fredag 20. august 2010

Những Ai Làm Ăn Với Việt Cộng

Những Ai Làm Ăn Với Việt Cộng.

Cách đây mấy tuần, hai vị giám đốc này lặng lẽ chuồn về được Sydney sau một kinh nghiệm làm việc khó quên ở Việt Nam, mà bạn bè của họ gọi đó là “một kinh nghiệm thật đáng sợ và xấu hổ”. Họ bị giam lỏng tại Việt Nam hơn 6 tháng trong khi bị công an điều tra về các hoạt động mua xăng dầu dự trữ gây thua lỗ của công ty liên doanh Jetstar Pacific.

Họ chẳng có hy vọng được trở về nhà vì luôn bị công an hỏi cung dồn dập, trong khi cả hai đều không nói được tiếng Việt. Một đồng nghiệp của họ cho biết “họ bị dọa dẫm, hỏi cung và không cho tiếp xúc với luật sư cũng như không hề được biết tội danh”.

Mặc dầu gặp rắc rối như vậy nhưng cả hai Marsilly và Freeman ít được công chúng Úc nhắc đến, ngay cả sau khi báo chí loan tin nhà cầm quyền Việt Cộng đã cách ly họ với gia đình ngay tại phi trường Tân Sơn Nhất.

Mặc dầu bên ngoài thì gần như im lặng, nhưng bên trong hậu trường thì hãng Qantas đã cật lực chạy đôn chạy đáo. Ông Steve Jackson, Tổng quản Vấn đề An Ninh của hãng, đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian tại Việt Nam để giải quyết vấn đề này. Trước đây, ông Steve từng làm việc cho lực lượng cảnh sát liên bang Úc, từng cầm đầu lực lượng đặc nhiệm cho Thế Vận Hội Sydney, và từng làm trưởng toán điều tra vụ đánh bom khủng bố tại Bali năm 2002.

Hai vị giám đốc này hiện nay đã an vị tại Úc nhưng từ nay liệu Qantas còn có thể tiếp tục làm ăn tại Việt Nam nữa không. Cả hai vị giám đốc này đều không bị truy tố. Cuộc điều tra về hoạt động mua xăng dầu dự trữ gây thua lỗ 31 triệu đô vào năm 2008 tại Jetstar Pacific được “chấm dứt” mà không có lời giải thích nào. Người ta cũng hiểu rằng cả hai vị chẳng muốn phát ngôn một điều gì về vụ này cả.

Vụ việc một thời làm náo loạn đến hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Qantas. Alan Joyce, vị Tổng giám đốc hãng Jetstar trước khi trở thành Tổng giám đốc của Qantas vào cuối năm 2008, là một trong hai thành viên cao cấp của Qantas nằm trong Hội đồng quản trị 6người của Jetstar Pacific đã chấp thuận các hợp đồng mua xăng dầu dự trữ vào tháng Hai năm 2008. Thành viên khác là David Hall, khi đó là Tổng quản Tài Chánh của Jetstar, nay là Tổng quản Kỹ thuật của hãng Qantas.

Khi vụ việc mới nổ ra, Qantas đã hỏi ý kiến tư vấn xem việc đi lại của các nhân viên cao cấp của hãng đến Việt Nam có an toàn hay không. Có một lần, cuộc họp của hội đồng quản trị của Jetstar Pacific đã được tổ chức tại Singapore thay vì tại tổng hành dinh của hãng tại Sài Gòn.

Qantas bị kẹt giữa hai phe nhóm: một phe thì muốn phát triển Jetstar Pacific, còn phe kia thì muốn đẩy Jetstar (Qantas) ra khỏi liên doanh. Ngoài cuộc điều tra về hoạt động mua xăng dầu dự trữ gây thua lỗ, Jetstar Pacific còn phải đương đầu với nhiều nhiêu khê khác trong những năm qua, kể cả việc Bộ Giao Thông Vận Tải muốn công ty liên doanh này phải thay đổi logo trước tháng 9 năm nay.

Jetstar Pacific là mối đe dọa đối với hãng hàng không quốc doanh Việt Nam Airlines, vì hãng liên doanh này là hãng hàng không lớn thứ hai tại Việt Nam và cũng là hãng hàng không liên doanh với nước ngoài đầu tiên sau khi Qantas mua lại một phần công ty này vào tháng 7 năm 2007.

Giờ đây hãng Qantas nắm giữ 27% cổ phần của hãng liên doanh này, và phía Việt Nam, thông qua Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm giữ phần còn lại.

Carlyle Thayer, giáo sư chính trị tại Đại học NSW, một chuyên gia về vấn đề chuyển đổi kinh tế và hệ thống chính trị của Việt Nam, nói rằng người nước ngoài không thể tin cậy vào hệ thống pháp luật của Việt Nam được bởi vì luật pháp và việc thi hành không ăn nhập với nhau. Ông nói “Vấn đề ở chỗ này: Việt Nam không phải là nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Môi trường làm ăn luôn có rủi ro, bởi vì nhà nước sẵn sàng can thiệp với mục đích chính trị và hình sự hóa vấn đề thương mại”.

“Bài học ở chỗ là các công ty nhà nước luôn được bảo vệ so với các công ty nước ngoài - Đây là một sân chơi không công bằng”.

Cuộc điều tra của CSVN về hoạt động mua xăng dầu dự trữ gây thua lỗ bắt đầu vào năm ngoái, mặc dầu kết quả cuộc kiểm toán trước đó của công ty kiểm toán KPMG không thấy có dấu hiệu sai phạm nào. Các hợp đồng mua xăng dầu dự trữ là một hình thức mua bán bình thường rất phổ biến của các hãng hàng không để dự phòng đột biến giá cả. Vụ mua xăng dầu dự trữ này trong năm tài khóa 2008-2009 cũng là vụ giao dịch đầu tiên của hãng liên doanh Jetstar Pacific.

Khi giá xăng dầu lên đến mức kỷ lục, ông Freeman Tổng quản Tài Chánh đã ký mua xăng dầu dài hạn với Tổng công ty Cung cấp Xăng dầu với giá US$135/thùng. Jetstar Pacific đã đặt mua trước với số lượng xăng đầu đủ cung cấp 75% cho cả năm, tính đến 31/05 năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 tháng giá xăng dầu rớt thê thảm khi cả thế giới rơi vào khủng hoảng, và cho đến cuối năm 2008 thì chỉ còn US$50/thùng. Do đó công ty liên doanh này bị “hố nặng vì ký hợp đồng quá sớm”.

Do sơ xuất mà bà Marsilly bị vướng vào cuộc điều tra bởi vì trong khi tạm nắm quyền Tổng giám đốc thay thế cho ông TGĐ Lương Hoài Nam nghỉ phép, thì bà đã ký vào các văn bản liên quan đến hợp đồng mua xăng dầu dự trữ này.

Vụ thua lỗ này đã tiếp thêm “đạn” cho phe nhóm đối nghịch với công việc làm ăn của Qantas. Một nhân viên nói rằng “Ngay từ ngày đầu tiên đã có sự chống đối khi công ty liên doanh được đặt tên Jetstar Pacific. Người ta cho rằng Qantas muốn bắt nạt công ty nhỏ”.

Có thể thấy rõ là Qantas bị CSVN bắt bí vì hai nhân viên là ông Freeman và bà Marsilly nằm trong tay họ, để Qantas không thể sử dụng quyền sang nhượng giá cổ phần ban đầu trong Jetstar Pacific. Đặc quyền sang nhượng (Put Option) được đưa ra để thu hút đầu tư nước ngoài, bằng cách cho họ quyền được rút lại đầu tư nếu sau này công ty làm ăn kém hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra thì thì phía cổ đông Việt Nam phải kiếm ra $50 triệu để hoàn trả cho Qantas.

Một nguồn tin nội bộ cho biết rằng trong một buổi làm việc do một viên tướng của Bộ Công An chủ trì vào tháng rồi, hai vị giám đốc này đã bị buộc phải thừa nhận trách nhiệm cho vụ giao dịch thua lỗ nặng nề đó.

Ông David Epstein, Tổng quản Ngoại vụ của Qantas đã bác bỏ các nguồn tin cho rằng hai vị giám đốc đã bị giữ làm con tin, và nói rằng họ không bị buộc phải ký nhận điều gì cả. Ông còn nói: “có nhiều giả thuyết này nọ, nhưng hầu hết đều không đúng”

Qantas đóng vai trò “đại diện giao dịch” trong năm 2008 cho các chuyển khoản mua xăng dầu bởi vì vẫn chưa có hình thức giao dịch xảy ra tại Việt Nam.

“Nói cho cùng, trách nhiệm là của Jetstar Pacific và họ phải trả lại đầy đủ”.

Ông Epstein nói rằng mới đây Qantas đã gia hạn quyền sang nhượng của mình “thêm vài năm nữa hoặc cho đến khi công ty liên doanh làm ăn phát đạt”. Ông cũng cho biết Qantas chưa có ý định rút ra khỏi Việt Nam và vẫn muốn gia tăng cổ phần trong Jetstar Pacific lên 30%.

Ông cũng xác nhận rằng có những lúc công ty liên doanh Jetstar Pacific nợ Qantas đến $10 triệu trong những tình huống khác nhau, nhưng không có liên quan đến vụ mua xăng dầu. “Chắc chắn là có lúc con số nợ lên tới mức đó ($10 triệu), nhưng tôi tin là hiện nay không có con số nợ nào đến gần con số này”.

Ông Richard Broinowski, cựu đại sứ Úc tại Việt Nam, nói rằng bài học cho việc làm ăn ở Việt Nam là phải hành xử cẩn thận và phải có được các nguồn tin thông thạo.

“Việt Nam cũng như Trung Quốc. Tuy là thị trường có mở cửa ra, nhưng đằng sau vẫn có bàn tay sắt của đảng cộng sản. Nếu sự việc không như ý muốn,... thì y như rằng họ sẽ nhúng tay vào”.

Việc mở rộng địa bàn làm ăn của Qantas đến Việt Nam thông qua công ty con Jetstar là nằm trong kế hoạch lâu dài, nhắm vào thị trường Á Châu đang lớn mạnh.

Khi Alan Joyce và Geoff Dixon, TGĐ Qantas khi đó, trình làng thương hiệu liên doanh tại Việt Nam năm 2008, họ tuyên bố là tiềm năng của tuyến bay Saigon-Hà Nội thậm chí còn lớn hơn tuyến Sydney - Melbourne.

Qantas cũng nhắm đến TP.Sài Gòn làm trung chuyển cho các chuyến bay đường dài đi Âu Châu sử dụng loại máy bay đời mới Boeing-787 Dreamliner, bởi vì rẻ hơn nếu sử dụng Singapore hoặc Bangkok.

Nhưng chính sách định giá vé bay của Việt Nam khiến cho kế hoạch khai thác các tuyến bay nội địa tại đây trở nên khó khăn. Đầu năm nay Jetstar đã chọn phi trường Changi của Singapore làm nơi trung chuyển cho các tuyến bay Châu Á và đi Âu Châu, thay vì TP.Sài Gòn.

Nói đến đây, chúng ta không khỏi nghi ngờ đặt dấu hỏi cho các vấn đề căn bản khác còn tồn đọng tại Việt Nam. Nhưng Qantas một mực khẳng định rằng hãng vẫn tiếp tục công việc làm ăn tại đây.

Ông Epstein nói “Chúng tôi có lòng tin, và đối tác phía Việt Nam cũng vậy,... rằng vấn đề này (vụ việc bắt ông Freeman và bà Marsilly) sẽ không có ảnh hưởng lớn lao gì đến mối quan hệ làm ăn”.

Lê Minh.

Ingen kommentarer: