mandag 17. desember 2012

Thế Nào Là Hèn Nhát ?


Thế nào là hèn nhát ? Hèn nhát là hung hăng tàn ác với kẻ yếu nhưng khuất phục trước uy vũ của kẻ mạnh. CSVN hèn với giặc nhưng ác với dân theo định nghĩa đó. CSTQ giết ngư dân, phá hủy tàu đánh cá của ta thì không dám gọi thẳng tên tàu TQ mà gọi là tàu lạ. Nhưng đối với những cô gái chân yếu tay mềm như Nguyễn Phương Uyên, những người dân cô đơn yếu thế thì lại hung ác tột cùng.

 Được học bài tập đọc "Hai Bà Trưng" trong sách giáo khoa chính thức của nhà nước, chỉ thấy Hai Bà Trưng đánh giặc nhưng "nhưng than ôi, cháu đọc hoài mà vẫn không hiểu Hai Bà đánh giặc nào" , người Việt Nam ai cũng biết hai chị em Bà Trưng, và Bà Triệu Ẩu là những vị anh hùng dân tộc có công chiêu binh mộ tướng phất cờ khởi nghĩa chống xâm lăng từ phương Bắc. Hai Bà Trưng chống quân Đông Hán, Bà Triệu chống quân Đông Ngô.

Ngày đó chưa có xe đạp xe máy, xe ôtô, xeo phôn, in tờ nét, nên các Bà vất vả lắm và tốn nhiều thời gian để liên lạc, trao đổi tin tức, tuyển mộ quân sĩ v.v... nhưng mọi sự đều suôn sẻ cho đến giờ phất quân khởi nghĩa, không bị nhà cầm quyền "nửa bộ lạc nửa phong kiến" làm khó dễ, hay là vì các Bà bị "bọn phản động chống phá tổ quốc" lúc ấy quá mạnh chăng. Hay là chính nhờ vào phương tiện truyền thông chỉ thuần túy mồm-tai-tay, nên không có chỗ cho công an mạng mằn mò trên mạng, trộm email, hoặc không có máy com piu tờ cho côn đồ xông vào nhà cả đêm lục lạo phần cứng phần mềm, Vân vân và vân vân...

Chứ như bây giờ, cũng chính bọn giặc ấy đến, chúng đã cướp chiếm Trường Sa, Hoàng Sa, lăm le vùng biển, giết người cướp của, bắt nạn nhân đòi chuộc, đánh chìm ghe tàu của ngư dân ta; trên bờ, chúng đã leo lên nóc nhà Tây nguyên, "thuê" trọn rừng núi biên cương; xây riêng thành phố; lập khu cấm người Việt bén mảng đến , lộng hành thương trường; xỏ xiên hàng hóa, độc hóa thực phẩm... Tàu Cộng ngày còn gian manh ác độc nham hiểm hơn gấp bội tổ tiên chúng Đông Hán Đông Ngô thời các Bà Trưng, Bà Triệu.

Trước vận mạng của Tổ quốc như sợi chỉ treo mành, người Việt còn hồn Việt có ai không sôi sục lòng yêu nước; trong giới nữ nhi đã không ít người noi gương tiền nhân. Nhưng hó hé là bị bọn phản động chính cống chính hiệu con nai vàng trong giới cầm quyền "bắt đi tù" ngay. Như cô Phạm Thanh Nghiên chỉ treo cái biểu ngữ ghi mấy chữ "HS-TS-VN" treo trong... nhà mình để phản đối Tàu xâm lăng mà cũng bị bắt tù 4 năm. Và những nữ nhi hậu duệ các Bà mới chỉ "lên tiếng" tinh thần Trưng Triệu, chứ chưa nói đến chuyện lên thớt voi lưng ngựa, như các anh thư Đỗ Minh Hạnh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Hoàng Vi, Bùi Thị Minh Hằng, Đặng Bích Phượng, Huỳnh Thục Vy... đã bị bọn phản quốc khống chế ngay bằng những phương tiện phi pháp và thủ đoạn đểu cáng, đê hèn, vô nhân tính.

Nhưng, "Đừng sợ hãi". Phải chăng, nhờ thấm nhuần được tinh thần của lời nhắn gửi riêng cho thanh niên Ba Lan, nhưng là chung cho thanh niên những quốc gia đang bị áp bức, của Đức Giáo hoàng Gioan Phao Lô ll, người được mệnh danh "vĩ nhân thời đại": "Tôi là người con của tổ quốc Ba Lan. Tôi yêu tổ quốc tôi. Tôi đã không dửng dưng với những áp bức mà tổ quốc tôi phải gánh chịu, thì nay tôi cũng không dửng dưng với những thử thách mới trước sự tự do mà tất cả chúng ta đang đối diện... Chúng ta đang vượt qua Biển Đỏ."
Phải chăng, nhờ mang trong mình giòng máu Nhị Trưng được vua Tự Đức diễn tả trong "Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục":
"Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng những mặt dày thẹn chết lắm!"
Cùng với tinh thần Triệu Ẩu:
"Gặp cơn thảo muội cơ trời,
Đem thân bồ liễu theo loài bồng tang.
Đầu voi phất ngọn cờ vàng,
Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha.
Chông gai một cuộc quan hà,
Dù khi chiến tử còn là hiển linh".

Phải chăng nhờ tất cả những thứ đó, truyền thống tổ tiên cùng tinh hoa thời đại kết hợp với nhau thành sức mạnh hồn thiêng sông núi phả vào tâm hồn cô sinh viên bé bỏng Nguyễn Phương Uyên "hiền lành, học giỏi, dễ thương, vui tính, tốt bụng, yêu đời, yêu quê hương đồng bào..." như nhận xét của một số bạn cùng lớp Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Sài Gòn, mà Phương Uyên đã dám vươn vai Phù Đổng giữa lệnh
cấm của triều đình!

Nguyễn Phương Uyên đã bị bắt vì chống ngoại xâm bằng những câu thơ, biểu ngữ, xuống đường bày tỏ lòng yêu nước ôn hòa, bởi chính nhà cầm quyền của nước em; chứ không được cái may mắn như thánh nữ anh hùng Jeanne d'Arc của nước Pháp bị quân Anh bắt nơi trận tiền gươm giáo.

Thật phúc cho các Bà Trưng bà Triệu được sinh ra thời Việt Nam còn văn minh "nửa Bộ Lạc nửa Phong kiến", chưa được ánh sáng Mác Lê chiếu vào, nên còn được quyền chống ngại xâm để bảo vệ Độc lập cho Tổ quốc Dân tộc mà không cần gắn liền với Cộng Hòa Xã Hội VN.

Nguyễn Bá Chổi.

Ingen kommentarer: