onsdag 7. november 2012

Nhà Cách Mạng Phan Bội Châu



Nhà cách mạng Phan Bội Châu sinh ngày  26-12-1867,  tạ thế ngày 29-10-1940, hưởng thọ 73 tuổi, tên thật là Phan Văn San, tự là Hải Thu, bút hiệu là Sào Nam, Thị Hán, Độc Tỉnh Tử, Việt Điểu, Hãn Mãn Tử, v.v…cụ Phan là một nhân sĩ, văn sĩ, nhà cách mạng Việt Nam, cụ tổ chức hành động và bôn ba tìm đường cứu nước chống thực dân Pháp giành độc lập. Khi Việt Nam Quốc Dân Đảng thành lập được hơn hai năm, đảng trưởng Nguyễn Thái Học cử đại diện vào Huế để mời cụ làm Chủ Tịch Danh Dự.

Cụ Phan Bội Châu sinh ngày 26/12/1867 tại làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thân sinh là cụ Phan Văn Phổ và cụ bà Nguyễn Thị Nhàn.
Thời còn bé, cụ Phan có tiếng thông minh xuất chúng. Năm 6 tuổi, chỉ học 3 ngày thuộc hết Tam Tự Kinh,  năm 7 tuổi đã đọc và hiểu sách Luận Ngữ, 13 tuổi đã thi đỗ đầu huyện.

Thuở thiếu thời cụ đã ý thức được nỗi đau của quê hương bị cai trị bởi thực dân Pháp, đã thể hiện lòng yêu nước nhiệt thành. Năm 17 tuổi, cụ viết bài “Hịch Bình Tây Thu Bắc” đem dán ở cây đa đầu làng để hưởng ứng việc Bắc Kỳ khởi nghĩa kháng Pháp. Năm 1885, cụ 18 tuổi  đã cùng bạn là Trần Văn Lương lập đội “Sĩ tử Cần Vương” để chống Pháp, nhưng bị thực dân Pháp đàn áp nên phải giải tán.
 
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cụ đi dạy học kiếm sống và tự học thi, nhưng thi suốt 10 năm không đỗ đạt, sau đó bị một lỗi vi phạm nội quy trường thi nên cụ bị cấm thi suốt đời gọi là “chung thân bắt đắc ứng thí”. Có tin đồn là sự việc này do thực dân Pháp dàn cảnh để bôi nhọ danh dự cá nhân và làm mất ảnh hưởng của nhà ái quốc Phan Bội Châu.

Năm 1896, cụ Phan Bội Châu vào Huế dạy học, do mến tài cụ nên các quan đã xin vua Thành Thái xóa án. Nhờ vậy, khoa thi hương năm Canh Tý (1900) ở trường Nghệ An cụ đã đỗ Giải nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hương).

Sau khi đỗ Giải nguyên ở Nghệ An, cụ đã bỏ 5 năm ròng rã bôn ba khắp nước Việt Nam kết giao với các nhà yêu nước như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Hàm (tức Tiểu La Nguyễn Thành), Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Đặng Thái Thân, Hồ Sĩ Kiện, Lê Huân, Nguyễn Quyền, Võ Hoành, Lê Đại,…
Năm 1904, cụ cùng Nguyễn Hàm và khoảng 20 đồng chí khác thành lập Duy Tân Hội ở Quảng Nam để đánh đuổi Pháp, chọn Kỳ Ngoại hầu Cường Để, một người thuộc dòng dõi nhà Nguyễn, nắm vai trò chủ tịch Hội.

Năm 1905, cụ cùng Đặng Tử Kính và Tăng Bạt Hổ sang Trung Hoa rồi sang Nhật Bản, để cầu viện Nhật giúp Duy Tân Hội đánh đuổi Pháp. Tại Nhật, cụ gặp Lương Khải Siêu, một nhà cách mạng người Trung Hoa, đàm đạo và khuyên là nên dùng thơ văn chống giặc, cụ Phan Bội Châu viết Việt Nam Vong Quốc Sử để thức tỉnh lòng yêu nước của người dân Việt Nam. Rồi gặp hai nhân vật quan trọng của Đảng Tiến Bộ đang cầm quyền ở Nhật Bản, là Bá tước Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu) và Thủ tướng Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi) khuyên là nên cổ động thanh niên ra nước ngoài học tập để sau này về đấu tranh cứu nước và xây dựng đất nước.

Tháng 6 năm 1905, cụ Phan Bội Châu cùng cụ Đặng Tử Kính mang theo một số sách Việt Nam Vong Quốc Sử về nước. Tháng 8 năm 1905 tại Hà Tĩnh, cụ và các đồng chí nồng cốt trong Duy Tân Hội bàn bạc rồi đưa ra kế hoạch hành động đó là:
- Nhanh chóng đưa Kỳ Ngoại hầu Cường Để ra nước ngoài.
- Lập các hội nông,hội buôn,hội học để tập hợp quần chúng và để có tài chánh cho hội.
- Chọn một số thanh niên thông minh hiếu học, chịu được gian khổ, đưa đi học ở nước ngoài.

Mặc dù thay đổi tôn chỉ, nhưng cụ Phan Bội Châu vẫn duy trì Kỳ Ngoại Hầu Cường Để trong vai trò chủ tịch chính phủ lâm thời Việt Nam Quang Phục Hội, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân trong nước.
Sau đó, Việt Nam Quang Phục Hội cử một số hội viên về nước để trừ khử một vài viên chức Pháp và cộng sự đắc lực của họ, nhằm “đánh thức đồng bào”, “kêu gọi hồn nước”. Các cuộc bạo động bằng tạc đạn tuy xảy ra lẻ tẻ, nhưng vẫn khuấy động được dư luận trong và ngoài nước, làm nhà cầm quyền Pháp tăng cường khủng bố, khiến nhiều người bị bắt và bị giết. Bị kết tội chủ mưu, cụ Phan Bội Châu và Cường Để bị thực dân Pháp cùng với Nam triều kết án tử hình vắng mặt.

Năm 1913, thực dân Pháp cử người đến Quảng Đông “mặc cả” với Tổng Đốc Long Tế Quang, yêu cầu bắt cụ Phan Bội Châu và các yếu nhân của hội. Ngày 24/12/1913, nhà cách mạng Phan Bội Châu bị bắt. Nhưng nhờ cụ Nguyễn Thượng Hiền lúc bấy giờ đang ở Bắc Kinh vận động, nên Long Tế Quang không thể giao nộp cụ Phan cho Pháp, mà chỉ đưa giam vào nhà tù Quảng Đông, mãi đến tháng 2 năm 1917, cụ Phan mới được thả ra.

Ra tù, cụ Phan Bội Châu lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1922, phỏng theo Quốc dân Đảng Trung Hoa của Tôn Trung Sơn, cụ có ý định cải tổ Việt Nam Quang Phục Hội thành Việt Nam Quốc Dân Đảng. Nhưng chưa kịp cải tổ thì cụ bị bắt cóc ngày 30 tháng 6 năm 1925. Việc cụ bị Pháp bắt tại tô giới Thượng Hải là do Hồ Chí Minh (dưới tên Lý Thụy) cộng tác với Lâm Đức Thụ chỉ điểm cho Pháp để lấy tiền thưởng 15 vạn bạc.

Trong 15 năm cuối đời, cụ còn được gọi “Ông già Bến Ngự”, vẫn giữ trọn phẩm cách cao khiết, không ngừng tuyên truyền tinh thần yêu nước bằng văn thơ, nên rất được nhân dân yếu mến. Nhà cách mạng Phan Bội Châu mất ngày 29 tháng 12 năm 1940 tại Huế. 

Nhân tưởng niệm năm thứ 72 ngày cụ Phan Bội Châu mất (29/10/1940 – 29/10/2012),  xin thắp nén hương lòng ngưỡng mộ lòng yêu nước và sự hy sinh cao cả đối với tổ quốc, dân tộc của nhà cách mạng Phan Bội Châu.

Huy  Sơn. 






Ingen kommentarer: