søndag 9. desember 2012

Kỷ Niệm 64 Năm Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền





Nhân quyền là vấn đề trung tâm trong những cuộc tranh luận chính trị trên thế giới ngày nay.  Nhân quyền nêu ra những tiêu chuẩn để căn cứ vào đó mà chúng ta thẩm  định giá trị của một xã hội, thẩm định quan hệ giữa nhà nước và một cá nhân, thẩm định quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng thế giới và thẩm định quan hệ giữa luật pháp quốc gia và luật quốc tế.

Địa bàn tranh luận về nhân quyền thường xảy ra trong Liên Hiệp Quốc vì tổ chức này là tổ chức duy nhất có phương tiện, khả năng và uy tín để lôi cuốn sự chú ý của thế giới mỗi khi có những biến cố bất thường xảy ra, hoặc có những khó khăn cần điều chỉnh hay giải quyết.
                                                                                                                                   
Sau Thế Chiến II, Liên Hiệp Quốc được thành lập.  Trong bản Hiến Chương công bố vào năm 1945, tổ chức quốc tế này xác định:  Lòng tin vào những quyền căn bản của con người, vào nhân phẩm và giá trị của mỗi cá nhân, vào sự bình đẳng giữa nam nữ của tất cả các quốc gia không phân biệt kích thước lớn nhỏ.

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền công bố ngày 10/12/1948 là một bộ luật nhân quyền của  nhân loại.  Vì có những tiếng nói yêu cầu nhân quyền phải được bảo vệ bằng luật pháp nên bản tuyên ngôn đã ra đời.  Nội dung của bản tuyên ngôn là một công trình tổng hợp, sau khi tham khảo các tư tưởng của Tây Phương, Marx-Lenin, và  các tập tục khác trong cộng đồng nhân loại.

Nói khác, Tuyên Ngôn là một tác phẩm do nhiều nền văn hóa tạo nên: Người Tây Phương chú trọng đến các quyền dân sự, chính trị và tự do cá nhân; người Sô Viết quan tâm đến các quyền kinh tế và xã hội; người Mỹ La Tinh chủ trương pháp trị; người Scandinavian đòi hỏi bình đẳng giữa nam nữ; người Ấn Độ và Trung Quốc bác bỏ mọi hình thức kỳ thị; đại diện của một số nước khác tranh đấu cho tự do tôn giáo.
 
Trước công tâm và cố gắng nói trên của nhân loại, một vài ý kiến phá hoại vẫn xảy ra.  Cho nên ý kiến chung là phải có một bộ luật quốc tế về nhân quyền để ràng buộc và chính vì thế mà các công ước quốc tế về nhân quyền đã ra đời:  Công ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị (International Covenant On Civil And Political Rights, ICCPR) và Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Kinh Tế, Xã Hội Và Văn Hóa (International Covenant On Economic, Sociial And Cultural Rights, ICESR).  Hai công ước này đã cho nhân quyền một sức mạnh như chưa bao giờ có về tính hợp pháp và về mặt ngoại giao.

Tiếp theo hai công ước nói trên là sự xuất hiện của một số không nhỏ của nhiều công ước khác:  Công ước cấm tra tấn, công ước bảo vệ những người tị nạn chính trị, công ước bài trừ kỳ thị chủng tộc và những hình thức kỳ thị khác, công ước bảo vệ lao động, công ước bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Việc ký kết những công ước này không găp khó khăn nhưng khó khăn lại xuất hiện khi đem nội dung của những công ước này ra thi hành trong thực tế.

Vấn đề định nghĩa nhân quyền:

Nhân quyền là một ý niệm được đưa ra để nâng cao nhân phẩm và những thuộc tính (attributes) của con người trong sinh hoạt xã hội, nhằm tạo ra một sự thoải mái cho một cuộc sống đáng sống.  Nhân quyền bảo vệ những thuộc tính đó và công khai kêu gọi nhân loại đặt ưu tiên cao cho nỗ lực bảo vệ này.

Từ nhiều thế kỷ nay, nhân quyền đã xuất hiện dưới hình thức các đạo luật và tập tục để bảo vệ con người bình thường , các nhóm người trong xã hội, các dân tộc thiểu số, các chủng tộc, chống lại sự hà hiếp của những người cai trị.  Nhân quyền đã xuất hiện trong sinh hoạt xã hội như những quyền của cá nhân, có tính phổ quát và bất khả chuyển nhượng.

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền kêu gọi mọi người phải có trách nhiệm và bảo vệ nhân quyền, nên chính vì lý do này mà nhân quyền mang tính phổ quát.  Còn nói về tính bất khả chuyển nhượng thì phải hiểu rằng, nếu trường hợp chuyển nhượng thật sự xảy ra thì cuộc sống của con người không còn là một cuộc sống  đầy đủ và toàn vẹn theo như bản chất của nó nữa.
 
Trước Thế Chiến II, thuật ngữ nhân quyền dùng để chỉ các quyền dân sự và chính trị.  Các quyền này được gọi là những quyền của “thế hệ thứ nhất” (first generation rights).  Các quyền kinh tế, xã hội, và văn hóa, sau đó được gọi là những quyền của “thế hệ thứ hai”.  Tới năm 1986 ̉ thì xuất hiện một quyền thưộc “thế hệ thứ ba”.  Đó là quyền được phát triển (right to development).

Bản Tuyên Ngôn năm 1986 công nhận quyền được phát triển, công nhận con người là đối tượng chính yếu, đồng thời là kẻ tham gia và là kẻ thừa hưởng duy nhất của quyền này.  Tuyên ngôn cũng nhấn mạnh đến tính bình đẳng của nhân quyền và coi sự vi phạm nhân quyền như là lực cản chính yếu cho vấn đề phát triển.
                                                            
Vấn đề định nghĩa nhân quyền cần thiết để biết rõ đặc tính của mỗi loại.  Trước tiên phải nhận định rằng các quyền dân sự (civil rights) chỉ liên quan đến cá nhân chứ không phụ huộc điều kiện xã hội.  Các quyền kinh tế, trái lại, liên quan đến vấn đề lao động, vấn đề công ăn việc làm, và vấn đề được thù lao công bằng.  Quyền xã hội đòi hỏi ở nhà nước quyền được hưởng an sinh xã hội, giáo dục và chăm sóc y tế.  Quyền văn hóa chưa được xác định rõ rệt lắm nhưng đại để nó gồm các quyền liên quan đến những người bản xứ (indigenous people).

 Ngoài những quyền liên quan đến cá nhân như đã trình bày ở trên còn có những quyền liên quan đến tập thể.  Quan trọng nhất là quyền tự quyết (self-determination).  Các quyền này đưa đến hậu qủa là quốc gia có quyền lựa chọn chính sách riêng của mình và lựa chọn hình thái chính quyền mà mình muốn. 

Có ý kiến cho rằng ý niệm nhân quyền có một phạm vi áp dụng quá rộng.  Như thế nó làm mất ý nghĩa của thuật ngữ này.  Nhưng nhiều người khác lại có một nhãn quan ngược lại.  Những người này cho rằng: “Nhân Quyền ngày nay không còn mang ý nghĩa là những điều kiện tối thiểu cần thiết cho nhân phẩm của con người, mà thực sự đã bao gồm tất cả những gì có thể coi như là cần thiết cho sự phát triển của con người”.

Nhìn vào thực tế của sự bảo vệ nhân quyền trên thế giới hiện nay người ta thấy rằng sự bảo vệ đó chưa đúng mức. Bộ máy bảo vệ nhân quyền đang còn ở trong tình trạng thai nghén , và còn cần được cải tiến và cải thiện rất nhiều.

Đối với trách nhiệm cải thiện các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, nhà nước có thể kêu gọi sự hợp tác của các tổ chức tư nhân.  Còn đối với việc tôn trọng các quyền dân sự và chính trị, nhà nước phải đặc biệt quan tâm đến các vấn đề hợp hiến, pháp trị và bầu cử ngay thẳng,

Tại Á Châu ngày nay tệ nạn chính trị thông thường nhất là việc lợi dụng ý niệm chủ quyền quốc gia và lý do an ninh như những tấm lá chắn đễ vi phạm nhân quyền. 

Nguyễn Cao Quyền.

Ingen kommentarer: