fredag 20. november 2009

Tôi Sẽ Chiến Ðấu Tới Cùng !

* "Tôi sẽ chiến đấu tới cùng cho dù chỉ còn một mình tôi, trước hết là giành lấy nhân quyền cho chính mình, và giành lấy nhân quyền, dân chủ và tự do cho người Việt Nam."

* "Cộng sản Việt Nam đừng có mong chờ bất kỳ một điều gì dù chỉ là thỏa hiệp, chứ đừng nói là đầu hàng từ phía tôi."
* "Chính Đấng Tạo Hóa –Thượng Đế– đã sinh ra tôi…"
* "Tôi đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền và tự do cho Việt Nam hoàn toàn xuất phát từ niềm tin, từ lương tâm và trách nhiệm của tôi đối với chính tôi, đối với dân tộc Việt Nam và đối với Đấng Tạo Hóa đã sinh ra tôi."

Cho đến hôm nay, Lê Thị Công-Nhân đã trở thành một tên tuổi lớn. Không phải lớn vì cô là một luật sư trẻ tuổi, tài ba. Cũng không phải lớn vì cô đã được cả thế giới biết đến. Theo quan điểm riêng của người viết những dòng này thì chính cái nhân cách phi thường ẩn giấu đàng sau vóc dáng mảnh mai, yếu đuối một trái tim nhân hậu, một thái độ can đảm, một ý chí kiên cường, bất khuất của một con người có niềm tin son sắt nơi Thượng Đế, Đấng tạo dựng muôn loài vạn vật, đã khiến cho tên tuổi của cô trở nên vĩ đại, lẫy lừng và sáng chói.

Tên Công-Nhân của được ghép lại bởi hai từ: Công-Bằng và Nhân-Ái.

Đây không phải là điều bịa đặt hay suy diễn chủ quan của người viết.. Mà đã được nói ra từ cửa miệng của người đã cưu mang Lê Thị Công-Nhân, đã sinh ra cô và đã có công nuôi dạy cô nên một mẫu người đáng trọng đáng nể như ngày nay. Được biết, khi có kẻ tò mò muốn rõ vì sao một thiếu nữ trí thức có nhân dáng thanh cao, trong suốt và một vẻ đẹp hồn nhiên như thiên thần lại có tên là Công-Nhân, bà Trần Thị Lệ cho biết: vì sống dưới một xã hội lưu manh, gian dối, bất công và độc ác bà kỳ vọng sau này con gái bà ý thức được bổn phận và trách nhiệm của mình nên đã rút gọn hai từ Công-Bằng & Nhân-Ái để đặt tên cho cô là "Công-Nhân".

Từ đấy cái tên định mệnh này đã chi phối trọn vẹn cuộc đời cô bé..
Ra đời năm 1979 tại Tiền Giang, phần đất của miền nam nước Việt, năm nay cô bé vừa tròn 28 tuổi. Như vậy là trong ngót ba thập niên đầu đời, Lê Thị Công Nhân đã sống và lớn lên trong lòng chế độ cộng sản độc tài, độc đảng, phi nhân và tàn ác. Nhưng giống như bông sen, cô bé tuy sống "gần bùn" nhơ mà chẳng hề bị tiêm nhiễm bởi cáí "hôi tanh" của "mùi bùn". Được như thế chính là nhờ nhân cách và công lao dưỡng dục của một bà mẹ đạo đức từng thừa hưởng môi trường tự do, dân chủ, phóng khoáng trong suốt nửa đời trước, khi may mắn sống và được giáo dục dưới chế độ miền nam trước tháng tư năm 1975.

Lớn lên, Lê Thị Công Nhân ra Hànội ghi danh vào đại học. Ước vọng của cô là trở thành một luật sư giỏi để mai ngày mang sở học và tâm huyết của mình bênh đỡ giới công nhân, lao động cùng khổ. Cô tốt nghiệp Cử nhân Luật khóa K22 (1997-2001) và sau hai năm chuyên ngành cô trở thành luật sư thực thụ, hành nghề tại Văn Phòng luật sư Thiên Ân (Ơn Trời) của luật sư Nguyễn Văn Đài. Từ đấy, lý tưởng tranh đấu cho một xã hội công bằng và nhân ái đã trở thành niềm đam mê âm thầm nhưng mãnh liệt trong trái tim nhân hậu của người nữ trí thức trẻ.

Từ những năm 2004-2005, sự xuất hiện bất ngờ như ánh sao băng giữa trời tăm tối của người nữ luật sư trẻ họ Lê trong cao trào đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền, nhân phẩm ở quốc nội đã cuốn hút sự chú ý của mọi người, mọi giới, trong cũng như ngoài nước. Qua những bài viết sắc bén ký tên Lê Thị Công-Nhân đọc được trên NET kèm theo tấm hình một "cô bé" trang phục áo dài trắng trinh nguyên với khuôn mặt trẻ thơ, đôi mắt trong suốt cùng với nội dung những lời lẽ mềm mỏng nhưng quyết liệt trong những cuộc phỏng vấn của các đài phát thanh RFA, RFI, VOA, BBC, dư luận người Việt trong các cộng đồng tị nạn khắp thế giới bắt đầu xôn xao bàn tán về cô.

Trong niềm phấn khởi trước hiện tượng nở rộ của cao trào đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho nhân quyền, nhân phẩm Việt Nam ở quốc nội trong những năm đầu thiên niên thứ ba, bà con ở hải ngoại còn cảm thấy phấn khởi trước dấu hiệu cho thấy giới trí thức trẻ trong nước đã công khai nhập cuộc mà sự có mặt của luật sư Lê Thị Công-Nhân là một điển hình rực rỡ.

Hào quang và hấp lực của người thiếu nữ trí thức họ Lê đối với quần chúng –kể cả những nhân sĩ, trí thức, những người đang trực tiếp gắn bó với cao trào đấu tranh lâu nay– không chỉ giới hạn nơi nội dung những bài cô viết, những ngôn từ cô phát biểu hay hành vi, thái độ kiêu dũng của cô trước bạo lực… mà nó còn toát ra từ nhân dáng yếu đuối, nhỏ nhoi bừng lên nét đẹp hồn nhiên, thánh thiện trẻ thơ như thiên thần nơi cô gái được sinh ra ở tỉnh Tiền Giang, phần đất của miền Nam nước Việt 28 năm về trước.

Khi đọc những lời tuyên bố của nữ luật sư Lê Thị Công Nhân ghi chép lại thành văn, được gửi lên mạng lưới điện toán toàn cầu, hoặc xuất hiện trên mặt báo, cũng như nhiều người, tôi không nén được lòng xúc động. Nhưng khi được trực tiếp lắng nghe tiếng nói của cô qua cuốn băng thâu lại, niềm xúc cảm trong tôi tăng lên gấp trăm lần. Cung cách phát âm ngập ngừng, chậm rãi của cô cho người nghe bắt gặp trong đó tất cả cái e ấp thường tình của người con gái Việt Nam sống trong khuôn khổ lễ giáo từ một gia đình mực thước đạo hạnh, lần đầu phải lên tiếng nói về những điều trọng đại vượt quá sức mình.

Có lẽ lúc nói cô không khóc, nhưng qua âm sắc khi xúc động, lúc nghẹn ngào ẩn giấu đằng sau ngôn từ, người nghe vẫn thấy, vẫn cảm được từng giọt lệ như đang ứa ra từ đôi mắt nai ngây thơ, vô tội của cô. Nó mang hình tượng những giọt sương đêm mong manh đọng trên những cánh hoa hồng giữa cơn giông bão.

Trần Phong Ðại Vũ

Ingen kommentarer: