tirsdag 10. mars 2015

Ðộc Tài Chuyên Chế


Ai cũng biết Việt Nam sống dưới một chế độ độc tài. Nhưng vấn đề là: bản chất của chế độ độc tài ấy là gì?
Lý do để đặt câu hỏi ấy là vì độc tài có nhiều loại và nhiều mức độ khác nhau. Chiến lược và chiến thuật để chống lại các loại và các mức độ độc tài ấy cũng khác nhau. Do đó, việc nhận diện bản chất độc tài của chế độ Cộng sản tại Việt Nam hiện nay trở thành vô cùng cần thiết.

Nói một cách tóm tắt, độc tài là việc nắm giữ toàn bộ quyền quyết định cũng như thực hành quyền lực vào tay một người hoặc một nhóm người. Người hoặc một nhóm người ấy có thể là một ông vua được kế nhiệm dựa trên quan hệ huyết thống (độc tài quân chủ), có thể là một viên tướng lên nắm quyền bằng bạo lực (độc tài quân phiệt), một lãnh tụ thoán đoạt quyền lực bằng các cuộc cách mạng (độc tài cá nhân). Cũng có thể đó là một nhóm người nhân danh thần quyền (oligarchy – như ở Iran lâu nay) hoặc một đảng chính trị nào đó (độc tài đảng trị).

Dựa trên mức độ, giới nghiên cứu chia độc tài thành hai cấp chính: độc tài chuyên chế (authoritarianism) và độc tài toàn trị (totalitarianism).

Dưới chế độ chuyên chế, người cầm quyền nắm toàn bộ quyền lực trong các lãnh vực lớn từ hành pháp đến lập pháp và tư pháp, từ chính trị đến quân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội; dưới chế độ toàn trị, ngoài các lãnh vực trên, nhà cầm quyền còn quản lý cả tâm hồn và trí tuệ của dân chúng. Trong quan hệ giữa cá nhân và nhà nước, dưới chế độ chuyên chế, cá nhân có một phạm vi tương đối độc lập; dưới chế độ toàn trị, ngay cả trong đời sống riêng, họ cũng không được tự do, hay nói theo Lê Đạt, thời Nhân Văn Giai Phẩm, chính quyền “đem bục công an đặt giữa trái tim người / bắt tình cảm ngược xuôi / theo luật lệ đi đường nhà nước”. Về biện pháp, chế độ chuyên chế sử dụng bạo lực và sau đó, tuyên truyền; chế độ toàn trị sử dụng cả hai, bạo lực và tuyên truyền cùng lúc và với mức độ ngang nhau. Chế độ chuyên chế gắn liền với bộ máy hành chính; chế độ toàn trị, ngoài bộ máy hành chính, còn gắn liền với một kiểu ý thức hệ nào đó. Chế độ chuyên chế đòi hỏi dân chúng phải vâng lời; chế độ toàn trị đòi hỏi dân chúng vừa vâng lời vừa tin tưởng. Chế độ chuyên chế mua chuộc sự trung thành bằng quyền lợi; chế độ toàn trị bằng những lời hứa hẹn đến một tương lai không tưởng nào đó. Dưới các chế độ chuyên chế, có thể có đối lập và phản biện; dưới các chế độ toàn trị thì tuyệt đối không. Để duy trì quyền lực, các chế độ chuyên chế sử dụng bộ máy đàn áp và ngăn cấm mọi hình thức tham gia của quần chúng; các chế độ toàn trị, một mặt, sử dụng các biện pháp đàn áp, mặt khác, cho phép dân chúng tham gia vào các sinh hoạt chính trị nhưng với điều kiện: việc tham gia ấy nằm trong khuôn khổ, sự định hướng và kiểm soát của nhà cầm quyền.

Trong lịch sử, toàn bộ các chế độ độc tài đều là chuyên chế; chỉ có ba chế độ độc tài được ghi nhận là toàn trị: chủ nghĩa phát xít tại Ý, chủ nghĩa Nazi tại Đức và chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu trước đây cũng như ở một số quốc gia khác, trong đó, có Trung Quốc và Việt Nam hiện nay.
Trên nguyên tắc, chế độ toàn trị cộng sản (communist totalitarianism) có mấy đặc điểm chính: Một, về ý thức hệ, chỉ thừa nhận một ý thức hệ duy nhất là chủ nghĩa Mác với một số kết hợp, chẳng hạn, ở Liên Xô là chủ nghĩa Stalin, ở Trung Quốc là chủ nghĩa Mao, và ở Việt Nam, gần đây, “tư tưởng” Hồ Chí Minh. Hai, về cơ cấu quyền lực, chỉ có một đảng duy nhất, đó là đảng cộng sản, được lãnh đạo bởi một nhóm nhỏ được gọi là Bộ chính trị, hoặc rộng hơn một chút, Ban chấp hành trung ương. Ba, có cả một bộ máy công an, an ninh và mật vụ khổng hồ để kiểm soát và trấn áp những người bất phục tùng. Bốn, nắm chặt các sinh hoạt kinh tế trong nước. Và năm, nắm toàn bộ các phương tiện truyền thông đại chúng, cộng với hệ thống kiểm duyệt chặt chẽ để không những ngăn chận mọi tiếng nói phản biện hoặc khác biệt mà còn nhồi sọ dân chúng để mọi người đều suy nghĩ giống nhau theo định hướng của nhà cầm quyền.

Đó là trên nguyên tắc, còn trên thực tế, sau khi các chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chế độ cộng sản tại Trung Quốc và Việt Nam có còn là một chế độ toàn trị hay không? Nhiều học giả đáp: Còn. Với họ, chế độ độc tài ở Trung Quốc hiện nay vẫn là một chế độ toàn trị, ở đó, sự khắc nghiệt trong bộ máy cai trị tuy giảm một chút so với thời Mao Trạch Đông nhưng tự bản chất, đó vẫn là một chế độ toàn trị chứ không phải là chuyên chế. Còn ở Việt Nam thì sao?

Theo tôi, chế độ cộng sản tại Việt Nam hiện nay đang trong quá trình biến thái từ toàn trị sang chuyên chế. Họ vẫn chủ trương độc đảng, vẫn sử dụng bộ máy công an khổng lồ để đàn áp dân chúng, vẫn khăng khăng từ chối việc tư nhân hoá truyền thông, vẫn đề cao chủ nghĩa cộng sản và “tư tưởng” Hồ Chí Minh, vẫn cố gắng dập tắt mọi tiếng nói phản kháng và phản biện trong nước. Tuy nhiên, trong rất nhiều lãnh vực, guồng máy cai trị của họ, dường như đang rã ra. Về kinh tế, họ buộc phải chấp nhận kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản. Về truyền thông, họ vẫn không kiểm soát được hết các mạng lưới xã hội trên internet. Họ nắm trong tay tất cả các nhà xuất bản cũng như các tờ báo trong nước, nhưng họ vẫn không kiểm soát nổi các hiện tượng luồn lách để một số tác phẩm đi ngược lại quan điểm và chủ trương của họ vẫn được ra mắt.

Nhưng quan trọng nhất là về phương diện ý thức hệ. Yếu tố then chốt để phân biệt độc tài chuyên chế và độc tài toàn trị nằm ở ý thức hệ. Cả ba chế độ độc tài toàn trị trên thế giới vào thế kỷ 20 vừa qua (phát xít, Nazism và cộng sản) đều được đặt trên một nền tảng ý thức hệ riêng. Ở Việt Nam, trong các diễn văn chính thức, người ta vẫn lải nhải nhắc đến chủ nghĩa Mác và “tư tưởng” Hồ Chí Minh, nhưng trong suốt mấy chục năm vừa qua, kể từ phong trào đổi mới và đặc biệt, sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa bị tan rã ở Liên Xô và Đông Âu, người ta vẫn không thể cụ thể hoá cái gọi là “tư tưởng” Hồ Chí Minh cũng như không chứng minh được một cách thuyết phục cái gọi là chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản có chút giá trị khoa học cần được thực hiện hay ứng dụng.

Không có ý thức hệ, sự tồn tại của chế độ cộng sản Việt Nam chỉ còn nằm trên hai yếu tố: mua chuộc và đàn áp. Họ là những bạo chúa không có niềm tin. Họ chỉ có thể quản lý dân chúng trên phương diện kinh tế và xã hội và hoàn toàn bỏ ngỏ trên mặt trận tư tưởng.

Nguyễn Hưng Quốc.

Ingen kommentarer: