Những Thầm Nghĩ Bên Lề
Là người miền Nam với hộ chiếu Việt Nam Cộng hòa, tôi rời đất nước cũng đã lâu. Tháng Sáu năm 1975 tôi đến sứ quán Việt Nam do Hà Nội tiếp thu sau khi nước Việt Nam Cộng Hòa mất để hỏi về vấn đề quốc tịch của tôi. Thay vì trả lời câu hỏi của tôi, tên tham tán sứ quán đấu tố tôi, nói tôi có nợ máu với nhân dân vì tôi đi ngoại quốc trong khi nhân dân chiến đấu chống Mỹ.
Hắn ta cũng đấu tố gia đình tôi là quan chức ngụy quyền và phải bị trừng phạt. Rồi hắn ta ca ngợi chiến thắng của nhân dân miền Bắc. Tôi chỉ nghĩ một cách đơn thuần là tôi ra khỏi Việt Nam vì tôi không muốn tham dự vào cuộc chiến. Tôi chỉ nghĩ đến góp phần kỹ thuật học ở nước ngoài để xây dựng lại đất nước sau khi Việt Nam có hòa bình. Vả lại tôi cũng không phải là dân miền Bắc nhận vũ khí ngoại quốc là Nga và Tàu để đánh Mỹ. Tôi cũng không phải là Việt cộng nằm vùng như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Phan Tấn Mẫn hay mấy ông trung lập như giáo sư Trung ở Văn Khoa, cha Lý Chánh Trung, ông Châu Tâm Luân, thầy Nhất Hạnh v.v., những ông ăn cơm miền Nam để rồi phản bội lại miền Nam. Bởi vậy tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi có nợ máu với dân tộc. Sau lần đó tôi không bao giờ đặt chân lại sứ quán Việt Cộng nói trên và cũng không màng nghĩ đến chuyện quốc tịch Việt Nam.
Tên tham tán sứ quán Việt Cộng nói trên gắn nhãn hiệu “ngụy” cho gia đình tôi là một sự sai lầm trong ngôn ngữ và tư tưởng của hắn ta. Cho đến thời điểm bây giờ bạo quyền Hà Nội, cán bộ lính tráng của bạo quyền này và những phương tiện truyền thông của họ (ví dụ như ông Bảo Ninh, nhà văn quân đội của Hà Nội) vẫn còn gọi những người của chính quyền Sài Gòn cũ là “ngụy”. Đây là một sự hãm hiếp ngôn ngữ. Khi bạo quyền Hà Nội còn gọi Sài Gòn cũ là “ngụy” tức là Hà Nội tự nhận mình là “chân”. Nhưng “chân” ở chỗ nào đây? Lúc lính của Hồ Chí Minh đánh quân Pháp ở Điện Biên Phủ, cố vấn quân sự Tàu giúp đỡ chiến lược cùng vũ khí, và có thể là người nữa, cho tướng Giáp. Chính sách cải cách điền địa, đấu tố giai cấp, tổ chức quân đội miền Bắc… đều do Tàu thúc hối chỉ định từ những năm đầu thập niên 1950. Lúc Hà Nội mở chiến lược xâm lược quân sự miền Nam vào những năm 1965-66, Đặng Tiểu Bình cho Lê Duẩn biết rằng Bắc Kinh đã gửi 100.000 lính Tàu sang giúp Bắc Việt Nam, Chu Ân Lai còn muốn xây dựng thêm 45 địa điểm pháo binh để phòng chống máy bay Mỹ oanh tạc. Cũng trong thời điểm này Nga đã có những giàn hỏa tiễn (tên lửa) SAM trên miền Bắc, do người Nga điều hành xử lý, để giúp Hà Nội. Ngay ở thời điểm này, miền Bắc không có một công nghệ quân sự nào để sản xuất súng ống, đạn dược, máy bay, xe tăng để xâm chiếm miền Nam hoặc bảo vệ đất đai biển cả của đất nước. Như vậy Hà Nội đã nhận viện trợ hay mắc nợ quân sự của Tàu và Nga. Bây giờ bạo quyền Hà Nội đem dầu hỏa thô khai thác ở vùng biển Vũng Tàu để trả nợ cho Nga hoặc đem đất ở Ải Nam Quan, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nhượng lại cho Tàu để trả lại viện trợ quân sự của Tàu. Làm sao Hà Nội có thể tự gọi là “chân” khi Hà Nội đem tài sản thổ địa của quốc gia do tổ tiên để lại để đi đổi vũ khí về đánh miền Nam? Phải gọi đó là mãi quốc để vinh danh phú quý. Hà Nội xâm chiếm miền Nam với danh nghĩa đuổi Mỹ ra khỏi Việt Nam. Thế nhưng bây giờ dân Tàu sống nhởn nhơ làm việc ở Sơn Trà (Đà Nẵng), Bảo Lộc (Lâm Đồng), chiều chiều mặc quần xà lỏn đưa bụng phệ đi lang bang trong làng xóm Việt Nam. Theo bạo quyền Hà Nội, đuổi dân da trắng ra và đón dân da vàng vào là độc lập hay sao? Trên mọi giấy tờ hồ sơ, khẩu hiệu của nhà nước Hà Nội là “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Làm sao có độc lập trong khi bạo quyền Hà Nội và Đảng Cộng sản Việt Nam phải cúi đầu chấp nhận những hành hung chiếm đất, chiếm đảo, đánh phá ngư dân Việt của Tàu? Hồi còn chiến tranh, Hà Nội gọi Mỹ là xâm lược. Bây giờ Hà Nội gọi Tàu là anh em, môi hở răng lạnh. Người miền Bắc nên vắt óc suy nghĩ lại trước khi gọi những người của chế độ Sài Gòn cũ là “ngụy”.
Ngoài chuyện coi người miền Nam là ngụy, bạo quyền Hà Nội còn coi thấp trí thức miền Nam. Nói rõ ràng hơn, dân miền Nam là công dân hạng hai (second citizen) và công dân hạng nhất phải là dân miền Bắc. Đúng là vương miện dây kẽm gai Hà Nội gắn lên đầu cho một miền Nam bị bại trận hồi 1975.
Lần đầu tiên tôi trở lại Việt Nam sau 1975 là năm 1989, đi công tác cho một công ty ngoại quốc. Tôi đi Việt Nam với hộ chiếu của một quốc gia khác. Lúc đó Việt Nam đã phát động phong trào Đổi mới và cách đến Việt Nam là phải qua phi trường Vọng Cát hay Hương Cảng. Mùa Xuân 1989 tôi đến Hà Nội qua đường Vọng Cát. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi đến miền Bắc Việt Nam. Khi chiếc máy bay của hãng hàng không Thái báo hiệu sắp hạ xuống Nội Bài thì có tiếng vỗ tay. Quay lại nhìn thì thấy một ông người Việt da ngăm đen đang vỗ tay. Khi ra khỏi máy bay, ông đó cúi xuống hôn đất Việt Nam. Tôi tự hỏi nếu ông đó yêu Việt Nam như thế, tại sao ông ở ngoại quốc lâu như vậy mà không về chiến đấu chống Mỹ như tên tham tán sứ quán nói ở trên đã lên án tôi. Hay là ông làm Việt cộng nằm vùng ở ngoại quốc? Hoặc là ông chỉ theo thời kiếm lợi: phe nào thắng thì theo?
Tôi tiếp tục đi công tác cho công ty trong những năm 1990, 1991. Vùng (địa bàn) công tác là Hà Nội và Sài Gòn. Phi trường Tân Sơn Nhất thì đã quen thuộc với tôi khi tôi còn đi học ở Sài Gòn. Phi trường Nội Bài thì tôi đến lần đầu tiên năm 1989. Tôi nghĩ rằng Việt Nam nghèo (so với các nước Đông Nam Á khác, không kể Căm Bốt và Lào) nên cũng chẳng ngạc nhiên khi thấy một phi trường chỉ có một phi đạo và một ngôi nhà gạch nhỏ đón khách và chung quanh phi trường là ruộng lúa xanh rờn. Lúc đó Nội Bài chưa có nhà vệ sinh nên đoàn chúng tôi phải đứng xả giữa trời rộng. Tôi thấy phụ nữ Việt Nam cũng làm như vậy. Đường từ Nội Bài về Hà Nội gồ ghề nhiều lỗ. Nhà hai bên đường xây dựng sơ sài. Chỉ một ít nhà xây bằng gạch. Còn quán bán thịt chó nhiều như nấm. Bảng quảng cáo thịt chó nhan nhản.
Khách sạn chúng tôi tạm trú có tên Hữu Nghị do Cuba xây dựng tặng bạo quyền Hà Nội hồi còn chiến tranh. Khách sạn ở trên Hồ Tây. Ban đêm ếch kêu điếc tai, muỗi bay vù vù. Buổi sáng ra đứng trước phòng nhìn hồ thì chỉ thấy một ông đứng tuổi ở cạnh bờ hồ phơi thân thể, chỉ trừ một cái quần xà lỏn. Có hôm thấy có ghe đánh cá. Một thanh niên dùng hai chân chèo ghe còn hai tay tung hay thâu lưới. Lần đầu tiên trong đời tôi mới thấy một người chèo bằng chân như vậy. Tôi chỉ quen thấy người ta chèo thuyền bằng tay. Hà Nội đối với tôi cái gì cũng mới lạ, hoàn toàn khác với miền Nam của tôi.
Khách ở khách sạn Hữu Nghị phần lớn gồm dân Đài Loan, Nam Hàn, Nhật. Còn lại một ít người da trắng. Buổi sáng hầu hết mọi người đều tập họp ở quán ăn. Chỉ có phở và bánh mì với trứng. Không có phó-mát hay bơ. Cũng không có mứt, bacon, ham hay rau đậu. Tôi thường chọn phở. Phở Hà Nội thật ngon, ngon hơn những quán phở do mấy chú Phệt bán ở đường Đinh Tiên Hoàng, Dakao, Sài Gòn, hồi cuối thập niên 1960. Trong quán ăn có một góc bán hàng lưu niệm, trong đó có cả ngà voi, một sản phẩm bị cấm theo Washington Convention. Cô thủ quĩ quán ăn kiêm luôn nhân viên bán hàng lưu niệm không bao giờ cười. Mặt cô luôn luôn đăm chiêu khó hiểu. Cô cũng không muốn bán hàng cho khách bởi vì cô rất ít trả lời những câu hỏi của khách ngoại quốc. Tôi nghĩ rằng có lẽ miền Bắc quá say sưa đánh Mỹ và đánh miền Nam nên quên chuyện đào tạo tiểu thương gia.
Máy bay từ Hà Nội đi Sài Gòn thường khởi hành lúc sáu giờ sáng nên chúng tôi phải rời khách sạn lúc ba giờ rưỡi sáng. Vào khoảng giờ đó, tên quản lý khách sạn thường đi kiểm soát tủ lạnh từng phòng. Tôi hỏi hắn ta tại sao phải làm vậy thì hắn ta nói rằng dân Nam Hàn thường trả phòng mà không trả tiền cho đồ dùng ở tủ lạnh nên hắn ta phải đi kiểm soát mỗi sáng sớm. Khi trả phòng ở lễ tân thì mấy người Đài Loan tranh lên trả trước bất chấp những người đã đứng đợi sắp hàng trước. Thật là những kinh nghiệm quý báu khi qua Việt Nam.
Trong những năm 1989-1990 Hà Nội có rất ít khách sạn. Bởi vậy thỉnh thoảng chúng tôi phải trọ ở những nhà khách Cơ Quan. Những nhà khách này gần giống như những B&B (giường ngủ và ăn sáng) nhưng có phòng tắm riêng ở mỗi phòng. Nhà khách ở Hà Nội chúng tôi tạm trú một lần là một tòa nhà hai tầng sơn màu trắng, cách trụ sở Đảng Cộng sản Việt Nam chừng năm bảy phút xe hơi. Khách ở tầng trên gồm sáu phòng. Mỗi phòng chỉ đơn giản có một cái giường, một cái tủ để đựng áo quần, một cái bàn con, và phòng tắm có cả bồn WC. Tầng dưới là phòng ăn cơm và là nơi để tán gẫu hay coi TV. Một chị quản lý trung niên lo lắng chuyện ăn ở cho đoàn chúng tôi. Mọi dịch vụ đều đơn giản như ở khách sạn Hữu Nghị. Một lần chúng tôi trọ ở một nhà khách Cơ Quan tại Sài Gòn. Nhà khách này do một chị vừa quản lý vừa lo nấu ăn sáng luôn. Chị cho biết rằng đó là tư gia của ông đại sứ Anh hồi còn nước Việt Nam Cộng hòa. Còn chị là vợ của ông đại sứ Việt Cộng ở Ba lan nay đã về hưu. Chị phải đi làm việc vì đời sống khó khăn. Cùng làm với chị là một chị trẻ tuổi có con thơ. Chồng chị trẻ tuổi này là công an mặc thường phục hay ngồi trước cổng nhà khách này. Hai vợ chồng ở luôn tại nhà khách này để trông nom. Tôi không biết ai trả tiền trọ ở những nhà khách Cơ Quan này cho chúng tôi. Có lẽ là do hiệp hội làm việc chung với công ty của chúng tôi. Những xe hơi mà hiệp hội này đưa chúng tôi đi công tác thường mang theo những thùng xăng sau xe vì hồi đó Việt Nam rất hiếm trạm xăng. Và tôi cũng chưa bao giờ thấy hiệp hội đó trả tiền những buổi ăn trưa họ đãi chúng tôi.
So với Hà Nội, Sài Gòn trong những năm đầu thập niên 1990 có nhiều khách sạn hơn. Đó là những khách sạn còn sót lại của miền Nam hồi trước ở chung quanh tòa thị trấn như Caravelle, Rex, Majestic, Continental v.v. Tiền phòng những khách sạn này trong những năm đó tương đối rẻ và cách đối đãi với khách cũng thân mật, nhất là khách Việt từ nước ngoài về. Đây cũng là sự khác biệt tính tình giữa người Bắc và người Nam.
Nội dung công tác bắt buộc phái đoàn công ty tôi phải họp nhiều với Bộ Công nghiệp nhẹ, thường gọi là Bộ Nhẹ. Hồi đó cũng có Bộ Nặng và hiện tại hai bộ đã hợp thành một. Trong thời gian 1989 đến 1991 Bộ Nhẹ thay đổi bộ trưởng. Tên bộ trưởng này và tên thứ trưởng lúc đó rất liêm sỉ, đứng đắn, đáng khâm phục. Họ từ chối nhận quà và tiền bạc do ông chủ công ty của chúng tôi tặng trong khi những rên giám đốc, chủ phòng của Bộ cứ theo năn nỉ xin máy tính tay điện tử và tiền bạc. Để dẫn đường chỉ bước và cũng để kiểm soát chúng tôi, Bộ Nhẹ cử một cán bộ, đi mọi nơi với chúng tôi. Rên TTP cho biết là thường làm việc với người Ấn Độ trong ngành may áo quần. Thẻ tên của hắn ghi chức vụ là chuyên gia (expert) nhưng không biết ngành gì. Chỉ đơn giản vậy thôi. Hồi còn nội chiến, hắn làm gián điệp ở Lào. Hắn sống ở Lào cũng hơn hai mươi năm và trở lại Hà Nội sau khi hết chiến tranh. Sau đó hắn vào làm ở Bộ Nhẹ. Hắn nhờ tôi giúp một ít đô-la Mỹ để mua một xe gắn máy Honda màu thanh long. Hắn đưa cho tôi xem một xấp đô-la Mỹ chừng một ngàn rưỡi. Ngạc nhiên, tôi hỏi làm sao hắn ta có nhiều đô-la Mỹ như vậy thì hắn trả lời rằng những người ngoại quốc làm việc với hắn đã cho và hắn dành dụm lại.
Tên bộ trưởng Bộ Nhẹ tôi được gặp năm 1989 người cao ráo, thông minh, chu đáo và nhạy cảm. Để trả lại thịnh tình của công ty chúng tôi, hắn đã tổ chức một buổi hòa nhạc dân tộc và một bữa ăn tối cho chúng tôi. Buổi hòa nhạc đó có những nhạc khí cổ truyền như đàn bầu, đàn một dây, và những đàn làm bằng tre nứa mà tôi nghĩ rằng chỉ có dân tộc thiểu số dùng. Tôi chưa bao giờ thấy những đàn đó ở miền Nam mặc dù tôi đã có dịp đi nghe nhạc của người dân tộc thiểu số ở Ban Mê Thuột, Pleiku với ba tôi hồi dưới thời ông Diệm. Những nữ công trong ban nhạc đêm đó ai cũng mập mẽ, khác với những viên chức cán bộ Việt Cộng tôi phải giao thiệp. Tôi nghĩ rằng bạo quyền Hà Nội biệt đãi những đội ngũ tuyên truyền. Mặc dầu món chính của bữa ăn tối do tên bộ trưởng Bộ Nhẹ khoản đãi chỉ là chả giò Hà Nội, buổi cơm rất thân mật và vui vẻ. Chả giò Hà Nội đêm đó rất ngon. Công ty chúng tôi ai cũng hài lòng với buổi khoản đãi đơn giản đó. Sau này nghĩ lại, trong thời cảnh của Việt Nam hồi đó, tên bộ trưởng Bộ Nhẹ đã làm hết sức mình để đãi khách. Để trả lại thịnh tình này công ty chúng tôi đã mời hắn ta sang thăm công ty chúng tôi sau đó. Tất cả mọi chi phí đều do công ty chúng tôi đảm nhận. Và chuyến công du đó cũng tương đương với chuyến công du của một ông bộ trưởng ở nước của công ty chúng tôi.
Có lần tôi hỏi tên thứ trưởng Bộ Nhẹ tại sao Việt Nam có chính sách Đổi mới thì hắn trả lời rằng nhà nước Hà Nội thấy mấy nước chung quanh như Thái Lan, Nam Dương, Mã Lai, Phi… hồi xưa nghèo đói yếu kém hơn Việt Nam nhưng bây giờ lại khá giả hơn nên phải đổi mới. Tôi nghĩ rằng tự ái dân tộc là một động cơ của chính sách đổi mới của Việt Cộng. Tên thứ trưởng cũng phàn nàn với tôi chuyện Nga đòi cao nợ viện trợ vũ khí trong thời chiến tranh. Phái đoàn công ty tôi có dịp gặp Phan Văn Khải, lúc đó là bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và sau này là Thủ tướng. Khải tỏ ra tự mãn khi có công ty ngoại quốc đến thăm hỏi cách thức đầu tư vào Việt Nam. Hắn ta cũng tuyên bố với chúng tôi rằng Việt Nam không xin xỏ viện trợ kinh tế dưới hình thức nào. Hắn ta chỉ muốn phát triển Việt Nam qua đường đầu tư của công ty ngoại quốc. Thực tế cho thấy rằng Khải mộng du, vì Việt Nam bây giờ nhận (không rõ có xin xỏ hay không) rất nhiều viện trợ kinh tế để xây cầu cống, đường xá, chống nghèo đói… Công cuộc đầu tư vào Việt Nam của công ty tôi không thực hành được vì những khó khăn trong vấn đề chuyển ngoại tệ ra khỏi Việt Nam hồi đó.
Nhân một sáng Chủ nhật rảnh, tên TTP thay mặt Bộ Nhẹ mời chúng tôi đi thăm lăng HCM. Vé vào lăng do tên TTP mua. Chúng tôi sắp hàng dài rồi tuần tự vào lăng. Với kiến trúc lai căn, tòa nhà đá cốt sắt lớn vĩ đại và trông có vẻ lạnh lùng. Đi vòng vòng rồi cũng đến trước cái hộp gương thắp đèn điện màu xanh lục. Trong đó có một tử thi nằm ngửa mặt lên trần. Nhìn kỹ tôi tưởng đó là con nộm sáp với khuôn mặt bị phùng ra. Đọc đâu đó nhớ rằng kỹ thuật ướp xác của Nga là rút bỏ hết ruột gan tạng phủ rồi bơm glycerol vào. Hóa chất này được bơm tuần hoàn và cần phải giữ ở nhiệt độ thấp. Bởi vậy lăng HCM lúc nào cũng có máy lạnh và máy phát điện riêng. Ánh sáng màu xanh lục được dùng có lẽ là để chống thối rữa. Trông vào một HCM đang chết tôi chỉ thấy không được khỏe. Chỉ muốn ra khỏi cái phần mộ âm u này càng sớm càng tốt. Nhưng bởi vì đi theo lối sắp hàng nên đành phải nhẫn nhịn chờ. Khi ra khỏi lăng ở cửa sau tôi tình cờ thấy một người lính gác danh dự cởi áo quần để lau chùi thân thể. Có lẽ anh ta vừa xong phiên gác. Tôi bâng khuâng không biết tại sao một cái lăng lớn như vậy mà không có phòng tắm kín đáo cho những người bảo vệ.
Tôi cũng lờ mờ về HCM. Hắn ta mất năm 1969 lúc tôi còn đang đi học quân sự hè ở Trung tâm Đống Đa. Sau Tết Mậu Thân 1968, sinh viên đại học ở Sài Gòn phải đi thực tập quân sự một tháng trong thời gian nghỉ hè. Chúng tôi vui mừng uống bia chiều ngày hôm đó, những tưởng rằng chiến tranh sẽ sớm kết thúc. Nhưng mọi mơ tưởng không bao giờ kết thúc tốt đẹp, bởi vì hiện tại tôi đang viếng lăng HCM với một hộ chiếu nước khác. Tôi không biết nhiều về HCM. Chỉ biết rằng hắn ta thay đổi họ tên, ngày sinh tháng đẻ, như ăn cơm bữa. Ở gần cuối đường Mai Thúc Loan (từ cửa Đông Ba đi vào) ở Thành nội Huế, có một căn nhà với tấm bảng “Di tích lịch sử”. Bạn bè cho biết đó là nhà cha mẹ của HCM sống hồi làm quan triều Nguyễn. (Không biết Trường Chinh có đem chuyện cha mẹ HCM phục vụ cho chế độ phong kiến ra đấu tố giai cấp HCM không?) Lúc còn nhỏ HCM cũng đã sống ở đó. Tôi tự hỏi tại sao tấm bảng đó không ghi rõ rằng đó là nhà của cha mẹ cũa HCM. Có gì mà phải che giấu? Thật không có gì rõ ràng về HCM cả. Cái nhà với tấm bảng “Di tích lịch sử” đó là nhà của thằng bạn học hồi trung học đệ nhất cấp của tôi. Tôi thường đến rủ nó đi học nên tôi còn nhớ rõ. Dân miền Nam đúng là bại như chó chạy cụp đuôi. Nhà cửa của ai cũng dễ bị chiếm lấy.
Bây giờ HCM là lãnh tụ vĩ đại của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đến nỗi để kéo dài chế độ độc đảng và đảng trị, Đảng Cộng sản Việt Nam phải bám vào tên hắn (phong trào học tập tư tưởng HCM mới đây). Có lẽ HCM đã phân tích rõ ràng những cuộc nổi dậy chống Pháp của những nhà ái quốc khác (Phan Đình Phùng, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu v.v.) và tìm thấy những nguyên nhân thất bại. Bởi vậy cho nên HCM chọn con đường của phong trào cộng sản quốc tế và ông ta đã thành công trong việc chiếm được một nửa Việt Nam hồi năm 1954. Sau đó đệ tử của hắn ta hoàn thành ý định của HCM là chiếm cả nước Việt Nam hồi 1975. Nói như một lời nhạc của Trịnh Công Sơn, gia tài của mẹ (Việt Nam) là một đống lai căn. Một đống lai căn với một chủ nghĩa ngoại lai phi nhân, phi đức, phi nghĩa, cái gọi là chủ nghĩa cộng sản.
Bẵng đi 18 năm trời, năm 2009 tôi có dịp trở lại Hà Nội để làm việc ở một nhà máy của một công ty ngoại quốc khác. Đường từ phi trường Nội Bài về Hà Nội bây giờ trải nhựa và trở thành một con đường phải trả lộ phí. Đường đi qua những cánh đồng lúa xanh với những con bò vàng ốm giơ xương. Phía sau nổi bật những căn nhà nhiều tầng sơn đỏ hay vàng. Đặc tính của những căn nhà này là bề ngang mặt tiền rất hẹp nhưng bề sâu rất dài, trông giống như những hộp quẹt dựng dọc. Trên quốc lộ số 5 ra khỏi Gia Lâm có rất nhiều kiểu nhà như vậy mặt dầu đất chung quanh còn trống rất nhiều. Tôi thật không hiểu quan niệm kiến trúc ở miền Bắc.
Con đường trải nhựa này làm tôi nhớ lại hồi qua Hà Nội năm 1990. Trong chương trình tìm hiểu cách thức đầu tư ở Việt Nam, chúng tôi có một buổi họp với Bộ Tài chính. Sáng đó đi với chúng tôi có một phái đoàn của một công ty xuất nhập khẩu của Nhật. Phái đoàn này gồm năm người kể cả ông CEO mới từ Nhật sang. Sau khi trao đổi chào hỏi với tên thứ trưởng Bộ Tài chính, họ mở miệng ra đòi tiền nợ hai trăm ngàn đô-la Mỹ mà bộ này đã đứng ra bảo lãnh cho Bộ Xây dựng mượn từ công ty xuất nhập khẩu đó để mua dầu hắc ín về trải nhựa đường. Dĩ nhiên là Bộ Tài chính không có tiền để trả nợ và xin khất. Một ông với chức vụ là Assistant Section Chief của công ty xuất nhập khẩu đó bài bác lời khất nợ của tên thứ trưởng và nói rằng bộ đã xin khất nợ hai lần rồi và bây giờ là thời điểm bộ hứa sẽ trả nợ. Sau khi lời qua tiếng lại chừng nửa giờ, cuối cùng bộ lại khất nợ được thêm lần nữa bởi vì công ty Nhật đó không thể làm gì được đối với Cộng Sản Việt Nam. Tôi chỉ cảm thấy nhục nhã cho cái gọi là nhà nước Việt Nam khi chứng kiến cảnh đòi nợ đó.
Phi trường Nội Bài lúc này cải tạo tân tiến. Phi đạo dài tắp để phi cơ đáp xuống. Rất nhiều Boeing, Airbus của Vietnam Airlines dừng cánh nghỉ hay đợi để bay. Nơi đi nội địa và ngoại quốc phân chia rõ ràng. Có cả những quầy bán đồ lưu niệm và những phòng vệ sinh có bồn rửa tay nước ra tự động và máy sấy khô tay. So với hồi đầu thập niên 1990, Nội Bài bây giờ là một trời một vực. Tuy nhiên, vòi nước ở các bồn rửa tay bị hư, nước chảy liên tục và không ai sửa chữa. Máy sấy khô tay thì có cái không hoạt động. Những cô nhân viên vệ sinh làm việc uể oải. Tôi nghĩ rằng có lẽ Hà Nội phải làm chủ nhà cho nhiều hội nghị của APEC hay ASEAN nên Nội Bài được cải tiến. Nhưng tình trạng bảo dưỡng bê bối của Nội Bài, cộng thêm tính làm việc lười biếng của công nhân chỉ phô trương ra tinh thần chậm tiến của Việt Nam.
Nhà cửa hai bên đường về Hà Nội bây giờ khang trang hơn với hầu hết nhà đều lợp ngói và cao ba bốn tầng hay cao hơn. Xe hơi chạy trên đường cũng nhiều. Còn xe gắn máy thì như kiến. Khách sạn đủ mọi giai cấp mọc lên như nấm. Mặc dù Hà Nội có rất nhiều người bán hàng rong, những boutique Việt bán áo quần thời trang với những tên như D&C, Celine, v.v. cũng đã xuất hiện. Trong khách sạn Sofitel là những boutique mang tên những thương hiệu Pháp, Ý. Trưa thứ Bảy và Chủ nhật không thiếu gì những nam nữ Việt trẻ sắm hàng ở những boutique này. Đậu bên hông khách sạn Sofitel là những xe hơi mang hiệu Mercedes, BMW, Lexus v.v… Ngược lại, gần đó có những cô gái trẻ ban đêm ngồi ở Hồ Hoàn Kiếm để kiếm khách hay là những cô chạy xe gắn máy mời khách sau 12 giờ đêm ở những đường Bát Đàn, Hàng Gà trong phố cũ. Xung quang Hồ Hoàn kiếm vào ban đêm cũng có những thiếu niên nướng bắp để bán. Mỗi lần chỉ nướng hai trái bởi vì lò nướng chỉ đủ rộng cho hai trái. Không biết một đêm mỗi thiếu niên đó có lời được năm mươi ngàn đồng không. Đó là số tiền tối thiểu để sống một ngày ở Hà Nội. Việt Nam bây giờ có thật hai giai cấp xã hội rõ rệt: sở hữu chủ và vô sản. (Không biết Trường Chinh, nếu sống lại, sẽ đấu tố giai cấp sở hữu chủ mới này như thế nào?) Tình trạng xã hội tương tự như vậy cũng xảy ra ở Vọng Cát, Hương Cảng và những thủ đô ở những nước Đông Nam Á khác, những nước không theo chế độ xã hội chủ nghĩa. Tôi những tưởng không có mãi dâm, trộm cắp và mọi người đều bình đẳng ở thiên đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thực tế ở Hà Nội không phải như vậy.
Công xưởng của công ty tôi đang làm việc nằm cách Hà Nội khoảng 30 cây số. Nhà máy nhỏ nhưng có đến cả hai trăm nhân công, kể cả văn phòng và phân xưởng sản xuất. Nhân công văn phòng tốt nghiệp đại học kinh tế, luật ở Hà Nội. Phần lớn là người ở những tỉnh chung quanh Hà Nội như Ninh Bình, Hải Dương. Nhân công cấp quản lý ở bộ phận sản xuất thường từ Đại học Bách khoa đến. Họ là người ở vùng xa như Phú Thọ, Vĩnh Phú. Thợ đi ca chỉ có đàn ông và phần lớn là người địa phương với trình độ học vấn ở cấp trung học phổ thông. Nhà máy cũng có nhân công nữ chỉ làm ca ngày để sắp sản phẩm vào thùng và họ cũng chỉ có học vấn ở cấp trung học phổ thông. Tất cả những nhân công và thợ này còn trẻ, tuổi dưới ba lăm. Như vậy họ sinh ra sau 1975 và chẳng biết gì cuộc nội chiến. Giờ làm việc ban ngày là tám giờ sáng đến năm giờ chiều với một giờ nghỉ trưa. Nhân công văn phòng làm ban ngày có xe buýt đưa đón sáng và chiều. Nhân công quản lý và thợ đi ca ở phân xưởng sản xuất phải tự túc đi làm. Bởi vậy họ ở gần nhà máy và người nào cũng có xe gắn máy. Nhân công văn phòng và quản lý ở phân xưởng sản xuất với nhân công nữ làm ca ngày đến làm việc đúng giờ, bấm phiếu giờ ở đồng hồ đặt ở phòng bảo vệ ở cổng trước. Thợ đi ca thường bấm phiếu giờ chỉ vài phút trước giờ ca của họ nên họ thường đến phân xưởng làm việc trễ chừng mười phút. Họ làm đúng theo giao kèo do phòng nhân sự đặt ra. Nhưng ở những nước công nghệ tiến triển, thợ đi ca thường phải đến tận chỗ làm việc trước giờ làm việc. Đó là sự khác biệt giữa Việt Nam và những nước công nghệ tiến triển khác như Đài Loan, Nam Hàn v.v…
Chị quản lý nhân sự cho tôi biết rằng Việt Nam chưa chính thức quyết định mức lương tối thiểu trong toàn quốc. Tuy vậy, lương thấp nhất ở nhà máy của chúng tôi là lương của nữ công nhân làm ca ngày, một triệu tư một tháng, tương đương với 75 đô la Mỹ (1 USD = 18500 VNĐ). Cũng theo chị quản lý nhân sự, đó là số lương chỉ đủ sống tằn tiện một tháng, không còn tiền để dành. Lương tháng của thợ đi ca từ một triệu rưỡi đến một triệu tám. Sau khi họ vào làm được ba tháng thì được tăng lương lên từ hai triệu đến hai triệu tư. Lương trưởng ca thì từ hai triệu tám đến ba triệu hai. Tất cả đều tùy vào khả năng của mỗi người. Lương của nhân công văn phòng và cấp quản lý ở phân xưởng sản xuất gấp trên hai lần lương của trưởng ca. Quản lý ngành điện lương hơn mười triệu. Hàng năm lương công nhân được tăng dựa vào chỉ số lạm phát và lương của những công ty có vốn ngoại quốc khác ở cùng chung tỉnh lỵ. Công ty cũng có chế độ thưởng tiền vào những dịp Tết Nguyên đán (một tháng lương), Tết Trung thu (nửa triệu), lễ khánh thành nhà máy (nửa triệu), và tiền phân ưu khi cha mẹ của nhân viên mất (một triệu). Thợ đi ca cho tôi biết rằng tiền thưởng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý làm việc của công nhân. Họ nói rằng mỗi khi ăn uống với bạn bè họ phải khoa trương với bạn bè rằng công ty đã thưởng cho họ bao nhiêu. Nếu bạn bè họ có tiền thưởng mà họ không có thì họ bị mất mặt và không có động cơ để làm việc.
Công ty cung cấp miễn phí nước uống và cơm trưa, tối và nửa đêm cho toàn thể nhân viên trong hãng kể cả người làm ở văn phòng, quản lý ở nhà máy, thợ đi ca và nữ công nhân làm ca ngày. Giá trị mỗi phần cơm là 12000 đồng và đang dự tính tăng lên 15000 đồng trong tháng Sáu năm nay (2010) để theo với lạm phát. Tôi không biết giá cơm đó rẻ hay không bởi vì tôi không có cơ hội ăn trưa ở những công ty khác. Mỗi phần cơm có tô (bát) cơm trắng nhiều ít tùy mỗi người, (bát) nước canh rau xanh, một dĩa rau (muống hay cải bắp) luộc nhỏ, một dĩa nhỏ món chính là cá kho hay thịt ba chỉ kho, và một lát dưa hấu đỏ. Ngoài ra còn có nước mắm chấm pha ớt và ớt trái. Cơm trắng chất lượng ngon, cá kho và thịt ba chỉ kho vị cũng ngon và đậm đà. Thỉnh thoảng có đậu hũ kho với thịt heo và cà pháo ngâm muối. Hồi xưa chỉ đọc văn của những văn sĩ từ ngoài Bắc vào và mơ tưởng mùi vị cà pháo. Bây giờ cắn trái cà pháo cái rộp và hột cà pháo chảy rộng trong miệng cho một cảm giác lạ lùng tưởng như đang gặp Hà Nội trong tưởng tượng của hồi còn đi học trung học đệ nhất cấp. Công nhân trong nhà máy không phàn nàn gì về nội dung bữa ăn bởi vì phòng nhân sự lo về chuyện này. Không biết có phải vì có ba chị lo vệ sinh cho phòng ăn mỗi ngày cho nên công nhân không biết giữ vệ sinh công cộng. Bàn ăn nào cũng vương vãi xương cá hay xương thịt. Nước mắm chấm thì đổ bừa bãi trên bàn. Giấy chùi đũa, lau miệng thì rải đầy thềm phòng ăn mặc dù có giỏ để đựng. Phòng nhân sự cử người đứng quan sát và nhắc nhở những ai không giữ vệ sinh phòng ăn nhưng hai bên lại gây gổ nên chứng nào tật nấy. Tình trạng mất vệ sinh này giống như những quán phở, bún, cơm bình dân ở khắp phố phường trong Hà Nội. Tôi cũng ăn trưa với công nhân nhưng thỉnh thoảng tôi không chịu nổi tình trạng nhớp nhúa của phòng ăn nên đi ăn ngoài.
Một vấn nạn thường xảy ra ở phân xưởng sản xuất là nạn ăn cắp vặt. Dụng cụ bảo dưỡng máy móc như dùi cui mở vít (screw drivers), mỏ lết (wrenches), búa, kềm, bát đạn, tổ điện, hay phần cứng của máy vi tính, dụng cụ trong phòng thí nghiệm (cân, dụng cụ dùng kim loại quí), dầu xăng, nhớt v.v… thường bị mất. Một trong các trách nhiệm của công ty bảo vệ là kiểm tra hành lý khi bất cứ ai ra khỏi cửa nhà máy. Tuy nhiên sự mất vặt vẫn không thay đổi. Thay thế công ty bảo vệ đó bằng một công ty bảo vệ khác cũng chẳng cải thiện vấn nạn cắp vặt đó. Bây giờ công ty phải lắp máy chụp hình quan sát ở phân xưởng sản xuất. Một tệ nạn khác là thợ đi ca chuyên lái xe fork-lift ở nhà kho chứa sản phẩm thường tụ họp đánh cờ bạc. Bởi vì sản phẩm chồng chất lên nhau nên nhà kho có những góc hơi tối. Có một hôm thứ Bảy chúng tôi đi kiểm soát bất thình lình nhà kho và thấy có bốn bóng người tụ họp ở một góc hơi tối. Chúng tôi hướng đến phía đó thì bốn bóng người bỏ chạy. Chúng tôi đuổi không kịp và chỉ nhặt được một số con bài còn sót lại trên thềm kho.
Một vấn nạn khác là những người quản lý mua hóa chất, phụ tùng bảo dưỡng, nguyên liệu hay bán vật liệu phế thải, sản phẩm thường lạm dụng chức vụ để kiếm tiền huê hồng. Công ty chúng tôi nhờ một công ty IT trang bị hệ thống máy vi tính và điện thoại. Kết quả là máy vi tính thường bị nhiễm virus. Điện thoại thì thường gọi đi xa không được. Vì máy vi tính và điện thoại bị tu sửa hoài, chúng tôi mới biết được rằng công ty IT đó là của chồng chị quản lý nhân sự.
Có một lần, phòng nhân sự nhờ công ty bảo vệ đi chụp hình phân xưởng sản xuất vào giờ nửa đêm. Tất cả thợ đi ca đều ngủ. Người ra nhà kho hàng ngủ giữa sản phẩm. Người trải chiếu ở phòng kỹ thuật để ngủ. Người ngồi trước DCS (hệ thống kiểm soát hiển thị) thì gật lên gật xuống. Khi người của công ty bảo vệ đánh thức họ dậy thì họ lại gây lộn bởi vì họ thấy máy ảnh. Từ đó công ty bảo vệ không chịu đi tuần trong phân xưởng sản xuất nữa. Bây giờ nhà máy chỉ trông vào máy ảnh quan sát và thay đổi nội quy để cải thiện lối làm việc của công nhân. Một thiếu sót lớn của công ty là nội quy ngay từ lúc đầu đã không cấm nhân công đi làm thêm ngoài giờ cho những công ty cạnh tranh đối lập. Một ngạc nhiên khác là sự cố tình phá hoại công ty của công nhân. Có hai thợ đi ca có nhiệm vụ quản trách vùng xử lý nước thải. Một công việc của họ là sửa soạn những bể polymer âm tính (anionic polymer) và dương tính (cationic polymer). Có lần họ đổ polymer dương tính vào bể đựng polymer âm tính. Chúng tôi trông thấy và hỏi họ có đọc được những tiếng Việt hóa đó không thì họ nói rằng họ đọc được và hiểu được. Lần khác máy sản xuất bị ngừng chạy đột xuất. Quản lý máy cho rằng đó là vì hệ thống DCS bị hư. Nhà máy gọi điện thoại đến công ty cung cấp DCS ở nước ngoài để có số điện thoại cá nhân của đại diện công ty đó ở Hà Nội bởi hôm đó là thứ Bảy, ngày nghỉ việc hàng tuần. Người đại diện công ty cung cấp DCS đến khám xét và không thấy hư hoại gì cả. Sau đó quản lý máy và ca trưởng đi xem xét máy móc và khám phá ra rằng một cái bơm đã bị phá hư đột xuất. Điều tra kỹ hơn thì biết rằng một nhân công đi ca vì không muốn làm việc sáng hôm đó nên đã phá hỏng cái bơm.
Nhân công quản lý nhà máy hay mời chúng tôi đi ăn nhậu. Để tìm hiểu, chúng tôi đi theo họ hai ba lần và sau đó thì kiếm cách từ chối. Lần đầu họ đưa chúng tôi đến một nhà hàng khá cao ráo sáng sủa chuyên bán đồ ăn biển. Tôm, hến thì ăn được nhưng cá chình thì quá béo ăn không vào. Cua, mực không biết đi đâu mất nên ở Hà Nội rất hiếm hai món này và giá cả rất đắt. Những lần sau đó họ dẫn chúng tôi đến những quán bình dân để ăn rắn, rùa bùn (mud turtle), cá sấu mang từ miền Nam ra. Có những lần họ năn nỉ chúng tôi đi ăn thịt chó nhưng chúng tôi từ chối tuyệt đối. Trên đường về lại khách sạn ở Hà Nội mỗi chiều chúng tôi thường trông thấy những xe gắn máy chở những giỏ tre chứa chó con, đôi khi có cả mèo, đến những quán ăn chung quanh Gia Lâm trên quốc lộ số 5 với những tấm bảng ghi đây có thịt chó, mèo. Từ bến đò cho đến gần cổng để trèo lên chùa Hương cũng có rất nhiều quán ăn treo lũng lẳng những con khuyễn trần trụi màu đen đỏ. Tôi bâng khuâng không biết tại sao miền Bắc chịu ảnh hưởng Tàu quá mạnh như vậy. Ngay đến cách ăn chó, mèo, cá sấu cũng phải giống như dân Quảng Đông. Không những vậy, giấy thiệp cưới, đèn lồng giấy ở Hàng Gà, Hàng Mã đều mang bản chất Tàu. Giấy thiệp cưới ở miền Nam và đèn lồng giấy ở Hội An có nhiều tính chất địa phương (Việt hóa) hơn so với Hà Nội.
Thỉnh thoảng những cô, chị với chức vụ quản lý vì làm việc về trễ nên đi chung xe buýt dành cho bọn chúng tôi. Trên xe mấy đứa ngoại quốc trẻ hay nói chuyện với mấy chị. Có đứa hỏi chị quản lý phòng kỹ thuật rằng gái Việt có ngoại tình không thì chị trả lời rằng ở Hà Nội có cụm từ tiếng Anh rất thông dụng. Đó là chữ MBA. Nhưng không phải là Master of Business Administration (thạc sĩ quản trị kinh doanh). Mà là Married But Available (có gia đình rồi nhưng sẵn sàng đáp ứng). Phải ghi chú thêm là chị đó tốt nghiệp Đại học Bách khoa, có chồng học cùng trường và có hai con. Tôi nghe chị trả lời mà đầu óc choáng váng. Phần lớn những tên ngoại quốc ở công ty chúng tôi để vợ ở lại nhà và đi qua Hà Nội một mình. Một vài người vợ của họ qua thăm Hà Nội, thấy Hà Nội xô bồ, hỗn độn, nhớp nhúa nên phát biểu rằng không biết trên thế giới hết chỗ hay sao mà phải qua sống ở Hà Nội. Hỡi thị trưởng Hà Nội, nghĩ sao về lời phê bình này? Chồng của mấy bà này hay đi săn gái trẻ Việt cuối tuần ở những quán karaoke, quán ăn, quán đấm bóp. Cảnh tượng dân da trắng đi ăn cơm tối với gái trẻ Việt Nam cũng nhan nhản ở những nhà hàng sang trọng như Club de l’Oriental, Press Club.
Như những công ty nội hóa hay ngoại quốc ở Việt Nam, công ty của chúng tôi chỉ có công ty quốc doanh Điện lực Việt Nam (EVN) để mua điện. Chi nhánh công ty EVN lắp đường dây cao thế áp và gắn một công tơ điện cho công ty chúng tôi. Lúc ban đầu họ gắn cho chúng tôi một công suất TI có tỷ số biến 400/1A. Sau đó chừng một tháng họ thay đổi đường dây cao thế áp và hạ tỷ số biến của công suất TI xuống 200/1A. Nhưng trên hóa đơn tính tiền điện họ không thay đổi tỷ số biến và vẫn giữ số 400/1A. Nghĩa là họ tính tiền điện gấp đôi tiền thực tế tiêu dùng cho đến khi chúng tôi khám phá ra điều này sáu tháng sau. Chúng tôi khiếu nại và dọa rằng chúng tôi sẽ báo cáo với công an tỉnh. Đến đó họ mới chịu đồng ý với sự khiếu nại của chúng tôi và đền bù lại số tiền họ lấy dư. Đây là một kinh nghiệm cay đắng của chúng tôi. Thêm vào đó, ông giám đốc chi nhánh công ty EVN khuyên công ty chúng tôi chọn công ty dịch vụ điện do ông ta đề nghị để lắp đặt hệ thống dây điện công ty. Sau đó chúng tôi biết rằng ông chủ công ty dịch vụ điện đó là ông anh ruột của bà vợ ông giám đốc chi nhánh công ty EVN nói trên.
Mỗi một công ty sản xuất ở Việt Nam cần có một giấy phép môi trường trước khi được hoạt động sản xuất. Trong trường hợp của công ty chúng tôi, sau khi chúng tôi viết kiến nghị yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cấp cho giấy phép thì người của Sở đến thăm quan một tháng trước ngày chúng tôi dự định sản xuất. Cầm đầu phái đoàn của Sở là CVH, chánh thanh tra. Sau khi xem xét hệ thống xử lý nước thải của công ty, chánh thanh tra này đi thẳng vào vấn đề nêu giá của giấy phép là 120 triệu đồng (chừng 6500 USD). Chúng tôi hỏi hă1n ta tại sao đắt như vậy thì hắn cho chúng tôi biết rằng số tiền đó gồm cho cả giám đốc, phó giám đốc ở Sở và cho tài xế luôn. Chúng tôi đề nghị giảm số tiền và hă1n ta đồng ý với giá 90 triệu đồng. Sau khi nhận được giấy phép hoạt động sản xuất tạm thời từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, chúng tôi đến Sở để cám ơn sự hỗ trợ của Sở. Chúng tôi chỉ được gặp phó giám đốc LNP và tên này tuyên bố rằng mọi giấy tờ liên quan đến môi trường của công ty chúng tôi là do hắn ta định đoạt. Chúng tôi muốn gặp giám đốc nhưng không được vì hă1n ta bận rộn, thường không có ở Sở. Chúng tôi mang đến 3 triệu đồng để “trả ơn” cho giám đốc, phó giám đốc và chánh thanh tra. Đến Tết ta, chúng tôi lại mang 10 triệu đồng để mừng Tết ba tên đó và mấy tay chân của chúng. Đây là tục lệ đối với Bộ và tất cả các Sở Tài nguyên và Môi trường trên toàn thể Việt Nam. Công ty chúng tôi lặp lại chuyện mừng Tết này với Phòng Quan thuế Hải quan tỉnh nữa. Nếu không thì máy móc, dụng cụ, phụ tùng, vật liệu sẽ không được vào Việt Nam một cách yên ổn.
Sau khi cấp giấy phép hoạt động tạm thời, phó giám đốc LNP báo cho chúng tôi biết rằng chúng tôi còn phải nộp thêm giấy kết quả quan trắc môi trường, đất và không khí, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước của tỉnh, giấy phép đăng ký sở hữu những chất nguy hại, lắp đặt những máy móc điện tử đo tự động chất lượng nước thải như nhu cầu oxy hóa học (COD), nhu cầu oxy sinh học (BOD), chất rắn lơ lửng (SS) v.v… Bởi vì công ty chúng tôi không có người biết rõ hay làm được tất cả những thủ tục giấy tờ này, phó giám đốc LNP giới thiệu cho chúng tôi những công ty tư vấn chuyên môn cho các vấn đề này. Dĩ nhiên những công ty tư vấn này đều có liên hệ với ha91n ta. Nếu không phải là công ty tư vấn của con trai hắn ta thì cũng là của bà con thân thuộc, bạn bè của hắn ta hay là của giám đốc Sở. Chưa đủ thỏa mãn, tên LNP còn buộc công ty chúng tôi nhận một người cháu của hắn vào làm việc. Chúng tôi không từ chối được vì giấy tờ còn đang ở trong tay hắn ta. Vả lại giấy tờ liên quan đến môi trường phải do tên LNP tái hạng nên luôn luôn công ty chúng tôi phải đem tiền bạc đến quà cáp Sở của tên LNP. Có cái may mắn là cảnh sát môi trường chưa lần nào quấy nhiễu chúng tôi. So với công ty Tân Mai, công ty chúng tôi còn hiền hòa. Công ty này không những “mua” Sở Tài nguyên và Môi trường mà còn “mua” cả chi nhánh điện lực EVN, Sở Công an của tỉnh Biên Hòa, cả công an ở Quảng Ngãi và Kontum, hai nơi mà Tân Mai đang xây dựng những phân xưởng sản xuất mới.
So với những nước chung quanh Việt Nam, tiêu chuẩn môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đủ nghiêm khắc. Chẳng hạn như nông dân còn đang dùng nước sông Bần để tưới ruộng tưới cây nhưng nước thải công nghiệp đổ ra sông này có những tiêu chuẩn COD, BOD còn cao. Thêm vào đó những hỗn hợp hóa chất chứa nguyên tử chlorine như chloroform là một hóa chất gây bệnh ung thư vẫn không được đưa vào danh sách cần phải kiểm soát trong chất lượng nước thải. Có lẽ những tên ở Bộ, ở Sở Tài nguyên và Môi trường phải học hỏi thêm ở những quốc gia tân tiến về chính sách bảo vệ môi trường.
Để tiết kiệm tiền, tôi nhờ người trong công ty tìm cho phòng ở trọ. Với khoảng năm trăm đô-la Mỹ một tháng, Hà Nội có những căn phòng thiết bị đầy đủ cả TV, máy điều hòa, bếp, giường ngủ, bàn làm việc, phòng tắm có nước nóng, máy giặt, người làm vệ sinh phòng hàng ngày và người gác dan ở cổng nhà. Trong căn nhà tôi định thuê phòng có đủ mọi dân tộc tôi biết như Singapore, Nhật, Mỹ, Úc, Nam Hàn. Họ chỉ cần đưa hộ chiếu cho ông chủ nhà là xong giấy tờ. Nhưng trong trường hợp tôi mà Hà Nội gọi là Việt kiều, tôi phải đi trình diện công an phường. Như vậy Hà Nội chỉ tin người ngoại quốc mà không tin Việt kiều, nhất là những Việt kiều mang hộ chiếu Mỹ. Để tránh mọi phiền nhiễu này, tôi thuê khách sạn dài hạn. Dĩ nhiên khách sạn phải báo cáo cho cục công an hàng ngày, bằng máy vi tính hay bằng giấy báo cáo, danh sách khách ngoại quốc tạm trú.
Bởi vì hàng ngày đi làm việc, về tối, nên chuyện đi ăn tối cũng là một vấn đề cho tôi. Những quán ăn bún, xôi, phở, bình dân v.v… mặc dầu rẻ nhưng không có vệ sinh. Những quán ăn như Club de l’Oriental (đường Tôn Đản), Press Club (đường Lý Thái Tổ) không phải là những quán đi ăn hàng ngày. Chỉ có những quán ăn như Paris Deli (đường Nhà Thờ), quán Cơm Phố (đường Lê Văn Hưu), Blue Butterfly (đường Hàng Buồm), quán Ăn Ngon (đường Lý Thường Kiệt) là hợp với chuyện đi ăn hàng ngày. Thế nhưng những quán ăn Hà Nội hình như không thích có khách quen mặt đến ăn thường xuyên. Một hai lần đầu họ sẽ chào hỏi khách vui vẻ nhưng qua những lần sau thì thái độ của họ trở thành lạnh nhạt và không muốn tiếp. Những dân ngoại quốc sống làm việc lâu ở Hà Nội xác nhận điều này cho tôi. Không biết chính sách công an hóa xã hội của Hà Nội có là nguyên nhân hay không.
Từ đêm thứ Sáu đến đêm Chủ nhật mỗi tuần, phố Hàng Đào, Hàng Ngang có chợ đêm. Trai gái, da đen, da trắng, da vàng đi chợ đêm nườm nượp. Hàng quán bày ra giữa đường bán đủ mọi thứ. Áo quần người lớn, con nít. Đồ nữ trang làm bằng nhôm nhựa. Xách bóp da giả, quần bò made in China. Thỉnh thoảng có văn nghệ công cộng vào những đêm thứ Bảy ở Công trường Chiến sĩ nho nhỏ ở góc Đinh Tiên Hoàng, Cầu Gỗ, Hàng Dầu. Trên tivi thì chỉ có tin tức công cán của mấy tên trong Bộ Chính trị, Thủ tướng hoặc những chương trình ca ngợi thành tích trồng cây trồng lúa do Đảng chỉ lối đưa đường. Không có tin nào về bô-xít, Trường Sa, Hoàng Sa. Phải ra khỏi Việt Nam mới đọc được những tin đó. Những website như talawas, Diễn Đàn, Tạp chí Da Màu, Người Việt Online, Thông Luận v.v… đều bị ngăn chặn. Chính sách của Hà Nội và Đảng Cộng sản Việt Nam là mị dân, bịt mắt bịt tai dân chúng, không muốn ai trong nước thấy sai lầm của họ. Thuốc mê của họ là những chương trình giải trí rẻ tiền vô tội vạ công cộng hay trên TV và tránh những tin tức có hại cho quyền lợi của họ. Ngay cả sách bán ở những nhà sách quanh Tràng Tiền, Ngô Quyền, Đinh Lễ đều là chủng loại vô thưởng vô phạt như cách làm giàu, hồi ký của Clinton, Bill Gates, sách học ngoại ngữ, truyện tình, truyện ma quái dịch từ ngoại quốc, v.v… Có một ít tác phẩm của Tự lực Văn đoàn (Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam), Dương Nghiễm Mậu được tái bản lại. Sách của Nam Dao, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng cũng được in lại rất nhiều. Nhưng tác phẩm của Nhân văn Giai phẩm thì không thấy trên quầy sách ở đâu cả.
Bây giờ công ty chúng tôi đã đủ giấy tờ để đi vào hoạt động sản xuất. Công nhân nhà máy đã lập liên đoàn lao động theo đúng Luật Lao động Việt Nam. Và công ty đang lỗ hàng tháng. Hy vọng rằng không có đình công bãi thị để công ty không rút ra khỏi Việt Nam.
Kim Long
fredag 20. august 2010
Abonner på:
Legg inn kommentarer (Atom)
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar