Tức Nước Vỡ Bờ.
Trong thời gian gần đây có hai bản tin đáng chú ý ở trong nước nói về chính sách của đảng Cộng sản Việt Nam trong mục tiêu kiểm soát những hoạt động của chúng tại hải ngoại, cũng như để đối phó với những phản ứng của dân về những mặt tiêu cực của cán bộ đảng và nhà nước qua các đơn khiếu kiện. Bản báo cáo tổng kết 6 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người VN ở nước ngoài cho biết tập đoàn CSVN chú tâm đến việc lãnh đạo và đầu tư ngân sách, tăng cường cơ sở vật chất cho công tác thanh niên ở nước ngoài để xây dựng, tổ chức bộ máy, cán bộ Đoàn, Hội ở nước ngoài được vững mạnh. Đối nội thì cái gọi là Thanh tra Chính phủ vừa ban hành quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, phản ảnh, kiến nghị, trong đó yêu cầu các cơ quan hành chính trả lại đơn khiếu nại có họ tên, chữ ký của nhiều người; gửi cho nhiều cơ quan, nhiều người, trong đó đã gửi đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết...Quy trình bắt đầu được thực hiện từ ngày 11/10 năm 2010.
Tóm tắt ngắn gọn là đối với hải ngoại, CSVN gia tăng kiểm soát và chi tiền cho công tác thanh niên ở hải ngoại. Đối với dân trong nước, đảng CSVN không giải quyết các khiếu nại tập thể, dầu có ký tên.
Gia tăng sự kiểm soát của đảng CSVN với thanh niên sinh viên học sinh Việt Nam ra nước ngoài du học, công tác hay tu nghiệp không có gì lạ đối với một đảng độc tài muốn nắm chặt mọi người và lôi đi như một đàn cừu. Nhưng khi phải ra quyết định “chú tâm vào lãnh đạo” thì tức là “có vấn đề”, mà nói một cách khác là chẳng có lãnh đạo gì cả, hoặc có mà không vào đâu với đâu. Quyết định liên quan đến vấn đề thanh niên cũng có ý nghĩa rằng không thể nào làm gì với những thành phần không kể là thanh niên. Tức là đảng chịu thua. Ngoài ra, biện pháp đưa ra “đầu tư ngân sách và tăng cường cơ sở vật chất cho công tác thanh niên” chỉ có nghĩa là đảng mang tiền ra để mua sự a dua hay tham dự biểu kiến. Cụ thể là khi có những tên chóp bu công du ra hải ngoại thì đảng CSVN đem tiền ra thuê người biểu tình hoan hô chào đón, mở tiệc khoản đãi cho ăn uống thoả thuê để có đông người đến dự ngoài tay chân và cán bộ. Khi có những đoàn văn công kiểu duyên dáng Việt Nam hay Đàm vĩnh Hưng thì thuê xe chở du sinh và công nhân đến xem cho đông đảo. Những hình chụp được sẽ đem ra tuyên truyền với đồng bào trong nước rằng đảng Việt Cộng được hải ngoại ủng hộ. Nhưng mà chỉ với vài cái ảnh người đi xem văn nghệ mà phải quay đi, dơ tay che mặt, hay dùng túi sách che đầu như trong vụ văn nghệ Đàm Vĩnh Hưng là mọi người hiểu thực tế ra sao. Lúc không có công tác thì tổ chức vui chơi giải trí hay thể thao để lôi kéo thanh niên sinh viên hải ngoại như ở Hoà Lan. Nhưng khi những công tác này có lộ ra chủ ý chính trị rõ ràng thì liền bị tẩy chay, phản đối và bị dẹp. Tức là tiền mất mà tật vẫn mang. Trò dàn dựng để tuyên truyền này chỉ làm cho du sinh khó chịu, như có du sinh dấu tên phát biểu trong vụ được xe buýt chở đi xem Đàm Vĩnh Hưng. Người phê bình công khai và minh danh cái lối phô trương chính trị theo lề phải này không có nhiều, trừ cỡ như Ngô Bảo Châu, mà đảng và nhà nước đang cần phải dựa vào để ké chút tăm tiếng.
Sang đến chuyện trong nước không giải quyết các kiện tụng ký tên tập thể, dù gửi đến đúng nơi, đúng người, thì người ta hiểu ngay rằng đảng CSVN muốn tách rời ra từng trường hợp để dễ dàng trấn áp. Thực thế, trong tình trạng hiện nay, đảng CSVN sợ nhất là những phản ứng tập thể có thể dẫn đến những biến cố không thể kiểm soát và không lường được hệ quả. Như trong vụ thanh niên Nguyễn Văn Khương bị công an ở Bắc Giang bắt về đồn và đánh đập vô lý khiến mạng vong, hàng ngàn người dân đã phẫn nộ biểu tình, kéo sụp cổng Ủy ban Nhân dân huyện Bắc giang vào ngày 25 tháng 7/2010 khiến tên phó chủ tịch ủy ban nhân dân đã phải đứng ra hứa hẹn giải quyết cho yên. Và con của tên Nông đức Mạnh đã được mang về làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang. Gần đây hơn, ngày 24 tháng 8/2010, việc công an huyện Phú Ninh dùng roi điện dí vào người một học sinh đi mót vàng khiến em này ngất sỉu, đã khiến hàng trăm người dân tập họp phá nhà máy chế biến vàng ở Bồng Miêu. Viên chức thẩm quyền huyện đã phải ra giải thích hứa hẹn sẽ xét xử nghiêm khắc những kẻ lạm quyền thì việc mới yên và dân mới giải tán.
Dẫn ra vài việc nhỏ gần đây như vậy đủ chỉ cho thấy rằng người dân không còn dễ dàng nín nhịn bỏ qua những hiện tượng cường hào ác bá của đảng viên các cấp. Quyết định không xét các đơn tập thể chỉ là cách giải quyết hành chính của một bộ máy bất lực, che tai bịt mắt trước thực tế. Đó là thái độ của con đà điểu dấu đầu vào cát để tránh bão cát.
Tức nước vỡ bờ là điều khó tránh.
Thụy Ái.
søndag 12. september 2010
Abonner på:
Legg inn kommentarer (Atom)
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar