Giáo Sư Bách Khoa SG Bị VC Bắt.
Một giáo sư Ðại Học Bách Khoa ở Sài Gòn vừa bị bắt sau mấy ngày bị thẩm vấn mà theo lời vợ ông, có thể ông bị tình nghi quan hệ với đảng Việt Tân.
Ông Phạm Minh Hoàng, khoảng trên 50 tuổi, bị khám xét nhà và “bắt khẩn cấp” buổi tối ngày 13 tháng 8, 2010. Nội dung một bản tin của Ðài Phát Thanh Á Châu Tự Do phần Việt ngữ hôm Chủ Nhật, qua cuộc phỏng vấn của đài này với bà Lê Thị Kiều Oanh, vợ ông Hoàng, cho hay như vậy.
Ông Hoàng được biết đã từng tham gia ký tên vào bản kiến nghị thư chống khai thác bauxite hồi tháng 4 năm ngoái cũng như tham dự cuộc hội thảo về chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tổ chức ở Sài Gòn hồi tháng 9, 2009.
Qua lời kể của bà Lê Thị Kiều Oanh, vợ chồng bà đã bị công an thành phố gọi đi thẩm vấn liên tiếp các ngày từ 11 đến 13 tháng 8, 2010. Cả hai người đều bị thẩm vấn riêng rẽ nhưng được cho về nhà ban đêm. Vì có người quen khai vợ chồng bà là đảng viên Việt Tân, nhưng bà nói với đài RFA là “tôi biết chúng tôi không phải như vậy” và “không biết nguyên do từ đâu.” Bà còn nói: “Họ mời lên mời xuống nhưng không đưa ra được bằng chứng.”
Báo Người Việt chiều Chủ Nhật gọi điện thoại phỏng vấn ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn viên Ðảng Việt Tân ở Hoa Kỳ.
“Chúng tôi không biết có cuộc bắt giữ.” Ông Duy trả lời khi được báo Người Việt hỏi có biết tin trên không. Khi được hỏi có phải ông Phạm Minh Hoàng có quan hệ gì với đảng Việt Tân hay không, ông Duy chỉ cho biết các thành viên đăng Việt Tân “có nhiều tiếp xúc với trí thức ở trong nước và đó là chuyện bình thường.”
Ông nói thêm: “Cá nhân tôi không có quan hệ gì” với Giáo Sư Phạm Minh Hoàng.
Hiện nay, bà Kiều Oanh không biết chồng đang bị giam giữ ở đâu và sức khỏe ra sao.
Theo lời bà, bà đã bị buộc phải ký tờ giấy cấm không tiết lộ nội dung các cuộc thẩm vấn của công an và không bị đánh đập hay tra tấn.
Vợ chồng bà có một con gái nhỏ, nên những ngày bị bắt đi thẩm vấn, đã phải gửi cho bố mẹ chồng nay gần 90 tuổi.
“Tôi tinh thần hoảng loạn. Tôi rất là rối,” bà nói với RFA và kể cho biết, chồng bà khi đi du học từ năm 17 tuổi bên Pháp. Ông kể với vợ khi đi du học, ngồi nhìn qua khung kính máy bay, ông tự nhủ “một ngày nào đó trở về phụng sự quê hương.”
Ông Phạm Minh Hoàng trở về nước cuối thập niên 1990 và dạy học “bỏ cuộc sống hạnh phúc ở trời tây, không ngờ thế này,” bà Oanh nói như khóc. “Tôi chỉ mong chồng được thả ra. Chồng tôi vô tội.”
Ðối với các nước tây phương, đảng Việt Tân là một tổ chức vận động chính trị bất bạo động, hoạt động tự do. Nhưng chế độ độc tài đảng trị tại Hà Nội lại gọi là một “tổ chức khủng bố.”
Ðảng Việt Tân có một số thân hữu và đảng viên ở cả Việt Nam. Một số đảng viên Việt Tân từ Hoa Kỳ và Châu Âu về Việt Nam hoạt động thời gian gần đây từng bị bắt giam một thời gian ít tháng rồi trục xuất khi những người này có quốc tịch Hoa Kỳ, Pháp hoặc một nước Tây phương và với sự áp lực mạnh mẽ.
Hàng ngàn trí thức thuộc các ngành khác nhau ở Việt Nam đã ký tên trên bản kiến nghị thư chống khai thác bauxite hồi năm ngoái. Không thấy tin tức nói đến các vụ bắt giữ ồ ạt những người ký tên trên bản kiến nghị thư đó, nhưng ít nhất, ông Nguyễn Huệ Chi, một trong những người chủ xướng bức thư cũng như trang mạng bauxite Vietnam đã bị bắt thẩm vấn nhiều ngày. Trang mạng bauxite Việt Nam cũng bị đánh sập nhiều ngày hồi cuối năm ngoái.
Ðề tài khai thác bauxite cũng như chủ quyền biển đảo Hoàng Sa-Trường Sa là các đề tài “nhạy cảm” đối với nhà cầm quyền Hà Nội dù người dân chỉ bày tỏ lòng yêu nước. Một số người viết blog như Người Buôn Gió, Mẹ Nấm, Trang The Ridiculous, v.và bị bắt giữ ít ngày rồi thả chỉ vì chuyện chủ quyền biển đảo, khai thác bauxite nhạy cảm.
Cuối năm ngoái và đầu năm nay, 4 trí thức và cựu sĩ quan bị cáo buộc liên quan tới đảng Việt Tân, tổ chức “lật đổ” đã bị các bản án tù nặng nề. Ðó là các ông Luật Sư Lê Công Ðịnh, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, cựu Trung Tá Trần Anh Kim, và Lê Thăng Long.
Một tù nhân chính trị khác, thạc sĩ tin học Nguyễn Tiến Trung, là cựu sinh viên tốt nghiệp Ðại Học Bách Khoa tại Sài Gòn.
Người Việt.
torsdag 19. august 2010
Abonner på:
Legg inn kommentarer (Atom)
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar