lørdag 1. juni 2013

Chuyện Bất Bình


Chị Trương Bích Ngọc kể chuyện mình, mong muốn những vụ việc như vậy sẽ không xảy ra nữa, để Việt Nam sẽ là một điểm đến thân thiện đối với những hành khách phương xa.

Tôi cùng với gia đình đi du lịch Singapore, 23g ngày 7-4-2013 về tới cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Đứng xếp hàng chờ tới lượt làm thủ tục nhập cảnh trước tôi là một người Hàn Quốc, sau khi trình passport xong, không biết công an hỏi gì nhưng người khách Hàn Quốc này rút trong túi ra đưa tờ giấy chứng nhận thường trú ở Việt Nam (vì chồng tôi là người Pháp và làm việc lâu năm ở Việt Nam nên cũng có giấy này).
 
Tôi lại thấy tên công an kiểm tra passport của người khách này rồi hỏi gì đó, anh Hàn Quốc chỉ vào passport, song như sực nhớ ra, anh ta mới lấy trong cái túi nilông đang cầm trên tay tờ hóa đơn mua hàng và chỉ cho anh công an thấy chuyến bay ghi trên đó (thậm chí anh ta còn đọc số chuyến bay nữa).
Anh công an gật đầu quay lại nhìn vào máy tính rồi lại kiểm tra passport tiếp. Tôi đứng chờ lâu cũng nóng ruột vì sau chặng đường mệt mỏi, tâm lý ai cũng muốn được làm thủ tục cho nhanh để về nghỉ ngơi.
 
Người khách Hàn Quốc cũng vậy, vì cứ thấy tên công an không hỏi gì nữa mà cũng không kết thúc thủ tục nên anh ta hỏi bằng tiếng Anh: “Anh còn kiểm tra gì nữa vậy?”.
Vừa lúc đó, có một người công an khác ở quầy kế bên nhào sang hỏi: “Sao, có chuyện gì không? Thằng này quốc tịch nào?”. Miệng nói, tay anh ta chụp passport của vị khách Hàn Quốc từ tay của đồng nghiệp.
 
Tôi quan sát thấy anh Hàn Quốc tiếp tục trình bày nhưng cuối cùng thì anh công an (tên đầy đủ là Nguyễn Thế Tâm, số hiệu 003-588) nói với thái độ rất hung dữ: “Giữ thằng này lại đi, đưa nó vào làm việc”.
Khi ấy, tôi bước lên vừa trình passport vừa nói: “Thôi, mấy anh coi lại giấy tờ có hợp lệ thì giải quyết cho người ta đi chứ làm gì dữ vậy?”.
Sở dĩ tôi nói vậy là vì tôi rất sửng sốt trước thái độ của nhân viên an ninh nên muốn nói để anh bình tĩnh lại. Bởi lúc đó có rất nhiều người (Việt Nam có, nước ngoài có) đang làm thủ tục ở các quầy bên cạnh nhìn sang với thái độ rất ái ngại.
 
Không ngờ, tên Tâm quay lại nhìn tôi và hỏi: “Chị nói cái gì? Chị biết cái gì mà nói?”. Tôi trả lời: “Tôi thấy các anh kiểm tra cái gì người ta cũng đưa ra đầy đủ thì chỉ nói vậy thôi, người ta có làm gì đâu mà mấy anh làm dữ quá!”.
Tên Tâm nói luôn: “Giữ luôn bà này lại, chắc có liên quan gì với ông này đây! Giữ giấy tờ luôn. Mời chị vào làm việc với chúng tôi!”.
 
Tôi thấy thật bức xúc nhưng vẫn bình tĩnh nói: “Tôi không quen biết ông này, mấy anh đừng chụp mũ. Tôi không việc gì phải theo mấy anh vào đó làm việc vì gia đình tôi còn chờ bên ngoài. Bây giờ tôi yêu cầu mấy anh làm thủ tục để tôi còn đi về!”.
 
Đột nhiên có một người kết tội tôi: “Chị quấy rối trật tự an ninh, giờ chúng tôi giữ chị lại làm việc!”. Tôi thấy thật buồn vì chỉ có một câu can ngăn “dĩ hòa vi quý” mà họa rớt vào thân. Lúc đó, tôi quay sang tên Tâm và nói: “Được, tôi sẽ phản ảnh vụ việc vô lý này lên trên!”.
 
Tên Tâm cười thách thức tôi: “Ừ, cứ ghi đi!” rồi họ liên tục yêu cầu tôi đi theo họ để làm việc. Tôi chỉ nói: “Bây giờ các anh làm thủ tục cho tôi về. Tôi không đi đâu hết!”. Họ bảo tôi đưa lại passport để làm thủ tục nhưng khi tôi đưa xong thì họ giữ lại luôn và yêu cầu tôi phải theo họ vào trong.
Sau đó ít phút, họ đứng trên lầu và kêu vọng xuống yêu cầu tôi lên lầu để họ làm việc. Tôi quá bực tức và hét lên bảo họ không có quyền bắt tôi ở lại và nói thêm “Mấy anh cứ giữ đi, tôi sẽ nhờ lãnh sự quán Pháp tới làm việc với các anh”.
Cuối cùng, có một tên xưng là lãnh đạo trực ở đây đi xuống chỗ tôi đứng và giải thích: “Mời chị lên đó để làm chứng, để họ xem xét ai đúng ai sai, chứ không phải bắt giữ tội gì cả”. Tôi nói: “Tất cả sự việc tôi chứng kiến là khách quan, tôi thấy sao nói vậy, còn tôi không quen biết cũng như chẳng phải bà con, bạn bè gì của vị khách Hàn Quốc kia”.
 
Sau đó, tên lãnh đạo này bảo tôi đứng chờ họ làm thủ tục và cầm passport tôi lên lầu. Ít phút sau, họ lại gọi vọng xuống kêu tôi lên lấy passport về. Tôi lại phải lên lầu lấy passport và ra về với tâm trạng hết sức mệt mỏi và tức giận.
 
Tôi đi chơi ở nước ngoài, qua các của khẩu thấy người ta kiểm tra giấy tờ rất lịch sự. Nếu có vấn đề gì thì họ giải thích rõ ràng, yêu cầu người khách thực hiện trong sự tôn trọng và họ xưng hô “sir, madam”, chứ không có ai gọi là “thằng, con...” như vậy.
Tôi phản ảnh câu chuyện của mình chỉ để mong khi khách du lịch đến Việt Nam thì hãy có thái độ hòa nhã để người ta cảm thấy đây thật sự là một đất nước dù còn nghèo, nhưng đủ lịch sự và trọng thị.
 
HOÀNG ĐIỆP.
(Ghi theo lời kể của chị Trương Bích Ngọc, P.4, Q.Tân Bình, TP.SG)
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Ingen kommentarer: