Bản Chất Quốc Hội CSVN Hiện Nay.
Trong phiên họp Quốc Hội CHXHCNVN chiều ngày 25/8, người dân đã chứng kiến phương cách làm việc của các đại biểu Quốc Hội cho thấy họ chủ yếu là công cụ của đảng chứ không là đại diện của dân. Theo tin báo chí trong nước, Ủy ban Thường vụ đảng cộng sản Việt Nam tại phiên họp đã đưa ra vấn đề khẩn cấp sửa đổi một số điều của Hiến pháp 1992 ngay trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, diễn ra vào tháng 10 tới đây hoặc tại một kỳ họp bất thường trong năm 2010. Tại kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội sẽ nghe Báo cáo tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.
Theo Chủ nhiệm văn phòng QH Trần Đình Đàn, một số điều của Hiến pháp 1992 có thể phải sửa ngay tại kỳ họp này, bởi vì tháng 1/2011 đã phải công bố ngày bầu cử HĐND diễn ra vào tháng 5/2011. Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Lê Quang Bình trong khi đó đề nghị có báo cáo đại biểu Quốc hội về tình hình biển Đông, tình hình an ninh trước Đại hội Đảng. Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội, Trương Thị Mai cho rằng, có thể báo cáo với Quốc hội về tình hình biển Đông, nhưng không nên thảo luận về vấn đề này. Chủ nhiệm UB Tư pháp, Lê Thị Thu Ba lại đề nghị, không báo cáo các vấn đề trên trước Quốc hội, chỉ nên báo cáo về tình hình an ninh quốc phòng trong một báo cáo chung.
Qua nội dung các tin trên người dân thấy được điều gì?
Không cần nghĩ lâu một người bình thường có thể thấy ngay rằng lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã coi thường người dân, hành xử độc tài trong khi miệng luôn nói: Dân là chủ. Ủy ban Thường vụ cộng sản Việt Nam quyết định thay đổi Hiến Pháp, để có thể thi hành việc bỏ tổ chức HĐND huyện, quận, phường mà đảng đã thử làm ở một số thí điểm. Các đại biểu theo nguyên tắc là đại diện dân, thay vì nói lên ý kiến của người dân, thì đã lại cư xử theo hướng bảo vệ quan điểm đảng.
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban Pháp luật của QH đã chuẩn bị sẵn quy trình cho việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó dự kiến đề nghị trình nội dung này ra đầu kỳ họp thứ 8. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói có thể xem xét, quyết định sửa đổi Hiến pháp ngay tại kỳ họp thứ 8 hoặc phải chuẩn bị các điều kiện để xem xét sửa vào một kỳ họp khác, có thể là tháng 12/2010. Hai thủ lãnh này nói như thế chỉ để cho các đại biểu yên lòng là mọi sự đã có sửa soạn cả rồi.
Theo Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, tuy nhiên việc sửa đổi Hiến pháp tại kỳ họp tới của Quốc hội là “không chấp nhận được”, sửa đổi Hiến pháp là điều hệ trọng không thể làm gấp gáp khi chưa có sự chuẩn bị kỹ càng. Bởi lẽ theo quy định, phải có một UB sửa đổi Hiến pháp, lấy ý kiến nhân dân, trình Trung ương và Bộ Chính trị. Nói như thế nghe có vẻ ngon lành, nhưng thực sự ông Vượng cũng chỉ nêu lên một vấn đề nguyên tắc cho phải đạo và thuận tai, chứ không phải là cưỡng lại ý kiến chỉ đạo của Đảng, vì ý kiến nhân dân cũng chỉ là để trình Trung Ương và Bộ Chính trị.
Sang vấn đề tình hình biển Đông, qua việc Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội, Trương Thị Mai cho rằng có thể báo cáo với Quốc hội nhưng không nên thảo luận về vấn đề tình hình biển Đông, còn Chủ nhiệm UB Tư pháp, Lê Thị Thu Ba thì đề nghị không báo cáo các vấn đề trên trước Quốc hội, mà chỉ nên báo cáo về tình hình an ninh quốc phòng trong một báo cáo chung cho thấy rằng các đại biểu này hành xử như những đảng viên thuần thành biết tránh những vấn đề mà lãnh đạo coi là nhậy cảm.
Những lời qua tiếng lại giữa các đại biểu không bao giờ có trong những quốc hội trước, thời toàn trị, đã cho các chuyên gia và truyền thông ngoại quốc nhận xét rằng đã có tiến bộ ở VN, tuy rằng họ chưa bỏ hẳn cái ý kiến quốc hội này vẫn là một cái dấu để đóng vào các quyết định của đảng. Nhìn sâu xa hơn và đối chiếu với những thay đổi trong cách tuyên truyền cũng như sửa đổi một số cơ cấu hành chính của Hà nội, thì phải nói rằng đảng CSVN đang biến thái thêm một chút, là chuyển dần nhân sự quyền hành sang quốc hội, để giảm dần vai trò của đảng, cho hợp với cách nhìn dân chủ Tây phương của những kẻ bàng quan.
Tuệ Vân.
mandag 20. september 2010
Abonner på:
Legg inn kommentarer (Atom)
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar