lørdag 1. mars 2014

Nạn Trộm Vắp Bùng Phát Sau Tết


Hằng năm, vào những dịp cận Tết cũng là lúc nạn trộm cắp bùng phát, lúc này, giới đạo chích túng quẫn, cần tiền ăn Tết nên thả sức hoạt động. Đó là chuyện của nhiều năm trước, còn trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong dịp Tết Giáp Ngọ, phường đạo chích chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp hoạt động mạnh vào dịp cận Tết, nghỉ Tết vài ngày, đến Mồng Hai Tết lại hoạt động rầm rộ, người dân miền Nam nói chung và thành phố Sài Gòn nói riêng trở tay không kịp, có rất nhiều gia đình dở khóc dở cười trong những ngày đầu năm.

Chỉ cần quên khóa xe trong vòng chưa đầy 10 giây, tức khắc chiếc xe bị bốc hơi, đi đâu về, vào nhà nhưng quên khóa cửa, nếu lỡ có việc cần xuống bếp gấp gáp, chưa đầy hai phút sau quay lên, đã thấy nhà cửa trống hoác, chiếc xe dựng trong nhà không cánh mà bay, cái tivi hoặc chiếc đầu đĩa cũng bay theo nốt. Điều này cho thấy rằng mật độ kẻ trộm ở thành phố Sài Gòn có thể dày tương đương hoặc nhiều hơn cả nhân viên an ninh. Bọn kẻ trộm luôn rình rập và túc trực trong khu phố, quan sát từng cử động của mỗi nhà để ra tay.
Mặc dù người dân hằng năm vẫn phải đóng tiền cho quỹ an ninh trật tự nhưng chuyện trộm cắp rình rập thì đèn nhà ai nấy sáng, thân ai người nấy lo. Công an, dân phòng chỉ đóng vai trò làm kiểng trong chuyện trộm cắp, thậm chí họ chỉ gây phiền hà mỗi khi có trộm. Vì khi bị mất trộm, người dân đến báo cơ quan công an, họ lập biên bản, giữ nạn nhân ở lại làm thủ tục khai báo đủ các thứ để rồi xếp hồ sơ vào ngăn kéo, suốt năm này qua năm khác, chẳng thấy kết quả gì ngoài mấy dòng chữ đã ghi trong biên bản mất trộm, của mất vẫn cứ mất.

Chỉ riêng từ Mồng Hai Tết đến nay, những người dân trên đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, Sài Gòn đã liên tiếp bị mất cắp. Vì ngày Tết, không thể khóa cửa im ỉm suốt ngày được, phải mở cửa để đón bạn bè, họ hàng đến thăm, chúc Tết. Đây cũng là cơ hội tốt nhất để phường đạo chích ra tay. Vì lúc này, cả khu phố rơi vào tình trạng bất cẩn và dễ bị nhầm. Nhiều khi nhìn thấy trợm vào nhà hàng xóm, cứ tưởng là khách đến thăm Tết, đến khi chúng rinh đồ đi mất, chủ nhà truy hô thì mới biết đó là kẻ trộm.

Hơn nữa, với tâm lý nhà ai nấy biết, tình làng nghĩa xóm hoàn toàn không có nên việc kẻ trộm vào nhà này, nhà kia nhìn thấy mà không truy hô vì sợ chúng đến trả thù cũng là một điểm yếu mà kẻ gian biết được và khai thác triệt để trong vòng nhiều năm nay. Người dân Sài Gòn này nói thêm là hôm Mồng Hai Tết, nhà ông mất một chiếc xe Honda Air Blak đời mới nhất và chiếc ví có chứa gần mười triệu đồng cùng một số giấy tờ tùy thân chỉ vì ông ngồi ở phòng khách uống bia, một lúc hơi tức bụng, ông vào toilet chưa đầy 5 phút, khi quay ra, ông tá hỏa nhận ra là mình đã quên đóng cửa nhà và kẻ trộm đã bẻ khóa cổng, vào nhà dắt mất chiếc xe cùng chiếc ví bỏ trong cốp xe.

Chuyện trộm cắp lộng hành trong ba ngày Tết ở Sài Gòn nghe ra đã quen thuộc như cơm bữa và cái Tết ở đây, thay vì mở toang cửa để đón bạn bè, người ta chỉ còn biết im ỉm đóng cửa đề phòng mọi thứ nếu không muốn thành quả lao động cả năm của mình đi sạch vì Tết.

Không chỉ lấy cắp những thứ có thể bán kiếm tiền ngay, mà ngay cả giấy tờ, kẻ trộm cũng dám lấy nếu gặp cơ hội, sau đó chúng sẽ gọi điện thoại hẹn địa điểm để chuộc với giá tiền có thể chấp nhận được. Những trường hợp như thế, người dân không dám báo công an vì sợ gây thù chuốc oán với chúng. Hơn nữa, nếu có báo công an cũng chưa chắc đã được gì, chính vì thế, kẻ trộm ở Sài Gòn càng ngày càng lộng hành và hung tợn. Đôi khi, có cảm giác như dân kẻ trộm xem Sài Gòn là chốn không người, muốn tác oai tác quái cỡ nào thì tùy thích.

Những ngày Tết và sau Tết, do kinh tế xuống cấp, do đói khổ và vả độ sau những canh bạc, kẻ trộm tha hồ ra tay, tha hồ lộng hành ở Sài Gòn.
 
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt nam.



Ingen kommentarer: