hai chế độ Tunis và Hà Nội. Trong trại tù Hỏa Lò Mới gần Hà Nội, nhà thơ và nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã viết bài thơ ‘’ Bao Giờ ? ‘’. Có phải tác giả muốn viết cho mình và viết cho hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn bạn tù chính trị, ngôn luận và lương tâm, viết cho dân tộc Việt Nam ?. Như một nhà thơ nào đó cũng đã viết cho tác giả dù không gởi được vào trại tù Thanh Hóa:

Nuôi hy vọng bạn tù tôi. Trong lao hầm nhớ bầu trời thiên thanh
Quê hương mình sẽ phục sinh. Chúm môi thân ái đơm cành đau thương.
Và Bao giờ ? bất ngờ Hoa Sen biết nói, Hồn đau chợt mĩm cười.

Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ.

Ingen kommentarer: