mandag 22. april 2013

Phe Bắc Phe Nam - Phe Nào Thắng ?

 

30-4-1975 cuộc chiến Bắc Nam chấm dứt, nhưng chiến tranh lại tiếp tục xẩy ra giữa phe cánh cộng sản miền Bắc và miền Nam. Phe miền Nam đều được chia cho ghế Thủ Tướng, còn ngược lại phe miền Bắc nắm Tổng Bí Thư. Như thế trong hệ thống độc đảng, cũng cùng 1 đảng, nhưng phe miền Bắc nắm đảng còn phe miền Nam được giữ nhà nước.

Khi đảng còn toàn trị thì đảng, nhà nước, quốc hội, mặt trận đều là một, ít có chuyện xẩy ra. Đại hội 6 lại quyết định cải cách kinh tế nhưng vẫn giữ nguyên hệ thống chính trị. Nhà nước lo phần kinh tế thì phải hướng đến cạnh tranh quốc tế, còn chính trị thì vẫn theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhà nước muốn đi tới cũng bị cái định hướng xã hội chủ nghĩa cản lại, nên biến kinh tế thành kinh tế rừng rú: mạnh được yếu thua, tham nhũng và nhóm lợi ích tha hồ hòanh hành. Cán bộ đảng, tư bản đỏ thì càng ngày càng trở nên giầu có trong khi người dân lại hết sức lầm than khổ cực. Trần Xuân Bách đã ví kinh tế và chính trị như hai chân muốn tiến lên thì phải đều bước. Chân này đi tới, chân kia kéo lui, thì tét háng là chuyện tất xẩy ra. 

Chả thế Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng đảng cần mang ra Hội nghị trung ương 7 bàn việc thay đổi quốc hiệu “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” để trở lại quốc hiệu cũ là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Bỏ cái Xã Hội Chủ Nghĩa để theo Dân Chủ.

Còn nhà nước và mặt trận thì lại đồng ý với Kiến Nghị 72, Kiến Nghị Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Việt Nam, Tuyên Bố Công Dân Tự Do, Khối 8406, chấp nhận quyền lập hiến là thể hiện cao nhất chủ quyền nhân dân và sửa đổi phải thông qua trưng cầu dân ý.  

Phía nhà nước lại còn được cả Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đường đường chính chính chủ tọa. Rõ ràng Nguyễn Tấn Dũng đang thách thức với phe đảng do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu. Nguyễn Tấn Dũng phủ nhận việc tiếp tục mang Cương Lĩnh của đảng Cộng sản áp đặt trên Hiến Pháp, trên Luật Pháp quốc gia và đòi phải trả lại quyền lập hiến cho dân. 

Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên góp ý Nguyễn Phú Trọng thì bị mất việc. Bây giờ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý và sử dụng ý kiến của Nguyễn Đắc Kiên, nhưng Nguyễn Đắc Kiên vẫn chưa được báo Gia đình và Xã hội xin lỗi và mời làm việc lại. Làm dân trong một nước mất tự do là thế. Chỉ có kẻ cầm quyền mới được ăn được nói. 

Khi Thông báo Quốc Hội cho biết thay đổi thời hạn góp ý từ hạn cuối ngày 31-3-2013 sang hạn mới là 30-9-2013, người viết đã đặt câu hỏi: “Có phải các thế lực nhà nước do Nguyễn Tấn Dũng đại diện vì bị thế lực “Đảng” do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu dùng hiến pháp tước quyền, nay cánh nhà nước công khai nổi dậy đảo chánh tước quyền của Đảng.

Lạ một điều là cả nhà nước, mặt trận và quốc hội (Ủy ban sửa đổi hiến pháp) đều góp ý cùng một lúc và lại đòi mang đề tài vô cùng tế nhị này ra Hội Nghị 7 vào tháng 5 sắp tới. Một cuộc đảo chánh vừa ngấm ngầm vừa công khai xẩy ra. Độc chiêu ba đánh một này phe Nguyễn Tấn Dũng sẽ đẩy phe đảng Nguyễn Phú Trọng vào trận quyết tử để bảo vệ thành trì cuối cùng cho đảng Cộng sản Tàu. Trước khi thảo luận tại sao lại là đảng Cộng sản Tàu chúng ta cần nhận định rõ ràng đây chỉ là trò chơi giữa hai phe Bắc Nam dùng để chỏang nhau.

Phía nhà nước vẫn cho rằng cần phải có luật “Trưng Cầu Dân Ý” và phải được Quốc Hội Cộng Sản quyết định thì mới được đưa ra “Trưng Cầu Dân Ý”. Đây chỉ là cách hõan binh và vẫn kiên định chỉ chơi trong phạm vi quốc hội bù nhìn. Đó là chưa kể xưa nay cộng sản vốn quen thói lừa bịp, hứa mà không làm. Thế nên việc sửa đổi hiến pháp chỉ nên xem là trò hề. Điều lý thú và tích cực là trò hề lại được phe nhà nước sử dụng như một khí cụ sắc bén để đánh phe đảng.

Phía Kiến Nghị 72, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Việt Nam, Công Dân Tự Do, Khối 8406, và nhiều tổ chức khác thì đòi đảng Cộng sản phải trả ngay quyền Lập Hiến cho tòan dân.  

Ngay từ khi thành lập (8-4-06), Khối 8406 cho rằng đảng Cộng sản phải tôn trọng ý kiến của dân nên đã đề ra phương cách Trưng Cầu Dân Ý với sự kiểm soát Quốc tế. Chỉ có sự kiểm sóat trực tiếp, sâu rộng và hiệu quả của Quốc Tế mới giới hạn được thói gian manh lừa đảo của những người cộng sản.

Việc các Tôn Giáo chính Phật Giáo, Công Giáo, Phật Giáo Hòa Hỏa, Cao Đài, Tin Lành đang tiến đến thành lập một liên tôn chính là một giải pháp. Liên Tôn sẽ đứng ra hội tụ các tổ chức chính trị, các tổ chức dân sự nhằm đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.

Một yếu tố quan trọng khác, người viết đã liên tục đưa ra là phe muốn bảo vệ đảng, bảo vệ xã hội chủ nghĩa, là phe muốn dựa vào “kẻ thù truyền kiếp” của dân tộc Việt Nam. Phe này tìm mọi cách để ru ngủ người dân quên Hòang Sa, quên Trường Sa, quên nhiều phần lãnh thổ của Cha Ông để lại, hiện trong tay quân Tàu xâm lược. Nếu Việt Nam không có tự do chỉ một thời gian ngắn nữa, Việt Nam sẽ hòan tòan là thuộc địa của Tàu.

Việc chống Tàu cứu nước và giữ nước cần có sự đồng thuận dân tộc. Và chỉ một thể chế tự do dân chủ thực sự mới tạo được gắn bó của tòan dân, khi ấy Việt Nam mới đủ nội lực để chống lại sự bành chướng của Bắc Phương.    

Theo Mỹ là theo dân chủ. Một sự chuyển tiếp ôn hòa được Liên Tôn chủ động kết nối các khuynh hướng chính trị và dưới sự sự kiểm sóat của Quốc Tế, sẽ tránh được một cuộc nổi dậy bạo động. Khi ấy giới cầm quyền cộng sản và gia đình, dù đã đào tẩu khỏi Việt Nam, cũng khó tránh khỏi việc trả thù.

Mỹ ở phương Nam. Phe theo Mỹ là phe Nam. Tàu phương Bắc. Phe theo Tàu là phe Bắc. Phe Nam đã khai chiến với phe Bắc và chiến tranh sẽ bùng nổ trong Hội Nghị 7 diễn ra vào tháng 5 này. Cuộc chiến Bắc Nam đã bắt đầu và càng ngày sẽ càng trở nên khốc liệt hơn. Phe nào thắng cũng chỉ là chuyện nội bộ của đảng Cộng sản.

Lẽ đương nhiên nếu phe Nam thực tâm quay về với dân tộc, thì như ông bà ta đã dạy, chúng ta cũng cần “lấy chính nghĩa để thắng hung tàn lấy trí nhân mà thay cường bạo”.

Về phía dân tộc, hơn lúc nào hết những người yêu chuộng tự do cần dẹp bỏ sự khác biệt để gắn bó với nhau, gắn bó với dân tộc, giải thể đảng Cộng sản, mang tự do, dân chủ, thịnh vượng và toàn vẹn lãnh thổ đến cho quê hương Việt Nam mến yêu của chúng ta.  

Nguyễn Quang Duy.

   

  

 

Ingen kommentarer: