Hiện nay cộng đồng người Việt tỵ nạn trên thế giới,
không phải chỉ có hằng trăm mà hằng nghìn tổ chức và cá nhân
đứng ra quyên góp tiền để giúp cho thương binh VNCH ở quê nhà.
Qui mô nhất ở Hoa Kỳ có Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh-VNCH, với sự yểm trợ nhiệt tình của Trung Tâm Asia và đài SBTN, đã tổ chức 8 lần đại nhạc hội ngoài trời, gây quỹ giúp thương binh. Ngoài ra, còn có Bác Sĩ Phan Minh Hiển ở Pháp với các hoạt động gây quỹ yểm trợ các thương binh, Hội Bạn Thương Phế Binh VNCH Nam Úc với Bác Sĩ Ngô Anh Tuấn và nhiều tổ chức thiện nguyện khác mà chúng tôi không có đủ thông tin để trình bày ở đây.
Khiêm nhường hơn chúng ta đã có những Foundation nhỏ như Dương Lạc Foundation ở San José mỗi năm giúp được cho thương binh vài chục nghìn đồng. Chúng ta cũng không thiếu những gia đình hảo tâm, tự nguyện trực tiếp giúp cho một vài thương binh vào các dịp Lễ Tết.
Ở trong nước những năm gần đây, các đoàn thể tôn giáo cũng bắt đầu “không biết sợ” khi tập họp một số thương binh VNCH lại để phát quà hay khám bệnh, quan tâm đến đời sống và sức khỏe của anh em đã hy sinh một phần thân thể của mình trong cuộc đấu tranh chống Cộng Sản xâm lăng.
Ngoài những tổ chức phát quà từ thiện, Hòa Thượng Thích Không Tánh còn tổ chức những buổi gặp gỡ gọi là “Tri ân Quý Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa” (TPB-VNCH). Khi các cơ quan tôn giáo “không biết sợ” thì nhà cầm quyền Cộng Sản bắt đầu e dè. Hòa Thượng Thích Không Tánh cho biết ông cùng các chức sắc Phật Giáo, Cao Đài, Tin Lành, đã bị giới chức trách tỉnh Thừa Thiên Huế trục xuất khỏi địa bàn tỉnh lúc nửa đêm 14 tháng 3, 2015 với lý do mơ hồ là, “Nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên có quyền trục xuất người ra khỏi tỉnh.”
Cũng trong chiến dịch “Tri Ân,” Dòng Chúa Cứu Thế Saigon trong thời gian qua đã nhiều lần tổ chức những buổi khám bệnh, dùng cơm, phát quà, tổ chức mổ mắt cho thương binh VNCH gọi là để chia xẻ, nâng đỡ tinh thần và vật chất cho anh em.
Những nhà hảo tâm ở hải ngoại của chúng ta không phải là nhưng người làm việc không suy nghĩ, cẩu thả, trong việc kiểm soát hồ sơ của các thương binh. Phần lớn họ là cựu quân nhân hay có gia đình liên hệ đến cuộc chiến, có kiến thức về quân sự và hiểu biết về tình trạng của những thương binh VNCH.
Số thương binh miền Nam còn quá nhiều, dù sự giúp đỡ của chúng ta, từ các cộng đồng người Việt tự do ở hải ngoại, có cố gắng bao nhiêu chăng đi nữa, cũng chỉ mang lại cho anh em thương binh, một món quà an ủi khiêm nhường, chứ không hề nuôi sống được ai.
Cũng có thể một thương binh ở Việt Nam nhận được sự giúp đỡ của nhiều nguồn, cũng có những thương binh, khi tình cờ được một du khách thăm hỏi, đã trả lời chưa hề nhận được sự giúp đỡ của bất cứ ai.
Sở dĩ chúng tôi phải nói dài dòng như vậy là vì chuyện thương binh VNCH là chuyện “việc thật, người thật.” Thương binh VNCH là những người còn sống, có thể tiếp xúc được, có giấy tờ chứng minh lai lịch, không phải là những bóng ma hư ảo, mà các cơ quan thiện nguyện đã hết lòng vì thương binh, phải đốt vàng mã, hay “đô la âm phủ” về cho họ.
Gần đây có một số người chủ trương và tung tin, “Thương binh VNCH chết hết rồi, bốn mươi năm qua, giờ đây còn có ai là thương phế binh nữa ! Đó chỉ là thương binh giả, thương binh ma và thương binh Việt Cộng !”
Ngồi trước mặt tôi là một nhân vật có chút tiếng tăm trong cộng đồng, một cựu quân nhân. Anh nói thẳng với tôi, vẫn ý trên, và kết luận, “Bây giờ không còn ai là thương phế binh VNCH nữa!”
Tôi hỏi lại anh, “Anh và tôi đều cựu quân nhân được may mắn sang đây ! Năm nay anh đã 73 tuổi và tôi gần 79. Anh và tôi còn sống, vì sao những thương binh cùng lứa tuổi anh với tôi lại phải chết hết. Không phải vì họ nghèo, tuyệt vọng mà bốn mươi năm nay. không còn ai hiện diện trên trái đất này !
Có những người thương binh miền Nam trẻ nhất, 18 tuổi, mới nhập ngũ đầu tháng 4, 1975, bị thương tật, cộng với 40 năm nay, họ chỉ mới 58 tuổi, còn trẻ hơn anh 15 tuổi, nhỏ hơn tôi 21 tuổi. Tôi và anh còn sống sờ sờ ra đây, sao anh bắt họ phải chết !”
Một phụ nữ tôi không biết mặt, đã điện thoại nói với tôi, “Tôi sợ các thương phế binh mà các anh giúp đỡ là thương phế binh ma và thương binh Việt Cộng!” và cũng trở lại điệp khúc, “Giờ này làm gì còn thương phế binh VNCH !”
Tôi không trách người đàn bà này, có thể bà không biết nhiều về quân đội hay có liên hệ gì với cuộc chiến đã đổ bao nhiêu xương máu vừa qua, nhưng tôi không chấp nhận người đồng ngũ với tôi đã tàn nhẫn phủ nhận sự sống còn của hơn 10,000 hay hơn thế nữa, người thương phế binh VNCH vẫn còn hiện diện nơi quê nhà của chúng ta.
Tôi cay đắng cho đây là thái độ muốn “vùi chôn” anh em thương phế binh của chúng ta.
Quên đi rồi, có nghĩa là phủi tay, không có trách nhiệm gì nữa, không mất đi một đồng bạc nào vì cái ý nghĩ, “Giờ này làm gì còn thương phế binh VNCH !”
Tôi nghĩ viên cựu sĩ quan này, người vẫn còn thường thích mặc áo trận trong các dịp lễ lạc, không lẽ không còn một người lính dưới quyền nào sống sót đang ở Việt Nam ? Có chăng thì ông cũng phủ nhận sự sống đó. Nhận họ còn sống, có nghĩa là còn nhận lấy trách nhiệm với anh em đồng đội của mình. “Vùi chôn” họ có nghĩa là quay mặt với những sự thật, với nỗi khổ đau có thật của “bạn bè” mình.
Chỉ cần gõ cửa một cơ quan thiện nguyện, đưa ra một tên người và một số quân, mà ông ta nghĩ rằng là “ma” để xem hồ sơ, và nếu cần tiếp xúc qua điện thoại, để gặp người thương binh bên kia đường dây ở Việt Nam. Có nhiều người hành động theo cảm tính, và định kiến, mà không cần nghe, cần thấy những điều gì gọi là sự thật.
Cuối tháng 4, 1975, quân đội miền Nam đã bị bức tử. Cộng Sản cũng không bao giờ muốn nhắc đến mấy tiếng Việt Nam Cộng Hòa. Chuyện người Việt trên cả thế giới giúp thương phế binh VNCH cũng là điều nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam không hề muốn. Tôi chưa vội trách họ, những người vẫn coi chúng ta là kẻ thù. Tôi trách những người đã từng cầm súng như những anh em thương binh của chúng ta, và những kẻ hoàn toàn không có kiến thức, đang muốn “vùi chôn” những người vốn đang dở chết, dở sống !
Huy Phương.
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar