Trong lãnh vực chính trị, phát hiện lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 20 vừa
qua không phải là vấn đề dân chủ. Mà là nhân quyền. Quyền làm người của mọi
người.
Trên nguyên tắc, một chế độ dân chủ dược xây dựng trên quyền quyết định
của dân chúng và nhắm đến việc phục vụ lợi ích của dân chúng.Tuy
nhiên, trên thực tế, cho đến giữa thế kỷ 20, hầu hết các chế độ dân chủ đều loại
trừ nếu không phải một số người này thì cũng một số người khác.
Xưa, ở Hy Lạp và La Mã, nó loại trừ toàn bộ phụ nữ, những người nô lệ,
những người nhập cư và những người dưới hai mươi tuổi. Trong hai thế kỷ 18 và
19, ở hầu hết các quốc gia được gọi là dân chủ ở Tây phương, cái gọi là dân chủ
chỉ áp dụng cho những người đàn ông da trắng. Phụ nữ bị loại trừ. Những người da
màu cũng bị loại trừ. Những người dân ở các thuộc địa, bất kể nam hay nữ, đều bị
loại trừ.
Sang đến thế kỷ 20, các nước xã hội chủ nghĩa cũng mệnh danh là dân chủ, thậm
chí, còn được tuyên truyền là dân chủ nhất, một số đông dân chúng thuộc các giai
cấp phi-vô sản vẫn bị loại trừ; những người bất đồng quan điểm chính phủ lại
càng bị loại trừ, hay nói theo chữ khá thông dụng hơn ở Việt Nam sau năm 1975,
bị xem là phó-thường-dân. Một thứ công dân hạng hai hay hạng ba. Chứ không phải
là công dân thực sự.
Ý thức được các khuyết tật ấy, nhân loại, một mặt, thừa nhận các khác
biệt về văn hóa trong ý niệm dân chủ; mặt khác, không ngừng tìm cách để hoàn
thiện dân chủ trên phạm vi toàn cầu. Dù có những khác biệt nhất định, một nền
dân chủ thực sự ở đâu cũng bao gồm bốn yếu tố chính: cơ chế (mechanism), thiết
chế (institution), xã hội dân sự (civil society) và quyền công dân (citizen
rights). Không có cơ chế (chủ yếu qua cách bầu cử tự do theo nhiệm kỳ) và thiết
chế (vừa phân lập và độc lập, đặc biệt giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp)
thích hợp, không thể có dân chủ thực sự. Nhưng nếu không có xã hội dân sự và
quyền công dân, mọi cơ chế và thiết chế, dù “hiện đại” đến mấy, cũng không thể
bảo đảm được dân chủ.
Trong bốn yếu tố kể trên, khái niệm quyền công dân gắn liền với khái niệm
nhân quyền hay quyền làm người.
Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về nhân quyền. Nhưng định nghĩa căn
bản nhất là: đó là quyền căn bản mà người ta có chỉ vì đơn giản: người ta là con
người. Là người, bất kể màu da, tôn giáo hay giai cấp, ai cũng có những quyền
ấy. Đó là những quyền được san sẻ một cách phổ quát, đồng đều và thiêng liêng.
Phổ quát: ở đâu cũng có. Đồng đều: ai cũng có. Thiêng liêng: không ai được chiếm
đoạt của người khác.
Trong các quyền gọi là căn bản ấy, có các quyền chính như:
Quyền được sống (right to live)
Quyền được xét xử một cách công bình (right to a fair trial)
Quyền được tự do ngôn luận (freedom of speech)
Quyền được tự do tư tưởng và tôn giáo (freedom of thought and religion)
Quyền được tự do ngôn luận (freedom of speech)
Quyền được tự do tư tưởng và tôn giáo (freedom of thought and religion)
Trong phạm vi một quốc gia, hầu hết các quyền làm người căn bản ở trên
đều trùng hợp với các quyền công dân. Sự khác biệt căn bản là: quyền làm người
có tính chất toàn cầu, liên quốc gia, bất chấp các thể chế.
Mang một kích thước rộng lớn và căn bản như vậy, khái niệm nhân quyền
không đồng nhất với khái niệm dân chủ. Dân chủ, như đã trình bày ở trên, bao gồm
cả cơ chế và thiết chế; nhân quyền chủ yếu là những giá trị, với chúng, các cơ
chế và thiết chế chỉ là những phương tiện để hiện thực hóa chứ không phải là cứu
cánh. Dân chủ nhắm đến việc trang bị quyền lực cho nhân dân, với tư cách một tập
thể; nhân quyền nhắm đến việc trang bị quyền lực cho từng người, với tư cách cá
nhân. Liên quan đến chính trị, dân chủ quan tâm đến vấn đề ai cai trị ai; nhân
quyền quan tâm đến việc người ta cai trị như thế nào.
Chính vì vậy, một số quốc gia tuy trên danh nghĩa là dân chủ, ở đó, chính
quyền cũng do dân bầu lên đàng hoàng (electoral democracy), nhưng ở đó, nhân
quyền vẫn ít nhiều bị chà đạp.
Tuy nhiên, ở đây, có mấy điểm cần được nói ngay:
Một, khái
niệm dân chủ dựa trên bầu cử chỉ là cách hiểu thông thường, đơn giản và phiến
diện nhất. Nó chỉ đáp ứng được một trong bốn yếu tố nòng cốt của dân chủ nêu
trên mà thôi. Đó không hẳn là dân chủ thực sự. Chính vì vậy, người ta mới phân
biệt dân chủ tuyển cử (electoral democracy) với dân chủ thực sự (effective
democracy hoặc liberal democracy).
Hai,
nếu có một số quốc gia dân chủ nhưng không tôn trọng nhân quyền thì, trên thế
giới, không hề có quốc gia nào tôn trọng nhân quyền mà lại không dân
chủ.
Nói cách khác, ở đây, có hai luận điểm chính:
Thứ
nhất, việc tôn trọng nhân quyền nhất thiết sẽ dẫn đến dân chủ
như một cơ chế để hiện thực hóa sự tôn trọng ấy.
Thứ
hai, nhân quyền chính là một nội dung thiết yếu để dân chủ thực
sự là dân chủ. Có thể nói những phát hiện và những sự thừa nhận về nhân quyền từ
giữa thế kỷ 20 đến nay đã cung cấp cho khái niệm dân chủ một nội hàm mới khiến
nó hoàn chỉnh và hoàn thiện hơn. Đó là một thứ dân chủ không có tính loại trừ.
Dân chủ cho mọi người. Tất cả mọi người.
Tác giả: Nguyễn Hưng Quốc.
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar