Hội Người Việt Tỵ Nạn Oslo & Vùng Đông: Tưởng Niệm 30.4 và Hội Thảo Xây Dựng Cộng Đồng
Với chủ đề "Tưởng Niệm 30 tháng 4 và Hội Thảo Xây Dựng Cộng Đồng" Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Oslo & Vùng Đông (HNV) qua sự góp sức của các đoàn thể đã long trọng tổ chức buổi lễ với sự tham dự khá đông đồng hương tham dự, vào Thứ Sáu, 01 tháng 5 năm 2009, tại Thủ Ðô Oslo - Na Uy.
Chương trình lễ được mở đầu vào lúc 11 giờ 40 bằng nghi thức chào quốc kỳ và phút mặc niệm để tưởng nhớ những anh hùng, anh thư đã vị quốc vong thân, những quân, dân, cán, chính đã chết dần mòn ở các trại tù khổ sai Việt cộng (VC), cùng đồng bào kém may mắn trên đường vượt biên, vượt biển sau biến cố tan thương của ngày quốc hận 30/4.
Sau nghi lễ thắp hương lên bàn thờ Tổ Quốc được 3 vị trưởng lão kính cẩn khấn vái trước vong linh những người đã khuất, ông Nguyễn Minh Tuấn, Hội trưởng HNV đọc diễn văn khai mạc. Với lời đầu tiên ông Nguyễn Minh Tuấn nêu cao tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam trong quá trình đấu tranh với hàng hàng lớp lớp các tầng lớp nhân dân đứng lên chống độc tài, áp bức, bất công trong xã hội Cộng sản (CS) ngày nay. Nhìn lại phía người Việt tỵ nạn tại Vương quốc Na Uy, khi đề cập đến sự gắn bó của đồng hương Việt, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết trong những ngày đầu tiên đặt chân đến đất nước này, người Việt tỵ nạn chỉ vỏn vẹn đếm một con số khiêm tốn khoảng 90 người, nay đã ngót 19 ngàn người, sống rải rác trên khắp đất nước. Nhưng theo ông Nguyễn Minh Tuấn, cộng đồng (CĐ) ngày càng tăng thì sinh hoạt CĐ càng co rút, mà giải pháp cần đưa ra theo vị Hội trưởng là cần có sự dấn thân tích cực của giới trẻ. Vấn đề này là do ở các bậc phụ huynh, làm sao cho con em mình nhận thức được tại sao đồng bào Việt phải bỏ nước ra đi, đồng thời chúng ta cũng có bổn phận đi song hành cùng các nhà dân chủ trong nước, để cùng tranh đấu giành quyền tự do dân chủ cho dân tộc.
Tiếp theo, lần lượt các vị diễn giả được mời lên thuyết trình về đề tài chính như sau: Trước hết, giáo sư tiến sĩ Lương Hữu Chí, qua đề tài "Bôxít - Hiểm họa môi sinh Việt Nam". Đây là đề tài nóng bỏng đi sát thời cuộc hiện nay, giáo sư Chí cho biết "bôxít là gì?" và lần lượt đưa cử tọa đến từng giai đoạn khai thác bôxít, tinh luyện nhôm từ bôxít, lợi nhuận thu vào khi khai thác bôxít. Nhưng đồng thời giáo sư Chí cũng báo động về hệ quả của việc khai thác này là vấn đề môi sinh bị tác hại trầm trọng, bởi cây xanh không còn đất sống, nguồn nước bị ô nhiễm vì nạn bùn đỏ từ nhà máy thải ra, các sông ngòi lân cận rồi đây sẽ trở thành những giòng sông chết v.v... Và điểm quan trọng hơn hết, hiện có cả hàng vạn nhân công người Trung quốc đang có mặt tại khắp các vùng Tây nguyên. Đây là nguy cơ lớn dẫn tới mất nước một khi ý đồ của TQ muốn dùng Tây nguyên làm bàn đạp để nuốt trửng Việt Nam.
Cô Nguyễn Thị Bích Phượng là diễn giả kế tiếp qua đề tài "Tại sao người Na Uy gốc Việt ít tham gia chính trị và tỷ lệ đi bầu rất thấp?". Đây là đề tài rất thực tế trong luận án Cao học của cô. Lần lượt cô Bích Phượng so sánh sự khác biệt giữa giới trẻ Việt Nam với giới trẻ các sắc khác qua các thời điểm mà mốc đầu tiên là thập niên 75 khi bóng dáng của những bậc cha mẹ bồng bế các em đặt chân đến đất nước này. Theo thống kê cho thấy, vào năm 2006 người Việt Nam có tất cả 29 hội đoàn, so với các sắc dân khác thì thấp hơn. Nhưng trong 29 hội đoàn này phần đông không hưởng được tài trợ của chính phủ và hoạt động có tính cách lẻ loi. Các tổ chức, hội đoàn theo ghi nhận của cô Bích Phượng được danh chính ngôn thuận đối với chính phủ Na Uy gồm: Phật Giáo, Công Giáo, Hội Người Việt, Hội Sinh Viên-Oslo, Hội Trẻ Em & Thanh Thiếu Niên VN, Trung Tâm Việt-Na Uy. Yếu tố nào làm cho đồng hương Việt tham gia chính trị quá thấp? cô Bích Phượng kết luận: "Hậu quả của chế độ độc tài khiến người dân sợ chính trị; Chưa có cơ hội để phát triển về các quyền tự do; VN bị thống trị bởi các thế lực độc tôn, độc tài nên người dân cảm thấy chính trị có sức mạnh ghê gớm, không muốn dính dáng vào; Ngôn ngữ là chìa khóa lần vào xã hội Na Uy, nhưng ngôn ngữ người mình đa phần yếu kém...".
Anh Phạm Bá Công với đề tài "Giới Trẻ & Cộng Đồng". Được biết anh Công đang là Tổng Thư ký của HNV, trước hết anh rất khó khăn và bỡ ngỡ khi được đặt vào ngôi vị làm diễn giả, nhưng là một người trẻ qua kinh nghiệm nhiều năm tiếp cận và làm việc với giới trẻ, anh Công đặt dấu hỏi: "Giới trẻ là ai?", rồi anh nhấn mạnh: "Không phân biệt tuổi tác, tất cả dành cho những ai cảm thấy mình còn trẻ trung...". Theo quan niệm của anh Công, ở lứa tuổi thanh niên nhưng tâm hồn ủy mị, đắm chìm trong tục lụy, chưa hẳn là trẻ; các vị lão thành nhưng tâm hồn phóng khoáng, biết tình tự quê hương, yêu thương đất nước, xót xa trước vận mạng dân tộc, cùng đồng hương đứng lên tranh đấu cho Việt Nam sớm được tự do, dân chủ, nhân quyền thì đó là những người trẻ đích thực. Tóm lại theo anh Công, CĐ và đất nước đang cần những giới trẻ như thế. Kế đó anh Công phân tích, giới trẻ tại Na Uy có những ưu điểm như: Tương lai vững chắc, xã hội ưu đãi... Ưu tư: Giới trẻ đứng trước ngã ba đường không biết mình là ai, lẩn lộn giữa một lằn ranh: Chính và Tà. Bế tắc của chúng ta là không bắt nhịp cầu cho giới trẻ về lịch sử, nhất là về hiện tượng bỏ nước ra đi, từ đó giới trẻ không quan tâm đến CĐ. Tâm trạng chung: Thụ động, hiểu sai lệch lịch sử VN, dấn thân cục bộ, thiếu tinh thần phục vụ tha nhân, bất đồng quan điểm giữa trẻ và già. Cuối phần trình bày, anh Công kêu gọi CĐ cần có giải pháp khả thi để lôi kéo giới trẻ gần gũi với chúng ta hơn.
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhật vì lý do sức khõe nhưng vào giờ chót ông cũng đến để góp phần trình bày về đề tài "Nhân 30.4, nghĩ về giặc Tàu đỏ". Tại sao là "Giặc Tàu đỏ nhân 30 tháng 4?" ông Nguyễn Hữu Nhật dẫn dắt người nghe qua các diễn biến chính trị từ thời Việt Nam Cộng Hòa, rồi tiếp đó với những hiệp định, hiệp thương mà đảng CSVN đã tráo trở. Nhìn chung theo nhà văn NHNhật, cuộc chiến không như lúc đầu ta tưởng, điển hình qua các cuộc đi đêm giữa Kissinger với nhà cầm quyền Bắc Kinh về tình hình Việt Nam lúc bấy giờ v.v...
Sau phần thuyết trình của các diễn giả, phần hội thảo được bắt đầu bằng sự định vị thành phần chủ tọa đoàn, gồm: Giáo sư Lương Hữu Chí, cô Nguyễn Thị Bích Phượng, anh Phạm Bá Công, Nhà văn Nguyễn Hữu Nhật. Điều hợp viên có ông Nguyễn Duy Hoan và Nguyễn Minh Tuấn. Lần lượt chủ tọa đoàn ghi nhận những ý kiến đóng góp đáng kể của cử tọa, đồng thời các câu hỏi đặt ra liên quan đến các đề tài thuyết trình và được diễn giả giải đáp thỏa đáng. Cuối cùng, nội dung buổi hội thảo được đúc kết như sau: Chưa có cuộc hội ngộ nào đáng kể để bàn về công việc chung giữa giới trẻ và CĐ; Phần đông giới trẻ tại Na Uy chưa biết cuộc chiến Việt Nam là gì; Làm Kiến Nghị Thư để phản đối việc khai thác bôxít; Giới trẻ sở dĩ ít tham gia chính trị là do xã hội bản địa; Cần nghiên cứu lại cơ cấu tổ chức CĐ.
Buổi lễ với sự tham dự của đại diện các tôn giáo, đoàn thể như: Ông Phạm Công Bằng, Trung Tâm Mục Vụ; ông Trần Hoa, Chùa Khuông Việt, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Na Uy; ông Lưu Lai, Hội Ái Hữu Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa; ông Đỗ Duy Huỳnh & ông Nguyễn Công Phàn, Hội Cao Niên Người Việt Tỵ Nạn; ông Trần Bửu Thọ, Hội Bảo Tồn Truyền Thống Việt Nam cùng các thân hào nhân sĩ và đồng hương, và kết thúc vào lúc 15 giờ 45 cùng ngày.
Buổi Hội Thảo đã được chuyển vào diễn đàn Paltalk: Tiếng Nói Dân Chủ Cho Việt Nam, diễn đàn cũng trực tiếp chuyển về Việt Nam qua mạng Yahoo.
Phạm Sĩ Việt.
søndag 3. mai 2009
Abonner på:
Legg inn kommentarer (Atom)
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar