søndag 2. januar 2011

Câu Chuyện Cuối Năm

Câu Chuyện Cuối Năm.

Cuối năm, tình hình chính trị trong nước qua mạng điện tử sôi động hẳn lên. Hương thơm “dân chủ” tưởng như đang lan tỏa khắp nơi. Có những bài viết của các cán bộ cao cấp, thẳng thừng vạch rõ những chuyện làm sai trái của chính quyền, cũng như hô hào mọi người, mọi giới, mọi ngành hãy thực thi “quyền làm dân”, quyền làm báo, và quyền đòi hỏi một thể chế dân chủ. Trong Quốc Hội, các nhà đại biểu thi nhau chất vấn chính phủ, và đặc biệt, Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu tỉnh Lạng Sơn, đã đòi Thủ Tưóng chính phủ phải từ chức. 20 đảng viên, trí thức mà Bùi Tín cho là hàng đầu của đất nước đã bác bỏ toàn bộ bản cương lĩnh của Bộ Chính trị vì lý do “xa rời nhân dân” và “quá nhiều sai lầm.”

Các tin tức này đã khiến một số các chính khách ở hải ngoại không dấu được niềm hân hoan, nỗi hớn hở, vì cho rằng… ngày tươi sáng đã gần kề. Quả thực, những bất đồng ý kiến và chỉ trích, phê bình được hăng say phát biểu bởi những vị đảng viên đầu não của dảng CS. Làm cho có người tự hỏi phải chăng các đại biểu này đã bắt đầu thực thi nhiệm vụ của mình, là nói lên ý kiến của dân. Phải chăng, họ đã biết “sài lắc”, sau một thời gian dài mỏi cổ vì “gật” quá nhiều.

Tuy nhiên nếu phân tích cho kỹ thì thấy có chút gì cũng hơi kỳ kỳ. Tại sao những phản biện, chống đối, phê bình lại toàn được thực hành bởi các đảng viên, cán bộ nòng cốt ? Không có đảng viên trung hay sơ cấp nào dám chơi trò “đùa với lửa” này hay sao? Tại sao có nhiều đảng viên 36 năm qua “thủ khẩu như bình” trước những sai trái của chính quyền, như ông Lê Hiếu Đằng, thì nay lại tự nhiên “khai khẩu”, hùng hồn kêu gọi mọi người lên tiếng phê phán, chỉ trích chính quyền. Cứ làm như đang sống trong một nước dân chủ thực sự, muốn nói gì thì nói ! Toàn là những “lời hay, ý đẹp” nhưng lại là những lời xúi dại.

Ông Nguyễn tấn Dũng đã điều hành bộ máy nhà nước trong gần 5 năm trời, với đầy đủ các thối nát, tham nhũng. Những vụ PMI, PMU, cắt đất, dâng biển, xuất khẩu phụ nữ, khai thác bauxit, rừng đầu nguồn, Vinashin. Thế mà 4 năm 10 tháng trước đây thì các cán bộ đảng viên "im thin thít như thịt nấu đông”. Lâu lâu, chỉ có vài ông tướng hồi hưu lập kiến nghị thỉnh cầu, nhưng trả lời chỉ là im lặng. Nay, chỉ còn 1 tháng nữa là tới Đại Hội, bầu bán ghế ngồi. Cuộc chạy đua bắt đầu đi vào…nước rút, thì mấy ông chạy vội ra sân khấu chính trị hò hét, chỉ mặt, vạch tên …đồng chí của các ông. Người bị “vây hãm” nặng nhất là ông Nguyễn Tấn Dũng. Bởi vậy, người có kinh nghiệm suy diễn rằng: có lẽ ông Nguyễn tấn Dũng là đối thủ nặng ký nhất, tức là có nhiều triển vọng được chỉ định thêm một nhiệm kỳ.

Còn thêm một chuyện nữa cũng kỳ kỳ. Đó là một “luật gia, đương kim phó chủ nhiệm Hội Đồng Tư Vấn về Dân Chủ và Pháp luật thuộc Ủy Ban trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc VN”, ông Lê Hiếu Đằng, đột nhiên xuất hiện với khí thế đằng đằng. Là một đảng viên gộc, 36 năm qua ông không hề mở miệng, Tới nay, đột nhiên ông nổi hứng yêu nước, đốc thúc mọi người “Đừng có sợ. Mà tại sao chúng ta phải sợ ? Những người phải sợ là những người đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân…” Ông hạch hỏi giới truyền thông “Tôi xin hỏi giới nhà báo trong nước: tại sao các bạn phải sợ mà không đăng tải một bản kiến nghị. Tôi tin rằng tờ báo nào mạnh dạn đăng bản kiến nghị nói trên sẽ chẳng bị ai bắt tù, mà ngược lại sẽ được nhân dân qúy trọng”. Ông Lê Hiếu Đằng phát biểu như người đang mộng du. Ông không biết luật lệ nhà nước đặt cho báo chí là “đi trên lề phải”. Nghe ông xúi dại, đi lộn lề là …toi mạng như mấy nhà báo tường trình vụ PMI, PMU.

Người ta sợ cũng không có gì là lạ, vì “sợ” là một trong thất tình lục dục của con người. Ông không sợ, vì ông có quyền, có thế, chẳng ai dám đụng tới ông, nhưng những người dân đen, những nhà báo thấp cổ bé miệng mà nghe ông xúi dại thì đi vào cửa tử. Ông Tầu Ôn gia Bảo đề cao dân chủ thì vẫn vững như bàn thạch, ông Lưu Hiểu Ba cổ võ cho dân chủ thì bị tội tù. Trong chế độ dùng bạo lực để trấn áp dân, không có lẽ phải, không có công lý, thì những người không biết sợ là những người mù quáng như “cây đuốc Lê văn Tám đốt mình rồi xông vào kho xăng của địch” hoặc “anh hùng lấy thân mình bịt lỗ châu mai”.

Một đoạn khác ông viết: “Toàn dân không thể thụ động ngồi chờ chính quyền thay đổi. Không có người cai trị nào tự động dời bỏ quyền lực, ghế ngồi của mình. Dân chủ chỉ có được qua đấu tranh." Ông nói rất đúng rất hay, và rất có lý trên mạng điện tử! Nếu can đảm, ông hãy từ chức, đứng về phía nhân dân, phất cao ngọn cờ đấu tranh, mọi người sẽ xếp hàng sau ông để cùng đấu tranh cho dân chủ.

Ông viết: “Đấu tranh mà không phá vỡ sự ổn định xã hội, đó là bài toán phải giải quyết, nhưng quyết không thể nhân danh ổn định mà kìm hãm cuộc đấu tranh để xây dựng nền dân chủ.” Mục đích của đấu tranh là để thay đổi cái nồi canh hẹ hiện nay. Nếu muốn giữ sự ổn định xã hội nồi canh hẹ thì đừng đấu tranh. Bài toán ông đưa ra không có đáp số !

Cuối năm, ghi vài cảm nghĩ cá nhân trước những lời gây hứng khởi, nghe qua rồi bỏ, cho những kẻ không dám nói. Mong rằng sau ngày Đại Hội đảng sắp tới, khí thế hăng say của các vị lãnh đạo đừng xẹp lép như bánh xe xì hơi để đám khán giả còn có dịp vỗ tay cổ võ.

Trương Vĩnh Khôi.

Ingen kommentarer: