Nhớ Huế
Có quá nhiều kỷ niệm về Huế trong tôi. Tạ từ Huế đã lâu, lâu lắm rồi... từ dạo quê hương bắt đầu chìm trong thảm họa. Hơn ba mươi ba năm, chưa một lần nào về thăm cảnh cũ người xưa, tìm lại những dấu vết thời gian của một Huế ngày tháng cũ.
Nam Cali, nơi xứ lạ quê người, mùa này cuối năm, buổi sáng trời trở lạnh, sương mù mênh mông, mờ ảo, gợi nhớ những kỷ niệm Huế vào những ngày cuối năm, cũng sương mù dày đặc chắn lối đi, hình ảnh những người đàn bà Huế với chiếc áo dài, khi ẩn, khi hiện trong sương sớm, quẩy đôi thúng cá, nặng trĩu đong đưa trên vai từ Chợ Dinh qua cầu Gia Hội, Chợ Nọ qua cầu Tràng Tiền đến chợ Đông Ba, hay những gánh cơm hến từ vùng Cồn Hến băng qua Đập Đá lên đường Hàng Me, rồi thì nồi bún trâu từ lò trâu Vân Dương lên vùng An Cựu thơm lạ lùng và quyến rũ trong sương sớm. Ai đã là dân Huế mà chưa một lần ăn bún trâu Vân Dương thì quả là một thiếu sót lớn.
Giờ này, thời gian cuối năm cũng đã gần kề. Từ chốn xa xôi biền biệt, chợt thấy nhớ quê hương, nhớ Huế một cách lạ lùng, nhớ da diết... nhớ lại những ngày cận Tết của năm 1968 tại Huế. Từ ngữ Mậu Thân 1968, tất cả đều làm cho người ta nhớ đến Huế. Huế, Mậu Thân 68, đã vĩnh viễn đi vào lịch sử với nỗi hãi hùng kinh sợ.
Đã hơn bốn mươi năm trôi qua vậy mà vết thương Mậu Thân như vẫn còn đau đớn trong lòng, cứ mỗi độ đông sang, vết thương lại tái phát, lại đau nhức trở lại, nhất là thế hệ chúng tôi, những kẻ suốt nửa cuộc đời tuổi trẻ sống trọn và dâng hiến cho “cầu Tràng tiền sáu vài mười hai nhịp”, cho “sông An cựu nắng đục mưa trong”, cho “tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương”, và cho những ngày mưa bụi dăng đầy từ Văn Thánh, Thiên Mụ, xuống Kim Long về Bạch Hổ, qua Hoàng Cung của một thời: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”, mưa bụi mờ nhạt trên giòng sông Hương trôi về Đập Đá, Vỹ Dạ, dòng sông âm thầm lặng lẽ, như đời người dân Huế chịu đựng bao nhiêu đổi thay, bao nhiêu nghịch cảnh của một thời chính chiến, tao loạn.
Và khi đã ở lính, được phép về Huế, bất chợt đi ngang qua trường Đồng Khánh, ngang bến đò Thừa Phủ vào buổi chiều tan học khi mà “Áo em trắng quá nhìn không ra”, nhìn theo mà lòng ngẩn ngơ buồn.
Hồn lính vương qua vài sợi tóc
Tôi thương em mà em đâu có hay
(Quán Bên Đường, Thơ Quang Dũng)
Đó là Huế yêu dấu ngàn đời. Một nửa quãng đời tôi sống và lớn lên tại Huế, bây giờ tháng năm xa cách, thật nhớ khôn nguôi.
Nhớ lại Mậu Thân 1968, sau 22 ngày bị VC chiếm giữ, đến ngày thứ 26 Huế hoàn toàn được cứu thoát khỏi cơn tai biến do chính Quân lực Việt Nam Cộng Hoà (QLVNCH), xin tạ ơn các anh, người lính VNCH.
Thế nhưng sau tai ương thảm khốc đó, Huế còn lại gì?
Thân thuộc gia đình, bạn xa, bạn gần, hàng xóm láng giềng gần, xa, bao nhiêu mất mát chia lìa, bao nhiêu tống biệt, bao nhiêu ngậm ngùi xót xa, Huế đều nhận lãnh sau ngày đó.
Sau Mậu Thân Huế chẳng còn gì, có còn chăng là những đổ vỡ điêu tàn trong lòng người và trong lòng cố đô Huế.
Việt Cộng tràn vào Huế khuya ngày mồng một rạng ngày mồng hai Tết Mậu Thân, sau 22 ngày tàn sát dân Huế và gây tang tóc, điêu linh, đổ nát cho Huế, bọn chúng bắt đầu chạy trốn khỏi Huế vào khuya ngày 22/02/1968, khi bị QLVNCH tấn công và đẩy bọn chúng ra khỏi Huế, để lại cho Huế những đau thương cùng cực với 5327 nạn nhân mà chúng đã hạ sát và 1200 người mất tích không còn dấu vết tìm kiếm.
Huế còn lại điêu tàn đổ nát, thành phố đầy rẫy xác người. Từ đường Lê Lợi, đến đường Nguyễn Huệ, trường Thiên Hựu, vùng Dòng Chúa Cứu Thế kéo về đường Duy Tân, qua đường Lý Thường Kiệt, Trần Cao Vân, khu toà Đại Biểu, khu toà Hành Chánh Tỉnh, bệnh viện Trung ương Huế, khu Bưu Điện, Ngân Khố, bị tàn phá nặng nề, đâu đâu cũng thấy xác người, ngay vệ đường, trong lùm cây bụi cỏ, xác người đã sình thối và bắt đầu rữa nát.
Dòng sông An Cựu “nắng đục mưa trong” có 6 cây cầu bắc ngang. Cầu An Cựu nối liền quốc lộ I ra Tỉnh Quảng Trị đã bị phá sập hoàn toàn.
Cầu Kho Rèn, cầu Phủ cam, Cầu Bến Ngự, 3 cây cầu này loang lổ vết đạn pháo binh, đã hư hại đến hơn 70%, không thể xử dụng được nữa, duy chỉ còn cầu Nam Giao nối thành phố lên vùng Từ Đàm Nam Giao, và cầu Ga, nối thành phố lên ga tàu lửa Huế Đà Nẵng, Huế Quảng Trị tương đối còn có thể xử dụng được.
Và cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp ngay giưã lòng thành phố Huế chỉ còn lại năm vài, một đầu vài kia đã chìm xuống dưới dòng sông lạnh.
Chiếc cầu Trang Tiền đối với bất kỳ ai, nếu đã sinh ra và lớn lên tại Huế, cầu Tràng Tiền là một kỷ niệm vui, buồn, khó quên, một phần đời của người Huế. Chiếc cầu đó là một chứng nhân thầm lặng của lịch sử, đã biết bao đổi thay của nhiều triều đại, nhiều thế hệ, của những thăng trầm, những biến động đau thương, mà tổ quốc và dân tộc đã gánh vát còng lưng, và quê hương đã gánh chịu đọa đày, nó không thể gãy vì đó là một hình ảnh một biểu tượng quá sâu trong lòng người Huế, trong lòng những kẻ Huế tha hương, mỗi khi nhắc đến nó, nhớ đến nó lại thổn thức nghẹn ngào, lại nhớ da nhiết, nhớ cuống quít, muốn tìm về chốn cũ quê xưa, nơi có “Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp”, nơi đó là Huế dấu yêu muôn đời. Có thể nói, Cầu Tràng Tiền, dòng sông Hương, núi Ngự Bình và người Huế cả bốn là một.
Cầu được khởi công xây cất từ tháng 5 năm 1889, năm Thành Thái thứ 9, và hoàn tất vào tháng 10 năm 1890, do công ty Eiffel lãnh thầu xây cất với tổn phí 800,000 Fr. Như vậy tính đến nay, năm 2008 cây cầu đã được 119 năm tuổi đời.
Vào lúc khánh thành cây cầu được đặt tên là cầu Thành Thái. Sau bao nhiêu biến đổi thăng trầm của lịch sử và của Huế, cây cầu được đổi tên: Cầu Tràng Tiền.
Tràng Tiền, tên thật đơn giản, vì cây cầu được xây tại vùng Phú Xuân, Thuận Hóa, nơi thuở xưa các đời Chúa Nguyễn có xưởng đúc tiền tại đó, chỉ vậy thôi.
Năm 1946, khi quân đội Pháp tấn công và tái chiếm Huế, Việt Minh rút khỏi thành phố, trong kế hoạch “Tiêu thổ kháng chiến” bọn chúng đã giựt sập một vài cầu Tràng Tiền. Năm Mậu Thân 1968, lần thứ hai, cây cầu lại bị bọn chúng giựt sập.
Vì thế mà Huế trong những ngày tháng tạm yên bình không tiếng súng, đã có những câu hò đối, đáp, vang vọng trên dòng sông Hương vào những đêm khuya trăng sáng trãi dài từ Linh Mụ xuống cầu Bạch Hổ đến Hòang Cung, qua cầu Tràng Tiền xuôi về Đập Đá, ngang qua Vỹ Dạ đến tận thôn Thọ Lộc, tiếng hò nghe như một lời oán trách, não nuột, buồn lạ lùng.
Câu hò đối đi:
Cầu Tràng Tiền bấy nhiêu năm qua lại
Kể từ đời Thành Thái đến nay
Chạnh lòng biết mấy ai ơi
Việc chi nên nỗi dang tay giựt cầu.
Câu hò đáp lại:
Lắm chuyện ly kỳ hỏi làm chi cho tối dạ
Nhịp cầu nghiêng ngả chưa lạ anh ơi
Điện Cần Chánh họ đút họ chơi
Khói bay nghi nghút tạn Trời anh thấy không.
(Ưng Bình – Thúc Dạ Thị)
Khu Quận 2, trung tâm thương mại Huế lại càng điêu tàn và tang thương hơn. Dãy phố nối dài từ bến xe Nguyễn Hoàng xuống đến đường Trần Hưng Đạo, qua đường Phan Bội Châu, đường Hàng Bè, đến khu Gia Hội đường Chi Lăng, khu Trung Bộ, đường Bạch Đằng, đến tận trường trung học Gia Hội, qua khu Bãi Dâu, nhiều cửa tiệm đã xập đổ, nhiều cửa hàng có đến hằng ngàn vết đạn, và đầy những xác người và những mồ chôn tập thể.
Trở vào quận I thành nội Huế, nơi đây trong 22 ngày trận chiến nặng nề nhất, cộng quân đã bị đã bị Quân lực VNCH vây chặt, bọn chúng không còn đường rút lui nên cố phá vòng vây của TQLC Việt Nam Cộng Hòa, Nhảy Dù, Sư Đoàn I BB. Trận chiến cam go và ác liệt, kéo dài nhiều ngày.
Thành nội Huế với những cửa thành: Thượng Tứ, Chánh Tây, Đông Ba, Cửa Trài, khu Kỳ Đài tất cả đều bị tàn phá, sụp đổ nặng nề, có nơi không còn viên gạch nào chồng lên viên nào.
Khu vực Tây Linh, Tây Lộc, đường Hòa Bình, Đinh Bộ Lĩnh cửa Thượng Tứ, cửa Đông Ba tất cả điêu tàn sụp đổ, xác người đã sinh thối.
Tang thương và đau đớn nhất là khu vực Đại Nội, Tử Cấm Thành, một di tích lịch sử của triều đại nhà Nguyễn đã bị phá hủy nặng nề.
Đã hơn 150 năm trước, trong triều đại Vua Minh Mạng, Bà Huyện Thanh Quan hoài vọng nhà Lê đã viết
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương.
(“Thăng Long hoài cổ”, Thơ Bà Huyện Thanh Quan)
Năm 1968 cố đô Huế, Đại Nội, Tử Cấm Thành còn điêu tàn khủng khiếp, rùng rợn hơn Thăng Long ngày xưa ngàn lần.
Và trong những ngày kinh hoàng cơ cực của năm Mậu Thân 1968, dân chúng Huế đã tỵ nạn trên chính ngay thành phố Huế, nơi chôn nhau cắt rốn của họ.
Tất cả các trường Quốc Học, Đồng Khánh, Kiểu Mẫu, Lê Lợi, Thiên Hựu, Thượng Tứ, Hàm Nghi, Dòng Chúa Cứu Thế, nhà thờ Phủ Cam đã là những trại tỵ nạn. hằng ngàn người cho mỗi nơi.
Đàn bà, trẻ thơ, ông già, bà lão, họ kinh hoàng, thất thần, đói khát, ôm nhau để cùng chết, cùng sống trong những giờ phút bi thương đó, khổ nạn đã vút tận trời xanh, cùng cực đã xuống tận đáy sâu, kể sao cho hết, viết sao cho cùng. Ôi! Huế đau thương, Huế đọa đày. Huế địa ngục trần gian có thật của năm Mậu Thân 1968.
Rồi những ngày tháng kế tiếp, Huế trong cảnh điêu tàn còn phải gánh chịu thêm tang tóc chia lìa. Có thể nói hầu như không có gia đình nào không có thân nhân bị VC sát hại hoặc bắt đi, vợ mất chồng, con mất cha, anh em mất nhau, bạn gần, bạn xa, hàng xóm láng giềng vắng bóng. Huế đã sống trong nỗi hy vong mong manh, và niềm đớn đau tuyệt vọng tận cùng. Mọi người đã sống trong khắc khoải chờ đợi người thân trở về, và trong nghẹn ngào, đớn đau, xót xa khi đã tìm ra thân xác của thân nhân nằm chết co quắp bên vệ đường Lê Lợi, Duy Tân, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo Chi Lăng Nhà Bè, Đinh Bộ Lĩnh, Hòa Bình, Ngã tư Anh Danh, Miếu Âm Hồn, chết tức tưởi trong lùm cây bụi bỏ, dưới hố sâu hầm cạn, tại trường Trung học Gia Hội, Bãi Dâu, tại cửa Đông Ba, Thượng Tứ Nhà Đồ, bên bờ khe vực thẳm, dọc theo Khe Đá Mài, Khe Trái, Khe Lụ, tại vùng Lăng Xá Bàu, Lăng xá Cồn, v.v...
Và như như ông Tú Trần Tế Xương đã nói, “Bừng con mắt dậy, ngỡ mình chiêm bao.”
Quả đúng, buổi sáng thức giấc, chợt thấy thành phố Huế phủ một màu tang trắng, hằng đoàn người khăn tang áo chế, theo sau hằng trăm cổ quan tài, u buồn, chậm bước dọc cầu Tràng Tiền theo đường Lê Lợi lên nghia trang Ba Đồn cạnh đàn Nam Giao, nơi mồ chôn tập thể của hàng ngàn nạn nhân vô tội bị bọn quỷ dữ Việt cộng tàn sát.
Còn gì đau thương hơn hỡi trời, hỡi đất, hỡi sông Hương núi Ngự, hỡi Cung miếu triều xưa, hỡi hồn thiêng sống núi, hỡi anh linh tiền nhân sao nỡ đọa dày dân tộc đến tận cùng khổ đau.
Huế trong tình trạng gạo thiếu, nhu yếu phẩm thiếu, điện thiếu, nước thiếu, dân Huế đang quằn quại, cơ cực trong các trại tỵ nạn. Xác người sình thối trong thành phố, và hầu như trong các trại tỵ nạn không nơi nào có nhà vệ sinh cho đồng bào, họ phải tùy cơ ứng biến vì thế không một trại ty nạn nào không toả mùi hôi thứ đó.
Nguy cơ những cơn bệnh truyền nhiểm có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Những ngày này thời tiết lại quá xấu, bầu trời thật thấp, phủ một màu xám, từng cơn mưa phùn trải dài qua thành phố, ngày này sang ngày khác, lạnh cắt da. Ông già, bà lão, trẻ thơ, run rẩy trong chiếc áo mong manh, họ đang bị đói và lạnh trong các trại tỵ nạn.
Huế trong đổ nát điêu tàn, trong đau thương quằn quại, Huế nằm bất động như người bệnh bán thân bất toại tưởng chừng như không bao giờ gượng dậy nổi.
Một số ít người Huế đã nói, “Huế chỉ để mà nhớ, chứ không để mà ở”, và họ đã bỏ Huế ra đi.
Liên Thành
mandag 12. januar 2009
Abonner på:
Legg inn kommentarer (Atom)
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar