Hiện nay ở nhiều nơi trên lãnh thổ Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu hình thành những công đồng Công Giáo Việt Nam, do một thế hệ di dân rất mới và rất trẻ lập nên. Từ Ba Lan cho đến Anh Quốc, sự xuất hiện của những người Công giáo từ Nghệ An, Hà Tĩnh, hay Quảng Bình, Huế và Đà Nẵng đã khiến các tổ chức quốc tế và địa phương quan tâm, trong bối cảnh ở Việt Nam đang nổi lên vấn đề tranh chấp đất đai giữa nhà cầm quyền Việt Cộng và giáo dân Công Giáo như vừa mới xảy ra ở Đông Yên (Hà Tĩnh), hay Con Cuông (Nghệ An), và Cồn Dầu (Đà Nẵng).
Câu chuyện về người Công giáo ở Nghệ An ít được biết đến, một phần vì bộ máy tuyên truyền ở Việt Nam chỉ nhắc đến khía cạnh đấu tranh giai cấp. Thực ra theo các nghiên cứu lịch sử của các chuyên gia Việt Nam học ở nước ngoài, mà đặc biệt là quyển sách mới vừa xuất bản của PGS Charles Keith, thì phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ở Nghệ An có rất nhiều công đóng góp của các linh mục người Việt ở đây. Giáo phận Vinh là một khu vực hành chính mà theo qui ước của Tòa Thánh thì bao gồm cả tỉnh Nghệ An lẫn Hà Tĩnh và Quảng Bình hiện nay.
Lý do
thứ hai khiến ít người biết đến vấn đề của người Công giáo ở
Nghệ-Tĩnh-Bình là vì họ không di cư rầm rộ vào nam trong giai
đoạn 1954, và khá nhiều giáo dân bị kết án trong phong trào
đánh địa chủ và cải cách ruộng đất theo sau đó. Hiện nay, có
khá nhiều giáo dân từ vùng này di cư lên Tây Nguyên kiếm việc
làm và đi lễ nhà thờ ở Kontum và Pleiku.
Các
khảo sát về di dân ở Việt Nam ghi nhận đây là một trong số
những nơi có nhiều dân bỏ xứ đi tìm việc nhất, và không ít
người theo các đường dây vượt biên ra nước ngoài để kiếm ăn.
Điều kiện sống và làm việc của họ rất khắc nghiệt, như những
câu chuyện tôi từng nghe kể về ngành may và xây dựng ở Nga,
các nghề tay chân ở Trung Đông, và công việc trên các chiếc tàu
đánh cá dài ngày sang tận Châu Phi.
Hiện
các giáo họ Việt Nam đang hình thành ở Anh Quốc đa số là đàn ông
độc thân ở độ tuổi rất trẻ, cho nên sau khi có giấy tờ nhiều
khả năng họ sẽ về Việt Nam cưới vợ và đem sang, và xây dựng
những ngôi làng mới ở bên này. Trong ngành nails và cần sa bắt
đầu có những mâu thuẫn giữa các vùng miền mà nổi bật nhất
là giữa các nhóm di dân Hải Phòng đã đến Anh Quốc từ trước với
các nhóm Nghệ An Hà Tĩnh mới sang sau này.
Ngoài
ra cũng bắt đầu có tình trạng người ở bên này đem đồng hương
sang để bóc lột lao động và ràng buộc bằng cả mối quan hệ xã
hội lẫn nợ nần tài chính. Vừa qua, cảnh sát Anh vừa
thực hiện chiến dịch chống tình trạng bắt nhân viên làm việc
như nô lệ, cùng lúc kiểm soát cả chục tiệm nails ở nhiều
thành phố khác nhau, khiến người ta liên tưởng đến các băng
nhóm tội phạm Nghệ An một thời tung hoành trong ngành thuốc lá
ở Berlin, Đức.
Trong
bối cảnh kinh tế xã hội rắc rối như vậy, các họ đạo của
người xứ Nghệ ở Anh Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn để nuôi dưỡng
một cuộc sống tinh thần tốt đời đẹp đạo như các bài kinh mà
họ đọc hàng ngày.
Thông tín viên: Lê Hải tại Luân Đôn .
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar