Tôi đọc tin Đảng Uỷ Khối Dân Chính Đảng TP HCM tuyên bố khai trừ anh Phạm Chí Dũng với sự thất vọng vô hạn. Hóa ra Đảng vẫn cư xử như một tiểu nhân.
Phạm Chí Dũng là một trí thức, anh đã xử
sự rất văn hóa, rất đàng hoàng. Anh đã viết đơn gửi tới Đảng, nói rõ vì
sao anh xin ra khỏi Đảng, anh chẳng ghét bỏ gì Đảng, đơn giản là những
lý tưởng đã cuốn hút anh vào Đảng, nay anh không còn tìm thấy trong
Đảng.
Đảng đã thuyết phục anh rút đơn, ở lại
trong Đảng để đấu tranh với những tệ nạn trong Đảng mà anh đã nêu ra,
nghĩa là Đảng đã công nhận những gì anh viết trong đơn là đúng sự thật.
Nhưng anh đã nói thẳng thắn và chân thật: “Những hy vọng để thay đổi sự
suy thoái trong Đảng cứ nhỏ dần, nhỏ dần đến tuyệt vọng”.
Lẽ ra Đảng nên cám ơn Phạm Chí Dũng về
những gì anh đã đóng góp và để anh ra khỏi Đảng một cách nhẹ nhàng, để
anh bắt đầu một cuộc dấn thân về với dân, điều mà Đảng vẫn giao giảng
nhưng luôn làm ngược lại.
Hành động gần đây của các ông Lê Hiếu
Đằng, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Đắc Diên…làm tôi nhớ tới câu nói của cựu bí
thư của Đảng Cộng Sản Nam Tư Milovan Djilas: “20 tuổi mà không theo cộng sản, là không có trái tim, 40 tuổi mà không từ bỏ cộng sản, là không có cái đầu.”
Tôi tin rằng, trong hàng triệu các đảng
viên, còn rất nhiều người suy nghĩ như ông Lê Hiếu Đằng, Phạm Chí Dũng
và Nguyễn Đắc Diên. Nhưng với cách hành xử tiểu nhân của Đảng, khiến họ
phải cân nhắc và lựa chọn cách rời bỏ Đảng.
Phạm Chí Dũng là con nhà nòi cộng sản,
anh đã phục vụ trong quân đội và ngành an ninh, chắc anh đã biết quá rõ
về các thủ đoạn của Đảng đối với những ai không nghe lời Đảng. Đảng
chẳng từ một phương cách nào. Từ bao cao su, mắm tôm, đến côn đồ hóa bộ
máy công an và an ninh. Từ dụ dỗ, mua chuộc, đến đấm đá, triệt mọi đường
sống. Từ tổ chức đấu tố, sỉ nhục, đến các bản ản bỏ túi cho tù mọt
gông. Từ đánh đập, ép cung, đến vu cho các tội danh oan khuất thấu đến
trời xanh. Nhưng sau hàng chục năm trăn trở, anh đã quyết định rời bỏ
Đảng. Anh tâm sự: “Thực ra trong tôi đã manh nha ý định xin ra
khỏi Đảng từ lâu, từ những năm 2005-2006. Nhưng tôi vẫn bị ám ảnh bởi
một sự ràng buộc, một nỗi sợ hãi mơ hồ, nỗi sợ hãi đó từ cấp trên xuống
cấp dưới, từ thượng tầng kiến trúc tới tận cơ sở …. Nhưng tôi phải cám ơn
anh Lê Hiếu Đằng …. Khi thấy anh nói về việc anh từ bỏ Đảng, và một giọt
nước mắt long lanh trong khóe mắt của anh, thì tôi quyết định ngay: Thôi tới lúc rồi, và không thể chần chừ được nữa…Đảng chỉ còn mang bóng
hình của các nhóm lợi ích….”
Hiện nay Đảng như một ngôi nhà đã mục
ruỗng. Nền móng đã suy yếu, nứt vỡ và sụt lún, tường, cột kèo, mè rui,
mọt rỗng, mái dột nát từ nóc dột xuống.
Nhưng vì sao một ngôi nhà mục ruỗng như thế lại chưa bị đổ sập?
Thứ nhất, vì chưa có gió đủ mạnh để xô đổ
ngôi nhà. Nhân dân sau nhiều năm bị Đảng bưng bít, tuyên truyền, dọa
nạt, dụ dỗ, đe nẹt, trở thành một khối dân chúng yên phận. Họ chấp nhận
Đảng như chấp nhận số phận của mình, “cái nước Việt mình nó thế”. Thứ
hai, có hai trợ lực chống đỡ cho ngôi nhà nên nó còn đứng được trước các
cơn gió nhẹ, đó là quân đội và công an. Họ được Đảng dậy dỗ “còn Đảng
còn mình”. Những ai chỉ mới ho he muốn khơi nguồn gió trong dân chúng,
lập tức bị họ đánh đập, đe dọa, bắt bở, giam cầm.
Ngôi nhà này không thể sửa chữa được, chỉ
còn cách phế bỏ, xây ngôi nhà mới. Giải thể Đảng để xây dựng một đảng
mới theo tiêu chí tự do dân chủ, có lẽ đó sẽ là lối thoát cho Đảng Cộng
Sản và cho cả nhân dân Việt Nam.
Các đảng cộng sản ở Ðông Âu và thế giới
đã tan rã, đã giải thể, Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng sẽ không là trường
hợp ngoại lệ. Câu hỏi còn lại chỉ là thời gian, khi nào? Trả lời câu hỏi
này trước hết là những cán bộ, đảng viên của Đảng, những người như Lê
Hiếu Đằng, Phạm Chi Dũng, Nguyễn Đắc Diên, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Chí
Đức…, những người đã không nhập vào các “nhóm lợi ích”, “nhóm thân hữu”,
trăn trở về sự tha hóa của Đảng và hiện tình đất nước, dũng cảm cảnh
báo Đảng trước nguy cơ tan rã. Sau đến áp lực của quần chúng, sự trỗi
dậy của một xã hội dân sự, đòi lại quyền con người, chống lại sự độc
quyền của Đảng.
Trong diễn văn bế mạc đại hội cuối cùng
để giải thể của Đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan (đảng cộng sản), ngày
27-01-1990, ông Mieczyslaw Rakowski, bí thư thứ nhất BCHTU đảng đã nói
với ba triệu đảng viên: “Sự hiện hữu của Đảng chúng ta trong đời
sống dân tộc, đất nước coi như đã chấm dứt…. Tôi cho rằng, điểm yếu kém
nhất của phong trào cộng sản và đồng thời là nguyên nhân của tất cả sự
thất bại của nó là sự từ bỏ dân chủ….Xã hội đã được giải phóng khỏi sự
sợ hãi và xã hội đã ban thưởng cho Công Đoàn Đoàn Kết lòng tin và hy
vọng. Nói một cách thẳng thắn: sự thất bại của chúng ta là bài học đích
đáng.”
Đến bao giờ thì ”Đảng ta” rút ra được bài học đích đáng?
Những đảng viên rời bỏ Đảng, hết yêu
Đảng, không có nghĩa là họ thù ghét Đảng. Thay vì căm tức, thù ghét họ,
Đảng nên “xem xét, tỉnh táo, sáng suốt” vì sao họ lại hết yêu mình?
Con đường trở về với dân của Phạm Chí
Dũng chắc sẽ còn nhiều khó khăn, trắc trở. Chúc anh ”chân cứng đá mềm”,
hạnh phúc và nhiều niềm vui trong năm mới.
Đinh Minh Đạo.
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar