torsdag 20. desember 2012

Như Là Giấc Mơ - Huỳnh Châu




Đọc lại những trang Nhật Ký, thấy như bao kỷ niệm đang hiện về trước mặt. Hình như giọt lệ nào đang rơi nhẹ trên đôi má, vâng giọt lệ nhớ thương. Làm tôi nhớ đến bài nhạc quen thuộc: Thoáng Giấc Mơ Qua mà một thời tôi rất thích nghe và hát. Không phải nội dung của bài hát này là là tựa đề của bài nhạc, cho tôi nghĩ đến như một giấc mơ của một thời để nhớ.

Có thể ai cũng có một thời để thương và để nhớ, nhưng riêng với tôi cái để nhớ rất trẻ thơ. Đó  là hình  bóng của người lính trận ngày nào, mà tôi suốt cuộc đời khó quên được.

Với tuổi ngây thơ, để bước vào đời bao là ước mơ, nhưng chiến cuộc của đất nước không cho tôi sống trọn với ước mơ đó.

Bổng dưng có thể đây là một sự ngẩu nhiên hay định luật của một sự an bày nào đó làm cho tôi bồi hồi nhớ lại hình ảnh của người lính trận ngày xưa.

Đó là một chiều sang Đông, cái lạnh tuyết giá nơi xứ người, bổng làm cho tôi thấy ấm áp, thay vì thấm thía về cái lạnh của mùa Đông. Ngày ba mẹ tôi đến nhà thăm và cho tôi biết về sự việc như sau:

Lúc ba mẹ bước vào cửa hàng bán thực phẩm á châu, đang tìm mua mấy thứ cần thiết, bổng nghe có tiếng hỏi: Bác Thịnh, Phú Lâm phải không ?  Cháu nè ! Phiêu nè bác ! Hai bác có nhớ không ? Cái thằng năm 1973 vào nhà hai bác xin đào hố cá nhân bên chuồng gà đó !

Thật bất ngờ với câu hỏi đó, làm cho ba mẹ phải suy nghĩ vài phút, mới nhớ được  anh lính ngày xưa tên Phiêu này.

Qua vài câu hỏi thăm, anh mời ba mẹ sang một quán giải khát gần đó để tâm tình, như một cái gì thân thương của một thời quá khứ.

Nghe ba mẹ tôi kể đến đây, tôi đã nhớ và thấy như hình ảnh người lính trận ngày nào đang ẩn hiện trong trí tôi. Tôi vội nói: Cái anh lính nằm gần chuồng gà ngày xưa làm sao con quên được, lính gì mà đào cái hố cá nhân cả ngày không xong, tôi vừa nói vừa cười, ba mẹ không nhớ sao ?

Mẹ tôi trả lời: Lâu quá, nên mẹ đâu có nhớ, lúc anh ta nhắc thì mẹ bật cười vì nhớ lúc đó anh bị con gà mái của nhà mình có bày con, rượt  anh bỏ chạy khỏi hố cá nhân. Đến đây tôi không ngăn được khi  nhớ đến mẹ tôi vừa kể, nên cười muốn đau bụng. 

Ba tôi tiếp lời, thắm thoát thời gian qua mau quá ! Bây giờ ba nhìn anh ta không ra, nếu mà anh ta không kể lại những chuyện ngày xưa.

Tưởng như chuyện ngày xưa thế là xong, khi bối cảnh đất nước sau năm 1975, mỗi  người  vì sự sống còn phải rời bỏ quê hương tìm tự do.

Trong dịp cộng đồng tổ chức Tết Nguyên Đáng, tôi lại có dịp gặp anh, người  lính trận ngày nào tại nơi tôi cư ngụ.

Năm nay chương trình văn nghệ khá đặc  sắc, tôi cũng có đóng góp vài bản nhạc trong dịp này. Vừa hát xong bài hát Thoáng Giấc Mơ Qua mà tôi đóng góp cho buổi  văn nghệ mừng Xuân, chưa kịp nói lời cảm ơn. Tôi được đón nhận một bó hoa, với lời: Chúc mừng Năm Mới nhé Huỳnh Châu !

Tôi đón nhận bó hoa mà lòng bở ngỡ đôi phút, sau đó tôi mới nhận ra là người vừa tặng hoa và nói lời chúc mừng Năm Mới là anh lính trận ngày xưa.

Đây là lần tôi gặp anh sau hơn 30 năm của một thời xưa cũ nào đó, nỗi mừng vui, khi rời khỏi sân khấu tôi không ngại ngùng xung quanh tôi đang có ai, tôi chạy vội đến anh và ôm anh như ôm người thân bao ngày xa cách.
Bên tai tôi nghe lời anh nói: Lâu quá hén Huỳnh Châu ! nếu không có hai bác cho biết chắc anh nhìn không ra đó nhé. Bây giờ không còn là cô bé như ngày xưa.
Tôi nghe câu nói của anh mà thấy ghét, hình như lúc nào anh ta vẫn xem tôi là cô bé.

Cũng từ buổi  gặp gỡ bất ngờ này, chúng tôi có nhiều thời  gian trao đổi với  nhau về cuộc sống hiện tại, nhắc lại những gì của quá khứ.

Tôi hiểu thêm  anh  là người  nặng lòng với  những thương đau của đất nước,  sau biến cố năm 1975, anh chịu đựng 5 năm tù đày. Nối tiếp là chuổI ngày sống tha hương ly xứ, nhưng vẫn nặng nợ nuối sông.

Có một lần tôi được nghe anh tâm sự: Mong nhìn thấy quê hương Việt Nam có Tự Do - No Cơm - Ấm Áo, được sống là kiếp con người.

Nếu một mai phải nằm xuống nơi xứ lạ quê người, mong được thân xác này về với quê hương khi  không còn  Việt  Cộng.

Bao năm trôi qua, ước vọng anh chưa thành, nhưng anh đã ngậm  ngùi ra đi, hôm nay ngồi đọc lại những trang nhật ký này, gôm  góp bao kỷ  niệm, với tro cốt của anh đang còn đây, sau khi đưa tiển anh về nới cuối đời. Tôi không ngăn được  giọt  lệ. Giọt lệ này không dành cho anh hay riêng cho tôi mà dành cho dân tộc Việt Nam mình.

Tôi hứa với anh, người  lính trận năm nào, tôi sẽ đưa anh về lại quê hương khi không còn Việt Cộng. Ngủ đi anh một giấc ngủ bình yên trong niềm tin mà anh ước mong.

Huỳnh Châu.

 

mandag 17. desember 2012

Thế Nào Là Hèn Nhát ?


Thế nào là hèn nhát ? Hèn nhát là hung hăng tàn ác với kẻ yếu nhưng khuất phục trước uy vũ của kẻ mạnh. CSVN hèn với giặc nhưng ác với dân theo định nghĩa đó. CSTQ giết ngư dân, phá hủy tàu đánh cá của ta thì không dám gọi thẳng tên tàu TQ mà gọi là tàu lạ. Nhưng đối với những cô gái chân yếu tay mềm như Nguyễn Phương Uyên, những người dân cô đơn yếu thế thì lại hung ác tột cùng.

 Được học bài tập đọc "Hai Bà Trưng" trong sách giáo khoa chính thức của nhà nước, chỉ thấy Hai Bà Trưng đánh giặc nhưng "nhưng than ôi, cháu đọc hoài mà vẫn không hiểu Hai Bà đánh giặc nào" , người Việt Nam ai cũng biết hai chị em Bà Trưng, và Bà Triệu Ẩu là những vị anh hùng dân tộc có công chiêu binh mộ tướng phất cờ khởi nghĩa chống xâm lăng từ phương Bắc. Hai Bà Trưng chống quân Đông Hán, Bà Triệu chống quân Đông Ngô.

Ngày đó chưa có xe đạp xe máy, xe ôtô, xeo phôn, in tờ nét, nên các Bà vất vả lắm và tốn nhiều thời gian để liên lạc, trao đổi tin tức, tuyển mộ quân sĩ v.v... nhưng mọi sự đều suôn sẻ cho đến giờ phất quân khởi nghĩa, không bị nhà cầm quyền "nửa bộ lạc nửa phong kiến" làm khó dễ, hay là vì các Bà bị "bọn phản động chống phá tổ quốc" lúc ấy quá mạnh chăng. Hay là chính nhờ vào phương tiện truyền thông chỉ thuần túy mồm-tai-tay, nên không có chỗ cho công an mạng mằn mò trên mạng, trộm email, hoặc không có máy com piu tờ cho côn đồ xông vào nhà cả đêm lục lạo phần cứng phần mềm, Vân vân và vân vân...

Chứ như bây giờ, cũng chính bọn giặc ấy đến, chúng đã cướp chiếm Trường Sa, Hoàng Sa, lăm le vùng biển, giết người cướp của, bắt nạn nhân đòi chuộc, đánh chìm ghe tàu của ngư dân ta; trên bờ, chúng đã leo lên nóc nhà Tây nguyên, "thuê" trọn rừng núi biên cương; xây riêng thành phố; lập khu cấm người Việt bén mảng đến , lộng hành thương trường; xỏ xiên hàng hóa, độc hóa thực phẩm... Tàu Cộng ngày còn gian manh ác độc nham hiểm hơn gấp bội tổ tiên chúng Đông Hán Đông Ngô thời các Bà Trưng, Bà Triệu.

Trước vận mạng của Tổ quốc như sợi chỉ treo mành, người Việt còn hồn Việt có ai không sôi sục lòng yêu nước; trong giới nữ nhi đã không ít người noi gương tiền nhân. Nhưng hó hé là bị bọn phản động chính cống chính hiệu con nai vàng trong giới cầm quyền "bắt đi tù" ngay. Như cô Phạm Thanh Nghiên chỉ treo cái biểu ngữ ghi mấy chữ "HS-TS-VN" treo trong... nhà mình để phản đối Tàu xâm lăng mà cũng bị bắt tù 4 năm. Và những nữ nhi hậu duệ các Bà mới chỉ "lên tiếng" tinh thần Trưng Triệu, chứ chưa nói đến chuyện lên thớt voi lưng ngựa, như các anh thư Đỗ Minh Hạnh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Hoàng Vi, Bùi Thị Minh Hằng, Đặng Bích Phượng, Huỳnh Thục Vy... đã bị bọn phản quốc khống chế ngay bằng những phương tiện phi pháp và thủ đoạn đểu cáng, đê hèn, vô nhân tính.

Nhưng, "Đừng sợ hãi". Phải chăng, nhờ thấm nhuần được tinh thần của lời nhắn gửi riêng cho thanh niên Ba Lan, nhưng là chung cho thanh niên những quốc gia đang bị áp bức, của Đức Giáo hoàng Gioan Phao Lô ll, người được mệnh danh "vĩ nhân thời đại": "Tôi là người con của tổ quốc Ba Lan. Tôi yêu tổ quốc tôi. Tôi đã không dửng dưng với những áp bức mà tổ quốc tôi phải gánh chịu, thì nay tôi cũng không dửng dưng với những thử thách mới trước sự tự do mà tất cả chúng ta đang đối diện... Chúng ta đang vượt qua Biển Đỏ."
Phải chăng, nhờ mang trong mình giòng máu Nhị Trưng được vua Tự Đức diễn tả trong "Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục":
"Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng những mặt dày thẹn chết lắm!"
Cùng với tinh thần Triệu Ẩu:
"Gặp cơn thảo muội cơ trời,
Đem thân bồ liễu theo loài bồng tang.
Đầu voi phất ngọn cờ vàng,
Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha.
Chông gai một cuộc quan hà,
Dù khi chiến tử còn là hiển linh".

Phải chăng nhờ tất cả những thứ đó, truyền thống tổ tiên cùng tinh hoa thời đại kết hợp với nhau thành sức mạnh hồn thiêng sông núi phả vào tâm hồn cô sinh viên bé bỏng Nguyễn Phương Uyên "hiền lành, học giỏi, dễ thương, vui tính, tốt bụng, yêu đời, yêu quê hương đồng bào..." như nhận xét của một số bạn cùng lớp Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Sài Gòn, mà Phương Uyên đã dám vươn vai Phù Đổng giữa lệnh
cấm của triều đình!

Nguyễn Phương Uyên đã bị bắt vì chống ngoại xâm bằng những câu thơ, biểu ngữ, xuống đường bày tỏ lòng yêu nước ôn hòa, bởi chính nhà cầm quyền của nước em; chứ không được cái may mắn như thánh nữ anh hùng Jeanne d'Arc của nước Pháp bị quân Anh bắt nơi trận tiền gươm giáo.

Thật phúc cho các Bà Trưng bà Triệu được sinh ra thời Việt Nam còn văn minh "nửa Bộ Lạc nửa Phong kiến", chưa được ánh sáng Mác Lê chiếu vào, nên còn được quyền chống ngại xâm để bảo vệ Độc lập cho Tổ quốc Dân tộc mà không cần gắn liền với Cộng Hòa Xã Hội VN.

Nguyễn Bá Chổi.

Ai Là Kẻ "Phản Động"



Phản Ðộng là đi ngược lại, là trái lại và cản trở bước tiến bộ để hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn, ngược lại sự tiến hóa của con người, của xã hội. Như vậy những ai, tổ chức nào làm cản trở bước đi lên của sự phát triển của mọi vấn đề từ con người đến xã hội là những kẻ "Phản Ðộng", những tổ chức phản động. Nếu sự phản động kéo dài và gây tác hại lớn, để lại hệ luỵ không lường cho con người, cho xã hội thì những kẻ đó, tổ chức đó là "Đại phản động". Vậy hãy suy ngẩm về mặt văn hóa, xã hội và chính trị dưới sự độc tài thống trị của CSVN.
Đạo đức suy đồi, băng hoại một cách trầm trọng mà bao phen những nhà làm văn hóa, giáo dục có tâm huyết với dân tộc đã gióng lên những hồi chuông báo động, thậm chí có những tiếng gào thét kêu cứu trước sự diệt vong của một nền văn hóa, đạo đức mà ông cha đã vun xới tô bồi qua bao thế hệ để thay thế bằng một nền đạo đức gọi là đạo đức cách mạng, đạo đức HCM. Một nền văn hóa phi nhân bản gọi là văn hóa xhcn phá bỏ mọi giềng mối, kỷ cương, đức tin tôn giáo mà hàng ngàn năm trên khắp hành tinh được loài người tôn vinh, làm con đường sáng để tiến về phía trước, làm thước đo cho mọi giá trị tinh thần và là những giáo trình, giáo án để truyền dạy cho con cháu đời sau. Cái hiểm họa diệt vong cho dân tộc chính là sự băng hoại về đạo đức, suy đồi về văn hóa. Sự tha hóa của một xã hội mục ruổng về mọi mặt như xã hội VN hiện nay, nếu muốn cứu nguy cho dân tộc thì ta chỉ còn có một con đường duy nhứt là đào thải cái văn hóa nô dịch là phương tiện truyền tải cho chủ nghĩa cs với mộng xâm lăng, bá quyền nước lớn.

Nói về chính trị thì rõ ràng đảng csvn đang áp đặt một nền chính trị độc đảng, độc tài, độc đoán, độc tôn và cuối cùng là độc ác với nhân dân. Ở đây ta không bàn thêm về học thuyết của chủ nghĩa cs mà chỉ nói lên một khía cạnh là đảng csvn đã làm cản trở và triệt tiêu bước tiến của Quốc Gia, của dân tộc. Trong đó đảng csvn đã phạm một trọng tội đối với tổ tiên, dân tộc VN là triệt tiêu lòng yêu nước của nhân dân. Đảng csvn đã tự vạch ra cho mình lằng ranh giới tuyến tách biệt với nhân dân và phân định rạch ròi địch-ta một cách công khai. Nhưng cũng có một điều dứt khoát rằng, cho dù trong mọi hoàn cảnh nào dù là sức yếu thế cô dân tộc VN cũng không bao giờ chịu cúi đầu, bó tay khuất phục trước quân thù. Điều này đã chứng minh qua mấy ngàn năm lịch sử. Giặc Tàu đặt ách đô hộ lên dân tộc Việt cả ngàn năm nhưng nào có xóa được biên cương? có đồng hóa được dân tộc? có xóa tan được nét văn hóa dân tộc đặc thù và cuối cùng dân tộc Việt vẫn ngẩng cao đầu trước bốn bể năm châu.

Ở đây tôi muốn nói lên một điều rằng đảng csvn cho dù đặt lên đầu, lên cổ nhân dân VN bằng một thể chế chính trị man rợ, một chính sách tàn độc, dã man và bằng mọi cách triệt tiêu lòng yêu nước của nhân dân cũng không thể nào dập tắt được những ngọn lửa kiêu hùng, bất khuất của vạn vạn lớp anh thư, tuấn kiệt mang trong người dòng máu liệt oanh của bà Trưng, bà Triệu, của Hưng Đạo Vương, Quang Trung Nguyễn Huệ... hùng anh.

Tôi cũng xin nói lên một điều nữa rằng chỉ có quân xâm lăng cướp nước mới ra tay triệt tiêu lòng yêu nước của công dân VN, mới hung hăng tàn sát, tù đày đánh đập, khảo tra người yêu nước VN. Người yêu nước VN chống Trung Cộng xâm lăng là chống đảng? Vậy đảng csvn là của ai? và đang thực hiện mưu đồ mục đích gì? Nhân dân VN thể hiện lòng yêu nước mà đảng csvn cho là thế lực thù địch? Vậy đảng csvn đã tự thú rằng chính họ là kẻ thù của dân tộc VN!

Nữ sinh viên Nguyễn phương Uyên nói lên tiếng nói yêu nước VN, yêu dân tộc VN, ghét kẻ xâm lăng nhiều mưu ma chước quỉ thâm độc hãm hại dân tộc VN khi vừa tròn 20 tuổi. Cũng vì trái tim rạo rực, trăn trở với tình yêu nước nồng nàn đó mà đảng cs VN đã cho tay sai bắt cóc cô không khác gì phường thảo khấu lục lâm!

Với tâm hồn trong trắng, tinh khôi, với trái tim yêu nước nồng nàn, với lời lẽ trong sáng và mạnh mẽ, với hành động cao đẹp chính danh, với tuổi đời trẻ trung đầy sức sống, ngoan cường bất khuất. Phương Uyên nhất định phải thắng. Phương Uyên sẽ cất cao đầu trên đỉnh vinh quang của niềm tin và hy vọng. Tôi hoàn toàn tin là như thế.

Một Việt Khang. người thanh niên dũng cảm không hề nao núng trước bạo lực của kẻ hung tàn. Anh luôn cất cao giọng hát với cung đàn theo nhịp hành khúc tương lai của đất nước. Những kẻ chống lại anh, che lấp bóng hình anh, bịt tắt tiếng hát anh chính là những kẻ đã tự đưa đầu vào cho bánh xe lịch sử lăn qua và làm cho cung bậc của nốt nhạc quê hương thêm bay bổng.

Xuyên suốt các sự việc, qua hành động của đảng csvn và tinh thần người yêu nước VN hẳn chúng ta và toàn thể nhân loại cũng đã rõ ai là kẻ "phản động", "đại phản động"?. Cho dù dưới hình thức nào, phương tiện nào kẻ tà quyền dùng làm vũ khí để chụp lên đầu những người yêu nước VN với phạm trù "phản động" thì lẽ tất nhiên phạm trù đó nó sẽ tự quay về nơi nào là vị trí đích thực của nó. Những lời này tôi xin gởi đến cho SV Nguyễn phương Uyên và tất cả những anh hùng liệt nữ của dân tộc VN đang chịu đọa đày bởi gông cùm tàn độc của quân khát máu hung tàn. Gởi đến NS Việt Khang người con yêu của dân tộc kiêu hùng trong ngày anh đối mặt với phường giá áo túi cơm đang diễn trò hề trên sân khấu pháp đình và anh sẽ ngẩng cao đầu đón nhận hơn 80 triệu con tim của nhân dân VN đang hướng về anh.

Thiên Ngọc.


Cụm Từ "Đảng và Nhà Nước"


Chúng ta thường xuyên nghe cụm từ "Đảng và Nhà nước". Tại sao phải đưa chữ Đảng vào cụm từ đó và đứng trên Nhà nước, làm nhà nước mất thiêng, vừa tốn kém giấy mực vừa gây nhầm lẫn cho quốc tế? (vì đảng tiếng anh còn có nghĩa là bữa tiệc ).

Phải dùng cụm từ đó là vì nhân dân Việt Nam đang "một cổ hai tròng", có 2 bộ máy song trùng đè đầu cưỡi cổ. Cứ bên Chính phủ có một "Bộ" là bên Đảng có một "Ban". "Ban" chỉ đạo, còn "Bộ" thực hiện. Dân phải kiếm tiền nuôi hai người tự nhận là lãnh đạo cỡi trên lưng, thỉnh thoảng lại có một cái bóng nằm giữa cũng tự xưng là lãnh đạo.
 
Điều 46 điều lệ của Đảng cộng sản, có quy định là: "tài chính đảng gồm các nguồn thu từ: Đảng phí, hoạt động kinh tế của Đảng và ngân sách Nhà nước". Đảng phí thì ít, hoạt động kinh tế thì lỗ, thậm chí phải bù thêm.
Khi cần tiền thì đảng sang Bộ tài chính lấy và hầu hết chi bằng tiền mặt. Hoạt động của Đảng có ghi ra thành mục, tương ứng với các dòng vốn chi cho các hoạt động đó, nhưng một số cơ quan trong ngành an ninh, nội chính còn lấy lý do bảo mật, nên không ghi hạng mục và hạn mức, tự "vẽ" dự án, chuyên án cho riêng mình để chi tiêu.
Cho đến nay dân chưa bao giờ được nhìn thấy báo cáo kiểm toán công khai xem cơ quan Đảng đã sử dụng bao nhiêu tiền của dân và chi tiêu về vấn đề gì? Người dân không ai biết được ngoại trừ ngành kinh tài của đảng và các đơn vị đi thanh tra, kiểm tra với nhau. Kiểm toán Nhà nước thì cũng đưa thông tin nhỏ giọt với mục đích riêng.

Tại sao nhân dân lại phải đóng thuế nuôi đảng? Có người đã hỏi điều này ở đại hội thì ông Đỗ Mười khi đó là tổng bí thư trả lời là: "Đảng lãnh đạo dân thì nhận lương của dân là hợp lý". Nhưng dân có cần đảng lãnh đạo không khi dân đã có Nhà nước? Tóm lại ta có thể hình dung Mẹ Việt Nam hằng ngày, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nhưng lại phải cõng trên lưng 2 người rất béo, rất khỏe và ông nào cũng đòi lãnh đạo. Một ông thì lãnh đạo bằng Nghị quyết, còn ông kia thì bằng Luật pháp.

Một điều tréo cẳng ngỗng nữa là Quốc hội làm ra luật và Điều 4 Hiến pháp cũng quy định là đảng hoạt động "trong khuôn khổ Hiến Pháp và pháp luật". Nhưng quốc hội lại phải dựa vào Nghị quyết để làm luật. Đảng nằm trong luật, luật nằm trong Nghị quyết, nhưng Đảng lại "đẻ" ra Nghị quyết. Điều đó có nghĩa: Đảng là "bà", luật là "cháu" nhưng bà lại nằm trong bụng cháu.

Đất nước đã có luật thì cứ theo luật mà làm, sao lại còn phải có Nghị Quyết. Chính việc ban hành các Nghị quyết đã thể hiện rõ tính chất lâm thời của đảng. Cứ tưởng có cả Nghị Quyết và cả Luật thì chắc ăn, nhưng thực ra chính là nơi tạo nên khe hở. Sau đây là ví dụ thoát hiểm.

Đồng chí X vừa là một uỷ viên BCT vừa là Thủ tướng, ngài tồn tại với 2 tư cách và chuyên môn khác nhau, thậm chí đôi khi trái ngược nhau. Với tư cách là ủy viên BCT, đồng chí X cùng 13 người khác ra một Nghị quyết. Sau đó đồng chí X dựa vào Nghị quyết để thực hiện với tư cách là Thủ tướng. Khi hậu quả xảy ra, lẽ ra đồng chí X, với tư cách là ủy viên BCT thì phải "chịu trách nhiệm chính trị theo nghị quyết" và với tư cách là Thủ tướng ông phải "chịu trách nhiệm pháp lý theo luật"

Thế nhưng ông đã thắng cả 2 cửa. Trong Đảng, Đồng chí X bảo: Tôi làm theo "quy định của pháp luật" và chịu trách nhiệm pháp lý vì Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp Luật. Ông cũng không quên giải trình về sự liên quan của 13 vị khác trong một trách nhiệm pháp lý chung theo luật định. Nhưng khi ở diễn đàn quốc hội, nơi dân chúng quan tâm và bàn về Luật và trách nhiệm pháp lý, thì Đồng chí X lại khẳng định là mình theo đảng, làm theo Nghị quyết của Đảng và "chịu trách nhiệm chính trị với đảng".

Điều này làm cho chúng ta nhớ lại một câu chuyện là cậu bé đánh thắng cả 2 nhà quán quân. Một kiện tướng cờ và một kiện tướng bài Poker. Chính cậu bé thách đấu cả 2 và khi cậu bé chạy đi chạy lại giữa 2 toa tàu là lúc cậu dùng kiến thức của kiện tướng này để đánh với người kia và ngược lại.
Đồng chí X đã dùng kiến thức kinh tế, pháp lý của mình để nói rất đúng trong nội bộ đảng về Luật, sau đó lại chạy sang Quốc hội để đáp lại quốc hội tại diễn đàn chung theo Nghị quyết.

Hiến pháp và Pháp luật phải đại diện cho công lý, là nền tảng vững chắc cho đất nước và con người phát triển. Nó không phải là một ông kễnh với bộ não của một cậu bé vừa muốn nhận mình là khiêm tốn lại thích phán ra những điều kinh thiên động địa cho mai sau.

Và để không còn một cổ hai tròng, để đảng không còn lấy tiền dân chi tiêu cho riêng mình, không còn ai làm sai và thoát hiểm nữa thì Quốc hội phải độc lập làm ra luật, chính phủ thực thi luật và tòa án đứng ra canh giữ luật đó. Các cơ quan phải độc lập và đối trọng lẫn nhau thì mẹ Việt Nam mới đỡ bị một lúc 2 kẻ xâu mũi dắt đi lung tung theo chủ trương đầy ngẫu hứng như kẻ say rượu.

Lê Quốc Quân.

Sửa Ðổi Hiến Pháp


Kể từ ngày hôm nay ngược trở về ngày 03/2/1930, đảng đã lừa dối nhân dân, nhiều như lá rừng không thể đếm được. Những điều lừa dối, có khi làm người ta tin thực sự, ví dụ: Hồ Chí Minh và đảng nói: Nhân dân miền Nam, bị Mỹ - Ngụy bóc lột, đến nỗi cái quân đùi cũng không có mà mặc. Tội nghiệp, sau 30/4/1975 bà con miền Bắc đem vào từng chiếc chiếu "đã sử dụng qua", từng chục chén mẽ, trên hành trình vào Nam, chắc bà con tưởng tượng ra nhiều cảnh thê lương ghê gớm lắm, bởi miền Bắc nhân dân làm chủ, không ai bóc lột, còn nghèo đến mức này, huống gì miền Nam. 

Tìm đúng địa chỉ: 26 Hiền Vương Sài Gòn, 52 Trần Quý Cáp Sài Gòn, 315 Trương Minh Giảng v.v... đúng ngay đây rồi, nhưng trí còn mơ mơ hồ hồ, chỗ này chắc là dinh thự của bọn CIA, còn không thì lâu đài của bọn ác ôn, chứ em mình cái thá gì ở ngôi nhà sang đep thế! Nhìn đi, nhìn lại so sánh lần thứ mấy mươi, gồng mình bấm chuông, người thân xuất hiện. Trời ơi! Chị, em 21 năm tái ngộ, giây phút trùng phùng mừng tủi qua rồi, người miền Bắc tỉnh ngộ, đường phố trống hoang, không biết tìm đâu ra bụi, bờ đặng nhét cái chục chén và chiếc chiếu. Giá như nhét được chiếu, nhét được chén, còn cái tuồng mặt mắc cỡ dấu đi đâu! Đấy, lời dối trá của Hồ Chí Minh, đảng còn sống mãi trong chiếc chiếu và chục chén.

Người miền Bắc chẳng phải ngu đi mắc lừa, bởi họ không có thông tin để hiểu miền Nam, nhưng chuyện này người dân "có niềm tin tự giác", niềm tin xuất xứ từ tuyên truyền. Có những niềm tin, đảng xây dựng bằng nhà tù, bằng công an, như: hiện nay cả nước, ai cũng biết Trung Cộng xâm lược, ai cũng thấy hàng hóa Trung Cộng là mối cực kỳ nguy hại. Nhưng đảng, chính phủ, quốc hội quyết tâm không thấy!
Đảng, chính phủ, quốc hội, quyết tâm đục bỏ 4 chữ "Trung Quốc xâm lược" bia đặt tại đầu cầu Khánh Sơn, những bộ đội hy sinh ngày đó, tuổi chừng hai mươi, ba mươi, cùng lắm bốn mươi, Trương Tấn Sang, đứng đầu chính phủ, năm nay 63 tuổi, ông hãy nhìn tấm bia này và "hổ thẹn" với những người tuổi đàn em và đồng trang lứa, ông chưa đủ nhận thức, chưa đủ tư cách để hổ thẹn với tiền nhân.

Từ quá khứ, tới hiện tại lòng dạ của đảng như thế, tương lai kêu gọi nhân dân trong nước, Việt kiều hải ngoại tham gia sửa đổi hiến pháp, hiến pháp sửa đổi quá dễ. Song lòng dạ của đảng có chịu thay đổi, có chấp nhận sống thật thà với người dân của mình không. Đây mới là căn bản, mới là điều người dân mong mỏi, còn như sửa đổi theo ý đồ trí trá mị dân, mưu chước này tương đương với mấy tay anh chị ngoài bến xe, bến cảng, không phải của chính trị gia, của những nhà lãnh đạo chân chính, và người ta phải im lặng "chấp hành" vì sợ nhà tù, cần có cuộc sống an thân, cho qua ngày đoạn tháng, chứ không phải dại mắc lừa, để mang chiếu, xách chén nữa. . Tuy nhiên cũng nên làm những việc, mang tính quốc hội: Xem lại những bản án đảng đã ghép tội cho những nhà yêu nước, không cần phải ra văn bản "Thả ngay tức khắc, thả vô điều kiện những này, những kia"

Quốc hội đòi tòa án, công an, viện kiểm sát, cung cấp tất cả tài liệu, mà những nhà yêu nước đã viết, ví dụ của ông Trần Huỳnh Duy Thức, những tài liệu này, hiện do các cơ quan nói trên thu giữ. Quý vị cần xem để phân tích nó "phản động" nó "đánh phá, lật đổ nhà nước ta" chỗ nào? Yêu cầu xét xử lại, công an chỉ làm nhiệm vụ an ninh, trật tự, đồng bào và thân nhân của họ được toàn quyền hiện diện, đồng thời đại biểu quốc hội cần lắng nghe họ trình bày tại phiên tòa, sau đó quý vị đưa ra kết luận, để toàn dân đánh giá đúng đắn về luật pháp đất nước. Đó chính là việc làm thiết thực mang lại niềm tin, việc làm nói lên tư cách của đại diện dân, "lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp trong 3 tháng". Chiêu trò lừa gạt cũ rích, hiến pháp thì sửa, lòng dạ... của đảng không đổi thay, giá trị gì, ai tin?

Nên nhớ vũ khí cũng tới ngày rỉ sét, nhà tù cũng tới lúc mục ruỗng. Lòng yêu nước của con người luôn luôn rực hồng, ý chí bảo vệ non sông mỗi ngày thêm sắc bén, "nước Việt Nam của người dân Việt Nam, không phải tài sản riêng của Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam".

Ông Bút.

Bằng Cấp Giả


Vào khoảng trung tuần tháng 10, trên một bài viết của trang báo mạng điện tử VN Express có đưa một bản tin về việc một phái đoàn thanh tra về trình độ và bằng cấp một số quan chức cán bộ từ trung cấp đến cao cấp của tỉnh Tiền Giang (Mỹ Tho, Định Tường). Mới kiểm soát sơ khởi thôi mà ban thanh tra đã khám phá ra trên 384 các cấp cán bộ nhà nước kẻ thì xài bằng giả, người thì xài bằng thật nhưng trình độ lại hoàn toàn không thật. Chúng ta thử tìm hiểu tại sao lại có hiện tượng lạ lùng như vậy.

Đồng bào mình nhất là người dân cố cựu sống ở miệt đồng bằng châu thổ 2 con sông Đồng Nai và Cửu Long vốn dĩ chất phác hiền lành, thật thà như đếm, tối lửa tắt đèn có nhau. Đã có một thời, nhà của người dân miệt vườn có cửa nhưng không hề có cánh, chẳng có khoá bao giờ. Mà trong nhà thì đồ đạc tài sản từ đủ tới dư thừa. Họ rất trọng chữ TÍN, chỉ cần lời nói xuông thôi là đã tin nhau rồi chứ chưa cần đến bằng cớ này nọ hay giấy tờ chữ nghĩa làm chi cho thêm phiền hà rắc rối. Mua bán trao đổi với nhau cũng vẫn bằng chữ TÍN vì sự chất phác thật thà. Bằng cớ là chị Nguyễn thị Lài từ quê ra Long An đi trọ nhà bán vé số kiếm tiền độ nhật mà còn phải nuôi một ông chồng tàn tật, một bà mẹ già, một đứa cháu mồ côi và 2 con còn nhỏ. 
Khi chị Lài bán vé số thiếu cho một anh lái xe ba gác trong xóm. Chỉ mua bán qua lời nói thôi. Cho đến khi vé số xổ, phát giác ra là cả một sê-ri trúng độc đắc gần 100 tỷ thì chị cầm trong tay xấp vé số trúng đưa cho anh tài xế xe ba gác là chủ đã mua bán với chị bằng miệng qua câu nói đơn giản: "Nè, vé số anh mua trúng rồi đó, đi mà lãnh". Hỏi: "Sao chị không giữ mà lãnh?" Trả lời: "Tôi làm như vậy người ta còn coi tôi là cái thứ gì?" Đối với người dân quê Nam Bộ thì chuyện này chẳng có gì là lạ hay quan trọng cả. Vì với họ chữ TÍN và sự TỰ TRỌNG còn quý hơn cả tiền bạc và bất cứ giá trị vật chất nào.

Tại sao giới cán bộ quan chức cầm quyền mà hầu hết được đào tạo ở các trường đảng Nguyễn Ái Quốc lại gian manh lừa lọc gian dối và bịp bợm, trong khi họ có địa vị, có chức, có quyền. Họ ho ra bạc, khạc ra máu. Vậy, họ còn thiếu cái gì?

Thì ra họ thiếu sự lương thiện, thật thà, tự trọng nhất là họ chẳng biết tới 2 chữ LIÊM SỈ là gì! Mà chắc trong tự điển của giới cán bộ cai trị cầm quyền của đất nước CHXHCNVN chẳng hề có những thứ chữ "lương thiện - thật thà - tự trọng" cao sang của thứ dân bần hàn như vậy. Cái lạ là các nha, sở, bộ vẫn nhởn nhơ coi như không hề có khuyết điểm trong tổ chức của mình. Nhất là Bộ Giáo Dục và Đào Tạo cứ cấp phát bằng thoải mái mà đối tượng được cấp bằng không phải qua một buổi, một giờ sát hạch khả năng tí nào. Có lẽ họ cho rằng "nay anh mai tôi". Ta mất cái ghế này thì biết đâu chừng mai kia mốt nọ ta lại có chỗ nhờ vả; lại tiếp tục ngự trị ăn trên ngồi chốc cai trị bọn dân đen thấp hèn kia chăng? Cả một hệ thống từ trên xuống dưới nó cứ tự hiểu ngầm mà thông đồng với nhau như một bầy sâu lúc nhúc đục khoét đất nước, nhũng nhiễu người dân. Mới có thanh tra một tỉnh mà đã như thế, và nếu điều tra tất cả các tỉnh thị trong cả nước để moi hết bọn cán bộ xài bằng giả hoặc không có năng lực thì không biết cái danh sách này nó kéo dài tới đâu?

Người ta cứ tự hỏi là tại sao anh kia chị nọ tốt nghiệp trường lớp đàng hoàng, khả năng có thừa để cáng đáng những trọng trách người dân tín nhiệm giao cho, vậy mà khi họ nộp đơn hay đi xin việc hết chỗ này sang chỗ khác từ ngày này sang tháng khác, vẫn không được hay bị từ chối khéo. Hỏi thì phải trả lời: Là vì nếu nhận những người có năng lực vào, thì liệu cái ghế tham nhũng và quyền lực còn tiếp tục được như thế này không, hay là có ngày nào đó tôi sẽ bị lôi ra trước vành móng ngựa thì sẽ mất cả chì lẫn chài? Cho nên dù biết rõ mười mươi, nhưng chúng vẫn tham quyền cố vị, củng cố quyền lực cho dù có phải đi bằng đầu gối trước bọn Hán tộc xâm lược đất nước mình dưới bất cứ hình thức nào, miễn là chúng vẫn tìm cách tiếp tục ngự trị ở cái ghế độc tôn, độc đảng kia.

Tuy nhiên họ quên đi một điều rất quan trọng đó là: "Quan nhất thời, dân vạn đại". Đồng thời tiếng nói của lương tâm và bia miệng thì không bao giờ mất đi đâu cả.
"Trăm năm bia đá thì mòn,
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ" (Ca Dao)./.

MƯA NGUỒN.

søndag 16. desember 2012

12 Ðiều Vợ Dạy


1/ Vợ dậy cho ta tính phục thiện (sẵn sàng nhận lỗi tuy mình không làm gì sai cả).

2/ Vợ dậy cho ta tính kiên nhẫn, chờ đợi không biết mệt (để vợ sửa soạn đi lễ hay đi sắm đồ).

3/ Vợ cho ta sức khỏe (không hút thuốc lá, uống bia, đi chơi khuya với mấy thằng bạn cô hồn).

4/ Vợ dậy cho ta sự tế nhị (không bao giờ chê bai dù cơm khét, canh mặn).

5/ Vợ dậy cho ta sự lễ phép (đi thưa, về trình).

6/ Vợ dậy cho ta sự rộng lượng (kiếm được bao nhiêu tiền, tặng vợ hết).

7/ Vợ là huấn luyện viên thể dục tại gia của ta ( làm vườn, cắt cỏ, đổ rác, giặt quần áo, lau dọn nhà cửa).

8/ Vợ dạy cho ta tính gọn gàng, trật tự ( chỉ được bày biện của riêng trong một góc tủ vợ cho).

9/ Vợ dạy cho ta sự công chính ( ra đường cứ thẳng một đàng mà đi, không nhìn ngang liếc dọc, nhất là ở chỗ có nhiều phụ nữ).

10/ Vợ giúp cho ta trở thành người cha gương mẫu ( thay tã, tắm rửa, cho con bú, ru con ngủ..vv..).

11/ Vợ dạy cho ta biết giá trị của hai chữ Tự Do (nay không còn nữa).

12/ Vợ dạy cho ta biết phấn đấu với nghịch cảnh ( muốn chết nhưng cứ sống chơi).

Thân Phận Nam Nhi



Ngồi buồn kiếm chuyện nói chơi,
Nhất vợ nhì trời... là chuyện tự nhiên.
Ðàn ông sợ vợ thì sang,
Ðàn ông đánh vợ tan hoang cửa nhà.

Ðàn ông không biết thờ "bà"
Cuộc đời lận đận kể là vứt đi.
Ðàn ông sợ vợ ai khi,
Vợ mình, mình sợ sá gì thế gian!!!

Ðàn ông khí phách ngang tàng,
Nghe lời vợ dạy là hàng "trượng phu."
Ðàn ông đánh vợ là ngu,
Tốn tiền cơm nước, ở tù như chơi.

Lấy nàng từ thuở mười nhăm,
Ðến khi mười chín tôi đà năm con.
Nàng thì trông hãy còn son,
Tôi thì đinh ốc, bù lon rã rời.

Nắng mưa là chuyện của trời,
Tề gia nội trợ có tôi bao thầu.
Suốt ngày cày cấy như trâu,
Chiều về rửa chén cũng "ngầu" như ai.

Nấu cơm, đi chợ hàng ngày,
Bồng con, thay tã tôi đây vẹn toàn.
Lau nhà, lau cửa chẳng màng,
Ôi thời oanh liệt ngang tàng còn đâu.

Nhiều khi muốn hộc xì dầu,
Xin nàng nghỉ phép, nàng chau đôi mày.
Nàng đòi thi đấu võ đài,
Tung ra một chưởng, chén bay ào ào.

Nhớ xưa mình mới quen nhau,
Em ăn, em nói ngọt ngào dễ thương.
Cho nên tôi mới bị lường,
Mang thân ngà ngọc cậy nương nơi nàng.

Than ôi thực tế phũ phàng,
Mày râu một kiếp thôi đành đi đoong.
Một lòng thờ dzợ sắc son,
Còn non còn nước thì tôi còn... thờ.

Ra đường sợ nhất công nông,
Về nhà sợ nhất vợ ko nói gì.
Đàn ông nể vợ là sang,
Ngồi nghe vợ dạy là hạng trượng phu.

Cơm Phở - Lều Nhà


Bồ là phở nóng tuyệt vời
Vợ là cơm nguội đáy nồi hẩm hiu
Bồ là nơi tỏ lời yêu
Vợ là nơi trút bao nhiêu bực mình

Bồ là rượu ngọt trong bình
Vợ là nước ở ao đình nhạt pheo
Nhìn bồ đôi mắt trong veo
Trông vợ đôi mắt trong veo gườm gườm

Bồ tiêu thì chẳng tiếc tiền
Vợ tiêu một cắc thì liền kêu hoang
Bồ dỗi thì phải xuống thang
Vợ giận bị mắng, bị phang thêm liền

Một khi túi hãy còn tiền
Thì bồ thắm thiết kề liền bên anh
Một mai hết sạch sành sanh
Bồ đi, vợ lại đón anh về nhà

Bồ là lều, vợ là nhà
Gió lớn, lều sụp, mái nhà còn kia
Vợ là cơm nguội của ta
Nhưng là đặc sản của mấy thằng cha láng giềng

Bắc Thang Lên Hỏi Ông Trời


Bắc thang lên hỏi ông trời
Ðời con đau khổ đã nhiều ... thấu chăng?
Ông trời cúi mặt than rằng
Tao đây cũng khổ, cắn răng chịu đòn!

Bắc thang lên hỏi ông trời
Vợ con nó quá dữ như bà chằng
Ông Trời ổng trả lời rằng
Vợ tao còn dữ gấp trăm vợ mày

Bắc thang lên hỏi ông trời
Kiếp này con có bỏ nàng được không?
Ông Trời ổng trả lời rằng
Tao còn chưa được xá chi là mày

Bắc thang lên hỏi ông trời
Vợ con dữ quá, con xin bỏ nàng
Ông Trời ngó xuống trả lời
Mày bỏ được nó thì tao con mày.

Bắc thang lên hỏi ông trời
Thuốc thang, rượu bổ ... chẳng nào tới đâu
Ông trời vẻ mặt rầu rầu
Thôi mày xuống tóc cạo đầu đi tu!

Bắc thang lên hỏi ông trời
Vào chùa sư nữ trù trì được chăng ?
Ông trời nháy mắt cười rằng
Chờ tao một tí tao theo với mày!

Mười Thương


Một
thương cái tướng mập ù
Khi ôm, anh tưởng cái lu trong chùa
Hai
thương cái tính phân bua
Cãi gàn, cãi bướng anh thua dài dài
Ba
thương cái tật đánh bài
Điều binh khiển tướng không ai mà bằng
Bốn
thương cái tính cằn nhằn
Dù nhằn nhưng vẫn lăng-xăng suốt ngày
Năm
thương uống rượu mau say
Khi say em mới thường hay nằm kề
Sáu
thương là lúc em phê
Bao nhiêu nữ tính ê hề phơi ra
Bảy
thương da trắng mịn mà
Bởi khi cúp điện cả nhà sáng trưng
Tám
thương cái tính lừng khừng
Lúc không, lúc muốn, lúc mừng, lúc lo
Chín
thương cái tính tò mò
Chuyện gì thiên hạ nhỏ to đều rành  
Mười
thương cái tính cà  nanh
Anh thương nhiều quá ....để dành em thương