torsdag 19. mars 2015

N​gười Tỵ Nạn


Sau năm 1975, người Việt Nam bỏ nước ra đi tỵ nạn đã bị Cộng Sản gọi bằng những danh từ khác nhau. Những danh từ nầy mang những hậu ý chính trị gian xảo, do đó việc tìm hiểu ý nghĩa chính xác những danh từ nầy thật cần thiết để chúng ta sử dụng chính xác trong từng  trường hợp .

Người Tỵ Nạn:
Khi vào cưỡng chiếm đất miền Nam, cưỡng đoạt tài sản dân miền Nam, Cộng Sản đã gọi  tất cả dân miền Nam là bọn Mỹ Ngụy. Đối với người dân có cơ may vượt thoát được bằng những cuộc vựơt biển, vượt biên để xin tỵ nạn ở các xứ tự do, cộng sản dùng nhiều danh từ thô tục để điểm mặt người tỵ nạn.

 
Trước tiên, trong một hội nghị với các cán bộ tại Hà nội năm 1975, Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học Xã hội đã ví von một cách tục tĩu dân miền Nam là những con điếm cho Mỹ làm tình để đổi lấy viện trợ. Cùng trong tư tưởng dâm ô ấy, Lê Duẩn mạt sát những người di tản là một bọn ma-cô, đĩ điếm, Phạm Văn Đồng chửi người ra đi là bọn phản quốcvà các nhà báo nhà văn cộng sản, kể cả bọn cộng sản 30 cũng chửi hùa theo là những đồ rác rưởi trôi dạt khắp năm châu bốn bể, cặn bả xã hội, trây lười lao động, chạy theo bơ thừa sửa cặn. Nguyễn Trọng Nhân, nguyên Bộ  Trưởng Y Tế còn hằn học hơn khi tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1993 tại Amsterdam : Những người di tản đáng bị chặt đầu.
 
Nhưng chẳng bao lâu, Cộng Sản hiện nguyên hình là bọn gian manh. Năm 1990, khi Cộng Sản bắt đầu nhận tiền của người tỵ nạn gởi về, bọn đĩ điếm được cộng sản «nâng cấp» lên là Việt Kiều, và ân tình hơn, Đỗ Mười tuyên bố Việt Kiều là những  khúc ruột ở bên ngoài ngàn dặm của dân tộc.
 
Tưởng cần hiểu từ nguyên chữ Việt Kiều để thấy rõ thâm ý của Cộng Sản. «Kiều» chữ Hán có nghĩa là ở nhờ, ở làng khác hay nước khác được dùng làm tỉnh từ cho những danh từ như «Kiều Dân» là người sống ở ngoài lãnh thổ mà người đó đã được sinh ra, «Kiều Bào» là đồng bào ở nước ngoài. Dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, người Hoa sống ở Việt Nam được gọi là Hoa Kiều và chế độ Hà Nội gọi những người Việt sống ở nước ngoài và ủng hộ họ là đám «Việt Kiều yêu nước».
 
Người Việt bỏ xứ ra đi tỵ nạn không phải là Việt Kiều, Kiều Bào, vì những người nầy đã không chấp nhận chế độ Cộng Sản, đã sinh cơ lập nghiệp vĩnh viễn trên một quốc gia khác, đã có quốc tịch của một  quốc gia khác. Gọi người tỵ nạn là Việt Kiều, Cộng Sản có gian ý là muốn «tóm thâu» cái khối chất xám nầy là «con dân» của họ, còn đặt dưới quyền sinh sát của họ. Nghị định số 78/2009/NĐ ngày 22/09/2009 về Luật Quốc Tịch xác định rõ quan niệm nầy, theo đó bao giờ người mang quốc tịch Việt Nam chưa được nhà cầm quyền Việt Cộng cho phép từ bỏ quốc tịch, người ấy vẫn còn quốc tịch Việt Nam dù rằng người ấy đã có quốc tịch Mỹ, Canada, Úc… Càng lộng ngôn và ngang ngược hơn, với con cháu của người Việt tỵ nạn, dù sinh ra và lớn lên tại các quốc gia của ông cha họ đã định cư, Việt Cộng cũng xem những người nầy vẫn có quốc tịch Việt Nam nếu chưa phép làm đơn xin bỏ quốc tịch và chưa được nhà cầm quyền Việt Cộng chấp thuận.
 
Về điểm nầy, chúng ta thấy rõ chánh sách trơ tráo, đánh lận con đen của Cộng Sản. Theo điều 13, khoản 2, Luật Quốc Tịch sửa đổi năm 2008, «Người Việt định cư ở nước ngoài vẫn có quốc tịch Việt Nam. Sau 5 năm từ khi luật nầy có hiệu lực, kiều bào phải đến cơ quan đại diện của nhà cầm quyền Việt Cộng tại nước ngoài để đăng ký xin giữ quốc tịch, nếu không, sau ngày 1/7/2014 sẽ mất quốc tịch»
Sau 5 năm, chỉ có khoảng 6000 người ghi tên xin giữ quốc tịch. Trái với dự tính vì số người xin giữ quốc tịch quá ít, tháng 7/2014, Nguyễn Tấn Dũng ký luật gia hạn cho người muốn giữ quốc tịch thêm 5 năm nữa, tức là sẽ chấm dứt ngày 1/7/2019.
 
Ngôn từ Cộng Sản thật lươn lẹo, lật lọng. Cho đến ngày 1/7/2019, người Việt ở hải ngoại mặc nhiên vẫn còn quốc tịch Việt Nam, vẫn bị chi phối bởi Luật Quốc Tịch của Việt Cộng giải thích «rộng rãi» theo luật rừng. Chính Nguyễn Thị Bình, người lãnh tụ của Phong Trào Giải Phóng Miền Nam còn sống sót, đã ví von: Việt Nam có một rừng luật  và áp dụng luật rừng. 
 
Và cho đến đầu năm 2014, nhà cầm quyền Việt Cộng vẫn còn khư khư giữ quan niệm cha chú nầy với người Việt tỵ nạn. Trong bài huấn từ của Nguyễn Thanh Sơn, Thứ Trưởng Bộ Ngoại giao đặc trách Cục Người Việt nước ngoài đã nhắn nhủ cho phái đoàn «Việt Kiều Yêu Nước» về quê ăn Tết, và nhắc lại lời của Võ Văn Kiệt 20 năm trước như sau: «Cộng đồng người Việt ra đi sau chiến tranh và định cư ở nước ngoài rất đặc thù, không giống các cộng đồng ngoại kiều khác. Những thuyền nhân ra đi đa số là vì mục tiêu kinh tế chứ không phải mục đích chính trị. Có bộ phận những người ra đi sau cuộc chiến tranh mang theo tư tưởng hận thù của những người thua trận và được tuyên truyền rất nhiều điều ghê sợ không có thực về chủ nghĩa cộng sản ... Nghị quyết 36 của Bộ Chính Trị đã khẳng định rõ chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước, coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, tức là những người máu mủ ruột thịt thực sự, không phân biệt đó là thành phần nào, đó là ai.
 
Đối với những Việt Kiều Yêu Nước, Cộng Sản muốn gọi tên gì thì cứ gọi và sai bảo điều gì thì cứ làm. Nhưng đối với người Việt tỵ nạn Cộng Sản, họ không phải là Việt Kiều mà là người Mỹ, người Canadiens, người Pháp, người Úc, người Đức gốc Việt… Phải gọi chính danh như vậy và phải tôn trọng quyền chọn lựa của họ là không chấp nhận chế độ cộng sản.

Lâm Văn Bé.

Ingen kommentarer: