onsdag 1. januar 2014

Phong Trào Ðấu Tranh Nhân Quyền Bắt Ðầu Lan Rộng


Với hàng loạt tổ chức, hiệp hội, mạng lưới, diễn đàn ra đời, với phong trào góp ý Hiến Pháp, có lẽ chưa bao giờ phong trào đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ lan rộng như trong năm 2013. Sự kiện Việt Nam được bầu làm thành viên Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc càng khiến dư luận trong và ngoài nước chú ý hơn về tình hình nhân quyền, cũng như càng giúp nâng cao ý thức nhân quyền của người dân.

Theo cái nhìn của linh mục Phan Văn Lợi, một trong những người sáng lập khối 8406, phong trào đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền trong năm 2013 đã phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Như Cha Phan Văn Lợi có nhắc lại, bất chấp lời kêu gọi khẩn thiết của giới nhân sĩ trí thức, cũng như nhiều người khác, các đại biểu Quốc Hội Việt Cộng vẫn thông qua bản Hiến Pháp sửa đổi vào ngày 28/11/2013. Ngay ngày hôm sau, 29/11/2013, nhóm 72 nhân sĩ trí thức đã ra tuyên bố phản đối một bản Hiến Pháp mà theo họ chỉ là nhằm “thể chế hóa cương lĩnh của đảng Cộng Sản Việt Nam, coi thường nguyện vọng của đông đảo nhân dân muốn xây dựng một Hiến Pháp làm nền tảng cho một chế độ dân chủ với Nhà Nước pháp quyền thật sự của dân, do dân và vì dân”. Bản tuyên bố của nhóm kiến nghị 72 cho rằng Quốc Hội “đã tự chứng tỏ không đại diện cho nhân dân và phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc”. Theo nhóm kiến nghị 72, do Hiến Pháp này không thật sự là Hiến Pháp của nhân dân, cho nên người dân có thể sử dụng quyền bất tuân dân sự của mình.

Vào cuối năm, người ta lại chứng kiến sự ra đời của Diễn Ðàn Xã Hội Dân sự trong tháng 11, không chỉ với những bài viết trên mạng mà còn với nhi những hoạt động khác nữa như tiếp xúc với nhiều cơ quan ngoại giao ở Hà Nội như với tất cả các tham tán chính trị của các nước Liên Hiệp Châu Âu, Canada cũng như một số vị đại sứ của các nước này; làm việc với báo cáo viên về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (phụ trách các vấn đề kinh tế), Phó Trợ lý Ngoại trưởng và Ngoại trưởng Hoa Kỳ; tham dự ngày nhân quyền với các nước Liên Hiệp Châu Âu.

Diễn đàn lấy khẩu hiệu của cụ Phan Châu Trinh làm phương châm hoạt động: Thực thi Dân Quyền; Nâng cao Dân Trí; Chấn hưng Dân Khí; Cải thiện Dân Sinh. Diễn đàn này vừa thông báo là đầu tháng 1-2014 sẽ hoàn thành cơ sở Công nghệ thông tin (một trang web) để có thể thử nghiệm trong nội bộ và sau đó sẽ khai trương và bắt đầu dự án thực thi quyền giám sát pháp luật của người dân.

Theo cái nhìn của giáo sư Jonathan London, thuộc Đại Học City University of Hong Kong, một nhà xã hội học nghiên cứu rất nhiều về Việt Nam, trong năm 2013, đặc biệt là qua việc góp ý Hiến Pháp, nền văn hóa chính trị, cũng như ý thức nhân quyền, dân chủ của người dân đã được nâng cao và ông cho rằng đó là những điểm đáng lạc quan cho tương lai của Việt Nam: “Tôi thấy năm 2013 là một năm rất quan trọng và đặc biệt trong lịch sử đương đại của đất nước Việt Nam, đặc biệt đối với sự phát triển chính trị xã hội của đất nước.
Có lẽ đó là một đánh giá, một góc nhìn mà một số người sẽ thấy là quá lạc quan hay ngây thơ. Đặc biệt vì những kết quả chính thức mà Việt Nam đã đạt được trong năm là không đáng kể, thậm chí là một năm có nhiều bước thụt lùi. Tôi không nghĩ như vậy.

Vâng, đã có nhiều cái không thể nào gọi là tốt đẹp. Những chiến dịch đàn áp thì vẫn còn. Những luật lệ mới có mục đích làm im lặng tiếng nói của dân thì cũng có. Và vẫn còn những nạn nhân của một chế độ quá bảo thủ, được thể hiện qua việc những người đòi cải cách bị đe dọa, bỏ tù.

Trong khi đó, vào lúc mà đất nước đang đối phó nhiều vấn đề gay gắt trong những lĩnh vực như kinh tế, giáo dục, và tham nhũng, Nhà nước Việt Nam hình như chưa sẵn sàng hay chưa có khả năng để tự cải cách mình.

Song, năm 2013 đã có những phát triển có thể được coi là hứa hẹn một cách sâu sắc:

Trong năm 2013, toàn dân Việt Nam đã có cơ hội để tham gia tích cực vào một tranh luận công khai về Hiến Pháp của Việt Nam và qua đó, ý thức của nhiều người dân đã tiến bộ một cách đáng kể về ý nghĩa của hiến pháp và những hạn chế của Hiến Pháp Việt Nam từ trước đến nay.

Riêng tôi cho rằng việc mà Việt Nam đã có thảo luận về Hiến Pháp là quan trọng hơn cả việc mà Quốc Hội của Nhà Nước và Ðảng đã thông qua một hiến pháp “mới như cũ”.

Trong năm 2013, toàn dân Việt Nam đã có cơ hội để nâng cao ý thức về nhân quyền qua việc trao đổi và đấu tranh vì nhân quyền ở Việt Nam một cách công khai để yêu cầu và khuyến khích nhà nước của họ tôn trọng và đẩy mạnh những quyền còn người mà nhà nước Việt Nam đã ký kết.

Và có lẽ quan trọng hơn cả là trong năm 2013 Việt Nam đã phát triển một diễn luận thực sự công khai về những vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế mà đã không có ở Việt Nam trong một thời gian rất lâu. Chắc chắn, ở đây chúng ta thấy rõ sự quan trọng của Internet và các nhà blogger và những người tôi gọi là mini – blogger, chia sẻ ý kiến quan điểm qua mạng Facebook chẳng hạn.

Mạng chỉ là một phương diện. Nhưng ở đây quan trọng là mạng ở Việt Nam đã thành một phương tiện cho dân để chia sẻ và trao đổi ý kiến một cách đa chiều.

Ngoài ra, trong năm 2013 chúng ta thấy rõ nhiều người có đủ dũng cảm chính trị để lên tiếng vì sự yêu nước của họ, bất chấp những biện pháp mang tính đàn áp của chính quyền. Trong năm 2013 đã có bao nhiêu hội, bao nhiêu mạng lưới phi chính thức đã được thành lập?

Tôi đặc biệt xin nhấn mạnh: Những người trong chính quyền thực sự có yêu nước, nhưng khác với trước, những người trong và ngoài nhà nước Việt Nam hiện nay đã không ngại lên tiếng nữa, vì họ thấy rõ sự cần thiết của những cải cách.

Đến bây giờ vẫn còn một khoảng cách quá lớn giữa những người đang đòi cải cách và những người chưa muốn thay đổi gì cả. Chúng ta thấy tình hình này rất rõ trong ngày mà Quốc Hội thông qua Hiến Pháp với một tỷ lệ mà chúng ta chỉ thường thấy ở những nước như Bắc Triều Tiên.

Theo tôi, một trong những trở ngại cơ bản nhất mà Việt Nam phải đối phó trong năm tới là làm cho nhà cầm quyền suy nghĩ một cách khác về những người trong và ngoài Nhà Nước đang đòi cải cách.
Thay vì thấy những người này là thù địch, hãy nhận ra những người này là những người yêu nước, những người có thể góp phần mạnh mẽ vào sự phát triển của đất nước Việt Nam. Vâng, ở cuối năm 2013 Việt Nam vẫn có chế độ độc đảng. Nhưng, trong năm 2013, tôi thấy Việt Nam đã thành một nước đa nguyên hơn nhiều về mặt văn hóa chính trị.

Vâng, chúng ta không nên phóng đại việc này. Nhưng chúng ta cũng nên nhìn rõ sự quan trọng của những tiến bộ rõ nét này và theo dõi sự phát triển của nó trong thời gian tới.

Trong năm tới, tôi ước rằng toàn dân Việt Nam sẽ tiếp tục tiến tới một xã hội cởi mở hơn. Muốn như thế, phải chấm dứt hành vi đàn áp mọi kiểu và khuyến khích sự phát triển của một nước văn minh hơn, một nước mà trong đó người dân mọi tầng lớp đều được tham gia vào đời sống chính trị xã hội của đất nước”.

Thanh Phương.

Ingen kommentarer: