tirsdag 18. mars 2014

Biển Đông Coi Như Đã Mất

 
Hoa Kỳ có mặt ở Biển Đông hay không, Hoàng Sa, Trường Sa.
Vịnh Bắc Việt cũng về tay TC qua Luật Biển LHQ nếu VC còn cầm quyền.

Lời Thưa: Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam, về phương diện lịch sử, địa lý, hành chính và pháp lý ; hai quần đảo này đều nằm trọn trên thềm lục địa mở rộng của VN và theo Luật Biển LHQ thì chủ quyền của nước ven biển đối với thềm lục địa là tuyệt đối. TC biết rõ điều này hơn ai hết vì nếu không, TC đâu cần phải dùng võ lực xâm chiếm Hoàng Sa Trường Sa, vừa vi phạm Hiến Chương LHQ và Công Pháp Quốc Tế, vừa sớm muộn gì cũng sẽ phải trả lời trước Toà Án Quốc Tế về hành vi xâm lược này. Mặt khác, nếu công hàm ngày 14/09/1958 VC giao Hoàng Sa Trường Sa cho TC mà có “giá trị pháp lý” thì TC cũng đã đem vấn đề chủ quyền hai quần đảo này ra trước Toà Án Quốc Tế rồi, chứ đâu có để yên cho vài “tiểu quốc” dám “chiếm đóng” đảo, bãi của TC rồi đàm phán song phương với đa phương, vào lúc mà “thiên triều” hung hăng điên cuồng và thèm muốn Biển Đông như lúc này ?

Giới trí thức hay nghiên cứu đứng đắn TC cũng biết rõ công hàm 14/09/1958 VC là bất hợp pháp như Tiến Sĩ Lo Chi-Kin từng thú nhận: “Bắc Kinh không bao giờ dám đưa những tranh chấp về hải đảo tại Biển Đông ra trước các cơ quan trọng tài quốc tế”.

1. Giới cầm quyền ở Trung-Nam-Hải càng biết rõ như vậy nên mới phải thúc ép Hà Nội bày ra việc phân định lại Vịnh Bắc Việt ký hiệp ước ngày 25/12/2000, khiến VN mất 20 ngàn km2 vùng Vịnh Bắc Việt, bao gồm cả Hoàng Sa. Nhưng công hàm 14/09/1958 thì vẫn vô hiệu mà hiệp ước 25/12/2000 thì phải dấu kín, vì VN thua thiệt quá nhiều, không dám công bố, nên nhân việc LHQ cho mở rộng thềm lục địa ngoài 200 hải lý, Hà Nội đã nộp LHQ hai hồ sơ ngày 06 và 07/05/2009, với lý do mở rộng thềm lục địa VN, nhưng thực ra là giới hạn ở 200 hải lý để gạt Hoàng Sa Trường Sa ra ngoài hải phận VN với ý đồ giao cho TC qua Luật Biển LHQ.
Trước và sau khi nộp hai hồ sơ cho LHQ, để che dấu gian ý và đánh lạc hướng dư luận, Hà Nội đã tung đủ thứ tin tức xung quanh vấn đề Biển Đông và tổ chức Hội Thảo, không ngoài mục đích tung hoả mù để mọi người không chú ý tới hai cái hồ sơ vô cùng tai hại cho VN của Hà Nội.
Ngày 10/12/2009, Hà Nội tổ chức Hội Thảo về Biển Đông ở Hà Nội và tuyên bố: “VN đã nộp báo cáo cho Uỷ Ban Thềm Lục Địa để bảo vệ quyền của VN đối với thềm lục địa ngoài 200 hải lý”.

 2. Sự thực trái ngược, theo học giả Vũ Hữu San, chuyên về Biển Đông: Nếu xem hải-đồ do Hà Nội vẽ để nộp LHQ, chúng ta sẽ thấy: 3/4 biển Hoàng Sa nằm trong hải phận TC; VN chỉ còn 1 đảo độc nhất là Tri Tôn trong số trên 100 đảo của nhóm Hoàng Sa; 4/5 biển Trường Sa không còn trong hải phận VN; VN chỉ còn đảo Trường Sa nổi và 2 đảo chìm, trong số hơn 100 đảo nổi, chìm của nhóm Trường Sa”.
Sau Hội Thảo Biển Đông ở Paris ngày 27/02/2010 không thành, Hà Nội lại vừa mới bày trò Hội Thảo Biển Đông ở Phidelaphia, Hoa Kỳ, với sự tiếp tay của một vài “Việt-kiều yêu nước” đến từ Âu Châu, nên không ai ngạc nhiên khi nhân vật chủ chốt của Hội Luận Philadelphia đã trắng trợn xuyên tạc lịch sử trên BBC : “Không thể nói chắc rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam!”.

Như thế, việc “hiến đất dâng biển” cho TC để đền ơn và để được bảo kê cho việc toàn trị đất nước rõ ràng là chủ trương của Đảng CSVN từ hơn nửa thế kỷ nay. Chủ trương “bán nước cầu vinh” này hoàn toàn phù hợp với sách lược bành trướng của Đảng CSTH. Tập đoàn cầm quyền Hà Nội hiện nay đang làm nhiệm vụ hoàn tất hay “hợp pháp hoá” những gì hai Đảng đã thoả thuận ngầm, hay ký kết bất hợp pháp mà thôi. Nói khác đi, Việt Nam sẽ mất Hoàng Sa Trường Sa và phần lớn Vịnh Bắc Việt về tay TC qua Luật Biển LHQ nếu VC còn tiếp tục cầm quyền. Những gì xảy ra lâu nay xung quanh vấn đề Biển Đông đều chỉ là những hoả mù, để Hà Nội và Bắc Kinh hoàn tất sách lược của chúng mà thôi.

Do đó, xin đừng thổi phồng quá đáng vai trò Hoa Kỳ ở Biển Đông, đặc biệt là sau tuyên bố của bà Hillary Clinton ở Hà Nội ngày 24/07/2010? Đừng quên Hoa Kỳ nhập cuộc trước hết vì quyền lợi của chính Hoa Kỳ! Quyền lợi thì TC sẽ sẵn sàng “chia sẻ” vì “của người phúc ta” và rốt cuộc chỉ VN là thua thiệt ! Hay cho dù có “thực tâm” và vì những “gì gì” như bà Clinton đã nói thì liệu Hoa Kỳ [và khối ASEAN] sẽ làm được gì khi Hoa Kỳ đứng ngoài [vì không phải là thành viên Luật Biển LHQ], trong lúc VC và TC gần như “thao túng” Uỷ Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa là cơ quan có thẩm quyền thông qua hai hồ sơ Hà Nội về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và Vịnh Bắc Việt hay phần lớn Biển Đông ?

Người viết tin rằng bài viết dưới đây sẽ chứng minh được những nhận xét trên đây.

Thông Cáo của LHQ:
 
Ủy Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa LHQ (Ủy Ban) kết thúc khoá họp thứ 24 về Thềm Lục Địa “mở rộng” (Extended Continental Shelf) ngoài 200 hải lý tại trụ sở LHQ, New York, ngày 11/12/2009. Thông Cáo (3) hay bản tường trình rất dài của Uỷ Ban (Statement of Commision CLCS/64) được phổ biến trên trang nhà “UNCLOS”, người viết xin tóm lược một số điều cần biết hay liên quan tới Biển Đông và Việt Nam dưới đây.
1. Uỷ Ban cho biết đã nhận được 35 hồ sơ mới của 41 nước ven biển nộp cho khoá họp thứ 24, từ 10/08/2009 đến 11/09/2009. Tuy là khoá họp thứ 24 nhưng là khoá họp đầu tiên của Uỷ Ban về thềm lục địa mở rộng, sau hạn kỳ nộp đơn 10 năm do LHQ quy định, tính từ 13/05/1999 đến 13/05/2009. Uỷ Ban chưa giải quyết được gì về 35 hồ sơ mới này, trong đó có 2 hồ sơ của Hà Nội nộp ngày 06 và 07/05/2009.
Uỷ Ban dành gần hết khoá họp để giải quyết 5 hồ sơ cũ [của Pháp, Barbados, Anh+North Ireland, Indonesia, Nhật] tồn đọng từ các khoá họp trước. Cả 5 hồ sơ này đều đã được các Tiểu Ban [Sub-Commission] thành lập từ các khoá họp cũ cứu xét và đề nghị khuyến cáo, nhưng Uỷ Ban chỉ giải quyết dứt điểm được hồ sơ của Pháp. Bốn hồ sơ cũ còn lại, Uỷ Ban có giải quyết được thì sớm nhất cũng là năm 2010 hay 2011.
Tuy nhiên, Uỷ Ban đã nghe đại-diện 18 nước trình bày về 15 hồ sơ mới xin “mở rộng” thềm lục địa, trong số này đại diện Hà Nội đã trình bày về hồ sơ nộp ngày 06/05/2009 liên quan tới Nam Biển Đông và Trường Sa và hồ sơ ngày 07/05/2009 liên quan tới Bắc Biển Đông và Hoàng Sa và Vịnh Bắc Việt.

2. Về Thủ Tục Cứu Xét hồ sơ, muốn mở rộng thềm lục địa ngoài 200 hải lý, nước ven biển phải nộp hồ sơ cho Uỷ Ban; hồ sơ gồm các bản đồ kỹ thuật với toạ độ và cách tính tọa độ để quy định đường ranh thềm lục địa ngoài 200 hải lý theo Luật Biển. Tổng Thư Ký LHQ phải thông báo bằng văn bản cho các nước hội viên Luật Biển khi nhận được hồ sơ và văn bản này cũng phải được phổ biến trên trang nhà UNCLOS.
Để giải quyết 1 hồ sơ, Uỷ Ban trước hết phải chỉ định 1 Tiểu Ban gồm 7 người để xem xét. Tiểu Ban họp riêng khi xem xét hồ sơ và có thể yêu cầu nước nộp hồ sơ cung cấp thêm tài liệu hoặc thay đổi hồ sơ, nếu cần. Tiểu Ban phải cho nước liên hệ biết kết luận về hồ sơ của Tiểu Ban và phải đọc cho nước này biết các khuyến cáo [Recommendations] của Tiểu Ban trước khi đệ trình Uỷ Ban.
Trong lúc Uỷ Ban hội họp để duyệt xét các khuyến cáo do Tiểu Ban đệ trình, nước liên hệ có quyền trình bày quan điểm của mình về khuyến cáo của Tiểu Ban. Uỷ Ban cũng có thể yêu cầu nước liên hệ thay đổi một phần hay toàn bộ hồ sơ cho phù hợp với Luật Biển LHQ. Nếu Uỷ Ban không có ý kiến khác thì khuyến cáo của Tiểu Ban sẽ là quyết định của Uỷ Ban và quyết định này có giá trị chung quyết và ràng buộc nước liên hệ.
3. Uỷ Ban hiện nay do Đại Hội Đồng các nước hội viên Luật Biển bầu ra ngày 15/06/2007, gồm 21 ủy viên, với nhiệm kỳ 5 năm, từ 16/06/2007 đến 15/06/2012. Như thế, Ủy Ban chỉ có thể thành lập tối đa 3 Tiểu Ban; do đó việc giải quyết hồ sơ rất chậm, thường mất nhiều năm. Hồ sơ của Brazil nộp ngày 17/05/2004, Uỷ Ban giải quyết ngày 09/04/2008, mất 4 năm ; hồ sơ Barbados nộp ngày 08/05/2008, Uỷ Ban hẹn sẽ giải quyết vào năm 2010 ; hồ sơ Cuba nộp ngày 01/06/2009, Uỷ Ban quyết định năm 2030 mới giải quyết, tức 20 năm nữa.
Như thế, nếu không có gì đặc biệt xảy ra, hai hồ sơ của Hà Nội có được Uỷ Ban giải quyết cũng phải 5, 7 năm nữa, thời gian đủ để TC xây dựng Hoàng Sa, Trường Sa thành các căn cứ đồ sộ và rất có thể còn trở thành các địa điểm du lịch quốc tế, đặt mọi việc vào “sự đã rồi” hay “thực tế lịch sử” rất khó giải quyết, cho dù khi đó công lý có đứng về phía VN hậu cộng sản.
4. Tóm lại, Hà Nội ở lợi thế cầm quyền và hội viên Luật Biển LHQ nên đã được Uỷ Ban thông qua hai hồ sơ bước đầu và Hà Nội cũng có quyền hay rất có thể đã sửa đổi hay thậm chí thay đổi toàn bộ hồ sơ sau khi nộp (nên mới được cứu xét dù bị phản đối lúc đầu). Trong số 21 thành viên của Uỷ Ban đương nhiệm (và quyền hành còn kéo dài tới năm 2012) có đại diện của Nga, Trung Cộng và Bắc Hàn, là một lợi thế khác của Hà Nội. Hà Nội biết rất rõ những điều trên đây và đang khai thác tối đa để hoàn tất những gì hai Đảng CS này đã thoả thuận ngầm từ bao năm nay, cụ thể là Hà Nội đang toan tính bàn giao Hoàng Sa, Trường Sa và phần lớn Vịnh Bắc Việt cho Bắc Kinh qua chính Luật Biển LHQ. 
 
Luật Biển LHQ và Biển Đông:
 
1. Để có một nhận định chính xác về 2 hồ sơ của Hà Nội, trước hết cần lưu ý một số điều sau đây :
- Ngày 13/05/2009 là hạn kỳ chót để các nước ven biển nộp hồ sơ mở rộng thềm lục địa đến tối đa 350 hải lý theo Luật Biển LHQ, không phải là ngày chót để xác định Vùng Đặc Quyền Kinh Tế 200 hải lý.
- Việc Hà Nội bỏ phí suốt 10 năm [từ 13/05/1999 đến 07/05/2009] và chỉ còn vài ngày là hết hạn mới nộp 2 hồ sơ là một dấu hiệu cần phải lưu ý.
- Ai cũng biết hiện nay Đảng CSVN hoàn toàn lệ thuộc vào Đảng CSTH; do đó nếu không có sự đồng ý hay dàn dựng của Bắc Kinh thì Hà Nội không khi nào dám nộp hồ sơ.
2. Theo Luật Biển LHQ, Vùng Đặc Quyền Kinh Tế rộng 200 hải lý thuộc chủ quyền tuyệt đối và đương nhiên của các nước ven biển, không cần phải đăng ký.
- Nếu xảy ra tranh chấp ở vùng này thì có thể nhờ Toà Án Quốc Tế Hamburg hay Toà Án Quốc Tế La Hague phân xử hoặc đưa ra trước Hội Đồng Bảo An LHQ nếu có xâm lăng.
- Hà Nội ký Luật Biển ngày 10/12/1982, phê chuẩn ngày 25/07/1994, tức rất sớm tất biết rõ như trên. Khi Trung Cộng lấn chiếm Vùng Đặc Quyền Kinh Tế 200 hải lý, bắn giết ngư dân VN hành nghề hợp pháp trong vùng và xâm lăng Trường Sa, Hà Nội có trách nhiệm phải đưa vấn đề ra trước các cơ quan thẩm quyền để phân xử, trừ khi đã thoả thuận ngầm với Bắc Kinh nên Trung Cộng mới lộng hành như vậy.
- Luật Biển LHQ rất phức tạp, ngoài 320 điều khoản, 9 phụ bản, còn có những thoả thuận riêng. Việc gì Luật Biển LHQ không quy định thì giải quyết theo tập tục và qui tắc tổng quát của Luật Quốc Tế.
3.Biển Đôngrộng gần 1 triệu 100 ngàn hải lý vuông, Vịnh Bắc Việt chiếm hơn 1/3 diện tích Biển Đông, VN nằm sát bên Biển Đông và bờ biển dài 3260 km, trải qua 13 vĩ độ, từ vĩ độ 21 N đến vĩ độ 8 N.
- Vì bờ biển VN rất dài [so với diện tích đất liền] nên Vùng Đặc Quyền Kinh Tế 200 hải lý của VN có diện tích gần gấp 2 diện tích 329600 km2 đất liền.
- Nếu Thềm Lục Địa VN mở rộng ra 350 hải lý theo quy định của Luật Biển LHQ thì hải phận VN (rộng gấp 4 lần đất liền và) sẽ bao gồm luôn Hoàng Sa Trường Sa vì khi đó hai nhóm đảo này nằm gần trọn trên Thềm Lục Địa “mở rộng” 350 hải lý của VN.
- Hai nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ có một phần nhỏ nằm cách bờ biển VN 200 hải, hầu hết các đảo của hai nhóm này đều nằm rất xa ngoài khơi, có nơi cách bờ biển VN tới 400 hải lý. Hà Nội biết rõ điều này nên việc không xin mở rộng thềm lục địa VN ra 350 hải lý là phải có ý đồ ? Phải chăng đã đến lúc Bắc Kinh tăng tốc chiếm Biển Đông và buộc Hà Nội phải “hợp pháp hoá” những gì hai đảng CS đã thoả thuận ngầm từ lâu, trong đó hiệp ước về Vịnh Bắc Việt 25/12/2000 là mục tiêu chính ?
 
Hồ sơ ngày 06/05/2009 của Hà Nội và Trường Sa:
 
1.Ngày 13/05/2009 là ngày chót để nộp hồ sơ về Thềm Lục Địa “mở rộng” (Extended Continental Shelf) ra ngoài 200 hải lý và đến tối đa 350 hải lý mà VN có đầy đủ điều kiện theo Luật Biển để được hưởng, không phải để đăng ký Vùng Đặc Quyền Kinh Tế (Exclusive Economic Zone) 200 hải lý (5) & (6).
Theo Luật Biển, Vùng Đặc Quyền Kinh Tế 200 hải lý là vùng biển mà các nước ven biển đương nhiên được hưởng, không phải đăng bộ. Thế nhưng, hồ sơ ngày 06/05/2009 của Hà Nội không những không xin mở rộng thềm lục địa mà còn giới hạn hải phận VN ở mức 200 hải lý và cố ý gạt nhóm đảo Trường Sa ra ngoài thềm lục địa VN.

2. Vẫn theo Luật Biển, Uỷ Ban sẽ không cứu xét nếu hồ sơ có sự phản đối hay tranh chấp. Hai hồ sơ của Hà Nội đều bị Trung Cộng và Phi Luật Tân phản đối nhưng vẫn được Uỷ Ban cứu xét và rất có khả năng sẽ được Uỷ Ban thông qua. Vì sao ? Đây chính là “kẽ hở” của Luật Biển LHQ qua ‘Thủ Tục Cứu Xét” hồ sơ [được tóm lược trên đây] mà cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh đều đã nhận ra và lợi dụng nên mới có việc Hà Nội “dám” nộp hồ sơ về Biển Đông cho LHQ, tức “quốc tế hoá” hay “pháp lý hoá” là những “khắc tinh” đối với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông xưa nay.
3. Trung Cộng ký Luật Biển LHQ ngày 10/12/1982 và phê chuẩn ngày 07/06/1996 nhưng chưa bao giờ tôn trọng Luật Biển LHQ. Trung Cộng còn tự ban hành Luật Biển riêng và bản đồ lưỡi bò chiếm 80 % Biển Đông, bất chấp quy định của Luật Biển.
- Bản đồ lưỡi bò lấn sát bờ biển VN, có nơi chỉ cách bờ biển VN 40 hải lý, chạy dài xuống tận đảo Natuma, Nam Dương, tức cách xa lục địa Trung Hoa khoảng 1000 hải lý, trong lúc Luật Biển quy định Thềm Lục Địa mở rộng không được qúa 350 hải lý.
- Trung Cộng không nộp hồ sơ cho Uỷ Ban là cơ quan được uỷ nhiệm về vấn đề thềm lục địa mở rộng và chỉ cho đại diện tại LHQ gửi công hàm ngày 08/05/2009 cho Tổng Thư Ký LHQ để yêu cầu Uỷ Ban không cứu xét hồ sơ của VN mà thôi. Kèm với công hàm là bản đồ Lưỡi Bò vì Trung Cộng biết chắc rằng nếu chính thức gửi cho Uỷ Ban thì sẽ bị bác bỏ vì cái bản đồ quái đản này không theo một quy tắc nào của Luật Biển LHQ cả.

4. Uỷ Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa không có thẩm quyền phân định ranh giới biển. Nguyên tắc của Uỷ Ban là khuyến khích các nước liên hệ tự giải quyết việc phân ranh với nhau. Trong suốt tiến trình giải quyết một hồ sơ về thềm lục địa, Uỷ Ban luôn luôn phải tham khảo ý kiến của các nước liên hệ [như đã trình bầy trong phần Thủ Tục Cứu Xét Hồ Sơ, ở trên]. Nếu có tranh chấp giữa 2 hay nhiều nước, Uỷ Ban có thể không chấp thuận hồ sơ của cả 2 hay nhiều nước.
Ngoài ra, tuy các nước liên hệ còn có quyền đưa vấn đề ra trước Toà Án Quốc Tế, nhưng đưa ra Toà Án Quốc Tế La Hague (1945) thì cũng như không, chẳng giải quyết được gì vì theo quy chế của Toà này thì hai bên tranh tụng có quyền “không thi hành” phán quyết của Toà dù chính họ nhờ Toà phân xử. Trái lại, phán quyết của Toà Án Quốc Tế Hamburg (1996) chuyên về Luật Biển có gía trị chung quyết và các bên tranh tụng phải chấp hành. Hà Nội có dám tiến tới hay không ? Điều này rất khó xảy ra lúc này vì ai cũng biết đảng CSVN hiện nay hoàn toàn lệ thuộc đảng CSTH. Bắc Kinh bảo sao thì Hà Nội cúi đầu làm vậy.
 
Hồ sơ ngày 07/05/2009 của Hà Nội và Hoàng Sa:
 
1. Ngày 07/05/2009, Hà Nội nộp Uỷ Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa hồ sơ liên quan đến phía Bắc Biển Đông, tức liên quan đến Vịnh Bắc Việt và quần đảo Hoàng Sa. Tuy lời mở đầu hồ sơ này có nói Hoàng Sa và Trường Sa là của VN và nói tới việc “mở rộng” Thềm Lục Địa VN ra ngoài 200 hải lý nhưng phần chính văn bản thì lờ đi không đề cập gì tới Hoàng Sa nữa và điều quan trọng là bản đồ kỹ thuật kèm theo hồ sơ thì đường ranh 200 hải lý đột ngột dừng lại ở vĩ độ 15 N khi vừa đụng tới nhóm đảo Hoàng Sa, với lý do vùng trên vĩ độ 15 N này đã “được giải quyết” giữa Hà Nội và Bắc Kinh.

- Đường ranh 200 hải lý này cũng được vẽ không chính xác; Hà Nội cố ý vẽ đường ranh này nhô lên tận vĩ độ 16 N, trong lúc theo hồ sơ viết thì đường ranh này dừng lại ở vĩ độ 15 N 067, tức chỉ nhô khỏi vĩ độ 15 N một chút, chứ không thể tới vĩ độ 16 N được.
- Vùng biển Hà Nội xin “mở rộng” ra ngoài 200 hải lý trong hồ sơ 07/05/2009 có hình tam giác ngược, đỉnh nhọn ở phía dưới (ở vĩ độ 10 N 798), cạnh đáy hơi nghiêng nằm chếch ngang phía trên (cạnh phía Đông có đỉnh ở vĩ độ 15 N 067, cạnh phía Tây có đỉnh ở vĩ độ 15 N 200).
- Đỉnh hình tam giác ngược này cách xa quần đảo Trường Sa như cố tránh đụng nhóm đảo Trường Sa, cạnh đáy nằm chếch ngang ở phía trên khi chớm đụng nhóm đảo Hoàng Sa là dừng lại, trong lúc nhóm đảo Hoàng sa trải dài từ vĩ độ 15 N lên hết vĩ độ 17 N.
- Rõ ràng là Hà Nội cố ý gạt cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa ra ngoài vùng biển hình tam giác ngược mà Hà Nội nói là xin mở rộng. Hay nói khác đi, Hà Nội có xin mở rộng thềm lục địa VN ra ngoài 200 hải lý một chút (qua hồ sơ ngày 07/05/2000), nhưng vùng biển xin mở rộng hình tam giác ngược này chỉ là một vùng nước biển, dưới tránh đụng Trường Sa, trên né chạm Hoàng Sa; tức chẳng ảnh hưởng gì tới hai quần đảo này hay có đụng chạm đôi chút đến nhóm Trường Sa thì chỉ là vài đụn hay đá rất ít giá trị.

Gò Công.

Ingen kommentarer: