Chúng ta thường xuyên nghe cụm từ "Đảng và Nhà nước". Tại sao phải
đưa chữ Đảng vào cụm từ đó và đứng trên Nhà nước, làm nhà nước mất
thiêng, vừa tốn kém giấy mực vừa gây nhầm lẫn cho quốc tế? (vì đảng
tiếng anh còn có nghĩa là bữa tiệc ).
Phải dùng cụm từ đó là vì nhân dân Việt Nam đang "một cổ hai tròng",
có 2 bộ máy song trùng đè đầu cưỡi cổ. Cứ bên Chính phủ có một "Bộ" là
bên Đảng có một "Ban". "Ban" chỉ đạo, còn "Bộ" thực hiện. Dân phải kiếm
tiền nuôi hai người tự nhận là lãnh đạo cỡi trên lưng, thỉnh thoảng lại
có một cái bóng nằm giữa cũng tự xưng là lãnh đạo.
Điều 46 điều lệ của Đảng cộng sản, có quy định là: "tài chính đảng
gồm các nguồn thu từ: Đảng phí, hoạt động kinh tế của Đảng và ngân sách
Nhà nước". Đảng phí thì ít, hoạt động kinh tế thì lỗ, thậm chí phải bù
thêm.
Khi cần tiền thì đảng sang Bộ tài chính lấy và hầu hết chi bằng tiền
mặt. Hoạt động của Đảng có ghi ra thành mục, tương ứng với các dòng vốn
chi cho các hoạt động đó, nhưng một số cơ quan trong ngành an ninh, nội
chính còn lấy lý do bảo mật, nên không ghi hạng mục và hạn mức, tự "vẽ"
dự án, chuyên án cho riêng mình để chi tiêu.
Cho đến nay dân chưa bao giờ được nhìn thấy báo cáo kiểm toán công
khai xem cơ quan Đảng đã sử dụng bao nhiêu tiền của dân và chi tiêu về
vấn đề gì? Người dân không ai biết được ngoại trừ ngành kinh tài của
đảng và các đơn vị đi thanh tra, kiểm tra với nhau. Kiểm toán Nhà nước
thì cũng đưa thông tin nhỏ giọt với mục đích riêng.
Tại sao nhân dân lại phải đóng thuế nuôi đảng? Có người đã hỏi điều
này ở đại hội thì ông Đỗ Mười khi đó là tổng bí thư trả lời là: "Đảng
lãnh đạo dân thì nhận lương của dân là hợp lý". Nhưng dân có cần đảng
lãnh đạo không khi dân đã có Nhà nước? Tóm lại ta có thể hình dung Mẹ
Việt Nam hằng ngày, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nhưng lại phải
cõng trên lưng 2 người rất béo, rất khỏe và ông nào cũng đòi lãnh đạo.
Một ông thì lãnh đạo bằng Nghị quyết, còn ông kia thì bằng Luật pháp.
Một điều tréo cẳng ngỗng nữa là Quốc hội làm ra luật và Điều 4 Hiến
pháp cũng quy định là đảng hoạt động "trong khuôn khổ Hiến Pháp và pháp
luật". Nhưng quốc hội lại phải dựa vào Nghị quyết để làm luật. Đảng nằm
trong luật, luật nằm trong Nghị quyết, nhưng Đảng lại "đẻ" ra Nghị
quyết. Điều đó có nghĩa: Đảng là "bà", luật là "cháu" nhưng bà lại nằm
trong bụng cháu.
Đất nước đã có luật thì cứ theo luật mà làm, sao lại còn phải có Nghị
Quyết. Chính việc ban hành các Nghị quyết đã thể hiện rõ tính chất lâm
thời của đảng. Cứ tưởng có cả Nghị Quyết và cả Luật thì chắc ăn, nhưng
thực ra chính là nơi tạo nên khe hở. Sau đây là ví dụ thoát hiểm.
Đồng chí X vừa là một uỷ viên BCT vừa là Thủ tướng, ngài tồn tại với 2
tư cách và chuyên môn khác nhau, thậm chí đôi khi trái ngược nhau. Với
tư cách là ủy viên BCT, đồng chí X cùng 13 người khác ra một Nghị quyết.
Sau đó đồng chí X dựa vào Nghị quyết để thực hiện với tư cách là Thủ
tướng. Khi hậu quả xảy ra, lẽ ra đồng chí X, với tư cách là ủy viên BCT
thì phải "chịu trách nhiệm chính trị theo nghị quyết" và với tư cách là
Thủ tướng ông phải "chịu trách nhiệm pháp lý theo luật"
Thế nhưng ông đã thắng cả 2 cửa. Trong Đảng, Đồng chí X bảo: Tôi làm
theo "quy định của pháp luật" và chịu trách nhiệm pháp lý vì Đảng hoạt
động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp Luật. Ông cũng không quên giải
trình về sự liên quan của 13 vị khác trong một trách nhiệm pháp lý chung
theo luật định. Nhưng khi ở diễn đàn quốc hội, nơi dân chúng quan tâm
và bàn về Luật và trách nhiệm pháp lý, thì Đồng chí X lại khẳng định là
mình theo đảng, làm theo Nghị quyết của Đảng và "chịu trách nhiệm chính
trị với đảng".
Điều này làm cho chúng ta nhớ lại một câu chuyện là cậu bé đánh thắng
cả 2 nhà quán quân. Một kiện tướng cờ và một kiện tướng bài Poker.
Chính cậu bé thách đấu cả 2 và khi cậu bé chạy đi chạy lại giữa 2 toa
tàu là lúc cậu dùng kiến thức của kiện tướng này để đánh với người kia
và ngược lại.
Đồng chí X đã dùng kiến thức kinh tế, pháp lý của mình để nói rất
đúng trong nội bộ đảng về Luật, sau đó lại chạy sang Quốc hội để đáp lại
quốc hội tại diễn đàn chung theo Nghị quyết.
Hiến pháp và Pháp luật phải đại diện cho công lý, là nền tảng vững
chắc cho đất nước và con người phát triển. Nó không phải là một ông kễnh
với bộ não của một cậu bé vừa muốn nhận mình là khiêm tốn lại thích
phán ra những điều kinh thiên động địa cho mai sau.
Và để không còn một cổ hai tròng, để đảng không còn lấy tiền dân chi
tiêu cho riêng mình, không còn ai làm sai và thoát hiểm nữa thì Quốc hội
phải độc lập làm ra luật, chính phủ thực thi luật và tòa án đứng ra
canh giữ luật đó. Các cơ quan phải độc lập và đối trọng lẫn nhau thì mẹ
Việt Nam mới đỡ bị một lúc 2 kẻ xâu mũi dắt đi lung tung theo chủ trương
đầy ngẫu hứng như kẻ say rượu.
Lê Quốc Quân.
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar